Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Một hình ảnh khác về Võ Văn Thưởng

Một hình ảnh khác về Võ Văn Thưởng
truongduynhat.org Võ Văn Thưởng, Uỷ viên trung ương đảng, Phó Bí thư thường trực TP HCM (nhiều khả năng đại hội XII tới sẽ được bầu vào Bộ Chính trị). Một nhân vật đang được nhiều người ngợi ca là nhân tố “mới”, “trẻ”. Tôi không kỳ vọng thế. Thậm chí ngược lại, đánh giá rất thấp nhân vật này. Mời bạn đọc xem lại hình ảnh cực kỳ kém văn hoá của ông Thưởng khi đương nhiệm Bí thư Quảng Ngãi. Một lối ứng xử không thể chấp nhận ở một quan chức cấp trung ương uỷ viên.

Sơn Mỹ, Quảng Ngãi tối 15/3/2013, lễ tưởng niệm 45 năm vụ thảm sát Mỹ Lai. Người mặc áo xanh ngồi bên phải ông Võ Văn Thưởng là cựu binh, phóng viên chiến trường Mỹ Ronald Haeberle, tác giả của serie ảnh Mỹ Lai chấn động địa cầu. Ban tổ chức vớ đại một cái ghế thừa kê ké cạnh ông Thưởng và dúi cho ông một chai nước lọc. Không ai biết đứng lên nhường ghế mời Ronald Haeberle, kể cả Bí thư Võ Văn Thưởng.

Trong khi Ronald Haeberle trầm ngâm theo dõi chương trình tưởng niệm thì Bí thư Thưởng liên tục xoay người cười nói với các quan chức bên cạnh. Để hiểu rõ hơn về bối cảnh của hai bức ảnh trên, mời bấm đọc lại bài: Ronald Haeberle, lần thứ ba trở lại.

Ronald Haeberle, lần thứ 3 trở lại
Lần thứ 3 Ronald Haeberle trở lại Sơn Mỹ. 
Kỷ niệm 45 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai.

Tưởng Bộ Ngoại giao hay tỉnh Quảng Ngãi mời, hóa không phải. Ông biết tin và tự tìm về. “Tôi báo chính quyền tiếp ông nhé?”- Ông lắc đầu bảo “lễ tưởng niệm là của các nạn nhân, dành cho vong hồn các nạn nhân, chứ không phải cho ai khác”.
Ronald nói với tôi: Bức ảnh ấn tượng mạnh, ám ảnh mãi và khiến ông suy nghĩ nhiều chính là ảnh hai anh em Trần Văn Đức- Trần Thị Hà ôm nhau. Ông không thể ngờ được hai đứa trẻ đó vẫn còn sống sau cuộc thảm sát Mỹ Lai kinh động địa cầu 45 năm trước. Ông cũng không thể ngờ được người phụ nữ nằm chết miệng ngậm vành nón trong bức ảnh tang thương kia chính là mẹ của hai đứa trẻ này. Càng không thể ngờ được “cậu bé Mỹ Lai” đấy sau gần nửa thế kỷ đã chủ động bay sang Mỹ tìm ông. Đó là tháng 9/2011. Sau đó ông cùng Đức bay về Việt Nam và trở lại Sơn Mỹ với mong muốn cải chính bức ảnh Đức- Hà và làm sáng tỏ lại nhiều khuất tất trong bộ ảnh Mỹ Lai.

Lần này trở lại vẫn với mục tiêu đó. Trước khi vào Đà Nẵng cùng tôi đi Sơn Mỹ, Ronald đã ở Hà Nội tìm gặp Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và sử gia Dương Trung Quốc với hi vọng bằng uy tín và sự hiểu biết của mình, các ông sẽ tác động, thuyết phục chính quyền biết lắng nghe để sửa sai những điều có thể.

“Câu chuyện Mỹ Lai lẽ ra không được xảy ra, nhưng nó đã xảy ra rồi. Việc tôi cố gắng bây giờ là tôn trọng những nạn nhân vô tội cả người đã chết và sống sót. Tôi cần ai đó ở Việt Nam biết lắng nghe”- Ronald nói như rút ruột.

* * *
Sinh năm 1941 tại Ohio. 1966, ông nhập ngũ khi đang còn là sinh viên, sang Việt Nam và trở thành phóng viên chiến trường của quân đội Mỹ. 2 năm thì đụng vụ Mỹ Lai. Ronald Haeberle là phóng viên chiến trường duy nhất có mặt trong vụ thảm sát này.

“Vài người cố dậy và bỏ chạy. Họ không thể và ngã xuống. Tôi nhớ có một người phụ nữ, chị ta đứng dậy và cố gắng làm việc đó – cố gắng chạy – với một đứa bé trên tay. Nhưng chị không thể”. Bằng linh cảm nghề nghiệp, Ronald thoáng nghĩ “có một điều gì đó…” và ông đã cố ghi lại bằng hai chiếc máy ảnh trên tay. 40 bức đen trắng của chiếc Leica và 19 bức ảnh màu của chiếc Nikon-F sau đó đã làm kinh động địa cầu và là bằng chứng không thể chối cãi cho cuộc điều tra lịch sử “William Peers và CID”

Bộ ảnh khiến ông nổi tiếng, cả thế giới biết tên ông. Nhưng cũng vì nó khiến cuộc đời hậu chiến của Ronald luôn phải dằn vặt, đeo bám bởi những ám ảnh Mỹ Lai kinh hoàng.

Có lẽ do không chịu nổi sức dồn ép tâm lý từ những bức ảnh Mỹ Lai, Ronald Haeberle giải ngũ ngay cuối năm 1968. Hơn hai năm cầm máy lăn xả trên các chiến trường Nam Việt, bộ ảnh Mỹ Lai là “tác phẩm” để đời và cũng là ám ảnh kinh sợ nhất.

Chiếc máy ảnh Leica và 40 bức ảnh trắng đen gốc Ronald đã giao lại cho quân đội, sau khi trở về từ chiến trường Việt Nam. Chiếc máy ảnh Nikon-F chụp 19 bức ảnh màu Mỹ Lai ông giữ riêng cho mình. Cuốn phim chụp những bức ảnh Mỹ Lai cũng là cuốn phim cuối cùng. Ông không dám lắp thêm một cuốn phim nào nữa vào chiếc máy ảnh Nikon-F này. Cẩn trọng gói chiếc máy ảnh trong một túi vải màu đỏ sậm, cất mãi đến gần nửa thế kỷ sau, trong chuyến về lại lần thứ hai cuối năm 2011, ông tặng lại cho “cậu bé Mỹ Lai” Trần Văn Đức.

Theo lời Đức: Eva, vợ cũ của Ronald kể rằng sau khi trở về từ chiến trường Việt Nam, Ronald luôn sống với những ám ảnh ký ức kinh sợ. Chỉ đến khi gặp lại Đức (tháng 9/2011) ông bắt đầu thấy vui và… mạnh mẽ hơn.

Tôi cảm được điều này qua chuyến về Mỹ Lai cùng Trần Văn Đức và Ronald cuối năm 2011. Nhìn cách Ronald dàn cảnh chụp lại hai anh em Đức- Hà tại chính điểm bức ảnh ông chụp gần nửa thế kỷ trước, nhìn cảnh hai người đàn ông ôm nhau khóc trên chính “con đường thảm sát” đầy máu và xác người Mỹ Lai ngày ấy, tôi tin họ đã thành một phần máu thịt của nhau.

Tháng 9 tới, Ronald sẽ bay sang Germany để tổ chức sinh nhật nhân dịp 72 tuổi tại chính tư gia của Trần Văn Đức.


Chiếc máy ảnh Nikon- F Ronald Haeberle dùng chụp những bức ảnh Mỹ Lai lịch sử

Ronald Haeberle- Trần Văn Đức tại Mỹ Lai 2011

* * *
Đây là lần thứ 3 ông trở lại Mỹ Lai. Lần thứ nhất là năm 2000, ông lặng lẽ về Mỹ Lai trong vai một vận động viên xe đạp. Lần thứ hai là chuyến trở về với mong ước cải chính bức ảnh hai đứa trẻ Mỹ Lai Đức- Hà nhưng không thành.

Trước khi vào Quảng Ngãi, ông ở chơi với tôi hai ngày tại Đà Nẵng. Ronald khen Đà Nẵng đẹp, sạch và thoáng đãng chứ không bụi bặm xô bồ như Hà Nội, Sài Gòn. Ronald bảo ông thích núi Sơn Trà, bờ biển và những cây cầu ở Đà Nẵng.

Tôi đoán ông muốn thả mình thư thái vài ngày trước khi về lại với những ám ảnh Mỹ Lai kinh hoàng.

72 tuổi nhưng Ronald khá khỏe. Leo núi tốt và nhậu cũng tốt. Trưa nhậu, tối cũng nhậu. Lo ông mệt gợi ý về sớm nghỉ thì Ronald cười “không sợ mệt và cũng không sợ bia!”

Thấy tôi cứ giơ ly bia cụng mãi, ông đùa “last but not the last” (ly sau cùng nhưng không phải cuối cùng).

Ronald hay quan sát. Nhìn cô gái tiếp tân đứng sau cánh cửa, ông rất khó hiểu và thắc mắc: Tại sao trông xinh thế, đứng đón khách cả buổi nhưng không bao giờ cười?

Cũng chẳng hiểu sao, tự dưng tôi lại hỏi ông chuyện “huân chương”:

– Kết thúc chiến tranh, ông có được cái huân huy chương gì không?

– Không!

Nhưng chỉ một thoáng sau ông như chợt nhớ ra và cười:

– Ồ có, hôm rồi tôi có mua được một cái huân chương giá 5 USD ở quán hàng lưu niệm vỉa hè Hà Nội.

* * *
Sơn Mỹ tối 15/3/2013. Lần đầu tiên, Ronald Haeberle dự một buổi tưởng niệm Mỹ Lai sau đúng 45 năm. Sự xuất hiện bất ngờ của ông khiến nhiều vị ngạc nhiên.

Nếu không vì cú điện thoại lỡ miệng của tôi báo tin cho Giám đốc sở Văn Thể Du Nguyễn Đăng Vũ, dám chắc nhiều vị, kể cả ông Bí thư Tỉnh ủy chưa chắc đã biết đó chính là tác giả của những bức ảnh Mỹ Lai lịch sử.

Không thấy vị nào trong bàn quan chức đứng dậy nhường chỗ cho Ronald. Họ bố trí cho ông một chiếc ghế thừa kê thêm bên ngoài, sát cạnh vị Bí thư Tỉnh ủy trẻ tuổi Võ Văn Thưởng.

Không chịu nổi cảnh loa đèn rập rình chói tai và những màn kịch sân khấu tái hiện cảnh chết chóc… Tôi cùng vợ chồng nhà thơ Thanh Thảo lao xe xuống biển nhậu.

Gần 9 giờ đêm chạy lên vẫn nghe loa kèn đinh tai nhức óc. Ronald vẫn lặng im ngồi đó trên chiếc ghế thừa, giản dị với quần Jin và chiếc áo sơ mi màu xanh cũ nhàu. Trong khi vị Bí thư Tỉnh ủy cà vạt chỉn chu, giầy vét đen mượt phẳng phiu, thỉnh thoảng lại ngoái đầu nói chuyện gì đó với mấy người bên cạnh và cười rất tươi.

Ngồi bệt chen chúc ngay sau lưng chiếc bàn quan chức là những cư dân Mỹ Lai, trong đó chắc không ít là thân nhân hoặc nhân chứng sống của vụ thảm sát kinh hoàng 45 năm về trước.

Chợt nhớ câu thắc mắc của Ronald về cô gái lễ tân nhà hàng lúc ở Đà Nẵng “tại sao không cười?” Không biết đêm đó ở Mỹ Lai, Ronald có thầm hỏi ngược lại “tại sao họ cười” không nhỉ?

Sáng dậy hỏi cảm xúc thế nào, Ronald nói:

– Ồ, xúc động. Nhưng không thích cái cảnh tái hiện vụ thảm sát. Toàn cảnh phụ nữ, trẻ em, xác chất chồng. Không biết người ta diễn lại để làm gì? Và cái âm thanh thì… – Ông lắc đầu và đưa tay bịt tai.

“Lễ tưởng niệm là của các nạn nhân, dành cho vong hồn các nạn nhân, chứ không phải cho ai khác”- Tôi nhớ mãi câu này của Ronald. 504 nạn nhân. Sao không để yên cho vong linh họ siêu thoát. Sao cứ mỗi năm đến kỳ lại dựng dàn ầm ĩ, tái hiện diễn phơi làm gì những cảnh đau thương ấy?

Lần đầu tiên Ronald trở về theo cách không ai biết. Hai lần sau tôi cùng đi với Ronald. Nhìn cách về và cách tránh né các cuộc tiếp đón của chính quyền mới hiểu vì sao ông luôn chọn lối lẳng lặng thế, mới hiểu nỗi ám ảnh Mỹ Lai đè nặng trong ông đến mức nào.

Đang ở Đà Nẵng vui vẻ hồ hởi vậy. Vào đến Quảng Ngãi thấy ông trầm hẳn. Trọn một buổi chiều tại chòi lá trong khuôn viên khách sạn Mỹ Trà sát mép sông, ông cùng tôi ngồi im lặng vậy, một dĩa trái cây và hai cốc cà phê, trốn bỏ tất cả các cuộc phỏng vấn của báo chí.

Quảng Ngãi sôi động hơn kể từ khi có dầu. Dung Quất đã khoác cho cái đô thị nhỏ nhoi này một sức sống mới. Nhưng với Ronald Haeberle, đây mãi mãi vẫn là một mảnh đất với những ký ức buồn đau.

ron 2
Bên chòi lá cạnh mép sông Trà
ron 3Ban tổ chức bố trí cho Ronald Haeberle một chiếc ghế thừa kê ké bên cạnh bàn Bí thư tỉnh ủy Võ Văn Thưởng
ron 4Trong khi Ronald Haeberle trầm ngâm theo dõi chương trình tưởng niệm thì Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng luôn xoay người nói chuyện và cười rất tươi. Sát cạnh Bí thư Thưởng là Phó Bí thư thường trực kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Minh Toản. Ông nở nụ cười tươi và nhìn tạo dáng khá điệu khi thấy tôi giương máy ảnh.
ron 5Màn kịch sân khấu tái hiện “hoành tráng” vụ thảm sát.
ron 6Cầu siêu
P/S: Xin giới thiệu kèm cuộc trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trong lần trở về thứ 3 của Ronald Haeberle (trích ghi từ facebook của nữ nhà báo Hoàng Hường- Vietnamnet):
Câu chuyện tranh cãi nhiều năm về bức ảnh “Anh che chở cho em” giữa ông Trần Văn Đức và bảo tàng Sơn Mỹ tưởng sẽ được sớm giải quyết khi năm 2011 Ronald Haeberle – người chụp bức ảnh – được mời về làm ‘trọng tài’ và ông phán quyết “99% người trong ảnh là Trần Văn Đức”. Nhưng đến nay vẫn chưa có một kết luận nào chính thức được đưa ra.
Ngày 10/3/2013, Ronald Haeberle trở lại Việt Nam một lần nữa với mong muốn “tìm được ai đó lắng nghe”. Ông ra Hà Nội tìm gặp Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, cựu đại biểu quốc hội, và sử gia Dương Trung Quốc hy vọng với uy tín của mình, họ là người lắng nghe ông.
Được sự cho phép của Ronald Haeberle và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. HH post phần trao đổi của hai ông:
– Ronald Haeberle: Tôi rất quan tâm đến bài báo ông viết về sự kiện Mỹ Lai. Tôi muốn nói chuyện để hai bên hiểu nhau hơn. Đã có sự hiểu lầm về câu chuyện của anh Đức với bảo tàng Sơn Mỹ. Tôi hy vọng có một cách nào đó để mang sự hiểu biết của hai bên gần nhau hơn và mang tính chất xây dựng. Tôi mong muốn có ai đó ở Việt Nam lắng nghe tôi.
– Tướng Thước: Chuyện xảy ra 45 năm, mọi chuyện đã dừng lại trong quá khứ. Tôi từng là người lính cầm súng phía bên kia chiến tuyến của người Mỹ. Chiến tranh đã khép lại, nhưng những chuyện chưa giải quyết xong vẫn phải giải quyết. Tôi cũng có nghe về câu chuyện bức ảnh này, và quan tâm diễn biến của nó. Quan điểm của tôi là rất trân trọng ý kiến của các phóng viên chiến trường, vì họ đứng ở vị trí khách quan, và quan trọng nhất họ là người trực tiếp chứng kiến sự việc.
– Ronald Haeberle: Sự thật trong những sự việc này nằm trong tài liệu điều tra của một cơ quan điều tra của quân đội Criminal Investigative Division (CID). Những câu chuyện này vẫn chưa bao giờ được xuất bản. Sau khi những bức ảnh của tôi được công bố, CID đã mở cuộc điều tra. Toàn bộ câu chuyện Mỹ Lai đã được họ chứng minh. CID đã phỏng vấn những người lính tham gia vụ Mỹ Lai. Trong những người lính dựa vào những báo cáo, nhưng báo cáo thường rất sơ sài.
Nhưng trong cuộc điều tra của CID, có gặp một nhân chứng Việt Nam. Hẳn ông sẽ ngạc nhiên là sau điều tra của CID, sự thật khác rất nhiều những gì mà người ta vẫn biết. Trong mùa hè năm nay tôi sẽ quay lại CID để đọc kỹ hơn những tài liệu này. Đặc biệt tôi muốn biết chính xác những chuyện gì đã xảy ra với gia đình Đức.
Câu chuyện Mỹ Lai là một thảm kịch đáng lẽ không được phép xảy ra, nhưng nó đã xảy ra. Việc tôi cố gắng bây giờ là tôn trọng những nạn nhân vô tội cả người đã chết và sống sót.
Tôi đã cố gắng rất nhiều để nói chuyện với giám đốc bảo tàng Sơn Mỹ (ông Phạm Thành Công – PV), nhưng quá khó. Ông ấy cứ khăng khăng giữ quan điểm, không thay đổi. Tôi cần ai đó ở Việt Nam, có thể cấp cao hơn ông giám đốc lắng nghe tôi. Đó là một trong những lý do tôi đến tìm ông. Hoặc ông có thể cho tôi một lời khuyên hoặc giúp đỡ tôi tìm ai đó để cố gắng tìm đến một kết luận đúng đắn nhất.
– Tướng Thước: Tôi chỉ có thể nói thế này: sự kiện Mỹ Lai tôi không được chứng kiến. Chuyện tranh chấp giữa anh Đức và phía bảo tàng tôi cũng có nghe, nhưng chưa từng gặp phía nào trực tiếp. Qua thông tin trên báo chí thì tôi hiểu có vấn đề thông tin không gặp nhau. Theo tôi chuyện đó hết sức bình thường vì trong điều kiện chiến tranh, mọi việc được tạm định hình. Nhưng sau này khi có những thông tin mới hơn thì nên được bổ sung. Thông tin được lấy từ phóng viên, mà theo kinh nghiệm của tôi thì những phóng viên ít bị chi phối về đường lối, nên có thể họ nhận thức sự kiện tỉnh táo hơn. Vì thế tôi cho rằng ý của ông rất đáng trân trọng và nên tham khảo.
Việc phía bảo tàng giữ thông tin của họ cũng hoàn toàn dễ hiểu. Họ có những thông tin họ thu thập được, từ những nhân chứng họ có được. Nhưng giờ có chuyện anh Đức nảy sinh thì sự nhìn nhận cần đặt cao lên một bước nữa, để sự thật được đúng như nó đã xảy ra.
– Ronald Haeberle: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ngài. Nhưng vấn đề lớn nhất là ông giám đốc bảo tàng hoàn toàn không có thái độ hợp tác. Ông nhất định không chấp nhận ý kiến khác. Chính vì thế tôi cần ai đó ở cấp cao hơn lắng nghe tôi.
– Tướng Thước: Việc này không chỉ liên quan đến một cá nhân anh Đức hay ông giám đốc bảo tàng, mà chuyện liên quan đến nhiều người và một sự kiện lịch sử rất lớn. Nếu ai đó nên nghe ông thì phải là người có lời nói và vai trò quan trọng. Tôi mong sự thật được trả về đúng vị trí để công bằng với cả người sống và đã mất.
Theo tôi nên có một cuộc hội thảo. Hai bên đều có chứng cứ, đều nên đưa ra để bảo vệ quan điểm. Tôi rất hoan nghênh ông Ronald Haeberle đến đây hôm nay. Tôi mong rằng với nỗ lực của ông, vụ việc này sẽ sớm được kết luận, để chúng ta có thể thực sự khép lại những trang sử đau thương. Một lần nữa cảm ơn ông! (Nguồn:Hoàng Hường facebook)
(Đi với Ronald Haeberle về thì dồn dập mấy chuyện riêng chưa viết gì được. Hôm nay mới ngồi gõ ít dòng về chuyến trở về thứ 3 của ông, người phóng viên chiến trường với những bức ảnh Mỹ Lai từng kinh động địa cầu).
http://truongduynhat.org/ronald-haeberle-lan-thu-3-tro-lai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét