Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

“Bối cảnh hiện tại đang bó tay bó chân chúng ta”

“Bối cảnh hiện tại đang bó tay bó chân chúng ta”
TRẦN GIANG BizLIVE - TS. Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), bình luận môi trường hiện tại của Việt Nam có ba “thiếu” để có thể xử lý nhanh nợ xấu, đó là thiếu khuôn khổ pháp lý, thiếu nguồn lực công, thiếu thị trường mua bán nợ.
“Thực tế là vừa thiếu vừa không có, trong khi yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay là phải xử lý nhanh nợ xấu. Vậy mô hình nào phù hợp với Việt Nam? Nguồn lực tài chính nào để xử lý nợ xấu? Rõ ràng, VAMC là một cơ chế đặc thù”, ông Nghĩa phân tích.

Nợ xấu đã không còn xấu

PGS.TS Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết từ năm 2012 đến hết tháng 8/2015, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 424.140 tỷ đồng nợ xấu (tương đương 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012) và dự kiến tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm 2015 sẽ ở mức dưới 3% theo đúng mục tiêu đã đề ra.

Trong đó xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chiếm 41,3%, còn lại do các TCTD tự xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau và đã đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3,21% tháng 8/2015.

Phó thống đốc Kim Anh cũng thừa nhận VAMC ra đời bước đầu khẳng định đây là công cụ chính sách quan trọng để góp phần giảm nhanh nợ xấu. Mô hình hoạt động của VAMC đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và hỗ trợ khó khăn cho khách hàng.

Thời gian qua, việc xử lý nợ xấu thông qua VAMC của NHNN nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng nợ xấu thực chất chỉ được “cất vào kho” VAMC chứ chưa thể giảm nhiều. Về vấn đề này, ông Nghĩa cho biết tỷ lệ nợ xấu 17,21% báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 9/2012 là tỷ lệ thận trọng của NHNN.

“Nếu đánh giá toàn diện các TCTD thì con số nợ xấu còn cao hơn 17,21%. Nếu không có cơ chế cho VAMC để các TCTD có thời gian phân bổ những tổn thất thì sẽ như thế nào? Hãy nhìn vào các chỉ số tài chính của các TCTD”, ông Nghĩa cho biết.

Tỷ lệ nợ xấu Việt Nam so với khu vực năm 2012 (Nguồn WB, SBV)

Về số liệu nợ xấu, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV, cho biết thời gian gần đây NHNN đã cho rà soát đánh giá lại chính xác hơn và tỷ lệ nợ xấu thời điểm 2011 là 17,2%.

“Đây là số liệu mới cập nhật theo báo cáo tháng 5/2015 của NHNN và tỷ lệ rất cao. Nếu lấy tỷ lệ đó so với thông lẻ quốc tế là quá cao, tương đương với 4 nước khủng hoảng năm 1997-1998 như Indonesia, Thái Lan …với tỷ nợ xấu khoảng 15-16%”, ông Lực cho biết.

Với tỷ lệ đó, việc VAMC mua được hơn 220.000 tỷ đồng nợ xấu tính đến thời điểm hiện này là một con số rất lớn và con số nợ xấu được xử lý là 5% cũng là một khích lệ trong điều kiện hiện tại.

Tỷ lệ nợ xấu Việt Nam so với khu vực năm 2014

“Thực tế, nếu để lại nợ xấu cho các NHTM, họ cũng có xử lý được đâu. Nói về kỹ năng, kỹ thuật xử lý nợ xấu, các ngân hàng tốt hơn rất nhiều VAMC, tôi đang nói về góc độ kinh nghiệm hàng chục năm của các ngân hàng so với VAMC chỉ 2 năm tuổi”, ông Nghĩa phân tích.

Ông Nghĩa nhấn mạnh, mục tiêu chính của VAMC không phải mua về để đó rồi 5 năm sau trả lại cho các TCTD xử lý. “Bối cảnh hiện nay đang bó chân bó tay chúng ta rất nhiều. VAMC không thể xử lý ngay được số nợ xấu mua về. Việc xử lý nhanh phụ thuộc vào 2 yêu tố, môi trường kinh doanh, sự hồng hào của thị trường bất động sản”, ông Nghĩa bình luận.

Nợ xấu còn lại - xử lý theo cách nào?

TS. Cấn Văn Lực lại cho rằng xử lý nợ xấu cần tập trung vào 6 phương thức chủ yếu: Cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi và phí tín dụng, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý; xử lý, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, chuyển nợ thành vốn góp, mua, bán nợ (VAMC, chứng khoán hóa nợ xấu, thiết lập thị trường mua, bán nợ...).

Ngoài ra, một trong những giải pháp để xử lý nợ xấu là thúc đẩy tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN còn lại. Theo Bộ Tài chính, hiện còn gần 200 doanh nghiệp cần cổ phần hóa từ nay đến cuối năm; 17.000 tỷ đồng (tương đương 65% tổng số) cần thoái vốn; Đẩy nhanh tái cơ cấu đầu tư công, gồm cả việc xử lý dứt điểm nợ tồn đọng xây dựng cơ bản; Thúc đẩy việc giảm tồn kho và hỗ trợ thị trường BĐS.

“Có 1 giải pháp đừng bao giờ quên, đó là không được quên nợ xấu mới, hạn chế nợ xấu trong tương lai”, TS. Lực lưu ý.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng việc xử lý nợ xấu bằng cách bán sang cho VAMC chỉ là bến đỗ tạm thời cho nợ xấu. “Chúng ta không phủ nhận việc xử lý nợ xấu có những biến chuyển nhưng thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Vấn đề vướng mắc xử lý nợ xấu của Việt Nam chính là thanh lý tài sản đảm bảo. Nếu vấn đề thanh lý tài sản đảm bảo nhanh thì chúng ta không ngồi đây để bàn về vấn đề xử lý nợ xấu”, ông Hiếu bình luận.

Ông Hiếu cho biết, hiện xử lý nợ xấu có 2 cách, một là tự thỏa thuận với khách hàng hoặc qua kênh tòa án.

“Với kênh không qua pháp lý, ở nước Mỹ, nếu ngân hàng có quyền thế chấp ưu tiên thì khách hàng không trả nợ được thì ngân hàng sẽ gửi thông báo đến khách hàng phải trả nợ trong vòng 10 ngày.

Nếu hết thời hạn, khách hàng vẫn không trả nợ thì ngân hàng sẽ gửi tiếp thư với nội dung nếu trong vòng 30 ngày khách hàng không trả nợ thì sẽ bị đấu giá và 30 ngày tới nếu khách hàng không trả nợ sẽ nhận được thư của ngân hàng có địa điểm đấu giá tài sản”, ông Hiếu cho biết.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo ông Hiếu, cả hai cách đều khó khăn. Ví như, nếu khách hàng không trả được nợ, ngân hàng có thể đem tài sản thanh lý để xử lý. Vấn đề này pháp luật cho phép, nhưng nếu khách hàng không hợp tác thì ngân hàng không thể làm được, không thể bán tài sản.

“Đây là vấn đề luật pháp về vấn đề này phải được hoàn thiện. Ở Mỹ, nếu khách hàng không ra khỏi nhà, thì sẽ có công an đến đưa họ và đồ đạc ra khoải nhà. Ở Việt Nam không thể làm được như vậy. Như vậy, trong thời gian tới, nếu không xử lý được vấn đề pháp lý thì nợ xấu phải xử lý thế nào?”, ông Hiếu băn khoăn.

Còn qua kênh tòa án thì càng mệt mỏi, khách hàng không trả nợ thì đem ra tòa nhưng thời gian thụ lý một vụ án ròng rã mấy năm, chi phí quá nhiều để giải quyết một vấn đề.

TRẦN GIANG
http://bizlive.vn/ngan-hang/boi-canh-hien-tai-dang-bo-tay-bo-chan-chung-ta-1342169.html

1 nhận xét:

  1. Chúng ta cứ cất chúng đi và tin vào những con số đẹp. Chúng ta tin là sau một thời gian nợ xấu sẽ thành không xấu và dần thành các món hời mà người ta tranh nhau mua. Đây là câu chuyện cổ tích mà bất kì ai cũng đã từng nghe. Chỉ có một điều là con cháu chúng ta là người sẽ phải trả đầy đủ .... Đúng là cha làm con chịu

    Trả lờiXóa