Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

"Ý nghĩa" của bà Chủ tịt Quốc hội với núi nợ Ngân sách QG

"Ý nghĩa" của bà Chủ tịch Quốc Hội với núi nợ Ngân sách Quốc gia
Cổ vũ cho “cắn rứt lương tâm đạo đức” đối với các cá nhân tham nhũng kiểu bà Nguyễn Thị Kim Ngân, hay kỷ luật cho có kiểu ông Nguyễn Phú Trọng thì càng góp phần thúc đẩy Việt Nam gia tăng thêm núi nợ vì bọn tham nhũng đã lờn luật, chai đạo đức.
Bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc Hội trong buổi tiếp xúc cử tri xã Tân Thới, huyện Phong Điền (Tp. Cần Thơ) đã chia sẻ nhiều câu hỏi của cử tri, trong đó cho rằng: Cử tri nói đã về hưu rồi, mất chức không có ý nghĩa. Nó có ý nghĩa ở chỗ đó là cái danh dự, cái uy tín của bản thân cán bộ đó.

Ngoài việc mất quyền lợi về lễ tang kiểu nhà nước, hay tiêu chuẩn khám chữa bệnh thì theo bà Chủ tịch Quốc Hội, khi bị cách chức chức vụ thì sẽ đau khổ hơn, vì “bao nhiêu quan hệ, gia đình, con cái, thân bằng quyến thuộc, đồng chí, đồng nghiệp, anh em, chưa nói tới làng xóm, thậm chí tới ngoài dân, đi chợ người ta còn nói cái ông này sai phạm bị cách chức nó đau khổ lắm. Cái ý nghĩa là ngay cái chỗ đó”.

Hóa ra cái “ý nghĩa” của cách chức khi về hưu là vậy. Thế nên ông nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai sau kết luận của trung ương về sai phạm đã thách thức ngược lại, và bản thân bà Chủ tịch Quốc Hội cũng lực bất tòng tâm khi giao phó phản ứng đó cho “xã hội đánh giá”.

Trách nhiệm với bản thân mà bà Chủ tịch Quốc Hội đề cập đến, hay cả cái “có văn hóa” hay không cũng chỉ xoay quanh vấn đề cơ chế đã làm nên những điều ấy. Nhiều người nói, hàng trăm ngàn bài báo, văn bản đề cập đến “cơ chế tha hóa con người”, hàng trăm hội thảo, hàng ngàn góp ý đòi hỏi nhà nước phải tạo ra một “cơ chế mới” để làm sao ràng buộc giữa chức vụ và trách nhiệm, để làm sao cho người nắm chức vụ trong bộ máy nhà nước phải hạn chế thấp nhất tham nhũng quyền lực.

Nhưng tất cả đều không được hồi đáp. Và vì không hồi đáp, không có chế tài răn đe nghiêm khắc nên nhũng nhiễu tiếp tục gia tăng, gia tăng đến mức chuyện tham nhũng là câu chuyện rất thường tình. Và khi một người như nguyên Chủ tịch tỉnh Gia Lai tham nhũng thì ông ta ta cũng đã chấp nhận vứt bỏ cái danh dự, cái nhân phẩm của một con người rồi, thế nên cái “ý nghĩa” gì đó chỉ đáng giá đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chứ con ông bà tham nhũng đã về hưu thì họ chỉ quan tâm đến ý nghĩa là “hạ cánh an toàn” mà thôi.

Cụ thể hơn, những cái như lễ tang cấp nhà nước, chính sách khám chữa bệnh có là gì nếu như kẻ tham nhũng đã vơ vét được hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng ngân sách nhà nước bằng việc gật đầu – đặt bút ký cho một dự án phi pháp? Nó liệu có ý nghĩa lắm không khi mà con cháu những kẻ tham nhũng đã định cư ở nước ngoài, và bản thân những kẻ tham nhũng cũng sẽ sớm có chuyến bay định cư nếu xảy ra biến loạn? Nó liệu có thực sự ý nghĩa lắm không, khi mà kẻ tham nhũng có thể sử dụng những gia tài vơ vét được từ tham nhũng để đi khám bệnh tại Singapore với đội ngũ và vật chất khám chữa bệnh tốt hơn?


Chống tham nhũng là càng khiến cho tham nhũng nhiều thêm bởi sự "nhân văn" từ những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước?

Thân là Chủ tịch Quốc Hội, người đứng đầu cơ quan quyền lực, đại diện cho tiếng nói của cử tri cả nước, là cơ quan soạn thảo và ban hành luật, mà lại đứng ra nói chuyện một cách cảm xúc như vậy, liệu điều đó có chính đáng hay không?

Nếu mọi vấn đề đều xử lý theo cách “ý nghĩa” đầy cảm xúc trên, thì luật pháp quốc gia để làm gì? Kỷ luật nghiêm khắc của Đảng từng rêu rao ở các văn kiện cho đến các bài báo ca tụng đảng ở đâu? Hay là tất cả đều bất lực khi mà một người bị bắt có thể an toàn, vì nếu không an toàn, họ có thể khai ra cả một đường dây lan rộng đến tận Trung ương theo đúng mẫu “Trạng chết chúa cũng băng hà?”. Suy đoán này không phải không có cơ sở khi mà trước đó, một mình giang hồ Năm Cam cũng đã từng liên kết đến tận các cán bộ cấp cao trung ương, ngay trong cơ quan hành pháp? Huống chi giờ đây lại là Nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh (Võ Kim Cự), Nguyên Chủ tịch tỉnh Gia Lai (Phạm Thế Dũng).

Nếu mọi vấn đề đều xử lý theo cách “ý nghĩa” đầy cảm xúc trên, thì nguồn ngân sách quốc gia sẽ tiếp tục bị thâm hụt (vì tham nhũng) đến mức nào? Khi mà gần đây, trên trang Atimes đã dẫn lại thống kê Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy thâm hụt ngân sách chính phủ đã tăng từ 22,1 tỷ đồng (tương đương 5% GDP) trong năm 2000 lên 293 tỷ đồng (tương đương 6,5% GDP) trong năm 2016. Điều này buộc Chính phủ Việt Nam phải đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 3,5% GDP vào năm 2020, theo kế hoạch tài chính trung hạn 2016-2020.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân có đứng ra trả cho sự thâm hụt ngân sách vốn xuất phát từ tham nhũng đó không?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân có đứng ra bảo lãnh khoản thâm hụt đó khi muốn đối xử với tham nhũng bằng cách đánh vào "nhân phẩm, danh dự, chính sách khám bệnh khi về hưu" đó không?

Không! Bà không thể làm thế, nhưng cách bà cổ vũ phương pháp chống tham nhũng và lạm dụng quyền lực bằng "chính sách và hậu quả nhân phẩm khi về hưu" đã khiến cho nhiều trường hợp chưa dám tham nhũng nay sẽ mạnh dạn tham nhũng. Vì giữa được và mất có lẽ tham nhũng sẽ được hơn. Thế nên đừng lạ vì sao ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Bộ TNMT) về tỉnh miền Tây công tác chưa đầy 1-2 ngày đã có hẳn vài trăm triệu vào túi cá nhân.

Trong khi đó, để đối phó với ngân sách bị đục thủng bởi quan chức tham nhũng và lạm dụng quyền lực thì nhà nước đối phó bằng cách tăng thuế, đồng nghĩa với việc tiếp tục hút máu dân để “nuôi” tham nhũng, thay vì kiềm chế tham nhũng để “nuôi sức dân”.

Trong khi đó, những kẻ tham nhũng, lạm dụng quyền lực như ông Phạm Thế Dũng, Võ Kim Cự cười khỉnh và phỉ nhổ ngược vào mặt cái gọi là pháp luật Việt Nam, kỷ luật của Đảng.
Ngân sách bị đục thủng

Bà Chủ tịch Quốc Hội cần tỉnh táo mà nhận diện lại hiện thực xã hội, rằng đây không còn là cái thời mà “cả nước chung tay xây dựng XHCN”, cái thời mà nhân phẩm con người được trọng vọng và đưa lên cao. Thế nên, thay vì trị nước bằng đạo đức, thì nên thực tế hóa cái pháp quyền XHCN trong đời sống như cách mà Hàn Phi (Pháp gia) từng khẳng định, là phải “hiểu rõ cái thực tế của việc phải và trái, xét rõ thực chất của việc trị và loạn, cho nên trị nước thì nêu rõ pháp luật đúng đắn, bày ra hình phạt nghiêm khắc để chữa cái loạn của dân chúng, trừ bỏ cái họa trong thiên hạ. Khiến cho kẻ mạnh không lấn át người yếu, kẻ đông không xúc phạm số ít, người già cả được thỏa lòng, người trẻ và cô độc được trưởng thành”.

Nếu được ứng biến vào trường hợp lãnh đạo cấp cao hiện thời thì có thể hiểu như cách ông Nguyễn Phú Trong – TBT Đảng chia sẻ trong đợt tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 23/6 trước đó, rằng: “Tôi nói nhiều lần là chẳng thích gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí là rất day dứt, đau xót, nhưng phải kỷ luật thôi và vi phạm pháp luật thì phải xử lý”.

Nhưng đúng là kỷ luật phải là kỷ luật cho nặng, kỷ luật sao cho tài sản thu lại được, kẻ tham nhũng khác nhìn theo mà lấy làm gương, chứ không phải là kiểu “kỷ luật” cho có (kỷ luật bằng cách cảnh cáo, kiểm điểm) như cách làm thời gian qua.

Còn ngược lại, tức là cổ vũ cho “cắn rứt lương tâm đạo đức” đối với các cá nhân tham nhũng kiểu bà Nguyễn Thị Kim Ngân, hay kỷ luật cho có kiểu ông Nguyễn Phú Trọng thì càng góp phần thúc đẩy Việt Nam gia tăng thêm núi nợ vì bọn tham nhũng đã lờn luật, chai đạo đức.

Kỳ Lâm
(VNTB)

1 nhận xét:

  1. Cử tri hỏi những câu hỏi rất cụ thể liên quan đến tệ nạn tham nhũng và cách kỷ luật kì lạ của Bộ chính trị, Ban bí thư do ông Trọng đứng đầu nhưng bà Ngân vốn là một thành viên của Bộ chính trị lại có vẻ trả lời vòng vo hoặc không trả lời cho thấy trình độ của bà này rất kém không xứng đáng ở vị trí Chủ tịch Quốc hội

    Trả lờiXóa