Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Bố con da cam (Truyện đăng lại)

Bố con da cam

Truyện này đã được đăng trong Blog này ngày 10-12. Tuy nhiên vì nó mang nội dung kêu gọi mọi người tiền, góp sức giúp Bố con anh Thắng, một cựu chiến binh chống Mỹ, xây nhà... nên chủ nhật hôm nay mình đăng lại để ai quan tâm có thể tham gia giúp đỡ anh.
(Lời tác giả Phạm Ngọc Tiến: Mọi sự giúp đỡ xin gửi trực tiếp vào tài khoản của anh Nghiêm Việt Thắng. Điện thoại: 0902180158. Số tài khoản: 0451001915102. Ngân hàng ngoại thương Vietcombank, chi nhánh Thành Công, Hà Nôi. Tên chủ tài khoản: Nghiêm Việt Thắng. Gửi từ nước ngoài về, xin ghi thêm: Swift Code: BFTVVNVX045. Trân trọng cảm ơn!)

Cứ phân vân mãi có nên viết “Bố con da cam” ở mục truyện ngắn chủ nhật không dù đây thực sự là một câu chuyện đáng viết. Là vì muốn viết riêng ở mục Chân dung thì hợp lẽ hơn nhưng dạo này mình có ít thời gian quá. Thêm cái truyện chủ nhật rồi lại viết vào thứ ba bố con ông này nữa thì quá lục tốn. Thôi chủ nhật cũng được chứ sao. Quại.



Nghiêm Việt Tiến sinh 1985. Nhiễm chất độc da cam là như thế này đây.

Bạn tên là Nghiêm Việt Thắng, nhà ở 53 phố Hàng Cót. Cùng lứa lính nhập ngũ năm bảy hai. Thanh niên Hà Nội lứa ấy đa phần đều là học sinh. Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, các cụ nói cấm không sai, nghịch ngợm thôi rồi. Dạo đóng quân ở Nam Định đúng vào dịp hòa bình 73, lính tráng được xổ lồng ăn chơi nhảy múa. Đánh đấm suốt năm mà đánh ác liệt với không quân Mỹ hẳn hoi nên bụp một phát Hiệp định Pari ký kết, cả bọn khoái lắm.

Lúc đó mình đang làm chiến sĩ thông tin tiểu đoàn bộ còn Thắng ở dưới đại đội. Loạng quạng thế nào một ông ở dưới đại đội rửng mỡ cưa cẩm gái gú yêu đương lãng mạn bị trai phố chợ Rồng quây đánh chạy giạt vào cố thủ ở ban công một nhà dân. Cô bạn gái hoảng quá chạy về đơn vị báo thế là lính tráng túa ra giải cứu. Có điện đơn vị báo cho thủ trưởng tiểu đoàn nhưng mình đang lúc trực bị kích động vì tin này nên hăng đã không báo cáo còn buột mồm nói qua điện thoại hữu tuyến là cho quân ra táng chết cái đám ấy đi báo cáo báo cầy gì. Tai họa từ miệng ra đúng thật. Đám Thắng vác AK đi. Tưởng chỉ là mang súng ra dọa đám du côn kia để giải vây thôi chứ ai ngờ các bố đang phởn hòa bình tương liền mấy điểm xạ. Đâu như một thằng dính chút mảnh bị thương nhẹ ở chân. Chuyện động trời khiến đơn vị căng thẳng còn hơn cả dạo chiến tranh. Ông tán gái rồi ông bắn súng bị nhốt ở cảnh vệ trung đoàn. Mình thì bị kiểm điểm lên bờ xuống ruộng cái tội không báo cáo. May lúc đó quân hàm mình vẫn đang bị kỷ luật sẵn, chỉ là binh nhì bét dem nên chẳng còn gì để hạ nên thoát được vố ấy. Đám kia tiếng là bị nhốt nhưng được ở trong nhà dân có cảnh vệ canh gác. Mình lần mò đến thăm thấy Thắng mặt tròn phinh phính (biệt danh là Thắng tàu béo) không bị nhốt nhưng thương đám bạn nên làm chân tiếp tế. Thân nhau từ dạo ấy. Nói điều này các bạn lính đừng giận, cả đời mình chưa thấy ai tốt và vì người khác vô điều kiện như Thắng béo. Vào chiến trường mình xuống đại đội làm pháo thủ còn Thắng lại chuyển lên tiểu đoàn bộ làm quản lý bếp ăn. Quản lý bếp ăn là chức vụ tương đối oách ở quân đội. Thì tất tật hậu cần miếng ăn thức uống của một đơn vị đều ở một nơi tay của vị trí quản lý này. Thắng béo tròn đỏ au di chuyển bao giờ mặt cũng nghếch lên trời thêm cái xà cột da đánh choách choách vào người nom oai vệ như sứ Tàu thời Bắc thuộc. Những anh ham ăn như mình kiểu gì trông thấy Thắng cũng phải nịnh. Nhớ dạo đầu 75 mình nằm viện sư đoàn, sốt rét rụng tiệt hết cả tóc, chân tay run lẩy bẩy đưa được cái thìa lên miệng, run cả tay lẫn miệng, một thìa cơm vãi ra ngoài hơn nửa, thân hình trai tráng chỉ còn đúng như bộ gọng chưa đầy 4 chục ký đeo vào thân cây củ mỳ (sắn) khô dùng làm gậy chống mà không gẫy. Hôm đó buồn quá cố lết từ bệnh viện về tiểu đoàn bộ chơi. Thắng nhìn thấy mình lao đến ôm chặt miệng mêu mếu. Mày gầy quá Tiến roe ơi. Sốt gì mà kinh khiếp thế này. Đưa vào lán ngồi xong là Thắng lao đi ngay lát sau mang về một con gà to. Mình bảo tao có ăn được đâu đừng thịt, phí nhưng Thắng không nghe nhất định giết gà. Luộc lên con gà vàng au bốc khói nhưng mình chịu chết chỉ húp được ít nước xuýt. Béo một ông bạn khác vô tình đến đúng lúc đánh bằng kỹ không còn một vụn xương. Tay này là Trần Ngọc Cường nhà ở 11 Hàng Khay, sau chiến tranh về học văn Tổng hợp rồi thêm một bằng lý luận điện ảnh ở trường Điện ảnh nhưng chẳng hiểu sao lại bỏ nước sang Canada định cư chưa một lần trở về Hà Nội. Sau bữa cơm, Thắng lấy xe đạp chở mình về nhồi thêm cho mấy hộp sữa, hộp thịt, mấy cân đường để bồi bổ. Nói thực không có chỗ đồ ăn này đận đó chắc còn lâu mình mới lại được sức để kịp tham gia chiến dịch cuối cùng. Thắng gặp bạn có đồng hồ cho đồng hồ, có tiền cho tiền, đồ ăn thì liều đến mức có gì mang ra đãi bạn hết, tịnh không tiếc một ai cái gì bao giờ. Đến mức miền Nam giải phóng, đơn vị về đóng quân ở Long An, Thắng lúc kiểm kê bị hụt két một khoản tương đối. Nhưng từ thủ trưởng đến lính đều nhận định là ông này không hề tư túi một đồng nào. Tất tật là mang cho rồi đãi đằng anh em vô nguyên tắc vậy thôi. Vố ấy Thắng không bị kỷ luật chỉ phải xoay xở bồi hoàn mướt mồ hôi mới êm được.
Cha chú xúm vào khênh Tiến từ xe lăn lên xe ba bánh đi chơi (Thắng bên trái).

Hòa bình cánh mình lần lượt ra quân. Trước khi nhập ngũ Thắng có bạn gái cùng học phổ thông, về là cưới liền. Những năm này gia cảnh Thắng gặp nhiều trắc trở. Ngôi nhà ở Hàng Cót phân phối cho bố Thắng, một cán bộ tiền khởi nghĩa bị lấy lại và cấp đổi một căn hộ tập thể cấp 4 ở ngõ Thái Thịnh 2. Từ đó đến nay gia đình Thắng mấy anh em cùng gia đình riêng vẫn ở căn nhà đó. Mỗi người được một góc mấy mét vuông cùng vợ chồng con cái. Thực thì mình cũng rất nghèo mãi gần đây mới xây được ngôi nhà tử tế nhưng cũng chưa bao giờ hình dung ra nổi tại sao hơn chục con người của mấy gia đình lại có thể ở được trong mấy chục mét vuông ngần ấy năm. Năm 1985 khi con gái đầu lòng của Thắng lên bảy thì vợ chồng bạn quyết định đẻ thêm đứa nữa. Siêu âm con giai, Thắng mừng lắm bảo tao sẽ lấy tên Tiến roe đặt cho con tao. Có người vặn sao lại thế. Thắng cười hì hì quý nó cũng ngang bằng chúng mày thôi nhưng nó là thằng có chí. Đặt tên thằng Tiến để lấy cho con tao ít nghị lực đặng sống được với đời. Ai ngờ cháu bị nhiễm độc da cam khiến cơ thể dị dạng. Hai chân phành ra hai bên, tay teo tóp, trí não tất nhiên là ảnh hưởng nặng nhất. Cu Tiến nhận biết hạn chế, nói năng cũng vậy, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải người khác giúp sức. Cú đấm của số phận này giáng xuống Thắng đúng vào lúc kinh tế của mọi gia đình Việt ở vào thời ký khốn đốn nhất. Phải chấp nhận số phận thôi, Thắng bỏ cơ quan Nhà nước lao ra làm ngoài hy vọng kiếm được thêm thắt để chăm con trai. Vợ Thắng cũng nghỉ việc lao ra buôn bán vỉa hè. Cứ thế cu Tiến lớn lên trong sự chăm bẵm của cha mẹ đến mức kính phục của những người quen biết. Đi đâu đến bữa là Thắng về nhà cho con ăn. Chiều chuộng nhẫn nhịn như thể sự sống của con trai chỉ là trong chốc lát chứ không phải đã đằng đẵng mấy chục năm trời. Có chi tiết này, Thắng thương con nên có gì ngon là bồi bổ là ép con ăn nên cu Tiến không vận động, trí não ngây dại không phát triển nên cơ thể cứ ngày một phị ra đồ sộ nặng ngót 70 ký. Từ nhiều năm nay Thắng phải cho vợ nghỉ mọi việc ở nhà trông con còn anh dành toàn bộ thời gian trên đường đánh vật với những chuyến hàng cùng chiếc xe ba bánh. Cả hai bố con đều được tiêu chuẩn hưởng chính sách đãi ngộ cho nạn nhân chất độc da cam.

Nói về Tiến, nó suốt ngày chỉ quanh quẩn ở đúng mấy mét vuông trên chiếc phản đặt trên nền nhà. Có chiếc ti vi xem. Và cũng chỉ gọi là xem chứ cũng chẳng hiểu gì. Cứ có phim truyện là cu cậu căng mắt nhìn và nhận ra tên mình thì reo lên chú Tiến, chú Tiến. Nhất là hôm nào nó bắt gặp hình mình ở một sự kiện nào đấy là sướng lắm khoe đến mấy ngày. Nhà sắm cho nó cái điện thoại để lúc nhà vắng người cần gì thì cu cậu gọi. Ngày nào nó cũng gạ bố cho con gọi chú Tiến. Bố thở dài bảo chú đi công tác rồi. Chú bận đừng quấy chú. Mình đến nhà chơi, Thắng dặn mày đừng cho nó số điện thoại kẻo nó gọi suốt ngày đấy. Nghĩ thật thương. Rõ khổ cho thằng bé đi thần tượng một kẻ cám hấp như mình. Có lần bị ốm phải cấp cứu chỗ bệnh viện vợ mình, cu Tiến nhất định không chịu rời xe lăn để nằm lên giường bệnh. Mọi người đã bất lực kể cả dọa dẫm. Chợt lúc đó mẹ cháu nhớ ra bảo gọi chú Tiến. Nó chỉ nghe ông ấy thôi. Và nối máy. Mình nhẹ nhàng bảo nằm đi Tiến ơi. Vậy là cậu chàng vâng ạ ngoan ngoãn nghe lời răm rắp. Đôi khi có việc mấy anh em đến khiêng cu Tiến lên xe cùng đi để cháu khuây khỏa đỡ tội nghiệp nhưng rồi Thắng ngại bảo nó không chủ động được vệ sinh đi đâu phiền lắm các ông ạ. Trời đẹp, có hôm Thắng bê con trai lên thùng xe ba bánh đi ngoài phố. Ai nhìn thấy cũng đều rơi nước mắt. Nhiều khi mình cứ thầm hỏi có cao xanh không. Có sao để những người tốt như Thắng lại phải chịu nhiều thiệt thòi thế. Về sự tốt này dù hoàn cảnh Thắng bây giờ khổ nhất toàn đơn vị nhưng anh vẫn có cách chăm lo đến người khác theo đúng chất bản thân. Có lần một bạn đồng ngũ định cư ở nước ngoài về chơi. Gặp nhau mừng mừng tủi tủi thấy Thắng thế bèn dốc ví rồi tháo chiếc đồng hồ tặng bạn. Tiền Thắng cầm nhưng chiếc đồng hồ thì mang đến nhà mình bảo, Tiến roe đeo đi, tao lao động cả ngày đeo không tiện. Mình rớt nước mắt đưa bạn ít tiền nói rã họng bạn mới nhận để sở hữu chiếc đồng hồ. Tết nào, mấy người bạn thân cũng nhận được từ vợ chồng Thắng một hộp pa tê tự làm. Bảo đừng thế nữa. Mắt Thắng đỏ hoe bảo vợ chồng tao chẳng có gì gọi là chút công làm đừng từ chối, tao tủi. Đã thành lệ, Tết nào mình cũng mang hộp pa tê ra ăn ngày mồng một. Ăn để nhớ đến một thời trận mạc nhớ đến mình còn có những người bạn tốt bụng như thế để gắng sống làm sao cho phải, cho đúng.

Hôm rồi có tin xe ba bánh bị cấm. Cả nhóm lính cũ lo lắng lắm nhưng không biết giúp cách nào. May mà thành phố vẫn chưa triệt để vẫn cho cánh thương bệnh binh có xe được sử dụng. Nhưng lâu dài thì quả thật là vô cùng cam khó. Con gái đầu của Thắng chịu học hành học Đại học tổng hợp đã lấy chồng nhưng cũng chả giúp được gì nhiều cho bố mẹ cho em. Từ lâu mình đã nuôi ý định cùng đồng đội giúp Thắng có một nếp nhà nhưng hoàn cảnh của mấy anh em cũng chẳng phải khá khẩm gì nên cứ lần lữa mãi. Và nữa một ngôi nhà thời này là cả một vấn đề trọng đại. Năm kia có nhà thu nhập thấp mình xoay xỏa chạy vạy để Thắng có một suất tiêu chuẩn nhưng đắt quá chịu không đủ tiền. Có lần mình được cơ quan cử đi làm một số chương trình về hoàn cảnh khó khăn đặc biệt nạn nhân của chiến tranh. Chương trình giúp được một số người nhưng Thắng tự trọng nhất định không cho mình làm về gia cảnh của anh. Đợt xin mua nhà chính sách, mình kệ Thắng cứ cho lên bài ở một tờ báo. Khi báo đăng một số độc giả tìm đến nhà Thắng. Thấy hoàn cảnh bố con Thắng thế nhiều người đã tìm cách giúp đỡ. Có một phóng viên nữ đến chơi đã không cầm được nước mắt tặng hết số tiền mang theo hai chục triệu đồng. Lúc chụp ảnh cu Tiến thấy mắt nó sáng lên ngắm nhìn chiếc máy ảnh, chị này thấy vậy tặng luôn nó. Một chiếc máy ảnh số Canon khá hiện đại. Bây giờ cu Tiến vẫn không biết chụp nhưng bắt bố luôn luôn chụp hình nó để xem. Thất bại vụ nhà chính sách, mới đây đám lính lại nhóm họp để bàn việc nhà cửa của Thắng. Và lần này mọi người quyết tâm làm bằng được. Bởi Thắng đã xấp xỉ 60 tuổi liệu có còn sức lực bươn chải mãi ngoài đường được không. Phải cho Thắng một cơ hội để lỡ có điều gì xảy đến mẹ con cu Tiến còn có một nếp nhà để bấu víu. Nói là làm. Lần này anh em ép Thắng quyết liệt. Số tiền Thắng tiết kiệm từ nhiều năm dành cho việc chữa chạy thuốc thang bệnh tật của cu Tiến được hai trăm triệu. Một vài người bạn đã thêm vào cho vay dài hạn để đủ mua được miếng đất ngoại thành Gia Lâm rộng hơn 3 chục mét vuông với giá gần năm trăm triệu đồng. Mình đề xuất kêu gọi cựu binh toàn sư đoàn giúp tiền để xây nhà. Có chừng nào làm chừng ấy. Ít nhất cũng phải xây được một ngôi nhà với cái móng chắc chắn để nay mai có thể cơi nới lên tầng. Trước mắt nếu chưa có đủ tiền thì chưa cần đổ mái mà lợp tạm pờ rô xi măng. Trong Nam ngoài Bắc một số cựu binh đơn vị cũ biết tin đã điện hỏi. Ban liên lạc Nam Bộ giục mình viết một thư kêu gọi sự giúp đỡ của đồng đội. Mình tin rằng lần này bố con da cam sẽ nhất định có một ngôi nhà. Sẽ có những người chẳng phải là đồng đội cũng sẽ cùng bạn chung sức lần này. Gắng lên Thắng ơi.

Đang ngồi viết chợt nhớ ra gọi điện bảo Thắng. Ông ra ngân hàng làm cái thẻ ATM, phải có thẻ có tài khoản thì ai người ta giúp đỡ mình mới nhận được. Thắng lúng búng làm thế liệu có tiện không. Ô hay sao lại tiện hay không, ông ra làm ngay đi. Việc này thì không ai nhận hộ được ông đâu. Thấy im lặng chợt mình nghe tiếng cu con hỏi chú Tiến hả bố. Cho con nói chuyện. Lạo xạo mãi vẫn chưa thấy cháu nói gì. Biết tính rồi nên phải chủ động. Tiến đấy à. Chú đây. Ăn cơm chưa Tiến. Và bây giờ cu Tiến mới nói. Cháu ăn rồi ạ. Cháu chào chú. Chao ôi thằng bé. Sinh năm 1985 nếu không mắc thứ chất độc chết tiệt này thì cháu mình đã là một chàng trai gần ba mươi tuổi. Gần ba mươi tuổi là một nửa cuộc đời….

Hà Nội 9/12/2012

PNT

 Ghi chú: Nghiêm Việt Thắng cựu binh đoàn 77 phòng không Đông Nam Bộ, sinh năm 1954, hiện đang ngụ tại số nhà 19, ngách 88 ngõ Thái Thịnh 2, Hà Nội. Điện thoại: 0902180158. Số tài khoản: 0451001915102. Ngân hàng ngoại thương Vietcombank, chi nhánh Thành Công, Hà Nôi. Tên chủ tài khoản: Nghiêm Việt Thắng.
 DANH SÁCH ỦNG HỘ:
 1-Phạm Ngọc Tiến (cựu binh): 20.000.000đ.
2-Trần Văn Thành(cựu binh): 10.000.000đ
3-Nguyễn Hùng (công ty dược phẩm Euno): 1 tấn xi măng.
4-Nguyễn Việt Thắng (cựu binh): 1.000.000
5-Lê Bình Nguyên (cựu sĩ quan biên phòng): 100 USD
6-Trần Uyên Vi và Trần Uyên Ly (con cựu binh): 400.000đ
7-Nguyễn Quyết Thắng (cựu binh): 2.000.000đ
8-Hoàng Chiến Bình (cựu binh): 1.000.000đ
9-Đỗ văn Long (cựu binh): 1.000.000đ
10-Nguyễn Chấn Biên (cựu binh): 1.000.000đ
11-Trần Thị Thanh Hương (em cựu binh): 500.000đ
12-Nguyễn Việt Thắng (cựu binh): 1.000.000đ
13-Nguyễn Trường Lâm (cựu binh): 1.000.000đ
14-TH (bạn bè facebook giấu tên): 1.000.000đ
15-Lê Thọ Lân (cựu binh): 500.000đ
16-Phùng Thanh (cựu binh): Hỗ trợ thi công điện nước.
17-Van Anh (bạn blog ở thành phố HCM): 1.000.000đ
18-Hà Linh (bạn blog ở Nhật): 1.800.000đ
19-Đỗ thị Châu (em cựu binh): 2.000.000đ
20-Một bạn trên facebook yêu cầu giấu tên ủng hộ bằng ngoại tệ tương đương hơn 10.000.000 VND.
21-Bạn có nick Do Minh Hong trên facebook: 500.000đ
22-Nguyễn Duy Tân (Chi hội phó CCB khu phố 11,phường 14, quận 10, TPHCM. Cựu binh đánh thành cổ Quảng Trị): 1.000.000đ
23-Đặng Trọng Ngực (cựu binh E33): 200.000đ
24-Thượng sĩ bắn súng máy C4 cùng các con: 3.000.000đ
25-Bùi Xuân Thịnh (cựu binh D18): 1.000.000
26-Bác Ba Phi (đại đội trưởng đại đội”tụt tạt”): 1.000.000đ
27-Đào Thùy Trang (biên kịch điện ảnh): 1.000.000đ
28-Đại tá Đỗ Đăng Học: 1.000.000đ
29-Nguyễn Ngọc Sáng (CCB đoàn 77): 1.000.000đ
30-Nhà thơ Lê Ngọc Rệ: 1.000.000đ
31-Nhà giáo Phùng Quý Sơn: 1.000.000đ
32-Nhà giáo Nguyễn Tiến Trực: 1.000.000đ
33-Lại Trần Mai (bạn blog, Thụy Sĩ): 5.000.000đ
34-Phạm Hương Giang (bạn blog, thành viên chương trình Cơm có thịt tại Mỹ): 2.000.000

35-Đoan Trong Khang (CCB D611): 1.000.000đ
36-Gia đình Bắc Phượng (Quảng Ninh): 2.000.000đ
37-Phạm Thị Kim Yến (bạn blog nick name wine116): 200.000đ
38-Bác sĩ Phạm Việt Tuân: 1.000.000đ
39-Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Vân: 1.000.000đ
40-Nhà giáo Phạm Vân Ngọc: 1.000.000đ
41-Phạm Ngọc Linh (con cựu binh): 200.000đ
42-Nhà văn Thùy Linh: 5.000.000đ
43-Nguyễn Anh Vũ (NXB Văn học): 1.000.000đ
44-Nhà báo Lê Xuân Sơn (Tổng biên tập báo Tiền Phong): 5.000.000đ
45-Họa sĩ Trần Đại Thắng (GĐ công ty Đông A): 5.000.000đ
46-Nhà thơ Trần Quang Đạo (CCB): 2.000.000đ
47-Nguyễn Thị Kim Chi (Giám đốc điều hành trung tâm thương mại EACC, Ba Lan): 5.000.000đ
48-Trương Sĩ Tuấn (CCB): 100.000đ
49-Bác Oanh (Canada): 2.000.000đ
50-Vợ chồng anh Đỗ Việt Hòa và chị Lê Mai Hậu (Giám đốc Công ty TNHH gốm xây dựng Hà Nội) ủng hộ toàn bộ gạch để xây dựng ngôi nhà.
51-Một bạn DL_Hue chuyển khoản (với lời nhắn: Chú Thắng ơi chúc chú bình an): 2.000.000đ
52-Một bạn có số TK: IBVCB 131212061961300 chuyển ủng hộ: 200.000đ
53-Nhà báo Nguyễn Trung Bộ (Báo SGGP): 1.000.000đ
54-Hồ Thu Hà: 500.000đ
55-Phạm Thanh Bình: 2.000.000đ
56-Le Thi Thuy Giang: 300.000đ
57-Nguyen Dang Long: 500.000đ
58-Một bạn với lời chúc:Chúc em Tiến có sức khỏe ( IBVCB 1312120794425001): 1.000.000
59-Trần Thị Lệ Dung (vợ cựu binh): 3.000.000đ
60-Lưu Ngọc Anh với lời nhắn: Hỗ trợ chú Thắng xây nhà: 300.000đ
61-Một bạn trên facebook giấu tên: 500.000đ
62-Cháu Thủy con Hoàng Chiến Bình (cựu binh) lấy chồng bên Anh đọc blog, nhắn tin về nhờ bố gửi ủng hộ: 1.000.000đ
63-Vợ chồng cháu Nguyên (533 Tam Trinh): 500.000đ
64-Thạc sĩ toán Phạm Đức Hùng: 500.000đ
65-Nguyễn Trọng Ba (cựu pháo binh E pháo 57): 500.000đ
66-Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10 TPHCM: 1.000.000đ
67-Nguyễn Trương Quý (cựu binh D18): 1.000.000đ
68-Cô Yến (vợ cựu binh): 200.000đ
69-Quán cà phê Di Linh: 200.000đ

70-Các cháu sinh viên: Nguyễn Ngọc Mai, Nguyễn Thiều Thảo Linh, Bùi Hương Giang: 600.000đ

71-Mộtbạn(FTF.CN:9704366800461384017.FrAcc: 0011000505271): 300.000đ
72-Lê Hạnh Kiểm CCB 77: 300.000đ
73-Nguyễn Văn Tiên A72 200.000đ.
74-Trịnh Đức Thìn:  77: 500.000đ
75-Nguyễn Mạnh Cường  CCB 77:200.000đ.
76-Trần Đình Sở:  CCB 77: 100.000d0.
77-Phạm Đức Huấn 77: 300.000đ.
78-Nguyễn Đình Ảm 77:  300.000đ
79-Nguyễn Văn Thọ: 77   300.000đ
80-Chu Quang Hưng 77:  100.000đ
81-Triệu Hữu Bá 77: 100.000đ
82-Lê Hữu Ích 77: 100.000đ.
83-Dương Đức Cảnh Doanh 77:100.000đ
84-Ngô Văn Hạnh 77: 100.000đ.
85-Tạ Chu : CCB 77 ở Thái Nguyên: 200.000đ
86-Nguyễn Xuân Bảo:D128 E 262: 200.000đ.
87-Nguyễn Thành Long: 77: 100.000đ
88-Lê Xuân Nghiên: F77: 100.000đ
 89-Ngô Trọng Kiểm F77: 500.000đ.
90-Trần Danh Ghi F77: 500.000đ.
91-Bạn Nguyen Van Hoa: 500.000đ
Chủ trang blog và bố con da cam xin cảm tạ tấm lòng vàng của quý vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét