Thứ Tư, 4 tháng 7, 2018

'Facebook bạc bẽo với 60 triệu tài khoản tại Việt Nam'

'Facebook bạc bẽo với 60 triệu tài khoản tại Việt Nam'
 04/07/2018 - "Thừa nhận sai sao không xin lỗi", "Facebook bạc bẽo với gần 60 triệu tài khoản tại Việt Nam" là bức xúc của cộng đồng mạng. Trong quá khứ, Facebook rất hiếm khi chịu xin lỗi. “Đây là một lỗi kỹ thuật và chúng tôi đã sửa lỗi này", "Bản đồ trong Trình quản lý quảng cáo và bản đồ trong Bản đồ Live của Facebook đã được sửa và hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa sẽ không hiển thị thuộc lãnh thổ Trung Quốc nữa”, đại diện Facebook trả lời Zing.vn.

Người dùng tại Việt Nam tỏ ra bất bình với cách 
hành xử của Facebook. Ảnh chụp màn hình.
Bạc bẽoTrước lời biện bạch từ Facebook, sự giận dữ của người dùng tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng cao chứ không có dấu hiệu lắng xuống. Phản hồi trong các bài viết của Zing.vn, nhiều độc giả tỏ ra bức xúc trước lời giải thích của mạng xã hội lớn nhất thế giới.

“Thừa nhận bản đồ sai lệch mà sao lại không xin lỗi? Nếu vậy tôi chắc sẽ từ bỏ Facebook và bảo cả người thân nữa” độc giả Mai bất bình. Đồng quan điểm này, độc giả Ngân Tuyết khẳng định “nếu Facebook không xin lỗi Việt Nam, chúng ta không nên tiếp tục sử dụng mạng xã hội này nữa”.

“Tôi đã xóa cả Facebook và Messenger từ hôm qua rồi. Chúng ta nên buộc họ phải biết xin lỗi một đất nước. Không phải làm sai xong đổ cho lỗi kỹ thuật là xong”, độc giả Nam nhận xét.


Trên mạng xã hội này, anh Hữu phân tích: “Facebook bạc bẽo với gần 60 triệu tài khoản Việt Nam là điều bình thường vì Mark Zuckerberg chỉ biết đến quyền lợi của mình. Thị trường Trung Quốc là thứ họ thèm khát. Hãy nhìn cách Mark xin Tập Cận Bình đặt tên cho con đầu lòng và bị từ chối”.

Trả lời câu hỏi của Zing.vn về động thái “sửa sai” của Facebook, thạc sĩ Hoàng Việt - giảng viên Đại học Luật TP.HCM nói: “Tôi thấy dù Facebook đã sửa, sai sót hiện tại cũng không khác gì trước đó. Facebook cần thể hiện đúng tên gọi hai quần đảo này".
Không xin lỗi người dùng là văn hóa của Facebook?

“Thừa nhận sai, nhưng không xin lỗi là cách trước giờ Facebook vẫn làm khi có sự cố. Từ việc dùng dữ liệu người dùng cho một công ty thứ ba đến đăng ký bằng sáng chế nghe lén người dùng. Chúng ta đang đang phải đối diện với sự thật rằng, chúng ta là những món hàng để Facebook mang đi bán khắp thế giới”, độc giả Nguyễn Chester nói.

“Xin lỗi” là cụm từ rất ít khi được phát ra từ Facebook và những nhà lãnh đạo công ty này. Trong scandal được xem là lớn nhất trong lịch sử khi Facebook cho phép Cambridge Analytica truy cập trái phép dữ liệu của hơn 87 triệu người dùng phục vụ cho mục đích chính trị, người ta thấy rõ điều này.


Phải đến khi sự bức xúc của dư luận lên đến đỉnh điểm, CEO Mark Zuckerberg mới chính thức đưa ra lời xin lỗi trong scandal liên quan đến Cambridge Analytica hồi tháng 3. Ảnh: CNN.

3 ngày sau khi scandal nổ ra, khiến Facebook mất khoảng 60 tỷ USD giá trị vốn hóa, CEO Mark Zuckerberg mới đưa ra phát ngôn đầu tiên. Tuy nhiên, ông này chỉ lặp lại một vài thông tin đại diện Facebook từng nói và khẳng định “nếu không thể bảo vệ người dùng, chúng tôi không xứng đáng phục vụ các bạn”.

Với phát ngôn này, sự phẫn nộ của dư luận mới lên tới đỉnh điểm bởi đại diện Facebook không đưa ra bất cứ lời xin lỗi nào. Sau đó, Zuckerberg buộc phải xuất hiện trên CNN và New York Times để xin lỗi người dùng và hứa đưa ra biện pháp khắc phục.

Việt Nam cần hành động quyết liệt

“Rất nhiều Facebooker tại Việt Nam bất bình, nhưng bất bình là chưa đủ mà cần có hành động rõ ràng”, thạc sĩ Hoàng Việt nói.

“Chúng ta nên viết một lá đơn rõ ràng, chỉ ra những điểm sai của Facebook, gửi cho công ty này. Cần lên tiếng một cách bài bản và tập thể. Trong sự kiện bản đồ của Hội Địa lý Mỹ bị sai về Hoàng Sa - Trường Sa, các trí thức Việt kiều đã gửi một lá thư trực tiếp lên Hội Địa lý Mỹ. Trong vụ Google Maps, rất nhiều học giả cũng đã vào cuộc.

Trong vụ việc này, chúng ta cần phối hợp giữa các nhà khoa học, chính quyền, viết một lá thư chính thức, gửi đến công ty mẹ của Facebook ở Mỹ và Facebook Việt Nam tại Singapore, yêu cầu Facebook có hành động. Cần nêu rõ các luận điểm sai ở đâu, cần sửa như thế nào, kêu gọi dư luận ký tên. Cần tạo một áp lực rõ ràng. Tôi cho rằng Facebook chắc chắn phải thay đổi”, ông Việt nói.

Ông Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, cho rằng Facebook không chỉ phải xin lỗi, cải chính mà cần bồi thường thiệt hại khi đăng thông tin sai lệch như vậy - nhất là vấn đề lớn như chủ quyền, lãnh thổ. Cơ quan chức năng cũng có thể yêu cầu các doanh nghiệp, người dân không quảng cáo trên Facebook.

- Ngày 1/7, người dùng Việt Nam phát hiện ra bản đồ hiển thị quảng cáo của Facebook đưa 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc. Qua kiểm tra, cả bản đồ Livestream của hãng này cũng gọi Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là Sansha (Tam Sa).

- Ngày 2/7, người dùng trong nước, cơ quan chức năng đồng loạt lên tiếng yêu cầu Facebook gỡ bỏ thông tin sai lệch."Việc này là hoàn toàn sai trái", ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường nói.

- Chiều tối 2/7, Facebook sửa thông tin sai lệch về bản đồ.

- Ngày 3/7, Facebook chính thức trả lời về việc đưa sai thông tin bản đồ. Hãng này giải thích đây là lỗi kỹ thuật, đã sửa sai nhưng không xin lỗi người dùng Việt Nam.

Facebook thừa nhận bản đồ sai lệch nhưng không xin lỗi
Ngày 3/7, Facebook đã thừa nhận bản đồ hiển thị sai chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Mạng xã hội này thông báo đã sửa sai nhưng không lên tiếng xin lỗi.


Thành Duy - Phương Thảo
https://news.zing.vn/facebook-bac-beo-voi-60-trieu-tai-khoan-tai-viet-nam-post857165.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét