Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Bội chi 'vỡ' kế hoạch (nhưng éo sợ)

Tin này đã đọc hôm qua, thấy nội dung chán quá, nhưng sáng nay thấy mấy báo đưa tin Thủ tướng cứ nhắc đi nhắc lại "Dư nợ công chiếm 56,2% GDP, vẫn trong giới hạn an toàn", thấy thật bức xúc. Thế nghĩa là người ta sẽ tiếp tục vay để tiêu xài thoải mái, đến kịch trần giới hạn (65%) mới thôi. Họ cố tình quên đi 2 điều quan trọng: 1) Nợ công là để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chúng ta đã vay nợ công quá nhiều rồi, nhưng nhìn lại xem đã làm được những gì cho kết cấu hạ tầng ? Ở các nước đang phát triển quanh ta, khi nợ công lên đến 30% là họ đã cơ bản làm xong một hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, có thể sử dụng lâu dài cho mục tiêu phát triển hàng trăm năm, không phải bỏ thêm tiền đầu tư, sửa chữa lớn nữa. Còn ở ta, cái gọi là kết cấu hạ tầng chắp vá kém chất lượng hiện nay phỏng có bền để sử dụng trong 1-2 chục năm nữa ?; 2) Khi họ đã tiêu đến kịch trần nợ công thì thế hệ con cháu lấy gì để làm kết cấu hạ tầng ? và làm sao chúng có thể trả được những món nợ này với một nền kinh tế què quặt do chính phủ hiện nay để lại ?
Bội chi 'vỡ' kế hoạch
Báo cáo trước Quốc hội sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết bội chi ngân sách 2013 dự kiến tương đương 5,3% GDP, vượt xa mức trần 4,8% cho phép.
Thủ tướng đọc báo cáo tình hình thực hiện kinh tế xã hội năm 2013. Ảnh: VGP.
Tại báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2013 trình bày tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 21/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: "Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2013 ước đạt 986.300 tỷ đồng, tăng 0,8% so với dự toán. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 đạt 5,3% GDP. Dư nợ công chiếm 56,2% GDP, trong giới hạn an toàn". Như vậy, đây là lần đầu tiên Chính phủ thừa nhận bội chi ngân sách đã vượt trần cho phép mà Quốc hội đề ra từ đầu năm.
Ngay trước thềm kỳ họp này, Chính phủ đã đưa ra đề xuất nới trần bội chi từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP để tạo thêm dư địa tăng đầu tư phát triển trong bối cảnh ngân sách khó khăn. Tuy nhiên, các thông tin trước đó từ Chính phủ lẫn Bộ Tài chính đều không hề đề cập tới chuyện ngân sách đã chi vượt khung.

Theo tính toán của Chính phủ, cứ tăng bội chi thêm 1%, sẽ có thêm 40.000 tỷ đồng chi từ ngân sách và Chính phủ muốn dùng toàn bộ phần tăng này cho đầu tư phát triển. Như vậy với mức bội chi dự kiến tăng thêm 0,5%, ngân sách sẽ thâm hụt thêm 200.000 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm ước theo báo cáo của Chính phủ ước gần 685.000 tỷ đồng, bằng 70% dự toán. Năm 2013, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo ước tính của Chính phủ đạt khoảng 29,1% GDP (kế hoạch đề ra là khoảng 30% GDP). Trong đó, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách đạt hơn 201.000 tỷ đồng, 57.800 tỷ là vốn trái phiếu Chính phủ, 53.400 tỷ là vốn tín dụng đầu tư Nhà nước. Ngoài ra, vốn đầu tư tự có của doanh nghiệp nhà nước ước đạt 39.800 tỷ đồng; của dân cư và khu vực tư nhân là hơn 407.000 tỷ đồng; còn lại là 241.000 tỷ đồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Về tình hình thu, tờ trình của Chính phủ cho biết, tổng thu 9 tháng đầu năm ước đạt 543.800 tỷ đồng (đạt 66,6% dự toán). Nguyên nhân tiến độ thu ngân sách không cao được Chính phủ lý giải do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút, hàng loạt chính sách thuế miễn giảm. Bên cạnh đó, nhiều loại thuế suất cao giảm mạnh dẫn đến thu nội địa và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu thấp so với dự toán. Do đó, Chính phủ cho biết năm nay phấn đấu thu ngân sách khoảng 790.800 tỷ đồng, giảm 25.200 tỷ so với dự toán.

Về tình hình kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, lạm phát có xu hướng giảm dần qua các năm, từ 18,13% năm 2011 xuống 6,81% năm 2012 và dự kiến năm 2013 sẽ kiểm soát ở mức khoảng 7%. Trong bối cảnh đó, lãi suất huy động giảm từ 17-18% xuống còn 7-10%, lãi suất cho vay giảm còn 9-12%. Bội chi vượt dự toán, song theo đánh giá của Chính phủ nợ chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn. Dự báo cả năm nay, tăng trưởng GDP có thể đạt 5,4%.

Các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém đã được tiến hành tái cơ cấu; Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đi vào hoạt động; Thủ tướng đã phê duyệt 17/21 đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; các bộ đã phê duyệt 26 đề án tái cơ cấu tổng công ty trực thuộc. Số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giảm từ 5.655 (năm 2001) xuống còn 1.257.

Phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ 6.

Tuy nhiên, Chính phủ nhìn nhận nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cân đối thu chi ngân sách khó khăn; nguy cơ lạm phát tăng trở lại vẫn còn do chưa thực hiện cải cách tiền lương, chưa thực hiện được giá than, điện, y tế, giáo dục... theo giá thị trường; tốc độ tăng CPI vẫn cao hơn tốc độ tăng GDP...

Rủi ro trong hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn còn tiềm ẩn, thanh khoản được cải thiện, lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vay; xử lý nợ xấu, nợ tồn đọng trong xây dựng cơ bản còn chậm và khả năng còn phải kéo dài. Hàng tồn kho còn cao, thị trường bất động sản đình trệ, chưa có khả năng phục hồi. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; cơ cấu lại, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn chậm và gặp những khó khăn về tài chính và pháp lý.

Cải cách thể chế chưa đồng bộ, chưa có cơ chế chính sách đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều thủ tục không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi. Kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm, công tác giám sát, thanh, kiểm tra còn nhiều yếu kém. Việc sửa đổi nhiều bộ luật quan trọng còn diễn ra chậm.

Chất lượng giáo dục, đào tạo được cải thiện chưa thật rõ nét. Chưa có những biện pháp quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, công chức cũng như cơ chế chính sách phù hợp để thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Chưa thực hiện được cải cách chính sách tiền lương. Đóng góp của khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội chưa nhiều.

Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hiệu quả chưa cao, ít phát hiện tiêu cực, tham nhũng và việc xử lý các vụ việc tham nhũng còn chậm. Tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức gây bức xúc trong nhân dân.

An ninh chính trị vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định. Bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều thách thức. Trật tự an toàn xã hội vẫn còn nhiều bức xúc. Tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội... vẫn phức tạp. Khiếu kiện liên quan đến đất đai còn nhiều.

Về giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2015, Chính phủ đề nghị tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng hợp lý; Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; Tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; Bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo; Chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Trước đó, phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, kỳ họp giữa nhiệm kỳ này có vị trí đặc biệt quan trọng để nhìn lại chặng đường gần ba năm qua. Quốc hội sẽ dành thời gian thích đáng để thảo luận, giải trình các vấn đề và xem xét thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật đất đai sửa đổi; xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2013; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015); việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ.

Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012"; xem xét các báo cáo kết quả giám sát do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện; nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII; báo cáo của Chính phủ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4, thứ 5; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, tội phạm; công tác thi hành án; phê chuẩn nhân sự Chính phủ, bầu nhân sự một số cơ quan của Quốc hội và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Thanh Thanh Lan - Tiến Dũng
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/boi-chi-vo-ke-hoach-2898415.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét