Tàu cao tốc Trung Quốc thắng thế trước Nhật Bản
Ngày 29/9, Nhật Bản đã để tuột mất hợp đồng quan trọng về việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc ở Indonesia vào tay Trung Quốc. Từ tháng 8, Indonesia đã có kế hoạch xây dựng 1 tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên nối Thủ đô Jakarta và thủ phủ Bandung của tỉnh Tây Java, dài 145km có trị giá khoảng 78 nghìn tỷ rupiah (5,3 tỷ USD).
đọ sức với nhau tại triển lãm ở Jakarta, Indonesia
Ngày 31/8, quan chức cấp cao của 6 bộ và cục phụ trách chính sách kinh tế của Indonesia tổ chức một cuộc họp tại Jakarta để thảo luận về vấn đề lựa chọn nhà thầu. Trong đó, Nhật Bản và Trung Quốc là 2 ứng viên đang cạnh tranh quyết liệt để giành được hợp đồng béo bở này.Bắc Kinh đề nghị thực hiện dự án đường sắt cao tốc trên đảo Java và ngỏ ý cung cấp cho Indonesia khoản vay 4 tỷ USD với lãi suất 2%.Trung Quốc cũng không tìm kiếm bất kỳ sự đảm bảo về vốn nào từ chính phủ Indonesia và cam kết rằng việc thi công có thể bắt đầu ngay trong năm nay, và mạng lưới sẽ đi vào hoạt động không muộn hơn năm 2019. Còn Chính phủ Nhật Bản đưa ra khoản vay 3,3 tỉ USD, lãi suất 0,1% và cam kết rằng các tàu cao tốc sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2021.
Đầu tháng 9 vừa qua, chính phủ Indonesia đã thông báo loại bỏ cả hai đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc của Nhật Bản và Trung Quốc với lý do kinh phí cao và cho biết sẽ xem xét xây dựng một tuyến đường sắt có giá thành thấp hơn. Tuy nhiên, ngày 29/9, Jakarta lại bất ngờ tuyên bố chọn đối tác Trung Quốc.
Cạnh tranh quyết liệt
Nhật Bản và Trung Quốc với tiềm lực tài chính và thế mạnh riêng trong lĩnh vực đường sắt đã có sự cạnh tranh nhau gay gắt trong nhiều dự án xây dựng đường sắt lớn tại các quốc gia Đông Nam Á. Nhấn mạnh quan trọng về dự án tàu cao tốc đầu tiên tại Indonesia, các chuyên gia tin rằng bên nào giành thắng lợi trong cuộc chiến này sẽ chiếm thế thượng phong trong cuộc đua cho nhiều dự án đường sắt cao tốc khác tại châu Á, khu vực tăng trưởng nhanh với nhu cầu cao về xe lửa tốc độ cao trong những năm tới, bao gồm cả nhiều dự án mới ở Kuala Lumpur và Singapore.
Đường sắt cao tốc đã phát triển mạnh ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Theo Xinhua, tính đến hết tháng 7 năm nay và chỉ trong vòng 12 năm, Trung Quốc đã xây dựng 17.000 km đường sắt cao tốc trong nước, chiếm hơn 50% tổng chiều dài đường sắt cao tốc của thế giới.
Trước Indonesia, Trung Quốc đã ký bản ghi nhớ với Thái Lan về việc xây dựng hai tuyến đường sắt đôi tại Thái Lan với chiều dài lần lượt là 734km và 133km, kết nối tỉnh Nong Khai ở miền Đông Bắc, Thủ đô Bangkok và tỉnh Rayong ở miền Đông Thái Lan, có tổng trị giá ước tính khoảng 10,6 tỷ USD. Trung Quốc cũng đang đề nghị với Lào về dự án đường sắt cao tốc dài 417km chạy từ Thủ đô Vientiane tới thành phố Côn Minh của Trung Quốc, trị giá 7 tỷ USD.
Tuy nhiên, Nhật Bản không hoàn toàn thất thế trước Trung Quốc, quốc gia vẫn có sự phụ thuộc công nghệ đường sắt vào bên ngoài. Với thế mạnh về tài chính và công nghệ của mình, Tokyo cũng đã ký được thỏa thuận ghi nhớ với Thái Lan về dự án xây dựng đường tàu siêu tốc nối Bangkok với thành phố Chiang Mai có giá trị tới hơn 1.000 tỷ yen (hơn 10 tỷ USD).
Đòn giáng mạnh vào Nhật Bản
Sau những nỗ lực cạnh tranh trước đó, có thể nói đây là một thất bại đối với chính quyền do Thủ tướng Shinzo Abe đứng đầu đang tìm cách giành lợi thế trong xuất khẩu cơ sở hạ tầng để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng sự thay đổi của Indonesia là “khó hiểu” và “rất lấy làm tiếc.” Ông Suga còn tỏ ý nghi ngại tính khả thi trong đề xuất của Trung Quốc, theo đó sẽ xây dựng tuyến đường sắt này mà không cần kinh phí của Indonesia.
Dưới thời Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Nhật Bản chiếm lợi thế trước Trung Quốc nhờ vào công nghệ danh tiếng Shinkansen, một hệ thống đường sắt cao tốc hoạt động giữa các thành phố tại Nhật Bản trong nhiều thập niên qua mà không gặp bất kỳ tai nạn chết người nào trong lịch sử hoạt động. Tuy nhiên, khi Tổng thống Joko Widodo lên nắm quyền và có chuyến thăm tới Bắc Kinh tháng 3/2015, Trung Quốc được xem là đối tác tiềm năng nhờ vào tiềm lực tài chính mạnh mẽ.
Indonesia, trong khi đó, tìm cách trấn an rằng các khoản đầu tư của Nhật Bản vẫn được hoan nghênh đối với nhiều dự án khác. Ông Sofyan Djalil, người đứng đầu Ủy ban Kế hoạch Phát triển Quốc gia của Indonesia nói với Suga rằng Indonesia vẫn sẽ chào đón sự hợp tác của Nhật Bản trong việc xây dựng cảng Cilamaya ở Tây Java. Teten Masduki, người phát ngôn của Tổng thống Indonesia, cũng bày tỏ với các phóng viên rằng Nhật Bản vẫn có thể đầu tư vào một dự án đường sắt cao tốc nối Jakarta và thủ phủ Surabaya của Đông Java.
Nhật Bản bị “qua mặt” tại Đông Nam Á
Sự kiện này đánh dấu một thắng lợi cho Bắc Kinh và đã thách thức ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực Đông Nam Á, nơi mà Tokyo từ lâu đã có mối quan hệ gần gũi hơn.
So sánh tiềm năng của hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, trong sự phát triển hiện nay, theo báo Financial Times, Trung Quốc có dự trữ tiền mặt lớn, tầm ảnh hưởng thương mại toàn cầu và công nghiệp phát triển mạnh; còn Nhật Bản có được lợi thế về công nghệ, tài chính và đầu tư trực tiếp ở nước ngoài.
Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực Đông Nam Á. Với sáng kiến thành lậpNgân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Bắc Kinh đã đặt ra một thách thức không nhỏ đối với Nhật Bản, vốn đóng vai trò quan trọng trong Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) có trụ sở tại Manila với tư cách là nhà cung cấp vốn cơ sở hạ tầng chủ chốt.
Trước sự lựa chọn của Indonesia, phía Trung Quốc bày tỏ sự hoan nghênh và cho rằng đây là một tin tức tốt, trong đó tạo thuận lợi cho các công ty Trung Quốc để “tiến ra toàn cầu” và gia tăng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc theo kế hoạch “một vành đai -một con đường.”
Phản ứng lại động thái này, Thủ tướng Abe đã công bố kế hoạch mở rộng 30% đầu tư của Nhật Bản cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á trong vòng 5 năm tới. Tokyo cũng đã có mối quan hệ truyền thống thân thiết với Jakarta, một trong những nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của Nhật Bản. Hai bên cũng đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác trong an ninh hàng hải trước mối quan tâm ngày càng tăng về lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo tờ WSJ, Kenichi Ohno, giáo sư kinh tế học phát triển tại Viện đại học Quốc gia Nghiên cứu Chính sách ở Tokyo, cho biết, “Không hề ngạc nhiên khi Nhật Bản thất bại trước Trung Quốc. “Nước Nhật không thể cạnh tranh với Trung Quốc về giá cả,” ông Ohno nói. “Nhật Bản nên từ bỏ việc xây dựng nhà máy và đường sắt, và hướng tới phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục.”
Rõ ràng, thi công đường sắt cao tốc đang là một đấu trường quan trọng trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc kinh tế ở châu Á.
Tổ Quốc
http://www.thtg.vn/tau-cao-toc-trung-quoc-thang-the-truoc-nhat-ban/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét