Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Giá như Đại tướng chọn về đây...

"Ở nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn này, có hơn một vạn phần mộ của các liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Nghĩa trang nằm trên khu đồi Bến Tắt, địa thế vô cùng đẹp, trước có hồ, sau đất dốc cao, cây xanh trồng rợp. Phải như Đại tướng Võ Nguyên Giáp không về Vũng Chùa, ông về đây, hơn một vạn chiến sĩ ta – những anh, chị ra đi khi còn rất trẻ ấy - sẽ được an ủi và mừng biết bao. Khi sống, ông là Tổng chỉ huy của họ; khi mất, ông chọn về nằm cùng với họ. Ông đã thương yêu họ và họ cũng quý trọng ông vô cùng kia mà!".
Giá như Đại tướng chọn về đây...
Nguyễn PhanHai vợ chồng bác cựu chiến binh đi thăm mộ đ
đồng đội tại nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Vinh Quý
Tới nghĩa trang Trường Sơn và giữa trưa nắng oi, không phải ngày lễ nhưng cũng thấy có mấy đoàn khách đang thắp hương, đợi hóa vàng. Ngồi thấp thoáng, lọt thỏm trong mấy cái ghế đá gần đó là vài em bé người dân tộc. Đĩa giấy tiền vàng bạc, bánh kẹo và thuốc lá mới đặt lên, quay đi quay về đã thấy chỉ còn giấy tiền vàng bạc. “Tệ nạn” này hai năm trước không thấy.

Cái rìa của cơn bão số 11 vừa đi qua vùng này tuần trước. Trong nghĩa trang lác đác có cây đổ, có khi vỡ cả ghế đá. Nhưng những hàng mộ vẫn sạch sẽ, tinh tươm. Hơn 10.000 anh chị nằm đây, gần như toàn những người rất trẻ, đúng nghĩa tuổi 20 với bầu máu nóng…

Hôm qua chúng tôi cũng vừa đi qua nghĩa trang Đường 9, Đông Hà. Ở đây các hạng mục tượng đài, sân viếng đã xong, giờ đang đến phần thi công hồ nước và chiếc cầu bắc ngang phía trước. Có rất nhiều mộ của chiến sĩ chưa biết tên đặt tại đây. Chúng tôi bảo nhau, chúng mình đi thắp hương ở những khu vực xa, khuất nẻo, nơi các anh chị nằm đó ít có người tới thăm nhất. Người ta sống và chết rồi vẫn không thể thoát được bất bình đẳng, thương vậy…



Liệt sĩ vô danh tại Nghĩa trang Đường 9 .Ảnh của tạp chí Tài Chính
Đi giữa những hàng mộ vắng và trắng, giữa trời nắng, trong nghĩa trang Trường Sơn, chúng tôi lại nhớ tới dòng người ngày hôm qua có mình nhập vào, trước nhà cố đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong dòng người ấy, có rất nhiều cán bộ, chiến sỹ đã từng chiến đấu dưới quyền chỉ huy của ông. Nhiều người tóc đã bạc trắng, ngực đeo huân huy chương trên những bộ quân phục đã bạc màu. Tay cầm những bó cúc vàng, họ thành kính nghiêng mình trước di ảnh người Tổng chỉ huy của mình, người đã dẫn dắt họ qua những trận đánh và những trận thắng. Họ vẫn còn là những người may mắn bởi đã còn sống để vào nhà viếng vị tướng tài. Rất nhiều đồng đội của họ đã không có được may mắn ấy mà mãi mãi gửi hình hài còn lại nơi chiến địa, nơi những nghĩa trang trên khắp các vùng miền của Tổ quốc, trong đó có nghĩa trang Trường Sơn. Có lần, khi nghe tin chiến sỹ của mình thương vong, tướng Giáp đã không cầm nổi nước mắt. Ông khóc.

Sinh thời, tướng Giáp được coi là người Anh Cả, là vị tướng của toàn thể cán bộ chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là người sáng lập ra đội quân đầu tiên có 34 người, chỉ huy đánh từ những trận đầu tiên Phai Khắt, Nà Ngần cho đến Điện Biên Phủ, và sau này, cùng với nhiều tướng lĩnh khác, ông đóng vai trò quyết định trong thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.



Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (thứ hai từ trái sang) và chính ủy Đặng Tính (thứ tư từ trái sang) thăm bộ đội Trường Sơn – Ảnh: Mạnh Thường

Mấy hôm nay, đã có quyết định về việc đưa ông về yên nghỉ tại Vũng Chùa-Đảo Yến, xã Quảng đông, Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Theo bà Võ Hạnh Phúc, con gái của Đại tướng, quyết định này đã được Đại tướng đồng ý lúc ông còn sống.

Hôm nay, đứng trong nghĩa trang đường 9, thành cổ Quảng Trị, và nhất là nghĩa trang Trường Sơn, chúng tôi mới thấy quyết định này có chút gì đó đáng tiếc, khi một người trong nhóm thốt lên, “Sao bác Giáp không về đây với chiến sĩ mình?”

Khu vực Vũng Chùa-Đảo Yến mà đại tướng chọn nằm ngay bên kia Đèo Ngang về phía Nam. Đây có lẽ là địa điểm rất đẹp không chỉ về mặt phong thủy, cho người yên nghỉ, mà còn cả cho khách du lịch (sau này). Tuy nhiên, nói Đại tướng muốn an nghỉ ở quê nhà thì dường như hơi khiên cưỡng, bởi khu vực này cách làng quê nơi sinh ra Đại tướng những 80 cây số, lại xa xôi, người thường và người nghèo muốn đi thăm ông cũng khó lắm.

Trong khi đó, chỉ cách về phía nam Đồng Hới cũng khoảng 100 cây số là thành phố Quảng Trị, có thành cổ Quảng Trị nơi 81 ngày đêm xương thịt của chiến sĩ ta đổ xuống để giữ nước; gần ngay đó là nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, hay nghĩa trang Đường 9, đâu đâu cũng bộ đội ta. Về đây, nếu tin là có thế giới tâm linh, thì ông sẽ không phải ở một mình.

Mộ của chính ủy-đại tá Đặng Tính tại nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Internet

Ở nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn này, có hơn một vạn phần mộ của các liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Nghĩa trang nằm trên khu đồi Bến Tắt, địa thế vô cùng đẹp, trước có hồ, sau đất dốc cao, cây xanh trồng rợp. Phải như Đại tướng Võ nguyên Giáp không về Vũng Chùa, ông về đây, hơn một vạn chiến sĩ ta – những anh, chị ra đi khi còn rất trẻ ấy sẽ được an ủi và mừng biết bao. Khi sống, ông là Tổng chỉ huy của họ; khi mất, ông chọn về nằm cùng với họ. Ông đã thương yêu họ và họ cũng quý trọng ông vô cùng kia mà!



Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát chiến trường trên đường Trường Sơn và đến thăm hỏi, khích lệ, động viên, căn dặn những cán bộ chiến sĩ Trung đoàn ô tô vận tải 13 đang làm nhiệm vụ vận tải chi viện chiến trường (13. 3. 1973).

2 nhận xét:

  1. Mình cũng có ý như bạn khi ông Giáp vừa mất.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bạn đã ghé thăm và nhận xét. Mỗi người mỗi tính toán, chỉ người trong cuộc mới hiểu tại sao họ làm thế, có lợi cho họ và con cháu họ, hay có lợi cho toàn xã hội...
    Không biết thời chống Pháp Đại tướng tài giỏi thế nào, chứ mình không thích nhiều điểm ở Đại tướng ở thời bình, nhưng chưa thể kể ra bây giờ được. Ngược lại mình quý các bác Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng... hơn rất nhiều.

    Đại tướng loay hoay tìm nơi an nghỉ cho mình bắt đầu ngay từ năm 1996, sau năm 2000 thì càng khẩn trương hơn, cuối cùng đã chọn một nơi đắc địa, có lợi cho âm hồn riêng và cho con cháu Đại tướng, hay có lợi cho toàn xã hội... thì chắc các bạn cũng đoán ra. Qua sự kiện tang lễ này, mình càng "thấm thía" câu bất hủ của Đại tướng: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”.
    Và tôi nhớ đến câu còn nổi tiếng hơn của đối thủ của Đại tướng "hãy nhìn người cộng sản làm, đừng nghe người cộng sản nói".

    Trả lờiXóa