Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Cướp ở Hà Nội khác cướp ở TP HCM như thế nào?

Tưởng có tổng kết nào mới, hóa ra vẫn chuyện cũ rích. Ngay từ cuối những năm 1979, cách đây xấp xỉ 35 năm, chúng tôi đã biết chuyện này, và "tấm tắc khen" cướp ở TP HCM giỏi. Chúng hoạt động có tổ chức, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả; thường chủ động bố trí đội quân cản đường hoặc truy sát nạn nhân để đạt được mục đích. Thậm chí khi bị bắt tạm giam, dù chứng cớ mười mươi nhưng chúng vẫn lạnh lùng nhất định không nhận tội vì chúng biết làm thế chúng sẽ được đồng bọn ở ngoài tìm cách cứu ra và hỗ trợ tiền để người thân của chúng bên ngoài tiếp tục ổn định cuộc sống. Tôi đã vào thăm 1 số đồn công an và chứng kiến chuyện này.
Đáng buồn là mỗi khi nhắc đến cướp, ngành công an luôn đổ lỗi cho dân và kêu khó khăn vì bọn tội phạm giỏi quá. Đọc bài dưới đây không hề thấy trách nhiệm của ngành công an, chỉ thấy những câu như “loại tội phạm này gia tăng là do sự mất cảnh giác, sơ hở của người dân khi tham gia giao thông". Thật buồn cho ngành tiêu tốn rất nhiều tiền ngân sách này. Không biết lực lượng công an ở ta hiện giờ có bao nhiêu người. Trước đây nếu như thế giới cứ 2500 dân mới cần 1 công an thì ở ta số công an trên 2500 dân cao hơn nhiều.
Cướp ở Hà Nội khác cướp ở TP HCM như thế nào?
"Tội phạm cướp, cướp giật tài sản ở Hà Nội chỉ mang tính chộp giật, cơ hội và không sử dụng vũ khí nóng khi gây án. Còn ở thành phố Hồ Chí Minh, loại tội phạm này hoạt động có tổ chức, manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để đạt được mục đích..."
Nhận định trên là của Thiếu tá Nguyễn Minh Quang - Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm về cướp và cướp giật tài sản (Đội 8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hà Nội).
Trong 3 tháng (7,8 và 9/2013), trên địa bàn Hà Nội xảy ra 5 vụ nổ súng.
Trước đó, tại buổi giao ban tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được trong quý III và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV/2013 của Ban chỉ đạo 197 Hà Nội, Lãnh đạo Công an Hà Nội cho biết, trong quý III/ 2013, công an thành phố đã phát hiện 1.451 vụ phạm pháp hình sự (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012), trong đó có 54 vụ trọng án (giảm 20,5% so với cùng kỳ năm 2012) và 276 vụ tệ nạn xã hội (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2012). So với cùng ký 2012, một số loại tội phạm tăng mạnh, điển hình như: cưỡng đoạt tài sản (tăng 31,8%), lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tăng 20,5%), hiếp dâm (tăng 125%), mua bán người (tăng 50%), cướp giật tài sản tăng 16,8%...

"Thời gian qua, các ổ nhóm tội phạm vẫn hoạt động mạnh và có diễn biến phức tạp. Các ổ nhóm tội phạm tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực, như: đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, cướp giật tài sản... Đặc biệt, tội phạm tàng trữ và sử dụng vũ khí hoạt động rầm rộ, phức tạp. Trong quý III/2013 đã xảy ra 5 vụ nổ súng"- báo cáo của công an Hà Nội nêu rõ.

Trước những diễn biến phức tạp về một số loại tội phạm, Ban chỉ đạo 197 yêu cầu Công an Hà Nội tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với các loại tội phạm, công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự và chủ động phòng ngừa, tấn công làm giảm các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trước, nhất là dịp trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

Liên quan đến vấn đề tội phạm cướp, cướp giật tài sản gia tăng, Thiếu tá Nguyễn Minh Quang – Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm về cướp và cướp giật tài sản (Đội 8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hà Nội) cho biết: “Loại tội phạm này gia tăng là do sự mất cảnh giác, sơ hở của người dân khi tham gia giao thông. Người điều khiển xe máy, xe đạp (đặc biệt là phụ nữ) thường đeo túi xách, nghe điện thoại hoặc đeo trang sức hớ hênh là mục tiêu của loại tội phạm này. Đối tượng gây án thường ở độ tuổi còn rất trẻ (18-28 tuổi). Đa số chúng thường là đối tượng nghiện hút, không nghề nghiệp, sống lang thang bầy đàn hoặc nghiện game.

Nói về thủ đoạn, phương thức hoạt động của loại tội phạm này trên địa bàn Hà Nội, Thiếu tá Nguyễn Minh Quang nói: “Loại tội phạm cướp, cướp giật tài sản trên địa bàn thủ đô chỉ mang tính cơ hội, chộp giật. Mỗi ổ nhóm thường có từ 2-4 đối tượng, chúng tụ hợp với nhau rồi sử dụng xe máy đi lang thang trên các tuyến đường, thấy ai để túi sách, điện thoại, trang sức sơ hở là ra tay cướp giật rồi bỏ chạy. Những đối tượng này hoạt động không có tổ chức, ít manh động. Chúng chỉ thực hiện hành vi cướp giật tài sản rồi bỏ chạy chứ không sử dụng vũ khí nóng để truy sát nạn nhân hay người truy đuổi”.

Đối tượng Lương Hải Đăng (vụ xe SH không biển kiểm soát) tại cơ quan công an.

“Loại tội phạm cướp, cướp giật tài sản trên địa bàn Hà Nội khác hẳn tội phạm cướp, cướp giật trên địa bàn các tỉnh phía nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh. Tại TP Hồ Chí Minh, loại tội phạm này hoạt động có tổ chức, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả người truy đuổi chúng. Nhất là khi ra tay cướp giật, chúng bố trí đội quân cản đường người truy đuổi hoặc truy sát nạn nhân để đạt được mục đích”- Thiếu ta Minh phân tích.

Nói về công tác đấu tranh với loại tội phạm cướp, cướp giật tài sản trên địa bàn thủ đô, Thiếu tá Nguyễn Minh Quang cho biết, trước diễn biến về loại tội phạm này gia tăng, Đội 8 đã chủ động phối hợp với công an các quận, huyện trên địa bàn thành phố tổ chức các đợt tuyên truyền để người dân cảnh giác. Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng tăng cường công tác nắm tình hình tội phạm, từ đó đưa ra những biện pháp, kế hoạch triệt phá. 9 tháng đầu năm 2013, Đội 8 đã phối hợp với công an các quận, huyện triệt phá được khoảng 480 vụ cướp và cướp giật tài sản xảy ra trên địa bàn.

Điển hình là vụ "xe SH không biển kiểm soát". Sau thời gian nắm tình hình, sáng ngày 15/8, Đội 8 bắt giữ đối tượng Nguyễn Trung Kiên (30 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng) và Lương Hải Đăng (35 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) để điều tra về hành vi cướp giật tải sản. Hai đối tượng này thường đi chiếc xe máy SH không biển để cướp giật tài sản. Nạn nhân của chúng là những người phụ nữ đi xe máy một mình, thời gian chúng gây án thường vào buổi sáng. Tại cơ quan công an, Kiên khai nhận, đã cùng với Đăng gây ra 30 vụ cướp giật tài sản trên địa bàn Hà Nội. Kiên là đối tượng có 1 tiền án về tội cướp giật tài sản và 8 tiền sự.

Theo lời vị Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm cướp giật, bình quân mỗi tháng công an Hà Nội triệt phá được hơn 50 vụ cướp, cướp giật tài sản. Thế nhưng loại tội phạm này vẫn hoạt động rầm rộ, phương thức tinh vi. Nhiều ổ nhóm tội phạm cướp, cướp giật tài sản là người ngoại tỉnh, sáng sớm chúng vào Hà Nội để thực hiện hành vi cướp giật tài sản, sau khi gây án chúng lại rút về các tỉnh lân cận. Đây là vấn đề khó khăn trong công tác điều tra, nắm tình hình hoạt động của loại tội phạm này.

Thiên Minh (Petrotimes)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét