Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Những câu nói nổi tiếng


Hồ Phi Phục
Những câu nói nổi tiếng thường là của những người nổi tiếng, có khi từ những người ít nổi tiếng.

Trường hợp thứ nhất - Dễ hiểu, phổ biến, phong phú và đa dạng. Từ thời cổ xưa đã có nhiều nhà hiền triết, nhà khoa học ghi dấu ấn. Nổi bật là Khổng Tử, có hàng ngàn câu nói nổi tiếng được học trò ghi lại thành sách Luận Ngữ, trong đó đáng chú ý nhất là câu “Nước lấy dân làm gốc”. Câu nói nổi tiếng nhất của Acsimet thì lại chỉ gọn lại ở một tiếng kêu “Ơrêca” khi ông sung sướng tột cùng, ngẫu nhiên tìm ra nguyên lý vật nổi. Câu nói nổi tiếng của Galilê “Dù sao, quả đất vẫn quay quanh mặt trời” thì lại phải lấp lủ đối mặt với quyền lực tuyệt đối của tòa án tôn giáo và dàn hỏa thiêu.

Thời tiền cận đại, có những câu nói nổi tiếng dài, ẩn trong những lập luận, hậu thế phải cô đọng lại cho rõ ràng chủ ý. Ví như Locke (1632-1704) cho rằng Niềm tin là nền tảng của xã hội, là nguồn gốc của quyền lực, từ đó mới có giao tiếp, có xã hội và con người từ bỏ hoang dã để lập nên uy quyền chính trị là Nhà nước. Cơ sở quyền lực của Nhà nước là Trách nhiệm. Một khi không có trách nhiệm, mất niềm tin, quyền lực trở thành bạo lực, thì dân buộc phải tìm cách lấy lại tự do. Locke đi trước thời đại khi nhìn nhận điều này, trở thành ông tổ của những nền dân chủ đầu tiên trên thế giới. Từ đó Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh được mở đầu bằng câu nói nổi tiếng “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể tước đoạt được, đó là quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc”.

Thời cận đại, đa số những câu nói nổi tiếng là của các thủ lĩnh, các nguyên thủ quốc gia. Đã có người viết sách về giai đoạn này. Mao Trạch Đông có câu “Súng đẻ ra chính quyền”; Phiđen Castrô có câu: “Tổ quốc hay là chết, chúng ta nhất định thắng”; Hồ Chí Minh có câu “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; Đặng Tiểu Bình có câu “Mèo trắng hay mèo đen, miễn là bắt được chuột”; Nenson Menđela có câu “Chỉ có sự thực mới khép lại quá khứ” v.v… Nghe nói cuốn sách nêu trên, Sađam Hutsen có rất nhiều câu. Goócbachôp không có câu nào. Cũng không phải câu nói nổi tiếng nào cũng cao siêu và “chân lý được phát ra từ miệng bậc cao sang, hay từ miệng một cô gái bán hoa đều có giá trị ngang nhau”. Đôi khi một câu nói rất bình thường nhưng là của vĩ nhân, ở vào thời điểm thích hợp, lại trở nên nặng ký.

Trường hợp thứ hai - Tác giả là những người chưa nổi tiếng hay mới “nổi tiếng vừa vừa”. Họ hoạt động ở các ngành, các cấp. Trong số này có những câu còn giữ tên tác giả, nhưng cũng có nhiều câu dần dần biến thành của chung của những chiến dịch, phong trào. Ví dụ “Ra ngõ gặp anh hùng”, “Nhìn thẳng quân thù mà bắn” - nói về chiến đấu. “Nghiêng đồng đổ nước ra sông”, “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” - nói về chống úng, chống hạn.

Cuối thời bao cấp, cán bộ đua nhau đặt những khẩu hiệu tuyên truyền hùng hồn, nhưng cũng có khi buồn cười, để nói ở hội trường hoặc viết trên tường để phục vụ công tác trước mắt. Từng có những câu được bàn cãi rôm rả vì đụng chạm vĩ mô, tỏ rõ chí lớn. Ví như “Thay trời đổi đất, xếp đặt lại giang sơn”, “Mo cơm, quả cà với tấm lòng cộng sản, xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Hoặc khuyên những người cầu an hãy vào cuộc cho ra việc: “Nhảy vào thì tóe ra, đứng ngoài thì co lại”…

Trong giới hạn hẹp hơn, ở xã H, huyện Q có ông Tập, một nông dân gầy gò ốm yếu, song ông là người chủ gia đình luôn tìm tòi cách làm ăn đa dạng: nhận ruộng Hợp tác xã, chăn nuôi, đan lát, cắt tóc, hình thành mẫu VACT rất sớm. Vườn của ông cây trái tốt tươi; có chuyện kể cậu bé trong làng ban đêm ném vào vườn ông một hòn đá, sáng ra bà Tập nhặt đầy một rổ nặng táo, mận, hồng xiêm, ổi, khế… Lúa màu của ông năng suất cao. Đặc biệt là chăn nuôi cho thu nhập lớn nhất, từ lợn, bò, ốc, cá, gà vịt… Ở hành lang nước chè xanh hội nghị nông nghiệp toàn huyện, ông nêu một câu mà xem ra các bài phát biểu hùng hồn suốt cả ngày trên diễn đàn không có câu nào sánh được. Ông nói: “Không nuôi lợn không phải là nông dân”. “Không nuôi lợn không phải là nông dân” - nếu chủ tọa dùng câu này để kết luận hội nghị tưởng cũng rất tốt. Đó là lời kêu gọi xóm làng khai hoang trồng nhiều rau màu hơn nữa làm thức ăn cho lợn để vượt qua khó khăn về lương thực lúa nước bấy giờ, để chống thuần nông, chống thuần phân bón và thuốc trừ sâu vô cơ; cao hơn nữa là bảo vệ tính chất liên hoàn của nền nông nghiệp truyền thống - khi bây giờ đã vài ba chục năm trôi qua, người ta mới tỉnh ra, báo động hô hào sử dụng rau sạch, rau hữu cơ, thực phẩm không bị kích thích… giữa cuộc sống hóa chất toàn cầu đáng sợ! Cho dù chăn nuôi sẽ tiến dần đến chỗ tập trung công nghiệp, nhưng câu nói giản dị của ông Tập vẫn sẽ mang ý nghĩa sâu sắc, lâu dài về kinh tế - xã hội.

Vào thời kỳ đó, GS nông học Lương Định Của - người đã đọc hàng ngàn pho sách, lội ruộng hàng trăm cánh đồng cũng nói một câu nôm na mềm mại ẩn chứa ý tứ khoa học “Cấy dày vừa phải” - khi nhiều kế hoạch nông nghiệp lúc này cứng đờ, quy định giống má, kích thước, thời vụ… chung cho cả những vùng lớn đất đai, khí hậu. Cấy dày cho sản lượng cao đúng là cần thiết lắm rồi. Ông Khương, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, trước đó dăm ba năm cũng đã từng nói đến điều này rất hình ảnh “Cấy thưa là bỏ hoang”. Nhưng cấy dày bao nhiêu thì vừa? Đó là việc của cơ sở đặc thù phải động não để cho “vừa phải”, hợp lý…

Cuộc sống đổi thay muôn vẻ. Tri thức là vô cùng, thời gian mỗi ngày tăng giá. Những lời thuyết giáo vô bổ, tràng giang đại hải trở nên lạc lõng. Dân tình chỉ cần thiết thực, súc tích. Những câu nói nổi tiếng của các nguyên thủ quốc gia thường gắn với đại sự, với máu và nước mắt, hòa giải, hay tiếp tục hận thù. Ở cấp nhân vật thấp hơn, những câu nói nổi tiếng của họ mang tính cập nhật tác nghiệp giữa đấu trường cuộc sống giành nhân phẩm và cơm áo gạo tiền.

Một lời cổ xưa “Khởi thủy là lời nói” lại có người nói “Khởi thủy là hành động” - bản thân lời nói cũng là hành động - hai tiên đề này đồng khởi thủy, không lơ lửng, đã có thể kết hợp hài hòa, chắt lọc hiệu nghiệm, còn mãi cộng sinh cho lợi ích con người.

Đại Lải – Xuân, 2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét