Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Trao đổi với ĐBQH Đặng Thành Tâm

Thương cho anh Ngọc lại phải mất 
thời gian viết một bài như thế này:
Trao đổi với ĐBQH Đặng Thành Tâm
(dang tren Dai bieu Nhan dan)

http://phan-minh-ngoc.blogspot.com/
07:25 | 04/12/2011

Ông Đặng Thành Tâm cùng Thủ tướng Nhật Bản tại hội nghị ABAC năm 2009. Ảnh: KBC

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, ĐBQH Đặng Thành Tâm đã chất vấn Thủ tướng với câu hỏi: “Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện rất tốt chống lạm phát và duy trì tăng trưởng. Không ai ngờ Việt Nam có thể giữ được lạm phát 18% mà tăng trưởng gần 6%; 6 tháng cuối năm lạm phát chỉ 3%. Vậy Thủ tướng có thông điệp quan trọng gì cần đưa ra cho cử tri cả nước, và Thủ tướng có định hướng hay lời khuyên nào cho doanh nghiệp nên tập trung vào ngành nào trong thời gian tới?”.

Câu hỏi của ông Tâm đã bị dư luận phê phán rằng nó vừa không thể hiện tính đại biểu cho các tầng lớp nhân dân ở Quốc hội (ông là đại biểu Quốc hội mà hỏi như thể ông là đại biểu chỉ cho các doanh nghiệp), vừa không đúng tính chất của chất vấn trước Quốc hội (như thể ông đang xin ý kiến chỉ đạo, chứ không phải chất vấn đối với Thủ tướng. Mà kể cũng lạ, tại sao Thủ tướng lại phải khuyên doanh nghiệp nên “tập trung vào ngành nào” nhỉ? Nếu giả sử là Thủ tướng làm như vậy, hóa ra những ngành không được Thủ tướng “bật đèn xanh” thì…).

Chắc cảm thấy bị “oan” quá nên ông Tâm đã có bài phản biện gửi đến một loạt báo, rồi đăng đàn trả lời phỏng vấn trên báo chí để thanh minh cho câu hỏi của mình.

Tuy nhiên, tôi, với tư cách là một thường dân được ông đại diện, lại thấy có thêm nhiều cái “dở” trong các bài viết, trả lời phỏng vấn của ông, và trộm nghĩ, giá mà ông đừng nói gì thêm nữa thì có phải là tốt hơn cho ông không.



Trong bài trả lời phỏng vấn trên Người đưa tin, ông so sánh tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm đi trong 11 tháng qua (“chỉ” tăng 9,1%) với lạm phát (vẫn khoảng 18%) để kết luận rằng “Ngân hàng Nhà nước không đưa một đồng tín dụng nào ra nền kinh tế thì lạm phát vẫn cao”, với ngụ ý rằng tăng trưởng tín dụng (nới lỏng chính sách tiền tệ) không phải là nguyên nhân gây ra lạm phát.

Có đúng thế không? Chắc ông không thể không biết rằng người ta vẫn nói tăng trưởng tín dụng sẽ có tác động “trễ” lên lạm phát. Bởi vậy, với con số tăng trưởng tín dụng tới trên 30% năm 2010 mà cũng chính ông đưa ra trong bài trả lời phỏng vấn của mình thì lẽ ra ông phải thừa nhận rằng lạm phát năm nay (có phần lớn) là do tăng trưởng tín dụng quá cao của năm trước gây ra. Hơn nữa, ông phải lấy làm mừng vì tăng trưởng tín dụng 11 tháng qua chỉ mới là 9,1% nên nó mới không làm cho lạm phát tăng vọt lên trên 20%, thậm chí đến gần 30% chứ chẳng chơi, như nhiều dự đoán đưa ra trước đây (lưu ý là 11 tháng là đủ dài để chính sách thắt chặt tiền tệ phát huy tác dụng lên lạm phát). Tôi đảm bảo với ông rằng nếu tăng trưởng tín dụng 11 tháng qua là 0% hoặc 1% hoặc con số nào đó thấp hơn 9,1% thì chắc chắn lạm phát 11 tháng sẽ thấp hơn (nhiều) con số 18% trên thực tế. Nếu không tin, ông có chứng minh ngược lại được không?

Ông giải thích rằng: “Vấn đề lạm phát của năm 2011 nguyên nhân chính là do thiếu hụt ngoại tệ trong cán cân thanh toán 5 tỷ USD, do đó đã gây ra trượt giá tiền Việt lên tới 9,3%. Điều này kéo theo hệ lụy dây chuyền làm cho hàng nhập tăng giá, chi phí tăng, giá thành sản phẩm tăng…”. Không rõ ông hiểu mối liên hệ giữa “thiếu hụt ngoại tệ trong cán cân thanh toán” với cái sự “trượt giá tiền Việt” như thế nào, nhưng ông có thể trả lời giùm tôi rằng nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không tăng cung tiền Việt (tức là nới lỏng chính sách tiền tệ) thì cái sự “trượt giá tiền Việt” (tỷ giá VND/USD tăng) liệu có xảy ra không?

Ông chỉ ra rất đúng rằng: “Một nguyên nhân nữa là do chúng ta chưa chú trọng đến ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ khiến cho giá trị hàng công nghiệp, hàng điện tử xuất khẩu tăng rất thấp vì phải nhập linh kiện, phụ kiện đến 70 - 80%”. Nhưng ông trả lời thế nào cho câu hỏi tại sao cũng vẫn cái cơ cấu sản xuất phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu linh kiện, phụ kiện như cả hơn 2 thập kỷ trước đây (thậm chí còn nặng nề hơn bây giờ) mà lạm phát không cao như năm nay?

Ông nói rằng: “Nhìn lại năm 2009, tổng tăng trưởng tín dụng là hơn 40%, năm 2010 hơn 30% thì thấy 11 tháng qua mà tăng trưởng tín dụng chỉ có hơn 9% là quá nhỏ đã dẫn đến triệt tiêu sản xuất, kinh doanh, đẩy nền kinh tế đến tình trạng khá nhiều bất cập”. “Bất cập” thứ nhất ông đề cập đến là: “Doanh nghiệp tin theo thông báo của NHNN là tăng trưởng tín dụng 20% nên đã xây dựng kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh theo mức tăng trưởng tín dụng 20%. Rồi đùng một cái tăng trưởng tín dụng chỉ còn một nửa và ngân hàng hiện nay không giải ngân nữa làm công trình dở dang vừa lãng phí vừa gây hậu quả cho doanh nghiệp”.

Thưa ông, chắc ông biết rằng, ví dụ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FRB) thường không cho biết trước hướng đi của chính sách tiền tệ của FRB, và/hoặc không hiếm khi FRB đột ngột điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình. Vậy ông có biết doanh nghiệp Mỹ nào phàn nàn rằng họ bị động, thua lỗ vì cái sự hành xử “bất trắc”, “bất nhất” này của FRB không? Cứ theo ý ông mà suy diễn ra, có lẽ FRB nên đặt ra công khai một mục tiêu tăng trưởng tín dụng và lãi suất cụ thể nào đó và cố gắng thực hiện bằng được để cho các doanh nghiệp Mỹ còn lập kế hoạch sản xuất kinh doanh tương ứng?

“Bất cập” thứ hai mà ông nêu ra như là hậu quả của hành động thay đổi kế hoạch tăng trưởng tín dụng là việc đua lãi suất. Ông chỉ ra rằng: “Tiền cũng là hàng hóa nên càng thiếu thì vốn của tiền là lãi suất càng cao, thậm trí cá biệt có lúc lên đến 25-30%/năm, vượt xa khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khi lãi suất lên cao, kể cả doanh nghiệp không vay thêm cũng bị ảnh hưởng nặng vì toàn bộ vốn vay trước đây của họ cũng bị chuyển qua áp dụng mức lãi suất mới rất cao này. Nếu doanh nghiệp lợi nhuận được 15% thì trả lãi 25% vẫn bị lỗ 10% và không có tiền để trả lãi này dẫn đến nợ xấu ngân hàng, gây ra đổ bể tín dụng gia tăng nếu Ngân hàng không đáo nợ cho họ. Hậu quả dẫn tới là gần 50.000 doanh nghiệp đã phải đóng cửa, khoảng 50.000 doanh nghiệp cũng sẽ phải đóng cửa trong thời gian tới nếu không có chính sách nhất quán về tiền tệ”.

Không hiểu ông lấy cái khái niệm “vốn của tiền là lãi suất” ở đâu ra. Hơn thế, theo ý trên, chắc tôi hiểu không sai rằng ông đang “kết tội” NHNN đã gây ra sự thiếu hụt vốn tín dụng cho nền kinh tế, làm cho các doanh nghiệp điêu đứng. Vậy hóa ra ông phủ nhận sự đúng đắn của Nghị quyết 11 hồi tháng 3 năm nay, trong đó có giải pháp thắt chặt tiền tệ với mục tiêu là ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát ư? Ông ngạc nhiên với hậu quả của thắt chặt chính sách tiền tệ (doanh nghiệp đóng cửa) lắm ư? Ông đưa ra con số 50.000 doanh nghiệp (?) đóng cửa để minh họa cho cái hậu quả này, vậy ông có biết rằng có nhiều hơn thế con số doanh nghiệp mới thành lập trong năm nay không, và ông giải thích ra làm sao hiện tượng đó? Nếu là Thống đốc NHNN, ông có giải pháp gì kiềm chế lạm phát nếu không phải là chính sách tiền tệ thắt chặt? Hay ông đề nghị NHNN làm ngược lại, tức là tăng cung tiền để tăng vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm làm tăng cung hàng hóa và, nhờ đó, giảm lạm phát?

Không biết ông có nhầm không khi nói: “Nếu doanh nghiệp lợi nhuận được 15% thì trả lãi 25% vẫn bị lỗ 10%”. Ông là một doanh nhân giỏi nên tôi không thể tin ông nói vậy, đơn giản vì ai bỏ vốn ra cũng phải tính tỷ suất lợi nhuận dựa trên vốn tự có của mình bỏ ra chứ không phải dựa trên tổng vốn tự có cộng vốn đi vay. Chắc tôi không cần phải đưa ra một tính toán đơn giản để minh họa cho điều này để tiết kiệm giấy mực.

Ông chỉ ra thêm rằng: “Thống kê 9 tháng đầu năm so với năm 2010 cho thấy nạn thất nghiệp và tội phạm tăng cao. Vậy điều gì sẽ xảy ra, nếu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không được báo trước ở tầm vĩ mô trong năm 2012? Chắc chắn các doanh nghiệp sẽ không đủ sức để chịu đựng việc tiếp tục thắt chặt tiền tệ liều lượng mạnh như hiện nay. Điều không tránh khỏi là hàng trăm hàng ngàn doanh nghiệp có thể sẽ đổ vỡ với tốc độ nhanh hơn năm 2011 do sức chịu đựng của doanh nghiệp dường như đã cạn kiệt”.

Nói như thế này thì dường như ông coi cái việc “dự báo trước ở tầm vĩ mô” là việc rất khả thi, với kết quả trên thực tế hầu như “trúng phóc” so với dự báo? Nhà chiêm tinh nào mà đại tài đến thế? Chắc ông cho rằng nếu muốn thì Chính phủ, và cụ thể là Thủ tướng, có thể làm được việc này ư? Bên cạnh đó, nếu sang năm mà lạm phát vẫn ở mức cao (ví dụ như hiện nay) thì, theo ông lập luận, NHNN vẫn cần phải nới lỏng chính sách tiền tệ để cứu doanh nghiệp ư? Nếu ông trả lời là “đúng vậy”, thì theo ông Chính phủ lúc đó cần làm thế nào để kiềm chế lạm phát (khi NHNN đã nới lỏng chính sách tiền tệ)?

Ông ca ngợi rằng: “Tháng 10 lạm phát đã kiềm chế ở mức trên 3%. Đây là thắng lợi to lớn mà quốc tế không tin Việt Nam có thể làm nổi”. Theo ông, điều gì đã làm nên thắng lợi to lớn này, nếu NHNN đã không thắt chặt chính sách tiền tệ? Cũng cần phải nói cho rõ rằng kiềm chế lạm phát bằng chính sách tiền tệ thắt chặt là điều rất bình thường, và kết quả là lạm phát giảm nhiệt cũng là điều rất bình thường, chứ chẳng có gì là phi thường, “không thể tin nổi” ở đây cả.

Ông băn khoăn rằng: “Song chúng ta vẫn nhận thấy thông điệp tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, khi mà NHNN đã thắt chặt gấp 2 lần so với thông báo. Như vậy rất cần một sự minh bạch rõ ràng để doanh nghiệp họ biết mà điều chỉnh kế hoạch hoạt động của mình”.

“Thông điệp” của Chính phủ đã rõ vậy rồi (“tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ”, theo lời ông), ông còn muốn “minh bạch rõ ràng” thế nào nữa? Ông cứ lo ngại rằng: “… nếu hàng loạt doanh nghiệp sụp đổ thì hậu quả sẽ kéo theo là hàng triệu con người mất việc, tệ nạn xã hội gia tăng”. Vậy chắc ông không lo ngại là lạm phát cao (nếu NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ, như ông muốn) sẽ gây ra những bất ổn xã hội cũng “tệ” không kém gì, nếu không muốn nói là hơn, việc doanh nghiệp sụp đổ vì chính sách tiền tệ thắt chặt ư?

Trong các bài nói và viết của ông còn nhiều điểm đáng mang ra “mổ xẻ” tương tự như trên lắm nhưng tôi đành dừng lại ở đây vì đã thấy quá đủ để đưa ra kết luận như nói ở phần đầu rồi. Rất mong ông hiểu được những hạn chế của mình để làm tốt được vai trò của mình trong Quốc hội mà cử tri của ông đã tin tưởng giao phó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét