Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

(5) Chúng tôi không hỏi họ từ đâu đến

Sếp Việt Cộng chỉ uống rượu Cognac
Tôi đến Vũng Tàu lần đầu tiên để đón chiếc tàu bệnh viện mà tôi đã rời nó ở Colombo, nhằm có mặt trên tàu trong đoạn đường – lúc đó chúng tôi nghĩ như thế – nguy hiểm nhất của chuyến đi, ngược sông Sài Gòn. Tôi tới vào buổi tối trước khi con tàu đến theo lịch trình và được một lãnh đạo của USAID ở Vũng Tàu mời qua đêm trong phòng dành cho khách của
 anh. (4) / (3) / (2) / (1) Chúng tôi không hỏi họ từ đâu đến
 
Vũng Tàu 1967-68. Hình: Michael Holt

Anh là một con người dễ mến, độ ba mươi lăm tuổi, thấp người, tóc đỏ, nhiều tàn nhang trên làn da trắng và có tính tình chậm chạp của miền Trung Tây như tôi đã quen biết ở Hoa Kỳ. Anh rất hiếu khách, chỉ cho tôi xem thành phố, câu lạc bộ sĩ quan và ‘red light district’, như anh gọi, và nhân cơ hội này mà trút bầu tâm sự đầy lo lắng của anh cho tôi nghe. Anh là một trong số những người Mỹ trẻ tuổi mà tôi thỉnh thoảng gặp, những người với đôi mắt to sáng ngời, với trái tim trong sạch, tràn đầy sứ mệnh của mình, đến Việt Nam và với mọi sức lực cố gắng giúp đỡ người Việt Nam và xây dựng đất nước này, cũng: đền bù cho những gì mà quân đội của họ đã dẫm nát với những chiếc giày ủng của lính. Họ không muốn dẫn nhập niềm tin Mỹ về nền kinh tế thị trường tự do vào Việt Nam, như Mary MacCarthy nghĩ. Họ đơn giản là chỉ muốn giúp đỡ, nhưng rất nhanh chóng nhận thấy rằng họ ở trong một thế giới khác với thế giới mà người Việt lớn lên ở trong đó; điều đó không ngăn cản họ cố gắng một cách chân thật để có được tình bạn thật sự với người Việt. Họ sống cùng với người dân trong làng và ăn thức ăn của họ, chịu đựng dơ bẩn và ốm đau và ngày nào cũng chứng minh ý định tốt đẹp của họ lại từ đầu. 
 “Anh thật không thể tưởng tượng được những khó khăn mà tôi đang đấu tranh với chúng đâu. Đơn giản là thiếu mọi thứ ở khắp nơi; nếu như cuối cùng rồi có được xi măng thì không có gạch, và nếu như người ta có được cả hai thì rồi có ai đó muốn xây một cái gì đó khác với chúng.”

Anh lái chiếc xe to đi trên mọi địa hình qua những con đường chật hẹp với các quán rượu ở hai bên đường. Những người đàn bà mảnh dẻ đeo theo cánh tay của những người lính to lớn khổng lồ, đi loạng choạng. Trời tối và mưa. “Tối thế này thì một anh chàng như thế chẳng biết được những người đàn bà nhỏ bé đó thỉnh thoảng có thể là bà của anh. Nhất là khi anh chàng say rượu. Chúng tôi đã cung cấp penicillin cho giám đốc của bệnh viện tỉnh, để ông chữa bệnh giới tính cho các cô gái ở quán rượu. Bây giờ chúng tôi mới biết được rằng ông lấy ba trăm đồng cho mỗi một lần tiêm. Đối với các cô gái thì như thế là quá nhiều tiền nên họ không đi đến đó. Họ phải đưa hầu hết thu nhập của họ cho gia đình của họ.

Nhưng đó còn chưa phải là điều tồi tệ nhất. Trước đây một tuần, tôi tìm thấy một đứa bé ba tuổi bị bệnh lao phổi nặng. Em là một đứa con lai, rõ ràng là từ một người Mỹ. Mẹ của em đã biến mất. Người duy nhất chăm sóc cho bé trai đó là một em gái mồ côi mười lăm tuổi mang bệnh giang mai. Mỗi sáng, tôi mang sữa đến cho bé trai đó và đưa tiền cho em gái để em có thể mua thức ăn. Nhưng từ ngày hôm qua, em gái đó đã biến mất, và bây giờ tôi phải lo tìm chỗ ăn ở cho đứa bé trai đó. Thật là buồn khi quân đội của chúng tôi là nguyên nhân cho sự khốn cùng này.”

Người châu Âu, những người quen biết đất nước này một ít, nghỉ qua cuối tuần ở Long Hải, cách Vũng Tàu bốn mươi kilômét về phía Đông, với một bãi biển ít đẹp hơn – nếu như bàn về bãi cát – nhưng yên tịnh hơn gấp nhiều lần. Yên tịnh là vì Long Hải được tính vào những vùng được cho là không an toàn. Mặc dù sự phân loại này theo trải nghiệm của tôi thì không phải lúc nào cũng đúng, nhưng ở Long Hải thì nó cũng không sai lầm nhiều cho lắm.

Người ta sống trong khách sạn duy nhất có thể ở được, ‘Hotel de la Piscine’, cái mà người ta không còn có thể gọi là khách sạn hạng sang được nữa, nhưng tương đối sạch sẽ và có đầu bếp nấu tương đối tốt. Những cái lỗ hình chữ nhật ở tường ngoài cho thấy rằng người Mỹ, những người từng chiếm khách sạn này một thời gian, đã mang theo những cái máy điều hòa nhiệt độ của họ. Trong khách sạn này lúc nào cũng có phòng trống, tức là: cả ở cuối tuần dài như Giáng Sinh hay Phục Sinh, nó cũng trống một nửa. Nhưng những người biết chuyện thì gọi điện thoại cho một văn phòng ở Sài Gòn khi họ muốn nghỉ qua cuối tuần ở Long Hải và hỏi rằng có phòng trống cho cuối tuần tới đây hay không. Thỉnh thoảng, họ nhận được một câu trả lời phủ nhận và thế là biết rằng không nên ngụ lại trong khách sạn vì Việt Cộng đang ở Long Hải.

Một người quen từ Sài Gòn, một người say mê uống rượu vang, rất thích kể lại lần rượu vang không còn làm cho ông thấy ngon nữa trên hàng hiên của khách sạn vào một buổi tối như thế nào. Ông quan sát thấy rằng ở phía dưới ông, ở bãi biển, đang có một đơn vị Việt Cộng lẻn đi về phía Đông như thế nào, trong khi ở phía sau ông, một đơn vị của quân đội Việt Nam đang bước về doanh trại ở phía Tây.

Từ Long Hải, bờ biển Việt Nam trải dài cả ngàn kilômét về phía Đông Bắc, về phía Bắc và sau đó là về hướng Tây Bắc cho tới Vịnh Bắc bộ. Tuyến đường sắt, ngày nay là một con đường sắt chết, và Quốc lộ 1 chạy dọc theo bờ biển mà từ Sài Gòn không còn có thể đến nơi nào khác được nữa bằng đường bộ. Khi tôi bay trên máy bay qua đó, tôi nhìn thấy những làn sóng dài của biển Đông đập vào đá màu xanh xám và lăn đi trên cát sáng trong những dải màu trắng. Trong ký ức của tôi, hình ảnh đẹp như mơ đó lúc nào cũng được mặt trời chiếu sáng. Sự so sánh với bờ biển Địa Trung Hải hay bờ biển Ấn Độ Dương bất chợt xuất hiện, viễn cảnh của những khách sạn chọc trời mà chắc hẳn là một ngày nào đó sẽ xuất hiện, và sự nhộn nhịp của du khách tắm biển trên cát trắng. 



Long Hải 1967

Nha Trang, Vịnh Cam Ranh, Qui Nhơn và Quảng Ngãi là những đầu cầu Mỹ trong vùng đất kéo dài ra này, doanh trại lính buồn chán, căn cứ tiếp liệu, vị trí xuất phát cho những chuyến đi vào trong nội địa. Bến tàu vẫn còn chưa có, nên tàu tiếp tế phải neo ngoài ở ngoài vũng tàu và được dỡ hàng bằng thuyền đổ bộ. Vùng đất giữa các đầu cầu do Việt Cộng kiểm soát.

Ở Nha Trang có hai bệnh viện lớn của Mỹ, và những người bác sĩ quân đội làm việc ở đó là những người duy nhất cũng chăm sóc cho người dân của vùng đất này giữa Vũng Tàu và Qui Nhơn, một giọt nước trên hòn đá nóng bỏng. Chúng tôi có quan hệ tốt với những bác sĩ đó, bên cạnh bình diện hành chánh chính thức, và có những bệnh nhân nào đó được họ chuyển lên chiếc tàu bệnh viện. Tất cả các công sở Mỹ có liên quan đều tự phát và hoàn toàn không quan liêu, nhưng đặc biệt là những người lái xe cứu thương và phi công, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ và rất đáng tin cậy khi cần phải chuyên chở bệnh nhân từ Nha Trang hay các tỉnh lỵ khác đến với chúng tôi và chở các bệnh nhân đã bình phục trở về. Vì người Mỹ là những người duy nhất có một mạng lưới vận tải hoạt động đáng tin cậy ở Nam Việt Nam. Những người lính Mỹ, hạ sĩ quan, thiếu úy lúc nào cũng tạo mọi điều kiện trong khả năng có thể, để giúp những người Việt ốm đau và bị thương. Cả Việt Cộng chính quy, bị thương và bị người Mỹ bắt được, cũng nhận được một sự chăm sóc chuyên môn từ các bác sĩ trong những bệnh viện Mỹ. Lúc nào tôi cũng bực mình, khi các bác sĩ trong lúc viếng thăm một bệnh viện như thế dùng ngón tay chỉ đến một người Việt nằm lặng lẽ giữa những người lính bị thương của chính họ và nói một cách quan trọng, giống như họ chờ đợi một sự ngạc nhiên tột cùng từ phía người khách đến thăm: “That’s a V.C.”, đó là một Việt Cộng. Người ‘V.C.’ đó, nằm trong những thiết bị kéo giãn hay với đầu được băng kín và nhìn chúng tôi với ánh mắt trừng trừng, có lẽ hơi thách thức một chút, chẳng còn cái gì ở trên người để mà người ta có thể nhận ra họ là ‘V.C.’ nữa: đó là những người Việt bị thương, những con người ốm đau. Nhưng mặc cho cách đối xử thiếu tế nhị đó của những người Mỹ, các tù binh rõ ràng là cũng được chăm sóc một cách chuyên môn và chu đáo như những người lính Mỹ bị thương. Bernard Fall viết có khác đi trong ‘Street without Joy’ về sự chăm sóc cho các thương binh người Pháp bị Việt Minh bắt được: ” … Trong số tổng cộng 1330 ca phẫu thuật trong lúc họ bị bắt giam chỉ có tám mươi mốt ca nói chung là được điều trị phẫu thuật; ba mươi tám trong số này được mổ mà không có thuốc gây mê. Người ta chỉ biết về một tù binh chiến tranh duy nhất đã qua được lần mổ ruột thừa, và lần đó là do một bác sĩ Pháp trong trại 128 tiến hành.”

Ngay cả khi người ta xem xét đến các khả năng kỹ thuật ít ỏi của những người Cộng sản Việt Nam thì đó là các con số đáng sợ. Cũng có thể giải thích điều đó với sự dửng dưng Á châu trước người khác – người đang phải chịu đựng sự thống khổ hay không? Có thể. Vì trong những trại tù binh chiến tranh của Việt Minh thời đó, tuyên giáo chính trị đã được tổ chức rất tốt. “Trại bệnh viện 128″, Fall viết ở một đoạn khác, “có nhân sự y khoa là người Pháp, đứng dưới quyền các bác sĩ Việt Minh, những người thường chỉ được đào tạo về cơ bản nhưng rất thích học tập thêm qua phẫu thuật tù binh.” Như tôi có thể quan sát được, người Mỹ ở Việt Nam đối xử với người Việt dân sự và Việt Cộng cũng giống như với người của họ, ít nhất là trong chuyên chở nhanh chóng và điều trị y khoa.

Đọc những bài trước ở trang Chúng Tôi Không Hỏi Họ Từ Đâu Đến

Sách đã được phát hành trên Amazon: http://www.amazon.com/dp/B00EPBTGZA

http://phanba.wordpress.com/2013/10/24/sep-viet-cong-chi-uong-ruou-cognac-thoi-het/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét