Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Trung Quốc dự trữ USD: Tiến thoái lưỡng nan


Trung Quốc đang tiến hành nhiều biện pháp để giảm dần dự trữ đồng USD và tăng sự phổ biến của đồng nhân dân tệ trên thế giới. Tuy nhiên, dự trữ 3,2 nghìn tỷ USD khiến nước này rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan".
Alan Wheatley, nhà báo chuyên về kinh tế toàn cầu của Reuters vừa viết một bài báo trong đó nhấn mạnh mong muốn của Trung Quốc muốn từ bỏ dần đồng USD trong dự trữ của mình.

Trung Quốc hiện đang tiến hành nhiều biện pháp để giảm dần việc tích trữ đồng USD, vốn đang bị giảm giá do biến động của giá dầu, giá hàng hoá và tình hình bất ổn trên thế giới. Đồng USD đang bị chê bai về vai trò “đồng tiền chính” trong giao dịch quốc tế cũng như trong dự trữ của nhiều quốc gia.

Năm 1971, Bộ trưởng Tài chính Mỹ John Connally đã nói: “Đó là tiền của chúng tôi nhưng là vấn đề của các bạn”.


Việc chính quyền Mỹ thất bại trong việc kiểm soát giá trị đồng USD đã khiến Trung Quốc thất vọng và nước này hiện đang thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ của mình ra ngoài biên giới, trong các giao dịch thương mại và đầu tư. Mục đích là giảm chi phí giao dịch cho các nhà xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Zha Xiaogang, một nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải cho biết, Bắc Kinh muốn có một hệ thống tiền tệ quốc tế cân bằng hơn với ít nhất là đồng đô la, đồng euro và đồng nhân dân tệ, có thể bao gồm cả đồng yên và đồng rupee.

“Sự mất cân đối của hệ thống tiền tệ quốc tế hiện đang đặt ra một đe doạ lớn với nền kinh tế Trung Quốc”. Vấn đề này từng được đề cập nhiều trước đây. Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông đang tìm kiếm các lựa chọn giao dịch không cần dùng đồng bạc xanh.

Không chỉ các nước phương Đông, các vị bộ trưởng tài chính phương Tây cũng đang đặt vấn đề về hệ thống tiền tệ hiện tại. Rất nhiều nước muốn thay đổi sự thống trị của đồng USD.

Tại hội nghị Sáng kiến toàn cầu Clinton tuần trước, CEO của Goldman Sachs Lloyd Blankfein cho biết Mỹ đã tạo rủi ro cho dự trữ tiền tệ của toàn cầu nếu quốc hội nước này không thông qua được chương trình tài khoá và cắt giảm chi tiêu có hiệu lực từ ngày 1/1 tới.

Nếu Mỹ tiếp tục thâm hụt hàng nghìn tỷ USD và mất khả năng thanh khoản, thế giới sẽ ra sao khi thiếu một đồng tiền chính thay thế ? Đó là điều mà các nhà kinh tế, các nhóm chuyên gia cố vấn và bộ trưởng tài chính đang đau đầu hiện nay.

Thế mạnh của đồng USD



John Williamson, một chuyên gia về tỷ giá của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson đã giải thích về những thế mạnh của đồng USD ở vai trò là tiền tệ dự trữ.

Theo ông, có hai điều khiến đồng bạc xanh giữ được vị trí thống trị trên nền kinh tế thế giới, và nó sẽ không có đối thủ trong 25 năm tới.

Thứ nhất, dự trữ ngoại tệ chính thức 3,2 nghìn tỷ USD của Trung Quốc nhằm duy trì sự cân bằng của đồng nhân dân tệ với đồng USD, đã “trói” các chính sách tiền tệ của chính phủ. Bất cứ một hành động bất lợi nào dẫn đến sự dịch chuyển của đồng USD, cũng gây hại cho tài sản của Trung Quốc.

Thứ hai, do đồng USD được sử dụng rất rộng rãi trong các quan hệ kinh tế cá nhân trên toàn cầu, nước Mỹ rất dễ dàng thực thi lệnh cấm vận về tài chính với những nước khác, chẳng hạn như Iran hiện nay.

Các cuộc chiến tranh tiền tệ không phải là mới và thường làm bộc lộ những điểm yếu của chính quyền, đặc biệt ở Mỹ, nơi họ quan tâm đến việc in thêm tiền hơn là những tác động đến nền kinh tế toàn cầu.

Nhà kinh tế Ấn Độ Surjit Bhalla cho rằng việc định giá thấp đồng nhân dân tệ là nguyên nhân chính khiến kinh tế Trung Quốc tăng với tốc độ chóng mặt trong những năm qua và sự mất cân bằng về kinh tế đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998 và cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2003.

Theo ông, có ít lý do khiến đồng nhân dân tệ được sử dụng rộng rãi trên thị trường thế giới, nhưng ông cho rằng Trung Quốc nên để tỷ giá thực của đồng nhân dân tệ tăng 3 - 5%/năm để thúc đẩy tiêu dùng cá nhân lên ít nhất 50% sản lượng quốc gia, thay vì 35% như hiện nay.

“Điều này sẽ là một tình huống đôi bên cùng có lợi trong thời gian gần đây. Mặc dù sẽ còn những cuộc chiến tranh tiền tệ nhưng ít nhất hiện nay trạng thái hoà bình trên thị trường tiền tệ sẽ được duy trì”, ông Surjit Bhalla cho biết.


Linh Linh - (theo Business Insider

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét