TS Philip C. Zerrillo: Việt Nam hội nhập, đừng kỳ vọng gì nhiều
"Áo sơmi Việt Nam bán ở Mỹ, mức giá thông quan ở cảng New York chỉ là 4,88 USD. Áo được bán với giá 95 USD ở Mỹ. Với thuế giá trị gia tăng (VAT) là 10% thì Việt Nam thì chỉ thu được chừng 49 cent, chưa được nửa USD, còn công ty nhập khẩu ở Mỹ thì nhận được 9,5 USD cho khoản thuế này. Mức thu từ khoản thuế trên cũng cho thấy dù đơn hàng tăng nhiều thì đây cũng không phải là một chiến lược hiệu quả".
Tiến sĩ P. Zerrillo ở một góc quán cà phê Trung Nguyên
quen thuộc mỗi khi ông đến Sài Gòn.
Là một nhà học thuật, Tiến sĩ Philip C. ZeRrillo (Dr Z) lại cũng là một “tay chơi thứ thiệt” trên thương trường. Ông từng là nhà môi giới có số má trong ngành tài chính, nhà tư vấn cừ khôi và là thành viên của nhóm của phù thuỷ marketing của Philip Kotler.Ông đi khắp nơi, từ Tây sang Đông, sống nhiều ở Trung Quốc, Thái Lan và giờ ở Singapore. Thoải mái và thắng thắn một cách rất Mỹ, Dr Z, Trưởng khoa Sau đại học của trường SMU, Singapore, đã trò chuyện với TGTT nhân dịp năm mới.
– Ông nghĩ như thế nào về những lợi thế hay bất lợi của Việt Nam trong Cộng đồng kinh tế ASEAN từ 2016 này?
– Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng. Với dân số hơn 90 triệu người thì đấy là một thị trường lớn. Việt Nam có quan hệ hợp tác với nhiều nước trên thế giới. Cơ hội rất lớn từ đó nhưng cũng nhiều thách thức, nếu không tận dụng được cơ hội thì phải nhận trái đắng.
Việt Nam có thuận lợi là chi phí lao động rẻ so các quốc gia khác. Nhưng phần tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu thì lại quá thấp khiến cho việc thu lợi ích trong chuỗi đó hay ngay cả thu lại được tiền thuế từ giá trị gia tăng bị thấp trong cơ cấu giá thành bán ra.
Ví dụ, áo sơmi Việt Nam bán ở Mỹ, mức giá thông quan ở cảng New York chỉ là 4,88 USD. Áo được bán với giá 95 USD ở Mỹ. Với thuế giá trị gia tăng (VAT) là 10% thì Việt Nam thì chỉ thu được chừng 49 cent, chưa được nửa USD, còn công ty nhập khẩu ở Mỹ thì nhận được 9,5 USD cho khoản thuế này. Mức thu từ khoản thuế trên cũng cho thấy dù đơn hàng tăng nhiều thì đây cũng không phải là một chiến lược hiệu quả.
– Vậy theo ông đâu là chiếc chìa khoá để có thể mở được cánh cổng của chuỗi giá trị gia tăng để bán được cái áo sơmi gấp 20 lần mức giá hiện nay?
– Chiếc chìa khoá ở đây là Việt Nam nâng mình lên với những vấn đề như là tài sản trí tuệ, thương hiệu, sáng tạo… để có nhiều khách hàng và kiếm được nhiều lợi ích hơn trong chuỗi giá trị đó. Đừng cứ cam chịu với chi phí lao động thấp hay chuyên xuất nguyên liệu thô.
– Đấy là điều nhiều người đã nhắc tới, nhưng vấn đề là cách làm?
– Nếu nhìn vào Trung Quốc ngày nay thì ta có thể thấy dường như Trung Quốc đang từ bỏ các công đoạn sản xuất có chi phí nhân công rẻ và họ đang chuyển dần phần đó đến Việt Nam. Ta coi đó như một chiếc nạng chống, một giải pháp tình thế thôi. Phải thấy lợi thế lớn nhất của Việt Nam chính là sự sẵn sàng và tài năng khéo léo của con người.
– Ông có thể giải thích rõ hơn ý kiến ông về độ sẵn sàng thay đổi của người Việt Nam?
– Đầu tiên, hãy nhìn vào lịch sử. Kể từ khi Liên Xô cũ sụp đổ thì Việt Nam bắt đầu quá trình đổi mới. Nền kinh tế tập trung đã chuyển sang mở cửa, giúp mọi người nắm bắt cạnh tranh hiệu quả hơn. Dân số Việt Nam trẻ, nên thích sự thay đổi.
Lý do thứ ba là động lực từ khó khăn kinh tế. Kinh tế khó khăn chính là động lực để thay đổi. Ở châu Âu, ngay cả ở Singapore, bây giờ, các bậc cha mẹ của họ bảo bọc con mình kỹ quá đi, họ không muốn con phải làm việc, chỉ tập trung học hành thôi khiến lớp trẻ mất động lực. Chúng tôi gọi đó là thế hệ dâu (strawberry children).
– Ý ông về trái dâu là?
– Bạn biết đấy, dâu là trái trông rất đẹp, hấp dẫn, ăn ngon nhưng lại dễ bị hư giập, rất mong manh. Điều đó đáng lo.
– Vậy theo ông, các công ty Việt Nam có thể nắm bắt được những lợi thế đó như thế nào?
Nhiều công ty quốc tế sẽ đến Việt Nam. Họ rất cần đến các đối tác. Nếu biết cách, các công ty Việt Nam sẽ trở thành các công ty khu vực, hay đa khu vực. Hãy nhìn sang Philippines.
Các công ty như vậy đang nắm giữ tới 55 thương hiệu nổi tiếng ở 18 quốc gia. Khi một thương hiệu phương Tây muốn trở thành một giải pháp ASEAN và họ muốn hạn chế cái gọi là “thị trường xám” và nhập khẩu song song, thì đấy là giải pháp, điều họ cần ở các công ty Việt Nam.
– Ông nghĩ đâu là những khó khăn trong ngắn hạn và dài hạn mà giới doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải với AEC?
– Trong ngắn hạn, theo tôi, khó khăn vô vàn. Các công ty Việt Nam thiếu kinh nghiệm thương mại quốc tế, khó tiếp cận tín dụng hơn, chưa có mặt ở chuỗi thị trường, lại thiếu nguồn nhân lực giỏi quốc tế, không có các thương hiệu nổi tiếng…
Chưa có gì bao nhiêu mà phải đi khai phá một thị trường rộng lớn chỉ với hai lợi thế là lao động giá rẻ và sự sẵn sàng. Vậy thì, trước mắt, nên hình dung hết khó khăn để cạnh tranh, đừng kỳ vọng gì nhiều cả.
– Vậy còn dài hạn, thưa ông?
– Hãy nhìn vào các FTA. Đó là một cuộc chơi dài hạn. Thử xem xét quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” trong TPP là một ví dụ. Dệt may được kỳ vọng sẽ trở thành một phần rất lớn đóng góp vào sự tăng trưởng vì dệt may đóng một vai trò lớn trong kinh tế Việt Nam.
Nhìn bề ngoài, người ta nghĩ Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi thuế suất được cắt giảm với các đối tác thương mại mới. Nhưng cũng không nên quên, ngành dệt may sẽ bị ảnh hưởng rất lớn từ các đối tác đó trong ngắn hạn. Lý do là bởi quy tắc từ sợi trở đi đó.
Để được ưu đãi thuế suất bằng 0% thì phải đáp ứng được chuyện các khâu từ sợi phải được sản xuất nội khối. Mà hầu hết sản phẩm dệt (nguyên liệu) lại nhập từ Trung Quốc (giá rẻ), hay từ Hàn Quốc (cao cấp hơn) vốn là hai quốc gia ngoài TPP.
– Theo ông, về mặt ưu tiên thì các doanh nghiệp cần chú trọng gì khi đồng loạt nhiều FTA có hiệu lực? Chính phủ, làm gì để giúp doanh nghiệp cạnh tranh hiệu quả hơn?
– Với Chính phủ và với bất kỳ doanh nghiệp nào thì chiếc chìa khoá vẫn là phải có một chiến lược lâu dài. Trước cơ hội rất lớn sắp tới, để hoạch định được chiến lược này, cần tìm cho ra các lãnh vực có, hay sẽ có, lợi thế cạnh tranh và rồi tạo ra các khoản đầu tư lớn không đồng đều cho các lãnh vực này.
Cần minh bạch với doanh nghiệp đâu là ngành mà Chính phủ muốn hỗ trợ, cam kết hỗ trợ và đâu là không. Đưa ra các gói ưu đãi thuế thu hút nhà đầu tư vào các ngành mới.
Chẳng hạn, khi Chính phủ Thái Lan nói “Du lịch và xe hơi”, thì mọi thứ đúng là bắt đầu xảy ra thật. Ra dấu cho doanh nghiệp như vậy chính là kim chỉ nam và là sự sẵn sàng cho cuộc chơi hội nhập sắp tới. Dĩ nhiên, Chính phủ vẫn phải đầu tư rất nhiều về cơ sở hạ tầng cho toàn bộ nền kinh tế cất cánh.
– Theo ông, đâu sẽ là ngành gặp khó khăn lớn nhất của Việt Nam giữa biển FTA sắp tới?
Nông nghiệp ở Việt Nam thì đúng là đang trong tình cảnh quá khó. Hãy bắt đầu từ cơ sở hạ tầng. Không có đường sắt tốt, cầu cảng, kho bãi… tức các cơ sở hạ tầng cơ bản làm sao nông dân cạnh tranh về đầu ra của nông sản?
Chuyện đáng nói hơn là diện tích canh tác manh mún, nhỏ bé. Mỗi mảnh ruộng Việt chỉ chừng 2,5 hec ta trong khi ở Mỹ là 438 hecta. Diện tích nhỏ như thế, ai dám đầu tư lớn, làm sao cơ giới hoá hay chuyên nghiệp hoá được. Chính phủ cần phải giải quyết các vấn đề đó hoặc tiếp tục chứng kiến làn sóng người trẻ bỏ quê. Điều đó có thể cũng không sao, lúc đó, các thành phố lớn phải lên kế hoạch cho tình hình này.
Cấu trúc đất đai hiện tại ở Việt Nam không thực sự được thiết kế cho việc xuất khẩu nông sản. Cần phải có một mô hình nông trang nông trại đủ lớn cho sinh kế của người dân và cho xuất khẩu. Vì thế, ngành mà tôi lo ngại nhất, chính là nơi tập trung nhân lực đông nhất: nông nghiệp.
THEO TIẾP THỊ THẾ GIỚI
http://tiepthithegioi.vn/thoi-su-kinh-doanh/ts-philip-c-zerrillo-viet-nam-hoi-nhap-dung-ky-vong-gi-nhieu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét