Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Giấc mơ văn chương "Made in Vietnam"


Từ giải Nobel của nhà văn Mạc Ngôn, một lần nữa, vấn đề thực trạng văn chương Việt Nam lại được nhắc đến. Với rất nhiều rào cản như hiện nay, câu hỏi bao giờ văn chương Việt Nam ra khỏi giới hạn địa lý còn là vấn đề lớn thì chuyện chạm đến giải Nobel danh giá chắc là còn rất xa...


Tác phẩm văn học Việt Nam đến với các giải thưởng quốc tế còn xa vời

Ông Mạc Ngôn nhận giải Nobel Văn học 2012 đã hơn hai tuần rồi mà độc giả Việt vẫn còn tiếp tục tranh luận xem nhà văn này có xứng đáng nhận giải danh giá này hay không và văn tài của ông đến đâu. 

Hẳn nhiên nhiều người đã nghĩ, Mạc Ngôn nhận giải Nobel, vậy cũng có thể hiểu đó là một chuẩn mực rõ ràng để nhà văn Việt có hướng phấn đấu, bởi vì người Việt có điều kiện theo dõi tác phẩm của ông từ hai thập kỷ nay, lại khá hiểu biết lịch sử văn học Trung Quốc, học ông Mạc Ngôn ắt dễ hơn học ông nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez.

Ai dám nói người Việt không mơ tưởng Nobel Văn học? Có chứ! Nhưng một giải Nobel đỉnh cao không chỉ thể hiện tài năng của cá nhân nhà văn ấy, nó cần có bệ phóng của lịch sử đất nước, của nền văn hóa, triết học và tính phổ biến của ngôn ngữ nhà văn sử dụng.

Cái bệ phóng đó, than ôi, cái gì văn học Việt cũng thiếu và yếu. Chỉ xin nói về cái dễ nhất là tính phổ biến của ngôn ngữ: tiếng Việt không có tầm phổ biến rộng.


Đương nhiên chúng ta sẽ suy tính đến việc dịch các tác phẩm ra tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha hoặc Trung Quốc. Nhưng điểm lại những năm qua, văn học Việt ra thế giới được bao nhiêu tác phẩm. Lác đác các hội nhà văn, vài nhà xuất bản liên kết dịch một số cuốn sách, một ít truyện ngắn, một ít thơ để đưa đến các hội chợ sách quốc tế, nhưng chính bản thân tiêu chí lựa chọn văn học bảo thủ đã làm cho các cố gắng này rơi vào im lặng.

Việc lựa chọn tác phẩm để dịch ra tiếng nước ngoài được làm theo kiểu "chia xôi giữa làng", các cụ "tiên chỉ” hưởng trước, đám hậu sinh dẫu có tài cũng phải "xếp hàng" chờ tới lúc tóc xanh ngả màu. Và việc chọn dịch là theo tiêu chí đánh giá của người Việt, chưa chắc đã phù hợp với "gu" của thế giới.

Trừ tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh đã được dịch ra 16 thứ tiếng, giúp nhà văn đoạt được vài giải thưởng nhỏ về văn học, không còn tác phẩm nào vượt trội. Sở dĩ nhà văn Bảo Ninh đạt được thành tựu như vậy là vì tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh đủ sức nặng thuyết phục các nhà xuất bản nước ngoài đầu tư cho bản dịch và có hệ thống phát hành chuyên nghiệp.

Lẽ nào văn học Việt trên văn đàn thế giới dừng lại ở Nỗi buồn chiến tranh?

Giữa tháng 10, một tin mới đáng chú ý về việc NXB Riveneuve ra mắt Tủ sách Văn học đương đại Việt Nam tại Paris theo sáng kiến của Tiến sĩ Văn học Đoàn Cầm Thi. Những nhà văn được lựa chọn hàng đầu là: Thuận (T. mất tích, Thang máy Sài Gòn), Nguyễn Bình Phương (Thoạt kỳ thủy), Đỗ Khiêm (Boléro Météo viết bằng tiếng Pháp), Phong Điệp (Blogger).

Tủ sách không nhiều tham vọng, bởi Riveneuve luôn đặt mục tiêu kinh doanh lên hàng đầu. Nhưng đây có thể là khởi đầu tốt để giới thiệu văn học Việt trong khối Pháp ngữ, với tiêu chí lựa chọn theo tiêu chuẩn văn học đương đại, gồm những nhà văn nhiều tìm tòi, sáng tạo và cách tân ngôn ngữ.

Độc giả đặc biệt kỳ vọng vào nhà văn Thuận với sức sáng tạo liên tục trong học thuật và có sức bền trong viết lách. Trong vòng 10 năm, nhà văn nữ này đã cho ra đời 7 cuốn tiểu thuyết, gồm: Chinatown, Made in Vietnam, Paris 11 tháng 8, T. mất tích, Vân Vy, Thang máy Sài Gòn..., tất cả đều được độc giả chú ý đón đọc.

Nữ nhà văn nhiều năm xa quê nhưng các tác phẩm chủ yếu viết về Hà Nội, với tầm nhìn khá khái quát về những dòng chảy lịch sử có ảnh hưởng đến từng bộ phận người Việt dù ở trong hay ngoài nước.

Sự lựa chọn của NXB Riveneuve đối với những nhà văn kể trên có thể đặt những dấu ấn bước đầu về văn học Việt đương đại đến với bộ phận các nước nói tiếng Pháp.

Con đường tác phẩm văn học Việt đến với các giải thưởng quốc tế còn phải trông chờ vào "con mắt xanh" của các nhà xuất bản có thương hiệu được làm công việc bắc cầu chuyên nghiệp như vậy.

(Doanh nhân Sài Gòn)

2 nhận xét:

  1. Chào bạn,

    Mình là người yêu văn chương, lang thang thế nào mà lạc vào đây, cái chỗ còm của bạn cứ phải khai gì gì nhiều lắm, mình không biết khai thế nào, cứ đành chọn là ẩn danh.
    Theo mình nghĩ thì chuyện văn chương nước nhà có muốn đi ra nước ngoài hay không không phải ở chỗ ngôn ngữ mà là tầm vóc tác phẩm. Tầm vóc không phải cứ phải nói về những to lớn vĩ đại mà mình thấy văn chương Việt chưa hướng tới được những điều nhân văn mà không chỉ có ở người Việt mà có thể bất cứ con người nào. Tại sao tác phẩm văn học của Pháp, Mỹ...mà vẫn lay động hàng triệu tâm hồn bạn đọc khắp nơi trên toàn thế giới vì họ vừa phản ảnh cái riêng rất đặc trưng của văn hóa tâm lý người nước đó, nhưng cũng có những buồn vui của mọi con người không phân biệt chủng tộc, quốc tịch.
    Văn chương phải được tự do sáng tác và bạn đọc sẽ kiểm định chất lượng tác phẩm đó..chứ không phải là nhát kéo vô tâm, khắc nghiệt của những chính sách, những chủ trương phi nhân bản..
    Khi nhà văn viết với đam mê, và nỗ lực đưa ra công chúng tác phẩm thì sẽ có những động lực lớn
    và mình nghĩ đừng nghĩ gì xa xôi trước hết hãy viết cho bạn đọc Viêt Nam đọc đã..

    Trả lờiXóa
  2. Đồng ý với bạn. Ở VN, con người sống vội, chỉ muốn sao nhanh nhanh đạt được mục đích; do đó làm việc hời hợt, cốt cho xong. Từ đó dẫn đến chất lượng mọi thứ đều kém nhưng đều được hai bên chấp nhận hết. Ví dụ như mình thuê thợ xây nhà, họ làm rất kém, có hợp đồng hẳn hoi nhưng họ sẵn sàng vi phạm, do đó dù không thích, bực mình vì họ làm kém, mình vẫn phải vui vẻ chấp nhận. Trong văn học cũng vậy, toàn sách dở hơi, nhưng không đọc thì biết đọc cái gì. Thế là đọc, thế là sách vẫn bán được, thế là hôm sau họ lại viết như thế và nghĩ rằng mình rất giỏi, đáng được giải thưởng Nobel. Chán chẳng muốn bình nữa.

    Trả lờiXóa