Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Hệ lụy thực từ "thế giới ảo"


Báo Nhân dân: Trong khoảng mười năm trở lại đây ở Việt Nam, internet đã có sự phát triển mang tính bùng nổ, tạo nên một "thế giới ảo", mà đối với không ít người, thế giới đó đã trở thành một nhu cầu thực. Nhưng, xét từ những hệ lụy mà internet đưa tới, liệu có nên coi đó chỉ là "thế giới ảo" hay không, nhất là với văn chương - nghệ thuật?
1. Cách đây khoảng 10 năm, nhiều người mới chỉ hình dung về internet như một môi trường để trao đổi thông tin bằng thư điện tử, trò chuyện trực tuyến, truy cập để đọc các website, tra cứu thông tin bằng các công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên trong những năm gần đây, với việc áp dụng các tiến bộ công nghệ, đã giúp internet phát triển không chỉ ở phạm vi ngày càng lan rộng, tạo điều kiện để mỗi người có thể chiếm lĩnh và tạo lập không gian cá nhân một cách dễ dàng, mà với những sản phẩm như blog, mạng xã hội, trang mạng cá nhân, internet còn tạo dựng nên một "không gian ảo" với sự hỗ trợ của các công cụ internet đã làm tăng tính giao tiếp giữa người chủ các website và "công chúng ảo". Ðặc biệt từ các blog, mạng xã hội đến website đều cung cấp khả năng nhận được phản hồi và bình luận (feedback, comment) từ người đọc. Tất nhiên, ở phương diện này, người làm chủ các blog, mạng xã hội, website có thể kiểm soát các phản hồi bằng cách kiểm duyệt hoặc xóa các phản hồi ngoài tầm kiểm soát, hoặc ngoài ý muốn...
Có thể nói sự phát triển, phổ biến của internet tại Việt Nam đã đem lại một phương thức mới, tạo nên một không gian mới của văn chương - nghệ thuật. Nói cách khác, các thành tựu của công nghệ đã tạo điều kiện và tác động mạnh mẽ đến đời sống văn chương - nghệ thuật. Nếu chỉ giới hạn trong không gian phổ biến bằng tiếng Việt, trong khoảng mười năm vừa qua, đã có không ít website văn chương của một nhóm người hoặc một cá nhân đã được thực hiện tại Việt Nam và ở nước ngoài. Không chỉ là thú chơi nhất thời, một số website văn chương đã có quy mô, sự phong phú gần như là một sản phẩm báo chí, có thời gian tồn tại kéo dài trong nhiều năm (trước Cách mạng Tháng Tám 1945, một số tờ báo có giá trị văn học - văn hóa cũng chỉ tồn tại khoảng dưới 5 năm). Ðiều đó cho thấy, đến một thời điểm nào đó, những website này cũng sẽ có thể trở thành một loại hiện tượng cần đề cập trong văn học sử. Và trong khi ở một website chuyên về văn học đầu tiên đã phải đóng cửa do sự thay đổi chính sách của cơ quan chủ quản thì nhiều website của các nhà văn hoặc nhóm nhà văn khác vẫn tiếp tục tồn tại với bài vở được cập nhật hằng ngày. Ðấy là chưa kể đến các blog và trang mạng xã hội của một số người cầm bút, mà căn cứ vào tác phẩm đã công bố, có thể thấy có người đã hoặc sẽ trở thành nhà văn chuyên nghiệp.

2. Với những biểu hiện mang tính hiện tượng đó, nhiều người đã nói về một "nền văn học ảo", một "nền văn học mạng". Nhưng liệu việc sự phổ biến của văn học trên mạng internet là một sự thay đổi mang tính bản chất hay chỉ là sự mở rộng phương thức phổ biến văn chương? Một điều dễ thấy là rất nhiều văn bản các loại lúc đầu chỉ xuất hiện và tồn tại dưới dạng "ảo", nhưng rốt cuộc lại chinh phục thế giới thực dưới dạng sách giấy. Ðó là con đường của không ít tác giả mới viết hoặc các bloger, lúc đầu tạo lập nên tên tuổi và công chúng trên internet, sau đó xuất bản tác phẩm dưới dạng sách giấy, để rồi cuối cùng chinh phục công chúng thực bằng doanh số thực. Ðó cũng là trường hợp của một số nhà văn mở rộng hoạt động sang "thế giới ảo", rồi sau đó thu thập các văn bản "ảo" xuất bản thành sách giấy, tạo nên những hiện tượng "best-seller" (sách có nhiều độc giả). Bản thân điều đó đã cho thấy cái đích cuối cùng của các "công dân mạng viết văn" vẫn là thế giới thực với công chúng và doanh số thực.


Có thể nói "thế giới ảo" đã cung cấp một phương thức tồn tại mới cho văn chương. Nhìn từ bản chất, một trong các quy luật tồn tại mang tính phổ biến cho mọi cộng đồng người và mọi thời đại chính là sự xung đột giữa những nhu cầu cá nhân và những chế định mang tính xã hội (là xã hội nói chung chứ không riêng lĩnh vực văn chương). Những chế định xã hội là các chuẩn mực tồn tại dưới dạng quy ước, cao nhất là đã được luật hóa để áp dụng trong toàn xã hội nhằm bảo đảm khả năng chung sống và tính văn minh của xã hội. Ðơn cử như việc ở bất cứ xã hội nào, kể cả ở các quốc gia được cho là tự do nhất, đều có các điều luật liên quan đến việc hạn chế những sản phẩm mang tính khiêu dâm, trừng phạt những hành vi xâm hại tới an ninh quốc gia, cũng như an ninh và sự an toàn của mỗi cá nhân. Tất nhiên, xem xét một cách biện chứng, các chế định này thường "đi sau" nhu cầu cá nhân và nhu cầu cá nhân luôn có khuynh hướng phát triển theo hướng đa dạng hóa, vượt ra ngoài khuôn khổ của các chế định xã hội. Trong giới hạn nhất định, có thể nói sự phổ biến trên mạng là một lối thoát cho xung đột, hay đó là một cách thức giải tỏa một số "nút thắt" trong thế giới thực. Với thế giới thực, khả năng công bố tác phẩm và giới thiệu tác giả là có hạn, trong khi nhu cầu viết của người cầm bút lại vô cùng phong phú, internet cung cấp một không gian cho người viết, tự do và đơn giản hơn nếu xuất hiện trong môi trường thực. Họ có thêm không gian cho thể nghiệm mới và những cách tân cả về nội dung và nghệ thuật. Bên cạnh đó, internet còn giúp gia tăng khả năng giao tiếp giữa người viết và công chúng, giúp người viết có thể nhận được phản hồi tức thời từ phía độc giả để kịp thời điều chỉnh hoạt động sáng tác.

3. Vậy là với ý nghĩa nhất định, "thế giới ảo" đã bù đắp được một số phương diện của thế giới thực; đặc biệt, nó đem tới cho người tham gia vào thế giới đó một cảm giác về sự tự do khi nó giúp người viết vượt ra khỏi một số chế định về xã hội. Trong thế giới thực, khi đề cập những vấn đề như quan hệ tình dục, đánh giá những hiện tượng xã hội hoặc một số vấn đề lịch sử,... cả người viết văn lẫn người biên tập và xuất bản đều phải có sự cân nhắc, trong khi đó, trong thế giới của internet, những rào cản đó dường như là không còn tồn tại. Chính vì vậy, sự tồn tại của "thế giới ảo" luôn đi kèm với những mặt trái, chạm đến những cái ngưỡng. Trước hết, đó là cái ngưỡng mang tính bản chất của sáng tạo. Nói gì thì nói, một sáng tạo nghệ thuật vẫn cần (phải) là một sáng tạo mang tính cá nhân trong một hình thức hoàn chỉnh. Cộng đồng văn chương mạng từng chứng kiến không ít "cái chết" của những dự án cách tân theo kiểu biến tất cả mọi thứ trao đổi trên internet thành một tiểu thuyết vô tận, không có hồi kết. Bên cạnh đó là cái ngưỡng của các chuẩn mực văn hóa. Công chúng đã chứng kiến không ít hành động "cách tân" của văn chương mạng (chính xác hơn của những thứ văn chương không thể công bố ở đâu khác ngoài mạng!) bằng cách đưa những lớp ngôn ngữ tục tĩu, thậm chí đưa cả tên tuổi của các nữ đồng nghiệp vào những sáng tạo thơ ca đầy tục tĩu đó.

Như vậy, "văn chương ảo" đang chơi một trò chơi hai mặt. Một mặt, "thế giới ảo" tạo nên tâm thế ở người tham gia các mức độ khác nhau của sự vô trách nhiệm. Người ta có thể núp dưới một tên giả, một biệt hiệu. Người ta cũng có thể thực hiện một website về bản chất là một tờ báo nhưng lại không hề bị kiểm soát của luật báo chí như những sản phẩm báo chí khác. Nhiều người đã có ảo tưởng về tính dân chủ của không gian ảo nhưng quên rằng, thực chất mỗi nhận xét, mỗi phản hồi đều có thể được người chủ trang web hoặc bloger kiểm duyệt, định hướng giữ lại những gì có lợi cho mình và loại bỏ những gì khác biệt, từ đó tạo nên hiệu ứng đám đông và thực hiện các toan tính cá nhân. Cũng không khó để nhận ra rằng, những tranh luận trong môi trường văn học ảo đang bị biến thành một cái chợ, khi mà người ta có thể thoải mái moi móc đời tư với những câu chuyện vô bằng cớ và tận dụng hiệu ứng tâm lý đám đông để triệt hạ đối thủ. (Có thể coi trường hợp một hiện tượng sáng tác thơ mới được tổ chức hội thảo gần đây là một thí dụ. Ðành rằng, thơ của tác giả này có vấn đề về nội dung, nghệ thuật cũng như cách mà ông ta thần bí hóa công việc viết lách của mình. Dẫu vậy, cách mà các công dân mạng phê phán cũng hết sức có vấn đề, đậm mầu sắc "bỏ bóng đá người"). Quan trọng hơn nữa, một số công dân mạng lợi dụng hình thức "ảo" để vô trách nhiệm về mặt phát ngôn nhưng nạn nhân của họ lại là những con người thật và hệ lụy của những cuộc "tấn công" cũng lại là rất thật. Nguy hại hơn, không chỉ giới hạn trong phạm vi văn chương, những blog và website cá nhân này còn vươn cả sang những lĩnh vực khác như đời sống kinh tế, chính trị. Lợi dụng danh nghĩa những nhận xét, bình luận, cảm nhận cá nhân; đánh vào tâm lý "thích chuyện lạ" của con người, họ thậm chí còn đề cập thiếu trách nhiệm vào những quyết sách lớn của Nhà nước hoặc uy tín của những con người cụ thể trong bộ máy quyền lực. Khi đó, những hệ lụy của "thế giới ảo" sẽ là khôn lường. Ðiều đó cho thấy, đã đến lúc cần có một phương thức quản lý theo hướng "thực hóa thế giới ảo", buộc các chủ thể của "thế giới ảo" phải "giải ảo" và chịu trách nhiệm về các phát ngôn - thông tin của mình. Ðồng thời mỗi người khi tham gia vào "thế giới ảo" cũng cần phải trở thành những "người tiêu dùng thông tin thông thái".



LÊ ANH

10 nhận xét:

  1. Mạng ảo thì cũng do con người lập ra nên nó cũng là một xã hội mang những đặc thù của nó, nhưng với những người nghiêm túc thì có lẽ những tổn thương đến từ mạng ảo sẽ đau đớn hơn là tổn thương ngoài cuộc đời, vì trên mạng người ta sống với cảm xúc.
    Chúc bạn tìm thấy nhiều niềm vui từ mạng, và không phải chịu bất cứ hệ lụy nào!

    Trả lờiXóa
  2. Nhất trí với bạn hết. Chắc đã bạn đã từng bị tổn thương như thế khi tham gia mạng ? Do đó cũng nên thận trọng khi tham gia mạng. Mình cũng kém chuyện này lắm, hơn nữa già rồi, sợ xúc động mạnh là đi luôn (cười) nên cứ Tôi thích đọc là hơn hết, thỉnh thoảng mới còm thôi.
    Mình mở Blog thich đọc chuyện vui vui này là nhờ học kinh nghiệm của một bạn cũng có Blog và đặt tên là Thích nói chuyện vui vui. Blog của bạn ấy tuyệt hay. Nếu Nặc danh quan tâm thì mình sẽ giới thiệu cho mà xem.
    Cám ơn bạn đã vào đây còm nhé.

    Trả lờiXóa
  3. sao mình còm vào đây không được nhỉ?

    Trả lờiXóa
  4. À bạn à, mình chẳng có tổn thương gì ghê gớm đâu, chỉ là những điều buồn buồn nho nhỏ khi bị hiểu nhầm trong comment thôi.
    Cảm ơn bạn giới thiệu blog khác cho mình, nhưng thôi chắc mình đọc blog của bạn là đủ rồi vì có nhiều bài bạn chịu khó sưu tầm, bạn đã từng làm về vĩ mô nên cách tìm bài của bạn thú vị lắm.
    Chúc bạn vững bước trong thế giới mạng bao la này nhé!

    Trả lờiXóa
  5. Bạn khen quá làm mình mất ngủ tối nay đây.
    Nhưn mình vẫn khuyên bạn nên tìm đọc Blog Thích nói chuyện vui vui. Thú vị lẵm. Mình nghĩ bạn vào gúc gờ, đánh mấy chữ "Thích nói chuyện vui vui" thể nào Blog đó cũng hiện ra. Mới mở có ít hôm mà Blog này đã có tới xấp xỉ 400 nghìn lượt đọc đấy, phục lăn.

    Trả lờiXóa
  6. Ấy chết, bạn à, cái nào ra cái nấy, khen thì khen mà ngủ thì vẫn phải ngủ chứ. Mình đâu có khen đâu mình chỉ nói sự thật.
    Thôi, mình ngại lắm, ở blog bạn thấy bạn vui vẻ cởi mở thì mình vào, chứ blog khác sợ bị người ta mắng!
    Chào bạn nhé, chúc bạn luôn vui!

    Trả lờiXóa
  7. Cái bạn này lạ, không hiểu thế giới ảo rồi. Ai mở mạng cũng thích người khác vào để khoe trang mình đẹp, bài mình hay, số fan nhiều. Bạn vào dù có chê người ta cũng vẫn cười với bạn và mong bạn trở lại.
    Nào, dũng cảm nên nhé.

    Trả lờiXóa
  8. Thế là bạn nhầm, nhầm to đùng cách mạng rồi!
    Mình không có blog nhưng các bạn mình có blog thì nói là có blog thì không cần khen đẹp, khen hay mà chỉ cần hiểu đúng ý người viết thôi,nghe nói có khi người viết viết ra mà bị hiểu sai ý thì đau tê tái!

    Trả lờiXóa
  9. Đấy là những chủ Blog có trí tuệ cao, kiến thức rộng, lại nhạy cảm quá với các ý kiến phản biện. Loại này giờ ít, chủ yếu chạy ra nước ngoài sống (thằng giỏi thì đã vượt biên mà).
    Còn lại tuyệt đại đa số là bạn đọc bình dân, thấy Blog hay hay thì bắt chước mở, chỉ cốt hình thức đẹp, văn vẻ tự nhiên như vẫn nói ở hàng cháo (chửi) hay quán bún (quát), thế là xoa tay mãn nguyện lắm rồi. Vả lại Blog cũng để thư giãn, lưu tài liệu mà. Mình cũng thuộc loại blogger bình dân này. Có bị hiểu sai vẫn cứ vui như Tết, miễn là lần sau lại vào đọc tiếp hộ cho.

    Trả lờiXóa
  10. Ôi bạn thật là bản lĩnh!

    Trả lờiXóa