HAI LẦN THOÁT KHỎI HIỂM HỌA THI CA
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn
Cách đây khoảng 30-40 năm, không khí văn chương ở nước ta rất căng thẳng. Các nhà văn nhà thơ tài giỏi như Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… đều không may dính vào những vụ án văn chương đến nỗi bị cấm viết, thường đi lao động chân tay ở các vùng núi, vùng quê, gọi là đi thực tế. Nếu tôi nhớ không nhầm thì chỉ vì các câu thơ đại loại như: “Dù ai cầm dao dọa giết / Cũng không nói ghét thành yêu”, “Chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ”, “Đôi môi tươi đạn xé / Chưa bao giờ được hôn”… Tôi nhớ dạo đó nghèo quá, có cuộc thi trên báo, nhà văn Phùng Quán phải viết rồi ký tên vợ anh là chị Bội Trâm để được nhận giải thưởng (vì nếu ký tên anh thì không bao giờ được giải!). Nhưng sau này, đến năm 2007, thì hầu như các nhà văn nhà thơ trên đều được minh oan, nhiều người đã được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Tôi chỉ là một người viết báo, làm thơ những năm 1970-1990, còn trẻ nên rất hồn nhiên viết tất cả những gì là tâm sự của riêng mình. Năm 1973, là phóng viên báo Hà Nội Mới, có ông chồng mới cưới công tác tận trên Tây Bắc mà chẳng may ở cơ quan lại có một chàng cứ tôi đi đâu cũng đi theo và nhiều lần tuyên bố thẳng thừng là… rất mến mộ PTTN(!). Nhưng có phải cứ ai thích mình là mình cũng thich người ấy đâu, nên tôi viết câu thơ mang tính chất rất “hoàn cảnh”: “Người tôi yêu đã đi xa/ Người yêu tôi lại ở nhà, chán ghê!”. Dạo đó, khi tôi gửi một chùm thơ đến báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn thì các bài khác đều được đăng, chỉ có câu này bị bỏ lại, vì theo các vị biên tập thơ thì câu này… cũng hay, nhưng trong tình hình đang đánh nhau rất khốc liệt như năm 1973, cả nước không đăng thơ tình mà câu này nghe lại có vẻ… ngoại tình (!), thì không thể nào đăng được!