ÁP ĐẶT SUY NGHĨ CỦA MÌNH CHO NGƯỜI KHÁC
Cuối năm 1990 tôi sang Pháp 8 tháng nên có gặp gỡ nhiều anh chị Việt Kiều Pháp và Đức. Tôi có được đọc một bài trả lời phỏng vấn của một đạo diễn nổi tiếng trên tạp chí Quê Hương, sau khi được các anh chị Việt Kiều mời anh sang Pháp, Đức, Mỹ 3 tháng làm phim về Việt kiều, vị đạo diễn đã trả lời đại ý như sau:
– Hỏi: Anh có cảm giác gì sau 3 tháng sang Pháp, Đức, Mỹ làm phim và tiếp xúc với nhiều Việt Kiều thành đạt?
– Trả lời: Tôi thất vọng về dân tộc Việt.
– Hỏi: Anh cũng là người Việt, sao anh lại nói vậy?
– Trả lời: Trước khi sang đây tôi tưởng Việt nam nghèo vì sai lầm về thể chế về chế độ chính trị, nhưng sau khi sang đây tiếp xúc với nhiều anh, chị, tôi thấy các anh chị tuy sống ở Mỹ, Pháp, Đức được coi là những nước tự do, dân chủ hàng đầu thế mà các anh chị vẫn có tật là áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, các anh chị không chấp nhận người không cùng chính kiến với mình, cùng là chống cộng, nhưng những người chủ trương bạo động và những người chủ trương bất bạo động cũng coi nhau như kẻ thù. Nếu chỉ là sai lầm về thể chế, chế độ chính trị thì chúng ta dễ sửa, còn áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, không chấp nhận người khác chính kiến của mình là bản tính của dân tộc Việt thì rất khó sửa.
Sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn ấy, tôi suy nghĩ nhiều và thấy ông đạo diễn nói có cơ sở. Hoá ra áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, không chấp nhận người khác chính kiến của mình là bản tính xấu của người Việt. Ngay từ thói quen ăn uống, người Việt đã áp đặt nhau: Người Việt ăn món gì thấy ngon thì luôn nghĩ người khác phải ăn thế mới ngon, mình ăn hành, ăn tỏi, ăn mắm tôm, ăn thịt chó thì người khác cũng phải ăn, “không ăn phí nửa đời người”, “ăn tốt cho sức khỏe”, “ăn ngon lắm”… họ đâu có biết người không ăn được thì hoặc cơ thể họ không tiếp nhận hoặc với họ ăn như một cực hình.
Trong nhà hàng hay mời khách đến nhà ăn, người Việt không có thói quen hỏi người khác kiêng cái gì hoặc người Việt quan niệm “Nam vô tửu như cờ vô phong”, trên bàn tiệc bắt tất cả đều phải uống rượu, đều phải 100%, nếu không 100% là không thật lòng, không cần biết người ta có uống được không, có đang điều trị bệnh gì không.
Trên Facebook chúng ta thường xuyên thấy những người tự nhận là đấu tranh cho dân chủ, thế nhưng bất cứ ai nói khác với họ là họ qui ngay là DLV, là ăn lương của nhà nước, là ngu… Đến cả những người đang giương cờ đấu tranh cho dân chủ mà cũng thế thì hết cách chữa.
Đất nước đã thống nhất 41 năm thế mà vẫn chưa thể hoà giải giữa những người hai bên chiến tuyến, một bên thì vẫn chưa bỏ được mối thù, cứ có dịp là biểu tình chống cộng, một bên thì vẫn chưa bỏ được định kiến. Một bên thì bảo anh thắng trận anh phải quảng đại, anh phải chìa tay ra chứ, một bên thì bảo tôi đã chìa tay ra rồi mà anh có bắt đâu.
Hệ quả của việc áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, không chấp nhận người khác chính kiến cùa mình là vô cùng lớn:
[1] Đầu tiên là anh thiếu kiềm chế, anh hung hăng nên rất khó tìm lời giải tối ưu khi đất nước đứng trước nguy cơ bị xâm lược, nguy cơ chiến tranh, dẫn đến việc chúng ta không giữ được hoà bình, xẩy ra chiến tranh nhiều. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao trong lịch sử 4000 năm Việt Nam lại xẩy ra chiến tranh nhiều đến thế, có bạn nói tại ông bạn hàng xóm xấu tính, thế thì Sơn Tinh đánh nhau với Thủy Tinh, Đinh Bộ Lĩnh loạn 12 xứ quân, Trịnh Nguyễn phân tranh 200 năm là tại ai? Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao trong lịch sử Thái Lan và các nước xung quanh ít chiến tranh hơn Việt Nam?
[2] Tiếp theo là chúng ta thiếu tính kế thừa, ai có quyền cũng muốn không giống người tiềm nhiệm, muốn ghi dấu ấn của mình thành ra các công trình cổ bị đập đi, làm lại. Trong khoa học, công nghệ chúng ta không có thói quen làm tiếp, tiếp quản thành quả của người khác mà thích làm lại từ đầu. Tất cả dẫn đến lãng phí của cải chung của cả xã hội và giá thành sản phẩm cao.
[3] Một hậu quả xấu nữa là hoặc là tổ chức sẽ thiếu tính sáng tạo vì không có người phản biện hoặc là tổ chức sẽ thiếu sự đoàn kết và không phát huy hết các tài năng cá nhân vì những người khác quan điểm hoặc sẽ phải rời bỏ hoặc ở lại thì thụ động, không dám thể hiện hết mình.
(4) NỀN TẢNG TRIẾT HỌC YẾU LẠI KHÔNG CHUẨN
(5) LỜI GIẢI NÀO ĐỂ VIỆT NAM VƯƠN LÊN THOÁT NGHÈO
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa