Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN ĐÃ HỎNG ?

Việt Nam chưa bao giờ có nhà nước pháp quyền đúng nghĩa. Nghị quyết của Đảng cao hơn Hiến pháp thì pháp quyền ở chỗ nào ? Ý kiến của Thủ tướng cao hơn luật pháp thì pháp quyền ở chỗ nào ? Hầu hết các bản án đều là án bỏ túi thì pháp quyền ở chỗ nào ?... Khi chưa từng có nhà nước pháp quyền thì không thể nói nó hỏng.
NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN ĐÃ HỎNG ? 
Nghị quyết đảng ghi “xây dựng nhà nước pháp quyền”, có lẽ với sự kiện những người công an huyện Đông Anh, Hà Nội biểu tình hiện nay thì có thể nói mục tiêu đó đã hỏng ở nền móng. Dĩ nhiên tôi không căn cứ vào một chuyện công an hôm nay để kết luận mà nó là một quá trình đánh giá lâu dài. Từ gần 10 năm trước, khi mà Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Hiện đã nói rằng “ngành toà án thiếu cán bộ xét xử đến nỗi phải vơ vét tạp vụ, lái xe đưa lên làm thẩm phán”.
Sau 10 năm qua hai nhiệm kỳ chính trị của đảng và hai khoá quốc hội, thêm một nghị quyết xây dựng nhà nước pháp quyền thì tình hình vẫn không khá hơn. Việc mới nhất là Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình bị báo Pháp Luật TpHCM chỉ ra rằng ông Bình không nắm vững nguyên tắc pháp luật khi xét án. Dĩ nhiên không chánh án nào nhớ hết các điều luật hay bộ luật, nhưng không thể có chánh án nào không nắm vững các nguyên tắc pháp luật mà cho ý kiến về vụ án.

Chánh án Tối cao không nắm vững pháp luật thể hiện sự yếu kém của tư pháp là một chuyện. Một chuyện khác là việc công an biểu tình đòi đất hôm nay sau 17 năm khiếu nại ròng rã cho thấy sự thất bại của hành pháp.

Nếu các công an hôm nay khiếu nại sai thì nghĩa là họ là công an mà thiếu kiến thức pháp luật, còn nếu họ khiếu nại, biểu tình vì đúng về tình lý thì cho thấy công an cũng không có khả năng bảo vệ lợi ích chính đáng theo pháp luật cho mình, thì liệu họ có bảo vệ được nhân dân ?

Kiểu nào cũng bất an và nguy hiểm theo một hướng khác nhau.


Đó là bức tranh hành pháp và tư pháp xét xử, về sức mạnh lập pháp của Quốc hội cũng thế. Pháp luật do Quốc hội lập ra không thực thi, không đi được vào cuộc sống. Ý kiến và sự giám sát của Quốc hội với các cơ quan nhà nước là rất yếu ớt và không được lắng nghe, đa phần đơn từ luân chuyển lòng vòng là chính. Chưa kể Luật làm ra vừa ban hành đã mang đi sửa đổi.

Tất cả những khía cạnh trên cho thấy hệ thống công lý để thực thi pháp trị và pháp quyền yếu kém toàn diện. Từ công an cấp cơ sở đến hệ thống toà án cấp cao, đến cả cơ quan cao nhất là Quốc hội.

Nhiều người chê trách ba ngành tố tụng vì yếu kém, chậm chạp và thiếu hiệu quả khi có việc qua lại với các cơ quan pháp luật. Nói vậy là đúng nhưng thiếu, cái quan trọng nhất là tội phạm xã hội gia tăng về lượng, về chất và về khả năng ẩn dấu. Từ đó gây ra sự quá tải và áp lực lên ba ngành tố tụng.

Mà hệ lụy đó sinh ra thì không phải lỗi của ba ngành tố tụng mà là của thể chế, từ việc chứa chuột trong bình của toàn thể các bộ ngành, rồi chỉ có ba ngành thì xử sao cho hết.

Bỏ sót một tội phạm là lỗi của ba ngành tố tụng, nhưng biết có tội phạm mà không thể xét xử hay thụ lý thì lỗi nằm ở hiệu lực và cách thức vận hành của nhà nước pháp quyền.

Những người công an mặc sắc phục biểu tình đòi đất ngày hôm nay ở Hà Nội làm tôi nhớ đến Liên Bang Xô Viết vài năm trước khi đảng CSLX tan rã. Khi đó có nhiều người công an mặc sắc phục đi đòi nhà nước Xô Viết trả lại phúc lợi và tiền lương cho họ.

Sự thất bại lớn nhất của bất kỳ đảng cầm quyền nào là việc không xây dựng nổi nhà nước pháp quyền.

H.M

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét