Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

GDP đầu người của Việt Nam bằng 1/17 của Singapore

GDP đầu người của Việt Nam bằng 1/17 của Singapore
“Trong 10 nước ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 về diện tích, thứ 3 về dân số, là nền kinh tế lớn thứ 5 xét về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo sức mua tương đương với tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định”.
GDP gấp 4 lần so với 10 năm trước
Theo ASEAN Stats (Bộ phận thống kê của ASEAN), GDP của Việt Nam theo giá hiện hành năm 2012 đạt 141,7 tỉ USD, gấp 4 lần so với 10 năm trước. Nếu tính theo sức mua tương đương GDP năm 2012 đạt 329 tỉ USD, gấp 2,5 lần. So với các nước trong khu vực, Việt Nam xếp thứ 5 sau Indonesia (1.216,9 tỉ USD), Thái Lan (652,6 tỉ USD), Malaysia (501,1 tỉ USD) và Philippines (423 tỉ USD).

Trong giai đoạn 2000-2007, GDP liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước và đạt mức tăng cao nhất 8,5% vào năm 2007. Sau đó, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, tốc độ này đã giảm xuống còn 6,3% năm 2008 và 5,3% năm 2009.

Tốc độ tăng GDP bình quân của Việt Nam trong những năm gần đây có giảm nhưng vẫn duy trì mức ổn định (năm 2010 là 6,8%, năm 2011 là 5,9% và năm 2012 là 5%. Tuy nhiên mức tăng này vẫn khá cao so với các nước khác trong khu vực.

Cơ cấu kinh tế dịch chuyển mạnh

Xét về cơ cấu nền kinh tế, hiện khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhất, tiếp theo là khu vực công nghiệp – xây dưng, chiếm tỉ trọng nhỏ nhất là khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Tình hình này ngược lại với 10 năm trước khi mà khu vực nông, lâm nghiệp và thủu sản chiếm tỉ trọng lớn nhất trong nền kinh tế. Đây chính là một nguyên nhân quan trọng giúp Việt Nam đạt được các thành tựu kinh tế thời gian qua.

Cụ thể hơn, tỉ trọng ngành nông nghiệp trong GDP giảm từ 24,5% năm 2000 xuống còn 19,7% năm 2012; tương ứng công nghiệp tăng từ 36,7% lên 38,6%; dịch vụ tăng 38,7% lên 41,7%.

Thu hẹp khoảng cách thu nhập bình quân

GDP bình quân người theo sức mua tương đương của Việt Nam năm 2012 đạt 3.706 USD, bằng 1/17 Singapore, 1/5 Malaysia, 1/5 của Thái Lan, 3/4 Philippines và Indonesia. Vào năm 1991 trước đó, tỉ lệ này là 1/10 của Malaysia, 1/5 của Thái Lan, gần bằng 1/2 của Philippines và Indonesia.

So với các nước trong khu vực ASEAN, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đứng thứ 7/10.


Trong báo cáo mới nhất của mình, ADB dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á sẽ chậm hơn nhưng vẫn giữ nguyên mức dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Còn theo dự báo của PwC thực hiện đầu năm 2008 thì vào năm 2025, kinh tế Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 28 thế giới với GDP theo sức mua tương đương 850 tỉ USD. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ đứng vào nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới.

Để có thể giữ danh hiệu trên và đạt được kết quả như dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế, “Việt Nam cần nhiều nỗ lực trong việc đưa ra những chính sách đúng đắn để kiềm chế lạm phát, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và nâng cao phúc lợi xã hội”.

A. T lược trích thông cáo báo chí của ASEAN Stats (Tổng cục Thống kê)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét