Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Hậu duệ nhà Lê Duẩn: “Mối tình ngang trái Việt-Nga”

Hậu duệ nhà Lê Duẩn hay “Mối tình ngang trái Việt-Nga”
"...Có rất nhiều trở ngại – quyền lợi chính trị của hai quốc gia, cục an ninh, cơn thịnh nộ của người cha độc đoán. Họ đã vượt qua tất cả. Song số phận dường như quá nghiệt ngã..."
Maslov (bên trái) và Lê Vũ Anh, con gái ông Lê Duẩn. 
Ảnh: RIA Novosti/ tư liệu gia đình của V. Maslov
Mấy ngày gần đây cư dân mạng hay share bản dịch tiếng Việt Hồi ký của Victor Maslov. Có thể đối với dân VN thì cái tên này không nói lên điều gì cả. Nhưng đối với dân khoa học Nga thì trong lĩnh vực toán học Maslov tương đương với Picasso trong hội họa hay Mayakoskyi trong thơ ca. Và Maslov còn “nổi tiếng” bởi vì ông là con rể của … Lê Duẩn, cố Tổng bí thư Đảng CSVN nổi tiếng một thời.

Mối tình lãng mạn và bi thảm giữa Maslov và Lê Vũ Anh (con gái của Lê Duẩn) có thể được ví là Romeo và Juliet thời hiện đại nhưng ít người ở VN cũng như ở Nga biết đến một cách tường tận. Kênh 1 Truyền hình Trung ương Nga đã làm bộ phim tài liệu về đề tài này từ năm 2006 với tựa đề “Запретная любовь” (Mối tình bị cấm đoán), mình cũng đã từng đọc hồi ký của Maslov nguyên bản bằng tiếng Nga đâu khoảng 1 năm trước đây. Không hiểu sao tận mãi bây giờ ở VN hồi ký này mới được phát tán rộng rãi.

Một số bạn có gửi link cho mình, hỏi mình có biết về điều này không, hỏi về hình ảnh của những người cháu ngoại lai Nga của Lê Duẩn … Thực ra mình có đề cập sơ qua đến chuyện này mấy năm về trước trong tập ghi chép “Moscow không tin vào những giọt nước mắt”, ngoài đời thật mình có biết bà Hồng (một người con gái khác của Lê Duẩn) khi bà Hồng còn làm việc tại Phòng Lãnh sự của Đại sứ quán VN ở Liên Xô. Để giúp các bạn tham khảo về chủ đề này nên mình lập Album này từ những hình ảnh sưu tập trên hệ thống truyền thông của Nga.

Nói thêm:

Mình theo dõi những comment tranh luận của bạn đọc Nga về đề tài này. Phần đông họ ngưỡng mộ lẫn xót xa cho mối tình ngang trái này. Nhưng có một số ít thắc mắc, sao một viện sĩ lẫy lừng của Nga lại đi yêu một cô gái châu Á, rằng con gái VN rất xấu vì họ đã từng tiếp xúc với các cô công nhân VN sang lao động tại Nga, lên án Maslov suy đồi đạo đức bởi là một giáo sư lại đi ve vãn sinh viên kém mình đến những 20 tuổi… Tất nhiên đó là những ý kiến cá nhân và sự đa chiều là điều thường tình.

Riêng mình thì thật sự ngạc nhiên và có phần bị shock bởi … sắc đẹp của Vũ Anh, con gái của Lê Duẩn. Phải thẳng thắn thừa nhận vào khoảng thời gian mà mình sang Liên Xô học thì con gái VN cả sinh viên lẫn công nhân phần đông có nhan sắc rất khiêm tốn (không được lộng lẫy như hiện tại). Vậy mà Lê Vũ Anh có một vẻ yêu kiều và quý phái – đúng là như cư dân mạng Nga đã giải thích: đừng nhìn mấy cô công nhân VN xuất thân từ tầng lớp lao động mà đánh giá về nhan sắc của toàn phụ nữ VN.

À, nói thêm nữa: cháu trai của Lê Duẩn sinh năm 1981 cho đến giờ vẫn độc thân nha, cơ hội cho chị em VN đó, mại vô, mại vô!!!

FB Phương Đoàn

Anhia, hãy làm vợ anh đi!

(Bài này do chính tôi dịch, được đăng lần đầu ở tạp chí Đoàn Kết của Hội người VN tại LB Nga)

Có rất nhiều trở ngại – quyền lợi chính trị của hai quốc gia, cục an ninh, cơn thịnh nộ của người cha độc đoán. Họ đã vượt qua tất cả. Song số phận dường như quá nghiệt ngã…

Trong môi trường khoa học, viện sĩ Victor Maslov là một ngôi sao sáng chói, có thể so sánh ông với chính Dmitry Khvorostovsky của nghệ thuật Opera. Ông đã nhận rất nhiều giải thưởng: Giải thưởng Lê nin, hai lần nhận Giải thưởng Quốc gia, Giải thưởng Demidov, Giải thưởng “Triumf”… Giá như Alfred Nobel không thù ghét các nhà toán học và đưa vào trong di chúc cả “nữ hoàng” khoa học, chắc hẳn Maslov đã trở thành người nhận Giải thưởng Nobel lâu rồi.

Victor Pavlovic sống ở thị trấn ngoại ô thành phố Troitsk (1). Ngôi nhà được thiết kế theo sở thích riêng của nhà khoa học. Trong phòng làm việc kê những chiếc tủ sách cao đến tận trần nhà. Trên tường treo chân dung một cô gái Việt Nam kiều diễm. Phía sau tấm ảnh này là một phần đời rất dài và vô cùng quan trọng của viện sĩ Maslov.

Cô đã mang tóc giả, đeo kính đen để đến với ông 
Lê Vũ Anh, con gái Lê Duẩn

Vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, giảng viên học viện MIEM (2) Victor Maslov đã bước sang tuổi ngũ tuần. Ông vẫn thường xuyên đến khoa vật lý của trường MGU (3) tham gia giảng dạy. Tại đây tình cờ ông chú ý đến một nữ sinh viên nước ngoài. Cô bẽn lẽn cười, núp sau cánh cửa phòng thí nghiệm.

Maslov, cho đến tận lúc đó vẫn là người đàn ông độc thân và chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này một cách nghiêm túc, xin phép được giảng dạy tại khoa vật lý. Ông muốn được thường xuyên nhìn thấy cô gái. Rồi số phận đã đưa họ đến với nhau. Victor có nhiều bạn bè người Việt Nam. Một lần tình cờ, ông ngạc nhiên và vui sướng khi nhìn thấy cô gái đã hớp mất hồn mình trong đám bạn. Người ta gọi cô là Anhia. Tên thật của cô là Lê Vũ Anh. Ở tuổi mười bảy, cô đã kịp chiến đấu trong đội du kích, gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam và bây giờ đến Matxcơva học tập.
Maslov (bên trái) và Lê Vũ Anh

Câu chuyện tình của họ được bắt đầu từ đây. Song chính lúc này họ phải đương đầu với bao sóng gió… Anhia giấu giếm mọi người mối quan hệ của mình với Maslov. Cô đến với ông trong bộ tóc giả màu vàng và cặp kính đen. Nhưng vấn đề không phải cô gái là sinh viên, mà ở chỗ Maslov đang là giảng viên. Thời đó, tất cả lưu học sinh Việt Nam tại Liên Xô buộc phải rất cẩn trọng trong chuyện tình cảm. Mối quan hệ với những người châu Âu không được nhà nước khuyến khích, thậm chí có cả điều luật cấm kết hôn với người nước ngoài.

Anhia tỏ ra rất bồn chồn. Sau này mọi người mới vỡ lẽ một điều, cô lo lắng không chỉ vì những lý do trên. Thỉnh thoảng cô biến mất cả tuần không có lấy một lời giải thích. Maslov cảm thấy khó hiểu trước sự kỳ quặc này. Cuối cùng, không cầm được lòng mình, ông ngỏ lời cầu hôn cô gái. Cô đã lặng im,… và sau đó vài ngày lại biến mất tăm hơi. Nhưng lần này khác với những lần trước, cô biến mất trong thời gian khá dài.

“Cô ta đã lấy chồng và trở về Việt Nam rồi” – người ta thông báo với ông trên khoa. Đồng thời họ cũng kể cho ông về nguồn gốc của cô gái. Anhia hóa ra là con gái của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Lê Duẩn, người sinh ra trong một gia đình nho giáo. Lẽ ra Maslov cần quên đi câu chuyện tình với cô nữ sinh viên này. Thế nhưng nỗi nhớ vẫn canh cánh bên ông.

Và cô gái bất ngờ quay trở lại. Không theo ý nguyện của mình mà do sự ép buộc của cha: “Không thể như vậy được! Con đã tốt nghiệp đại học đâu?”. Chuyện tình của họ như được thổi thêm một luồng sinh lực mới. “Em lấy chồng để cố quên anh. Mối quan hệ giữa hai chúng ta hoàn toàn không có tương lai” – Anhia thổ lộ. Chồng của cô là một sinh viên Việt Nam. Nhưng cô không hề yêu chồng mình.

Sự vắng mặt của cô gái đã có lời giải đáp. Khi cha cô đến Matxcơva, ông thường buộc cô con gái yêu phải luôn bên cạnh. Ông mang cô theo trong những chuyến công tác nước ngoài.

– Ông đã đặt rất nhiều niềm tin vào con gái – Maslov kể. – Anhia là một thiếu nữ giản dị và thẳng tính. Có lần cha cô nói: “Đồng chí Brezhnhiev khoe rằng, Liên Xô đang thu hoạch một mùa bông bội thu”. Cô trả lời: “Rất có thể bội thu, nhưng tất cả các tấm ga trải giường trong ký túc xá con ở đều rách bươm”. Tôi phê bình: “Em đừng nói vậy kẻo người ta lại nghĩ anh dạy em tuyên truyền chống Xô Viết!”

Các nhân viên an ninh đã tỏ ra cảnh giác. KGB (4) biết được về mối tình của nhà bác học Xô Viết với con gái Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Họ thông báo cho đồng chí Lê Duẩn, nhưng ông đã không tin chuyện này, cho rằng con gái mình chỉ đơn giản kết bạn với một giảng viên trường MGU.

Căn phòng với cánh cửa sắt và những lỗ châu mai
Maslov cầm di ảnh vợ, Lê Vũ Anh

Anhia đã có thai. Cô lập tức li dị với chồng, còn Maslov nung nấu kế hoạch mang tên “Cưới vợ”. Có cơ man những chuyện phức tạp. Thời đó việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài chỉ được tiến hành ở hai địa điểm: Một ở Matxcơva, một ở thị trấn Zagorsk. Đến gõ cửa hai địa chỉ đó là việc không nên làm: Chắc chắn người ta đã cảnh báo cho cha cô về việc kết hôn này. Maslov đã khéo léo đến nhờ vả người quen ở Ủy ban hành chính thành phố Troitsk để được đăng ký tại địa phương: “Ở viện của chúng tôi người ta đang xét nét tư cách cán bộ. Nếu biết được tôi lấy vợ người nước ngoài, chắc chắn họ sẽ đuổi. Hãy giúp chúng tôi đăng ký bí mật”. Và Maslov đã phải dùng mưu để đánh lạc hướng nữ thư ký tòa thị chính: Trong ngày cưới, một người bạn của ông đã mời cô ta đi xem hòa nhạc nhằm tránh những câu hỏi thừa. Còn Kulat Okudzhava – bạn của Victor – hứa: “Nếu có khó khăn gì, tôi sẽ dẫn các phóng viên nước ngoài đến”.

Việc sinh nở của Anhia cũng được giữ trong vòng bí mật. Để tránh tai mắt, cô xin đi phép đến Kiev vài tháng. Ở lỳ tại nhà nghỉ của Victor cho đến mùa thu, cô vào nhà hộ sinh, nơi một người bạn của chồng làm việc. Ngày 31 tháng 10 năm 1977 cháu gái Lêna đã ra đời.

Cuối cùng Anhia quyết định không lẩn tránh cha mình nữa. Cô kể cho ông nghe tất cả. Trước những phản ứng của cha, cô quay lại Liên Xô không một lời từ biệt. Và cô bắt đầu cảm thấy sợ hãi sự trừng phạt. Maslov đã gia cố căn phòng của mình bằng cánh cửa sắt và những lỗ châu mai. Khi chồng đi xa, người vợ ở nhà giấu súng bên cạnh cô con gái bé bỏng.

Thời gian trôi đi, cô con gái thứ hai Tanhia ra đời. Rất nhiều họ hàng của Anhia từ Việt Nam đã bay sang để chúc mừng gia đình cô có thêm thành viên mới. Cha cô không có trong số họ. Nhưng mọi người đã to nhỏ rằng, ông rất nóng lòng được nhìn thấy cô cháu gái đầu. Vợ chồng Maslov không phản đối điều này. Trong một chuyến công tác của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn đến Matxcơva, người ta đã tổ chức cho ông cuộc gặp gỡ với cô cháu gái. Ông đã dẫn Lêna đến rạp xiếc, cho cháu ăn chuối và ghen tị khi cháu bé nhận quà của người khác. Maslov tưởng rằng, tất cả những gì khủng khiếp nhất đã lùi vào dĩ vãng. Thế nhưng số phận đã kịp giáng một đòn nghiệt ngã mới…

Lần thứ ba Anhia mang thai. Đi siêu âm, cô biết sẽ sinh con trai. Khi bắt đầu chuyển dạ, cô được đưa đến nhà hộ sinh khu vực Bốn. Sáng hôm sau, một cháu trai kháu khỉnh chào đời, nhưng cũng là lúc người mẹ bị băng huyết. Maslov đứng ngồi không yên. Bác sĩ rũ rượi bước ra từ phòng mổ: “Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể…”. Mấy ngày sau đó Victor Pavlovic không sao nhớ nổi. Ông sốt cao đến mê sảng. Nhưng ngay sau đó nhận ra rằng: Cần hành động! Ông đã sẵn sàng đối phó với trường hợp người ta không trả đứa trẻ cho mình.

Maslov đề nghị nhà hộ sinh cấp giấy chứng nhận, đăng ký giấy khai sinh. Cháu bé được giữ tại bệnh viện hai tháng dưới sự chăm nom của các bác sĩ. Cuối cùng thì người ta vẫn đưa cháu về Việt Nam. Họ hứa với Victor rằng sau hai năm sẽ trả lại con cho ông. Thực tế thời gian chờ đợi gấp đôi so với gì đã hứa (4 năm sau cháu được trả về Liên Xô). Nhưng những nỗi đau vẫn chưa dừng lại ở đây. Cậu bé Anton được đưa vào một nhà trẻ đặc biệt. Maslov đã viết đơn gửi đến tất cả các cấp đề nghị không được đưa cháu ra khỏi biên giới, doạ sẽ trở thành “Sakharov thứ hai” (5), yêu cầu Liên hợp quốc giúp đỡ, thậm chí gõ cửa cả Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Gorbachev. Cuối cùng, Maslov quyết định đánh cắp cháu bé, ôm vội hai cô con gái chạy đến sống ở nhà người quen tại vùng rừng nguyên sơ Belovezhshkaya Pusha (6). Vài tháng sau ông nhận được thông báo về việc Tổng bí thư Lê Duẩn từ bỏ ý định mang các cháu về Việt Nam: “Anh ta thực sự yêu thương các cháu, vậy cứ để họ sống với nhau…”

Cách đây không lâu hai người con của viện sĩ Maslov, Lêna và Anton, đã về thăm Việt Nam. Các cháu được tiếp đón rất nồng ấm: Bà ngoại các cháu vẫn còn sống. Tổng bí thư Lê Duẩn mất năm 1986. Bản thân Victor Maslov chưa một lần được nhìn thấy bố vợ của mình.

Theo Nhân chứng và sự kiện








Diễn đàn nước Nga

Chú thích:

(1) Troitsk – thành phố của tỉnh Matxcơva, nằm bên bờ sông Desna, cách Matxcơva về phía Tây-Nam 15 km
(2) MIEM – Viện điện tử và toán học quốc gia Matxcơva
(3) MGU – Trường đại học tổng hợp quốc gia Matxcơva mang tên Lomonoshov
(4)KGB – Cơ quan an ninh quốc gia Liên Xô trước đây
(5) Sakharov – Nhà Bác học Nga (1921-1989), người chế tạo ra bom nhiệt hạch, những năm 60-70 là thủ lĩnh đấu tranh dân chủ nhân quyền
(6) Belovezhshkaya Pusha – vùng rừng núi nguyên sơ nằm giữa biên giới hai nước cộng hoà Belarus và Ba Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét