Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Masai Mara - thiên nhiên tuyệt vời ở châu Phi


Masai Mara, khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng thế giới như tràn ngập các loài động vật hoang dã, nơi mà ngày ngày giữa các loài luôn diễn ra cuộc đấu tranh cho sự sống còn, “ăn hoặc bị ăn” và đây cũng thực sự là lý do cho chuyến đi châu Phi của chúng tôi.
Nằm vắt ngang biên giới hai nước, Masai Mara ở bên phần đất Kenya và Serengeti, bên phần đất Tanzania, là khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng thế giới về cuộc sống đầy sôi động của họ nhà mèo mà chúng ta quen gọi là sư tử, hoặc đàn anh số một trong Năm ông lớn của rừng châu Phi (4 ông còn lại là báo, voi, tê giác và trâu rừng).

Chúng tôi đã thấy hàng chục con sư tử đang ngủ gà ngủ gật lúc buổi trưa hoặc trong trạng thái lờ đờ dưới gốc cây to hiếm hoi phủ bóng râm ở giữa cánh rừng savanna rộng mênh mông ngút tầm mắt. Chúng chỉ năng nổ săn mồi vào ban đêm khi nhiệt độ xuống thấp, nhưng lại tỏ ra lười nhác và ngủ vào ban ngày. 

Mãi cho đến gần cuối hai ngày lang thang trong công viên rộng lớn ở bên lãnh thổ Kenya, chúng tôi mới nhìn thấy một con báo. Mà đó là nhờ “cặp mắt tinh tường” của một anh giám đốc công ty lữ hành nọ khi còn nhỏ là tay bắn chim nổi tiếng ở Đà Lạt. Nằm giữa những tán lá xanh trên một nhánh cây cao to, chỉ có đôi mắt tinh tường mới nhận ra bóng dáng của chú báo đã hoàn toàn trưởng thành với cái đuôi dài buông thỏng xuống khỏi nhánh cây, hoàn toàn thoải mái, tự tin. Rừng là không gian sống tự nhiên của nó, tổ tiên nó từ ngàn xưa.


Một “ông lớn” đang treo mình trên cao Công viên quốc gia rộng 1.500 km2 cũng nổi tiếng với đồng cỏ rộng, bốn phương đều thấy như vô tận, gợi lên cảm xúc của sự tự do và hùng vĩ. Giữa đất trời mênh mông, chúng tôi nhìn thấy một đàn voi có kích thước chỉ như những con bọ rùa và ở phía bên kia, những con hươu cao cổ trông tựa như que tăm xỉa răng cắm nghiêng nghiêng.

Trong cuộc hành trình, chúng tôi thức dậy và lên đường lúc rạng đông, để xem loài thú nào thức giấc vào thời điểm đó trong ngày. Tuy nhiên từ trên chiếc xe đang di chuyển, máy ảnh của tôi đã không ghi được chính xác cảnh tượng không thể nào quên: một con hươu cao cổ đang ngồi đơn độc (tôi không biết chúng có thể ngồi), nhìn chằm chằm vào mặt trời đang ló dạng giữa cảnh trời mờ sương sớm. 

Trong sáng hôm đó chúng tôi cũng tình cờ biết được việc bài tiết của động vật và mùa giao phối trong tự nhiên. Sau khi nhìn thấy các chi tiết bộ xương một con ngựa vằn, tôi không còn chút nghi ngờ nào việc chúng là thành viên trong gia đình họ ngựa. 


Sư tử ăn no ngủ kỹ và tỏ ra lười nhác nhưng sẵn sàng giết con mồi để sinh tồn Chúng tôi đến gần một con trong bầy voi đang băng qua đường và đã giật mình khi nó bỗng nhiên rống lên làm tôi liên tưởng đến hình ảnh quảng cáo nhang chống muỗi ngày trước. Dưới dòng sông Mara, những con hà mã và cá sấu chỉ nằm cách nhau vài mét, có vẻ như chúng cùng chung sống trong hòa bình. 

Chúng tôi còn bắt gặp một màn trình diễn chiến lược tự vệ thật tuyệt vời. Để nghỉ ngơi, 10 con trâu đã chọn địa điểm giữa một không gian rộng, chúng nằm bên nhau tạo thành một vòng tròn và mỗi con trông về một hướng để có thể nhìn bao quát từ xa và sẽ báo động nếu phát hiện bất kỳ con thú ăn thịt nào đang đến gần. Chà! Thậm chí tôi cũng không thể nghĩ ra điều đó.



Tê giác là loài thú quí hiếm đang bên bờ vực tuyệt chủng ở châu Phi Một con linh cẩu bỗng dừng gần xe của chúng tôi và đứng sựng lại đó như thể cố gắng làm hình mẫu cho trang bìa của một tạp chí thiên nhiên. Chúng tôi từng nghe nói về loài “chó biết cười”. 

Bạn có biết tiếng kêu của một con linh cẩu nghe thế nào? Đầu tiên, bạn cười to, sau đó ngậm miệng lại và tiếp tục cười khi miệng vẫn ngậm… Đó chính là tiếng kêu của linh cẩu. Ít nhất là một lần chúng tôi đã nghe nói về những người hướng dẫn viên săn bắn huyền thoại có thể ngửi và cảm nhận được nơi có loài thú đang hiện diện. Thật tuyệt vời nếu được đi cùng một người như vậy. Dường như tự bản thân người hướng dẫn chúng tôi cũng có vài giác quan đặc biệt. 

Lái xe dọc theo bờ sông Mara, chúng tôi băng qua một đàn khoảng 200 con ngựa vằn. Đa số chúng đang lo gặm cỏ, một số nhìn chằm chằm vào phía bên kia sông. Anh hướng dẫn nói, “Chúng sẽ qua sông bất cứ lúc nào, hãy chờ một lát”. “Một lát” của anh ta dài cả tiếng đồng hồ. Chiếc xe duy nhất thuộc đoàn săn khác cũng đã đi. Người hướng dẫn giúp chúng tôi thêm kiên nhẫn đến khoảnh khắc loài động vật móng guốc di chuyển hướng về con sông. Tuy nhiên động cơ chính khiến chúng tôi ở lại là bốn con cá sấu nằm bất động giữa sông, chỉ ló lên mỗi khuôn mặt trần trụi, mắt chúng dán chặt vào những con thú màu sọc vằn. 


Từng con ngựa vằn băng qua suối nhưng rất “cảnh giác” và trông chừng cá sấu. Sau khi hai con ngựa vằn uống nước quay trở lại, đàn ngựa đi thành hàng lội qua sông, bầy cá sấu ngấm ngầm tiến đến gần và một con bất thần lao đến tấn công vào bụng con ngựa vằn. Tôi chỉ có thể kêu thầm vì dù sao chúng tôi không được gây ra bất kỳ tiếng động nào. 

Một cách vô thức, tôi giằng mạnh chiếc máy quay video và đã không thể ghi hình lại cú đớp đầu tiên. Từ đó trở đi, tôi giữ nó bằng cả hai tay. Những con ngựa vằn dưới nước cảnh báo những con khác bằng tiếng kêu đau đớn. Tuy bị đe dọa, nhưng cả đàn ngựa vẫn tiếp tục qua sông, các sinh vật dường như biết cá sấu chỉ có khả năng đối phó với vài con kém may mắn. Bầy ngựa phi nhanh trong hoảng loạn, mặc cho nước bắn tung tóe và vết cắn bên sườn. Cuối cùng, tất cả đã sang bờ bên kia, còn lại dòng sông loang loáng máu. 

Người hướng dẫn cho chúng tôi biết những con ngựa vằn bị thương sẽ có thể chết do nhiễm trùng và cá sấu cũng phải trả giá cho cuộc chơi của mình. Một vết thương trên đầu hoặc vùng mắt do móng ngựa gây ra có thể gây thương tật hoặc thậm chí khiến cá sấu phải chết. Vì vậy, gần như có những suy nghĩ đối nghịch giữa sự hứng thú và nỗi đau đớn.


Xe chở khách đi săn ở Masai Mara Những cảnh tượng mang đến cho chúng tôi một cái nhìn sâu sắc hơn về “tính bầy đàn” và câu nói “không ai bị bỏ lại phía sau”. Không giết con thú nào trong chuyến đi săn của mình, nhưng chúng tôi ghi nhận việc chúng bị thương và bị giết chết. 

Trong khu bảo tồn Masai Mara, một con linh dương châu Phi bị treo trên cây bằng đôi chân của mình, với khuôn mặt và da còn nguyên vẹn nhưng bộ đồ lòng đã bị một con báo “xơi” mất. Ngắm hoàng hôn giữa rừng Savanna, khi nâng cốc chúc mừng sức khỏe các bạn đồng hành và phía chủ nhà, tôi còn thêm câu “Vì những con sư tử ở Masai Mara, loài tê giác và chim hồng hạc ở hồ Nakuru. Cầu trời hãy ban phúc và bảo vệ chúng!”. 

Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam – Bài và ảnh: Dũng Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét