Đồng USD dậy sóng: Ngân hàng Nhà nước nên làm gì?
10/07/2018, (NTD) - Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 1% giá bán USD, tỷ giá đồng loạt giảm nhẹ trên cả thị trường ngân hàng và thị trường tự do. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước không nên can thiệp và để cung cầu thị trường tự điều chỉnh. Ngân hàng Nhà nước nên để thị trường tự điều tiết.
Thị trường ngoại hối đang trải qua thời kỳ “nóng sốt”, giá USD tăng chóng mặt trên cả thị trường ngân hàng lẫn thị trường tự do. Đứng trước diễn biến này, Ngân hàng Nhà nước “hứa” sẽ can thiệp để bình ổn thị trường.
Giá USD e dè giảm
Đáp lại “lời hứa” của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá vẫn tăng rất mạnh, có ngân hàng điều chỉnh tăng 50 đồng/USD chiều bán ra. Vì vậy, tới chiều 3/7, Ngân hàng Nhà nước “hiện thực hóa” lời hứa khi giảm mạnh giá bán USD ra thị trường, mức giảm 244 đồng tương đương 1% về 23.050 đồng. Mức giá này cũng thấp hơn tới 264 đồng so với mức trần của tỷ giá trung tâm.
Động thái này của Ngân hàng Nhà nước khiến tỷ giá hạ nhiệt. Tuy nhiên, tốc độ giảm vẫn khiêm tốn. Các ngân hàng vẫn e dè khi điều chỉnh tỷ giá ở chiều bán ra.
Tại BIDV, giá USD được mua bán ở mức: 23.000-23.070 đồng/USD, giảm 15 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra. BIDV vẫn duy trì tỷ giá trên mốc 23.000 đồng ở cả 2 chiều.
Eximbank niêm yết tỷ giá ở mức: 22.970 -23.080 đồng/USD, giảm 10 đồng/USD ở cả 2 chiều. Tại TPB, giá USD vẫn vững vàng trên mốc 23.000 đồng/USD. Tỷ giá giao dịch ở mức: 23.002-23.072 đồng/USD, giảm 2 đồng/USD.
Techcombank bán ra USD với giá rất cao. Tỷ giá giao dịch ở mức: 22.980-23.090 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD chiều mua vào nhưng giảm 5 đồng/USD chiều bán ra.
Trong khi đó, VietinBank và VietcomBank không hạ nhiệt đồng USD. Tỷ giá tại VietinBank niêm yết ở mức: 22.992-23.072 đồng/USD, tăng 2 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra. Tại Vietcombank, tỷ giá niêm yết ở mức: 23.000-23.070 đồng/USD, không đổi so với cuối ngày hôm qua.
Trên thị trường ngân hàng, tỷ giá hạ nhiệt. Tại “phố vàng” Hàng Bạc, Hà Trung (Hà Nội), tỷ giá giao dịch phổ biến ở mức 23.100-23.120 đồng/USD, giảm khoảng 20 đồng/USD so với hôm qua.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết nửa đầu năm nay đã mua vào 11 tỷ USD và dự trữ ngoại hối quốc gia đã tăng lên 63,5 tỷ USD. Ngân hàng Nhà nước có đủ các công cụ, nguồn lực để can thiệp giữ ổn định tỷ giá và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tỷ giá đang nóng hầm hập.
Nên để thị trường tự điều chỉnh
Bình luận về giá USD trong thời gian này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết: “Tỷ giá đang quá nóng. Tôi không ngạc nhiên khi giá USD vượt mốc 23.000 đồng. Điều này đã có dấu hiệu từ tuần trước”.
Ông Hiếu dự báo thời gian tới thị trường sẽ chứng kiến nhiều đợt tăng tỷ giá nữa, chứ không chỉ lần này. Theo ông Hiếu, có rất nhiều nguyên nhân đẩy giá USD đi lên.
Thứ nhất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất. Mỗi lần tăng như vậy sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Ngoài ra, từ bây giờ tới cuối năm, chiến tranh thương mại đẩy thế giới vào tình hình kinh tế khó khăn hơn. Mà Việt Nam lại dựa nhiều vào xuất khẩu. Khi xuất khẩu bị ảnh hưởng thì nguồn cung ngoại tệ bị hạn chế.
Ông Hiếu dự báo tỷ giá sẽ tăng 3% trong năm nay bất chấp Ngân hàng Nhà nước có can thiệp hay không. Và theo ông Hiếu, Ngân hàng Nhà nước mạnh tay can thiệp thị trường chưa hẳn đã là việc tốt.
TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích hiện tại Ngân hàng Nhà nước có 63,5 tỷ USD dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường. Nếu dùng số tiền này để can thiệp thì tình hình sẽ ổn định được. Nhưng vấn đề là không thể bán ngoại tệ để can thiệp mãi được.
“Cứ bán ra ngoại tệ đến lúc không còn đủ thì rơi vào rủi ro rất lớn vì nền kinh tế phải có dự trữ ngoại hối cho 3 tháng nhập khẩu. Bây giờ, lượng ngoại tệ chỉ đủ cho trên 3 tháng nhập khẩu một chút thôi. Nếu lượng dự trữ xuống thấp hơn thì rủi ro cho kinh tế. Vì vậy, thời gian này nên để thị trường tự điều chỉnh hơn là can thiệp với điều kiện tỷ giá không tăng quá 3%” - ông Hiếu phân tích.
Tỷ giá đang tăng mạnh kèm lạm phát nên khiến nhiều người nghĩ tới chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm. Tuy nhiên, ông Hiếu lại không có quan điểm như vậy. Ông cho biết: “Không có bằng chứng gì cho thấy có chu kỳ khủng hoảng 10 năm. Tôi không nghĩ chúng ta đang trong khủng hoảng kinh tế. Khủng hoảng chỉ xảy ra khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, GDP 3 quý liên tiếp sụt giảm nhưng chúng ta chưa chậm”.
Vì vậy, ông Hiếu tin rằng nỗi lo về tỷ giá đang hiện hữu nhưng nó không gây ra khủng hoảng kinh tế.
Vy Vy
http://www.nguoitieudung.com.vn/dong-usd-day-song-ngan-hang-nha-nuoc-nen-lam-gi-d68466.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét