Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

Hay ghê, nhưng hãi quá!

Hay ghê, nhưng hãi quá!
FB Mạc Văn Trang - 2-9-2019
1. Hay ghê!
Mỗi năm thường về quê 4 -5 lần, mình vẫn thuê xe đi trong ngày, rất thoải mái. Nhưng giá thuê xe cứ tăng dần theo giá xăng và tiền qua Trạm thu phí; mỗi lần về quê chi hơn 1 triệu tiền xe, mất một góc lương hưu rồi!
Hôm nọ, ông bạn Phụng mách cho cách đi xe dịch vụ, cũng tiện lắm, mà vừa đi vừa về chỉ mất 240 ngàn đồng, số điện thoại đây… Hay quá! Hôm qua áp dụng luôn.

Chiều gọi số ĐT. Người trả lời, 6h30 sáng hôm sau đón ở Ngõ 445 Nguyễn Khang, nhưng ngày Lễ, giá lên 130 ngàn đồng… Mình OK ngay.
Đúng giờ ra xe. Ô… xe 4 chỗ rất lịch sự. Lái xe vui vẻ, lễ phép. Hai bố con lên xe ung dung. Xe chạy đi đón 2 người nữa rồi chạy về Hải Dương. Dọc đường có lòng vòng trả 2 người, nhưng không vấn đề gì. 8h30 xe về tận nhà trong làng. Hay ghê!
Chiều hẹn 14h30 xe đón tại làng, đưa về tận ngõ 445 Nguyễn Khang. Hay quá đi chứ!

Trên đường trò chuyện với lái xe được biết: Xuất phát từ nhu cầu của người dân, họ tự sắm xe để phục vụ, rồi hình thành nên một nhóm hơn chục anh em chạy tuyến Hải Dương – Hà Nội. Anh em thường xuyên liện lạc qua điện thoại để trao đổi khách cho nhau, sao cho việc đưa, đón khách tiện lợi, hiệu quả nhất…

– Có ai bày vẽ “học tập, làm theo” không, mà ra cái “mô hình” này?

– Tự nhu cầu cuộc sống nó mách bảo thôi. Cho nên khắp các tỉnh thành, bây giờ ở đâu cũng có những nhóm xe dịch vụ kiểu như chúng cháu.

– Có ai tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo gì không?

– Cũng có mấy anh đầu tiên rồi xâu chuỗi dần thành nhóm ngày một lớn, đủ trao đổi hiệu quả thì cứ duy trì… Chúng cháu liên hệ qua điện thoại là chính, còn trực tiếp chỉ khi chờ khách, vài anh gặp nhau chè lá.

– Ngoài lợi ích trao đổi khách còn lợi ích gì nữa?

– Ai có kinh nghiệm gì hay thì phổ biến cho nhau. Trên đường thì thông tin cho nhau, ví dụ thằng đi trước báo cho thằng đi sau biết, công an đang ở chỗ nào, để cẩn thận đề phòng; rồi hỗ trợ nhau khi gặp sự cố trên đường …

– Khách hàng chủ yếu là ai?

– Chủ yếu là người dân đi Hà Nội khám bệnh, người đi nuôi bệnh nhân, rồi khách như bác đi có việc… Còn thứ bảy, chủ nhật phục vụ sinh viên. Nhưng các bà đi trông cháu, giúp việc cũng đông lắm. Cứ chiều tối thứ 6 từ Hà Nội về quê, sáng sớm thứ 2 có mặt ở Hà Nội, chúng cháu phải đi từ 4 giờ sáng ấy chứ. Các bà đem từ quê lên Hà Nội đủ thứ: gạo, ngô, khoai, rau, quả lỉnh kỉnh lắm…

Trộm nghĩ, thì ra Dân ta đủ thông minh, linh hoạt để tự giải quyết những vấn đề nảy sinh, phát triển trong cuộc sống; Chính quyền chỉ cần đảm bảo luật pháp để người dân tự do làm ăn lành mạnh là được, chả cần mấy ông to, bà lớn phải quanh năm đi “động viên”, “chỉ đạo” Dân phải “trồng cây gì, nuôi con gì”; phải “phát huy truyền thống”, phải “phấn đấu thành “đầu tầu”, phải “phát huy tiềm năng, thế mạnh”…

2. Nhưng hãi quá


Hãi, vì xe “dịch vụ” phải chạy càng nhanh, càng tốt, nên xe lúc vượt bên phải, lúc vượt bên trái, lúc luồn, lách, chặn đầu xe khác để tranh đường…

Đã thế lái xe luôn mồm gọi điện thoại liên lạc với nhóm để trao đổi khách; liên hệ với khách để trong khi trả khách, đã chuẩn bị đón khách; có lúc đồng đội còn quát mắng nhau quên khách; có lúc phải giải thích giá cả với khách, xin lỗi khách, hướng dẫn khách… Hãi nhất là thấy lái xe tay cầm điện thoài, tay cầm bút ghi số điện thoại của khách để rồi nhắn tin cho đồng đội để liên hệ đón khách, trong khi xe vẫn bon bon trên đường, giữa rừng xe ô tô và xe máy!

– Các cậu lái xe kiểu này cũng nguy hiểm đấy…

– Không sao bác ơi, chúng cháu quen rồi mà (?)

Mình đành nhắm mắt lim dim ngủ, mặc cho số phận “trong tay anh”!
Bọn Tây mà đi một chuyến thế này sẽ được trải nghiệm thế nào là “kinh hãi”!

Đây mới là vấn đề của chính quyền đấy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét