Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Ngày Tết, ngày Xuân: Xin chữ ... để làm gì?

Xin chữ ... để làm gì?
Nguyễn Vinh - (TBKTSG Online) - Tết xưa, các thầy đồ từ những vùng quê vác chiếu ra chợ viết câu đối bán. Theo cụ Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, nhà nhà “câu đối đỏ dán cửa, dán cột sáng choang, treo tranh, treo liễn trang hoàng lịch sự”...

Một góc phố ông đồ ở trước Nhà văn hóa Thanh Niên,
Quận 1, TP.HCM. Ảnh chụp sáng 3-2 - 2016. Ảnh: Nguyễn Vinh
Hiện tượng chơi câu đối Tết được giới chuyên môn nghiên cứu văn hóa giải mã là xuất phát từ tục treo bùa gỗ trong ngày tết của người dân Bách Việt cổ. Bùa gỗ treo trong ngày tết có hình Thần Đồ và Uất Lũy (hai vị thần này được cho là sống dưới núi Độ Sóc) hai bên ngõ để áng trừ tà khí, ma quỷ quấy phá.

Về sau, khi đời sống Nho học phát triển, dân trí khá lên, chữ nghĩa được thay vào hình thần, người dân gửi gắm ước vọng, những điều tốt đẹp trong năm mới vào chữ nghĩa. Vì thế mà người đề chữ, cho chữ cũng là bậc túc nho, ngoài sự am hiểu, văn hay chữ tốt, thông thạo điển tích, thì cũng cần phải có đời sống kẻ sĩ, hành xử khiêm cung, có cốt cách mới gửi gắm được khí tiết đến với gia chủ qua nội hàm và hình thái của chữ nghĩa. Trên câu đối còn có dấu triện của người cho chữ.

Chữ trên câu đối ngày Tết có nguồn gốc của sự thiêng hóa là vậy. Người nay nhìn vào hiện tượng chơi câu đối ngày Tết mà cho rằng người Việt mình cầu chữ, trọng chữ nghĩa, suy diễn ra hiếu tri, kể cũng có logic của nó.

Tục chơi câu đối, nói rộng hơn, là xin chữ ngày Tết mai một có lẽ từ thời kỳ đầu Pháp thuộc, không hẳn bởi làn gió văn minh Tây hóa, sự suy vi của Khổng học, sự thay đổi của hệ mẫu tự chuyển đổi từ Hán, Nôm sang Latin (thường thì nghệ thuật viết câu đối Tết có một chút kỹ năng của nghệ thuật thư họa, phù hợp với hệ thống chữ tượng hình, nên chuyện chuyển đổi hệ mẫu tự là một trong những điều bất lợi cho mấy thầy đồ truyền thống)


Ông đồ viết câu đối Tết. Tranh của học sinh trường Mỹ thuật Gia Định vẽ năm 1935. Chụp lại ảnh: Nguyễn Vinh

Thế rồi gần đây, trong thời kỹ thuật số này, bỗng dưng cái hiện tượng viết câu đối lại nở rộ trong dân gian đô thị những ngày cận Tết. Nhìn cái sự rộn ràng đông vui, kẻ kê bàn vung bút, người gật gù thán phục, kẻ đưa smartphone tìm góc chụp selfie, người săm soi luận bàn mấy dòng chữ mẫu tự Latin được viết ngoằn ngoèo uốn éo… thấy ra vẻ hoài cổ thật.

Phải chăng tình yêu chữ lặn đi đâu đó một thời gian nay lại trở về? Nếu thực vậy thì phấn khởi lạc quan quá.

Hẳn là Tết nhất không được suy tư ngẫm ngợi theo chiều hướng tiêu cực. Thế nhưng rồi một ngày, vì tò mò quá mà kẻ viết bài này phải đi tìm coi mấy ông đồ trẻ nuôi râu ra ngồi vỉa hè ngày Tết viết cái thứ gì lên giấy đỏ mà thiên hạ xúm xít đến là vậy.

Sự thật đôi khi gây choáng. Các "chú đồ" trẻ thủ sẵn một xấp danh ngôn và thành ngữ để trong rương, chỉ cần qua vài câu hỏi nắm bắt tâm lý, tâm trạng và nhu cầu của các khách trẻ, là có thể phóng bút đề chữ ngay. Nét mực tàu vung vít trên giấy mấy câu nghệ thuật sống đại loại: “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/ Chuyện đời như nước chảy hoa trôi” hay cóp nhặt trong phim Bao Thanh Thiên, rất tâm trạng: “Rút dao chém xuống nước nước càng chảy mạnh/ Nâng chén tiêu sầu lại càng sầu thêm”. Có mấy cô chừng hai mươi đang trong giai đoạn xin việc, thủ thỉ với chú đồ, liền được chú đồ tư vấn: “Vậy lấy chữ “Thời” nhé, Thời có nghĩa là gặp thời đó. Có việc, phấn đấu, lên chức như diều gặp gió”. Cũng có anh chàng kia mơ ước làm thi sĩ, mới ti toe mấy bài thơ đăng báo, rón rén đề đạt nguyện vọng, chú đồ phán: “Vậy chữ Danh nhé. Làm thơ phải nổi tiếng em ơi”. Cậu thi sĩ tương lai gật đầu đắc ý quá xá…

Cứ vậy, chú đồ đáp ứng nguyện vọng nhiều người. Mỗi người rời đi để lại cho chú mấy tờ bạc xanh bạc đỏ với lòng kính trọng vô bờ bến. Lao động của chú đồ xem ra chẳng vất vả lắm. Cũng chẳng cần phải viết chữ đẹp mới làm người bán chữ.


Viết câu đối ngày Tết. Tranh bút sắt trong bộ Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger thực hiện hồi đầu thế kỷ XX. Chụp lại: Nguyễn Vinh.

Năm nay Tết về, đào mai lại nở tưng bừng phố xá, những gian hàng thầy đồ bán chữ chộn rộn mọc lên khắp nơi, lòng trí chợt nhớ tới nhà văn Sơn Nam. Một lần nọ, người viết bài này phải làm phim tài liệu Tết cho một đài truyền hình địa phương, vì thế tìm đến ông nhờ ông nói cho vài ý về câu đối Tết. Nhóm làm phim mời ông ra một cái miếu đang làm lễ đưa ông Táo, nơi có nhiều cụ đồ tên tuổi đang vung bút cho chữ. Vậy mà trước máy quay, ông Sơn Nam nói “ngang phè”: “Tui thấy câu đối xưa thôi, chứ giờ bày vẽ, nặng hình thức, thứ đến là không còn văn minh gì nữa. Mọi người giờ ở nhà phố, đi xin chữ về dán lên tường, rồi xài xong, gỡ ra, tường nhà dơ bẩn. Vì ai cũng nghĩ chữ nó thiêng nên chẳng biết quẳng đi đâu. Mà cứ treo trển thì bụi bặm vô cùng. Vậy nên theo tui là thôi đi cái vụ này đi”

Bọn nhà đài ngơ ngác nhìn nhau. Vậy là đoạn phát biểu thật khó dùng được vào bộ phim Tết ca ngợi thú chơi câu đối như một nét bản sắc dân tộc, chỉ vì ông già Nam Bộ nói “ngược” quá.

Nhưng mãi nhiều năm sau, cứ mỗi lần Tết nhất, thấy mấy chú đồ ngồi biên chữ lấy tiền bên đường, lại nghĩ, hóa ra, ông Sơn Nam nói có lý. Cái sự nệ cổ về mặt hình thức đang làm cho chúng ta mải mê với những phong tục ở tính bề mặt của nó. Người nay quá đủ văn minh để hiểu rằng, giữa chuyện treo chữ lên, thiêng hóa chữ theo kiểu cũ với chuyện hiếu tri, hiếu học hay tinh thần thực học về bản chất, chẳng có gì liên quan.

http://www.thesaigontimes.vn/142023/Xin-chu--de-lam-gi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét