Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

TẢN MẠN THAY CÂY: “THẾ THẢO” Ở CÁC NƠI

TẢN MẠN THAY CÂY: “THẾ THẢO” Ở CÁC NƠI
Không biết từ bao giờ mà người dân Hà Nội đã mặc định trong đầu một suy nghĩ là “chặt cây để phát triển đô thị”(!?). Nếu chúng ta hỏi 10 người thì chắc có đến 9 người có suy nghĩ như vậy. Điều này phản ánh tâm lý ‘’bị động’’ từ khối điều hành cho đến quần chúng nhân dân đối với các vấn đề kinh tế - xã hội.
Có thể khẳng định rằng cách diễn đạt “chặt cây để phát triển đô thị” chẳng hề tồn tại ở bất cứ lý thuyết quản lý chính sách & hạ tầng đô thị nào cả tự cổ chí kim. Nó chỉ là cái cớ để người lãnh đạo đưa ra một tuyên bố đại loại là “chúng ta buộc phải làm như vậy vì không có lựa chọn nào khác”. Lãnh đạo ta có thói quen ấy, tâm lý đó đưa họ xuống ngang hàng với “dân” về nhận thức, nhưng lại nắm quyền lực ở một cấp độ khác. “Không phải A thì là B” khiến con người ta không phải suy nghĩ nhiều và vô hình chung bị giới hạn trong chính những “lựa chọn” đó mà không biết rằng còn có cả những C,D,E,F nữa có thể làm. Các giải pháp hay thì thường nó không hiện ra sờ sờ ở trước mắt, nó đòi hỏi người lãnh đạo phải tìm tòi, phải thử nghiệm và chí ít là phải đọc sách. Các hoạt động đó dường như còn thiếu vắng trong trong khối vận hành.

Cách đây đúng 56 năm, ngày 16 tháng 6 năm 1963, có một Thủ tướng ở một quốc gia nọ đã khởi động một chương trình có tên là Garden City. Nó là khởi đầu của kế hoạch “Garden in the City” (vườn trong thành phố) tại Singapore. Sẽ có người tự ái giãy lên rằng so với Sing thì so làm gì. Tất nhiên mình không so sánh Sing với Hà Nội ở thời điểm hiện tại, ta hãy so sánh Hà Nội của năm 2019 với Sing ở năm 1963 đi cho nó công bằng.

Bước ra khỏi chiến tranh vào năm 1955 thì năm 1956 Sing thành lập Ủy ban đô thị URA và Ban quản lý Nhà ở HDB (URA và HDB là hệ thống kỉ luật thép được điều hành dưới chỉ đạo của Lý Quang Diệu) và chỉ 7 năm sau, kế hoạch “Garden in the City” đã được phê duyệt. Vào cái thời mà cả châu Á đang vùng lên bán mạng cho phát triển kinh tế định hướng xuất khẩu và xây dựng đô thị hạ tầng lớn thì chỉ có một mình Singapore là dành quan tấm đến phát triển nền tảng đô thị - xã hội – kinh tế dựa trên vốn tài nguyên được xác định là bằng “0”. Nó cho thấy điều cần có ở một lãnh đạo, đó là vấn đề về “tầm nhìn”. Lý Quang Diệu đã nhìn thấy cái đích đến của kiểu hình siêu đô thị mật độ cao từ những ngày đó. Nó đã làm Singapore hoàn toàn khác Hong Kong hay Hà Nội dù rằng các thành phố này có sự tương đồng về bối cảnh lịch sử.

Tất nhiên, để cho ra được một Kế hoạch dẫn dắt đất nước trong gần 70 năm qua thì lãnh đạo bạn không chỉ dừng lại ở việc hô hào khẩu hiệu theo kiểu “biến Hà Nội thành Paris thu nhỏ” hay “Phú Quốc thành Ma Cao” (nói như thế trên bàn hội nghị Quốc tế người ta cười cho thối mũi). Kế hoạch ấy đã được xây dựng tỉ mỉ với các trọng tâm tập trung vào các vấn đề sau : - Nhà ở, - Kinh doanh, -Nhu cầu xã hội, - Mật độ, - Nhu cầu tái sản xuất, -kế hoạch cho các khu vực tiếp giáp mặt nước (waterfront), -Kế hoạch hàng không, -Vấn đề chất thải trong không khí và các vấn đề liên quan đến Quốc phòng… 

Cho đến nay, người ta coi “Garden in the City” là một Học thuyết xã hội chứ không đơn thuần là việc trồng cây, thay cây. Nhớ lại có vài lần bạn mình chạy dự án cho các tập đoàn ở Việt Nam nói chuyện với mình, các bạn đưa thuật ngữ này vào trong các lời mời chào bán hàng, bán căn hộ một cách bừa bãi. Lúc đó mình chỉ gợi ý các bạn đó rằng để hạn chế việc hiểu sai lệch về một Học thuyết thì tốt nhất các bạn nên bỏ chủ thể so sánh là Singapore đi, bỏ đi rồi thì các bạn muốn múa bút thế nào cũng xong.

Tiếp đến, bàn về khía cạnh hẹp là trồng cây – thay cây trong “Garden in the City”. Nó rất đơn giản thôi, được quy định bởi luật và quy chuẩn quản lý cây trồng đô thị cụ thể như sau: -1 Cây trồng ở khu vực có tòa nhà, -2 Cây trồng dọc theo đường, - 3 Cây trồng trong khu vực dự trữ đất, - 4 Cây trồng trong khu vực lõi sinh thái bảo tồn, - 5 Cây trồng tạo đa dạng sinh học trong thành phố. Không hơn không kém.

Dựa vào các phân loại này mà Singapore đã cho ra đời các đạo luật về ứng xử với cây cối trong đô thị. Ứng xử cũng rất đơn giản. Ví dụ: Tòa nhà mà thiếu tỷ lệ cây trồng thì không được gọi là “tòa nhà”. Đường xá mà thiếu bóng mát của cây thì không gọi là “đường xá”, ngã tư ngã ba mà không có cây tỏa bóng cho người đứng đợi đèn đỏ thì không gọi là “nút giao thông”..vân vân. Tất nhiên nói theo giọng điệu của giới tinh hoa say mê phát triển đô thị kiểu VN thì điều đó có thể khờ khạo nhưng hãy nhìn thẳng vào thực tế đô thị của Sing, có ai dám nói rằng nó lạc hậu hơn Hà Nội không? (ngay cả khi chúng ta đã làm mọi cách, hi sinh mọi thứ để phát triển đô thị).

Nhìn vào độ che phủ cây xanh của Singapore, cho đến 2010 nó đã đạt đến con số 50% và mật độ đô thị thì hẳn là cao hơn Hà Nội rất nhiều, đường xá - hạ tầng nhân tạo cho giao thông và hậu cần có kích thước gấp 7 lần Hà Nội từ đầu những năm 2000. Có ai dám nói là “chặt cây để phát triển đô thị” là giải pháp duy nhất không ? Không, nó còn có nhiều cách khác và là việc của giới lãnh đạo trong xây dựng chính sách. 

Để tăng độ che phủ, mỗi một hoàn cảnh cần có một giải pháp cứng có tính chất quy định. Chính vì thế mà ở Singapore, chỉ riêng đối với hạ tầng tổ hợp nhà ở, có hàng chục các thuật ngữ về giải pháp cây trồng mà kể ra thì Tây quăng cũng im mồm: E-deck, Green buffer, Green reserved, Npark, Mpark, MSCP, Killer litter, Community garden, Pool deck, Void deck, Landscape deck, Green belt, Waterfront park, Green jogging track, Green pathway, Green connecter, Hanging Garden, Roof Garden, -… chúng đều xoay quanh cây cối và phải nói là các khái niệm này rất thực dụng chứ không rặt những khái niệm vô định mà VN đang xây dựng.

Một ví dụ nhỏ, văn phòng mình trước đây khi làm tổ hợp 2500 căn hộ tại Singapore đã được in hình công trình lên đồng tiền của nước này, nó cho thấy mối quan tâm về quy chuẩn và định hướng phát triển đô thị rất được xem trọng. Tổ hợp đó được xếp loại “Nhà ở xã hội” nhưng có thể khẳng định rằng các “chung cư cao cấp nhất” ở VN đổ bao nhiêu tiền vào xây dựng và chạy quảng cáo với tên gọi mỹ miều cũng chẳng thể sánh được so với 1 góc nhỏ của cái tổ hợp ấy. Lúc này ta nói rằng các chính sách đã phát huy hiệu quả trong việc định hướng đô thị. Mọi thứ phải được quy định bởi luật, bởi quy chuẩn chứ dấu ấn cá nhân trong thiết kế không giải quyết được các vấn đề ở quy mô đô thị.

Chuyện chặt cây, thay cây ở Hà Nội hãy nhìn theo cách đó. Đừng bao biện với lí do “Phát triển” nghe nó nực cười lắm, cái đó chỉ gọi là "thay đổi" thôi. Cần làm thì phải làm, nhưng “Luật” đâu? Các “Quy chuẩn” đâu? Rõ ràng là chưa có suốt 70 năm qua. Thế thì phải xây dựng quy chuẩn thôi, phải có tầm nhìn lên thôi, phải hành động thực tiễn thôi, thực dụng lên thôi, động não lên thôi... Thiếu đi những hành động cụ thể và phẩm chất lãnh đạo thì thay cây - “Thế Thảo” chỉ còn là một khái niệm vô định luôn bị đem ra làm trò cười mua vui.

Ảnh: Ảnh chụp đi thăm công trường tại Sing cách đây 2 năm nhân tiện ghé chụp hình ở góc đường bên dưới ParkRoyal của Woha. Nhìn trong 1 góc ảnh ta thấy có 5 quy định cây trồng được áp dụng: Green buffer, Killer litter, Green track, Environment deck và Sun shade tạo bởi cây Rain tree ở góc ngã tư. Cái này nó mới tạo ra Sing chứ nó không hề như trong mường tượng của các cán bộ Phường quận Nhất, Sài Gòn.

#XND Lequang #Thaycây #Thếthảo #Hanoi. #Singapore

PS: Trong khi Hà Nội đang bàn chặt cây thì học thuyết “Garden in the City” (Vườn trong thành phố) của Lý Quang Diệu đã có bước tiến trở thành “City in the Garden” (Thành phố trong Vườn). Nó biến Singapore trở thành quốc gia đầu tiên có thể áp dụng Smartcity trên nền tảng kinh tế chính trị và hạ tầng theo lý thuyết của ETHZ và MIT. Và như thế thì chúng ta gọi là “Phát triển”.

Nguồn: Trên mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét