Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Fulbright có đi cùng với Mác và Lê Nin?

Fulbright có đi cùng với Mác và Lê Nin?
Khoảng giữa tháng 8/2016, một trang mạng mang tên Việt Nam Thời Báo cho đăng tải một bài viết nói rằng Đại học Fulbright Việt Nam từ chối giảng dạy chủ nghĩa Mác Lê Nin trong chương trình của mình. Trang này nói rằng đại học Fulbright đã lừa bịp Việt Nam. Xin chú ý rằng trang này thường có những bài viết ủng hộ đảng cộng sản Việt Nam, nhưng lại cùng tên với trang của một tổ chức các nhà hoạt động dân sự là Hội nhà báo Việt Nam độc lập, mang khuynh hướng khác.
Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành uỷ TP HCM trao giấy chứng nhận thành lập Đại học Fulbright Việt Nam cho ông Thomas Vallely, Chủ tịch Quỹ TUIV, Giám đốc Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard hôm 11/7/2015.
Môn học bắt buộc ở VN 

Tiến sĩ Nguyễn Khoa Văn, dạy đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết là trong tất cả các chương tình đại học Việt Nam, dù là của nhà nước hay tư thục đều có một phần quan trọng chiến đến khoảng 25% thời gian học để học các môn có liên quan đến chính trị. Đó là các môn học triết học Mác Lê Nin, Lịch sử đảng cộng sản Việt Nam, kinh tế chính trị học Mác Lê Nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Riêng trong ngành  kinh tế thì môn kinh tế chính trị Mác Lê Nin chiếm đến 90 giờ học bắt buộc.

Vì lý do đó, Tiến sĩ Văn nói rằng nếu Đại học Fulbright từ chối sự bắt buộc, cũng là điều dễ hiểu, vì nó sẽ không phù hợp với chương trình của họ, cũng như tất cả các chương trình giảng dạy về kinh tế trên thế giới.

Ông nói tiếp về các môn tự chọn và bắt buộc liên quan đến triết học trong chương trình mà ông tham gia giảng dạy:

“Chương trình giảng dạy của đại học Việt Nam mình có hai môn thuộc về triết học, thứ nhất là môn lịch sử triết học, thì họ chỉ bố trí là hai học phần, 30 tiết tức là có hai tín chỉ thôi. Nhưng mà cái môn triết học Mác Lê Nin thì đến 4 tín chỉ, tức là 60 tiết. Môn lịch sử triết học là môn nhiệm ý, tự chọn, còn môn triết học Mác Lê Nin là bắt buộc, đối với các nhóm ngành kinh tế sau đại học.”

   Tự do học thuật không đòi hỏi chúng ta lấy một chủ nghĩa nào làm kim chỉ nam cho tư tưởng cả.

LS Lê Công Định, TP.HCMt
Có Mác Lê hay không Mác Lê?

Luật sư Lê Công Định, người từng là học giả của chương trình Fulbright nói quan điểm của ông về việc có nên giảng dạy chủ nghĩa Mác Lê trong trường Đại học hay không:

“Tôi nghĩ là nếu Đại học Fulbright có một môn về triết học, thì chủ nghĩa Mác Lê Nin cũng có thể được nghiên cứu một cách không bắt buộc, trong những chương trình nghiên cứu triết học nói chung, bởi vì triết học Mác cũng là một triết học quan trọng mà những sinh viên nghiên cứu về triết cũng nên tìm hiểu.

Nhưng tôi nghĩ là chủ nghĩa Mác Lê Nin, hay triết học Mác không nên là một môn bắt buộc cho các đại học Việt Nam, bởi vì tự do học thuật không đòi hỏi chúng ta lấy một chủ nghĩa nào làm kim chỉ nam cho tư tưởng cả. Cho nên nếu là vì tự do học thuật, vì đại học Fulbright có môn triết thì tôi nghĩ là nên, còn bắt buộc thì tôi nghĩ là không nên.”


Một giảng viên Đại học lâu năm xin giấu tên tại thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ quan điểm này của luật sư Lê Công Định. Qua liên lạc email với chúng tôi, bà nói rằng:

“Theo mình, có dạy, mà dạy đúng (ít nhứt là làm rõ vai trò lịch sử của nó vào thời điểm nó ra đời, người học sẽ tự biết tìm hiểu "diễn biến" về sau) thì sẽ tốt hơn là "không dạy."

Học thuyết lỗi thời

Nhưng có những ý kiến khác cho rằng môn triết học Mác Lê Nin là vô ích không nên đưa vào chương trình giảng dạy. Ông Phạm Tuấn Kiệt tốt nghiệp đại học ngành dược tại Thành phố Hồ Chí Minh trả lời qua tin nhắn với chúng tôi rằng Mác Lê Nin là loại học thuyết lỗi thời, và nếu Đại học Fulbright không chấp nhận nó là vì không chấp nhận một nền giáo dục có tính định hướng.

Ông Nguyễn Khoa Văn cũng theo quan điểm này, ít nhất là trong các chương trình giảng dạy mà ông tham gia có liên quan đến lĩnh vực kinh tế:

“Theo tôi thì tôi sẽ không chọn cái môn đó làm nhiệm ý hay bắt buộc gì cả trong cái chương trình học của mình, nếu tôi là người soạn chương trình cho Đại học Fulbright, vì môn đó chẳng giúp ích gì cho học viên cả.”

   Tôi sẽ không chọn cái môn đó làm nhiệm ý hay bắt buộc gì cả trong cái chương trình học của mình, nếu tôi là người soạn chương trình cho Đại học Fulbright, vì môn đó chẳng giúp ích gì cho học viên cả.

TS Nguyễn Khoa Văn, Đại học kinh tế TP.HCM
Ông Văn nói thêm là từ khi ở Việt Nam bắt đầu cho phép giảng dạy ngành quản trị kinh doanh vào năm 1997, trong gần 20 năm qua các sinh viên phải tốn đến 1 năm học trong chương trình học bốn năm của mình cho các môn có liên quan về chính trị là quá nhiều.

Luật sư Lê Công Định thì đưa ra nhận xét rằng chương trình giảng dạy đại học tại Việt Nam đã có nhiều sự cởi mở trong thời gian qua khi cho phép giảng dạy về các loại triết học, tư tưởng khác ngoài chủ nghĩa Mác Lê Nin, nhưng khi được hỏi liệu trong tương lai Việt Nam sẽ cho phép sinh viên của mình học môn chủ nghĩa Mác Lê Nin như một sự tự chọn chứ không bắt buộc hay không, Luật sư Định nói:

“Nhưng bảo rằng là để không dạy môn chủ nghĩa Mác Lenin như là một môn bắt buộc nữa, thì tôi nghĩ rất là khó vì người ta vẫn xem chủ nghĩa Mác Lê Nin là kim chỉ nam, là căn bản tư tưởng của chế độ này thì khó mà không bắt buộc được.”


Fulbright và Việt Nam

Vào tháng năm năm nay, sau khi Việt Nam công bố chính thức việc thành lập đại học Fulbright tại Việt Nam, một nguồn tin trong ngành giáo dục Việt Nam có nói với chúng tôi rằng câu chuyện có bắt buộc giảng dạy chủ nghĩa Mác Lê Nin hay không là một điểm quan trọng trong việc thương lượng giữa Fulbright và các giới chức Việt Nam.

Sau khi có tin nói rằng trường Fulbright từ chối việc giảng dạy chính trị Mác Lê Nin trong chương trình của mình, một nguồn tin trong giới báo chí Việt nam cho chúng tôi biết rằng việc bắt buộc học chủ nghĩa Mác Lê Nin hay không vẫn đang được thương lượng.

Chúng tôi đã liên lạc với hai người trong ban đại diện của đại học Fulbright tại Việt nam để xác định tin này thì một người không trả lời, còn người kia thì bảo rằng rất tiếc không thể trả lời về việc đó.

Kính Hòa
phóng viên RFA
Theo RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét