Thứ Hai, 11 tháng 3, 2019

(4) Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Lưu ý kết luận: Trong trường hợp địa điểm Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 được đưa vào sử dụng cho mục đích khác, trong tương lai nếu cần địa điểm cho các nhà máy điện hạt nhân thì sẽ không còn, hoặc rất khó tìm địa điểm khác và mất thêm nhiều thời gian, công sức, kinh phí. Do vậy, kiến nghị Chính phủ giữ các địa điểm Phước Dinh (Ninh Thuận 1) và Vĩnh Hải (Ninh Thuận 2) tại Ninh Thuận cho việc phát triển điện hạt nhân trong tương lai.
Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Một quá trình lâu dài và tốn kém [Kỳ 4]
04/03/2019 Với những phân tích, đánh giá (trong các kỳ 1,2,3), các chuyên gia kiến nghị: Chính phủ cần sớm đưa điện hạt nhân vào xem xét như là một nguồn điện trong tương lai để đáp ứng nhu cầu điện năng, đặc biệt xem xét trong khi xây dựng Quy hoạch điện 8. Đồng thời, giữ các địa điểm Phước Dinh (Ninh Thuận 1) và Vĩnh Hải (Ninh Thuận 2) tại Ninh Thuận cho việc phát triển điện hạt nhân trong tương lai, vì hiện nay vấn đề cung cấp điện năng đang là nhiệm vụ lớn, quan trọng, cần đi trước một bước, đặc biệt các nguồn điện chạy phụ tải cơ sở (chỉ có thể là thuỷ điện công suất lớn, nhiệt điện và điện hạt nhân).Chuyển đổi mặt bằng dá»± án điện hạt nhân Ninh Thuận
KỲ CUỐI: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận về quá trình tìm kiếm khảo sát đánh giá địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Qua các bài trình bày đã nêu tại các kỳ 1,2,3 ta có thể rút ra một số kết luận sau:
Thứ nhất: Để tìm ra được 10 địa điểm tiềm năng phục vụ cho quy hoạch địa điểm xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam và trong đó, lựa chọn ra 2 địa điểm thích hợp nhất cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Phước Dinh và Vĩnh Hải thuộc tỉnh Ninh Thuận, chúng ta đã phải trải qua hơn 10 năm ròng (từ 1996 đến 2007) để thực hiện các nội dung công việc của công đoạn 1 gồm 3 pha liên tục trong Quy trình tìm kiếm, lựa chọn địa điểm.

Thực hiện công việc của công đoạn 1, chúng ta đã huy động sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức và các chuyên gia từ Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam. Cùng với đội ngũ chuyên gia trong nước, các chuyên gia của Nhật Bản đã tham gia hỗ trợ tư vấn về phương pháp luận và các nội dung chuyên môn liên quan. Chi phí cho công việc này lên tới nhiều chục tỷ VNĐ. Kết quả đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước xem xét, đánh giá, thông qua và trình phê duyệt.

Thứ hai: Để có được bộ hồ sơ trình phê duyệt 2 địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Phước Dinh và Vĩnh Hải thuộc tỉnh Ninh Thuận, các đối tác là liên danh tư vấn E4 - KIEP - EPT (Liên bang Nga) và Công ty Điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC) đã tiến hành các hoạt động khảo sát, nghiên cứu, đánh giá 2 địa điểm nói trên theo đúng các yêu cầu nội dung công việc của công đoạn 2 trong Quy trình tìm kiếm, chọn lựa địa điểm.

Trong suốt 5 năm thực hiện từ 2011 đến 2015, ngoài việc bổ sung, cập nhật và xử lý toàn bộ các thông tin đã có của công đoạn 1, các đối tác là liên danh tư vấn E4 - KIEP - EPT (Liên bang Nga) và JAPC đã thực hiện khoan thăm dò địa chất công trình với hàng chục lỗ khoan các loại và hàng nghìn mét khoan sâu để thu thập các mẫu đất đá, mang về Nga, Nhật Bản phân tích, đánh giá. Hai đối tác cũng đã xây dựng, lắp đặt các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, trạm quan trắc địa chấn để theo dõi và thu thập các thông tin cần thiết liên quan. Chi phí cho công việc này lên tới nhiều chục triệu USD.

Kết quả đã lập được 2 bộ hồ sơ trình phê duyệt 2 địa điểm, nhưng phía Việt Nam chưa tổ chức được việc xem xét, đánh giá và thẩm định 2 bộ hồ sơ này do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thứ ba: Để có được những kết quả như ngày hôm nay, chúng ta đã phải trải qua một thời gian dài tìm kiếm, khảo sát, lựa chọn, đánh giá địa điểm dựa trên cơ sở các phương pháp luận khoa học và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chặt chẽ, nghiêm ngặt.

Tìm kiếm, lựa chọn và đánh giá địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân thực sự là một quá trình lâu dài (gần 20 năm, kể từ năm 1996), công phu và tốn kém (ngoài số tiền đầu tư từ Liên bang Nga và Nhật Bản, Việt Nam đã bỏ ra nguồn kinh phí rất đáng kể suốt quá trình 20 năm để tìm kiếm, phân loại, đánh giá, lựa chọn các địa điểm đáp ứng yêu cầu để xây dựng nhà máy điện hạt nhân (Bộ KH&CN, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN). Có 8 địa điểm đã được đưa vào quy hoạch để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Đặc biệt các nghiên cứu kỹ lưỡng đã được thực hiện đối với địa điểm Phước Dinh (Ninh Thuận 1) và Vĩnh Hải (Ninh Thuận 2), tại tỉnh Ninh Thuận.

Thứ tư: Diện tích các địa điểm dự định xây dựng nhà máy điện hạt nhân là không lớn (khoảng 824 ha, tính cả diện tích vùng cách ly 500 mét từ hàng rào nhà máy). Tuy nhiên, diện tích cần thiết nhiều hơn do phải dành khu vực đệm cho nhà máy. Khu vực địa điểm Phước Dinh (Ninh Thuận 1) chỉ toàn là đồi cát. Do đó việc sử dụng các địa điểm này cho năng lượng gió, mặt trời cũng chỉ mang lại hiệu quả không đáng kể.

Thứ năm: Trong trường hợp địa điểm Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 được đưa vào sử dụng cho mục đích khác, trong tương lai nếu cần địa điểm cho các nhà máy điện hạt nhân thì sẽ không còn, hoặc rất khó tìm địa điểm khác và mất thêm nhiều thời gian, công sức, kinh phí.

2. Kiến nghị

Vấn đề an ninh năng lượng quốc gia luôn luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với các quốc gia. Đối với bất kỳ quốc gia nào, vấn đề năng lượng và quy hoạch năng lượng luôn luôn được đi trước một bước, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi khoa học công nghệ đã đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành năng lượng, hiện hay Việt Nam vẫn đang có đủ điện đáp ứng nhu cầu, do 10-15 năm trước đây Việt Nam đã làm tốt quy hoạch và triển khai các dự án điện. Tuy vậy, khó khăn sẽ đến trong một vài năm tới do hiện nay Quy hoạch điện của Việt Nam đang có nhiều bất định, trong khi lại chưa có quy hoạch mới, các dự án nguồn điện lớn đang gặp nhiều khó khăn.

Trong vài năm qua, hầu như không có dự án điện lớn nào được triển khai xây dựng. Các dự án điện gió, điện mặt trời triển khai nhiều, nhưng quy mô công suất không lớn và khi đưa vào sử dụng cũng chỉ có số giờ sử dụng thiết bị từ 1.500 đến 2.500 giờ trong tổng số 8.760 giờ của năm. Như vậy, trong tương lai không xa, nhiều khả năng Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện.

Theo đánh giá hiện nay của các chuyên gia trong ngành năng lượng và ngành hạt nhân, điện hạt nhân là cần thiết trong tương lai cho Việt Nam. Điện hạt nhân sẽ là nguồn cung cấp điện năng ổn định, có giá thành hợp lý. Đặc biệt điện hạt nhân sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh chúng ta đang và sẽ tiếp tục phải tăng nhập khẩu than từ nước ngoài cho các nhà máy nhiệt điện. Điện hạt nhân góp phần đáng kể trong việc bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Việc triển khai các dự án điện hạt nhân thành công sẽ thực sự đưa đất nước Việt Nam lên một tầm cao mới về phát triển khoa học, công nghệ và công nghiệp, phát triển bền vững. Một đất nước với quy mô dân số khoảng hơn 100 triệu người cần có nền khoa học, công nghệ phát triển, nền công nghiệp tiên tiến.

Với tình hình thực tế như trên, các chuyên gia ngành hạt nhân và ngành năng lượng kiến nghị:


Một là: Cần sớm đưa điện hạt nhân vào xem xét như là một nguồn điện trong tương lai để đáp ứng nhu cầu điện năng, đặc biệt xem xét trong khi xây dựng Quy hoạch điện 8.

Hai là: Kiến nghị Chính phủ giữ các địa điểm Phước Dinh (Ninh Thuận 1) và Vĩnh Hải (Ninh Thuận 2) tại Ninh Thuận cho việc phát triển điện hạt nhân trong tương lai, vì hiện nay vấn đề cung cấp điện năng đang là nhiệm vụ lớn, quan trọng, cần đi trước một bước, đặc biệt các nguồn điện chạy phụ tải cơ sở (chỉ có thể là thuỷ điện công suất lớn, nhiệt điện và điện hạt nhân).

Ba là: Rà soát lại các địa điểm còn lại (6 địa điểm trong 8 địa điểm đã được quy hoạch) và có chính sách hợp lý trong quy hoạch tiếp theo cùng với bài toán phát triển điện năng quốc gia.

Việc giữ lại 8 địa điểm nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, vì các nước có chương trình phát triển điện hạt nhân đều có những văn bản quy phạm pháp luật quy định cho phép chủ đầu tư giữ các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong thời hạn là 20 năm. Vượt quá thời hạn trên, địa điểm mới được xem xét để chuyển đổi mục đích sử dụng.

TS. LÊ VĂN HỒNG, TS. TRẦN CHÍ THÀNH

http://nangluongvietnam.vn/news/vn/nhan-dinh-phan-bien-kien-nghi/dia-diem-xay-dung-nha-may-dien-hat-nhan-mot-qua-trinh-lau-dai-va-ton-kem-ky-4.html


Chuyển đổi mặt bằng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

31/10/2018 10:13:35
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, Thủ tướng đồng ý về "chủ trương điều chỉnh" chuyển đổi mặt bằng nhà máy điện hạt nhân, xây dựng Ninh Thuận trở thành tỉnh sản xuất năng lượng tái tạo lớn của cả nước.
Đề xuất định hướng cơ cấu nguồn điện cho Quy hoạch điện VIII.

Chuyển đổi mặt bằng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Chuyển đổi mặt bằng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Thông báo kết luận cho biết: Mục đích sử dụng đất sau chuyển đổi cần tính toán khoa học và phải bảo đảm hiệu quả. Cân nhắc việc sử dụng cho các dự án năng lượng tái tạo là thế mạnh của địa phương, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
 
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công Thương hủy Quyết định số 6070/QĐ-BCT ngày 17/6/2015 về quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 trong tháng 11 năm 2018.
 
Đồng thời chỉ đạo tỉnh lập Đề án chuyển đổi mặt bằng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, bao gồm các phương án, kế hoạch đảm bảo ổn định sản xuất, đời sống nhân dân khu vực dự án. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan liên quan thẩm định Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/12/2018 để xem xét, quyết định.
 
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về chủ trương đầu tư hạ tầng truyền tải điện để giải phóng công suất các dự án điện gió, điện mặt trời. Giao Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng truyền tải đường dây 500kV và 220kV trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 theo Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 30/8/2018 của Chính phủ. Kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền trong tháng 11/2018.
 
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo việc xây dựng Ninh Thuận trở thành tỉnh sản xuất năng lượng tái tạo lớn của cả nước. Phấn đấu xây dựng địa phương này trở thành tỉnh sản xuất năng lượng tái tạo lớn của cả nước (trong đó có điện gió, điện mặt trời và phát triển điện khí sử dụng LNG với quy mô phù hợp).

http://icon.com.vn/vn-s83-146193-633/Chuyen-doi-mat-bang-du-an-dien-hat-nhan-Ninh-Thuan.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét