Làm thế nào để từ chức dễ dàng?
Hiếm có quốc gia nào mà việc một quan chức chủ động xin từ chức lại khó khăn như ở Việt Nam. Bấy lâu nay, người ta nói nhiều về văn hóa từ chức và cứ so sánh chuyện ở quốc gia nào đó, có những quan chức sẵn sàng từ chức ngay khi xảy ra một sự việc tác động xấu đến xã hội trong phạm vi lĩnh vực mình phụ trách. Rất nhiều người nói về việc cán bộ nên từ chức nếu số phiếu tín nhiệm thấp hoặc xảy ra những sự việc bê bối trong đơn vị.Nói thì dễ, làm thì khó. Nhưng quan trọng nhất là để một cán bộ sẵn sàng từ chức thì cũng phải có những “cơ chế tạo điều kiện” cho người ta từ chức. Tại sao lại phải có “cơ chế tạo điều kiện” cho cán bộ từ chức?
Ấy là vì công tác đề bạt, quản lý, sử dụng cán bộ của chúng ta cực kỳ phức tạp, nhiêu khê và qua tầng tầng lớp lớp các thủ tục.
Một người muốn giữ một chức vụ nào đó thì phải trải qua một quá trình phấn đấu hết sức gian khổ dù người đó có tài năng xuất chúng, có trí thông minh tuyệt vời, thậm chí có thiên bẩm lãnh đạo, quản lý, điều hành...
Nhưng không một cấp lãnh đạo nào có thể dám cất nhắc một người như vậy nhảy vọt lên 4-5 bậc.
Làm sao lại có chuyện một trưởng phòng có thể lên làm tổng giám đốc, thậm chí lên làm thứ trưởng?
Cơ chế đề bạt cán bộ của chúng ta là như vậy đó!
Tài mấy thì tài, vẫn phải trải qua những “thử thách”, “rèn luyện” và những cuộc bầu bán, bỏ phiếu tín nhiệm...
Việc bỏ phiếu tín nhiệm để chọn cán bộ đưa vào quy hoạch là một cách làm hoàn toàn đúng về mặt lý thuyết, nhưng chưa chắc đã đúng về thực tế. Bởi lẽ không phải cấp ủy Đảng nào cũng là đơn vị “trong sạch, vững mạnh” thực sự, không phải cấp ủy Đảng nào cũng trong sáng, đoàn kết và tất cả vì mục tiêu chung.
Chuyện kéo bè kéo cánh, chuyện ô dù, rồi đủ các chuyện tiêu cực khác ở nhiều tổ chức Đảng, chính quyền là điều mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhìn thấy từ lâu nhưng muốn xử lý, khắc phục đâu có dễ. Chính vì vậy, chất lượng của những lá phiếu tín nhiệm còn nhiều điều đáng bàn. Thậm chí, người ta không bỏ phiếu cho một cán bộ chỉ vì không ưa nhau từ những chuyện rất vặt vãnh, từ lời ăn, tiếng nói, dáng đi đứng, rồi thậm chí là vì tính cục bộ địa phương. Nếu như vì lá phiếu thấp mà nói người đó không có khả năng làm việc hay có chuyện nọ chuyện kia thì chưa chắc đã chính xác.
Vài năm trước, khi những vụ án như ở Vinashin, Vinalines chưa được phát hiện, thì hẳn số phiếu tín nhiệm hằng năm của những người như Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng và nhiều người sau này bị xử lý bằng pháp luật hẳn sẽ cao ngất ngưởng. Gần đây, hàng loạt các vụ tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện và xử lý. Nếu tra lại số phiếu tín nhiệm của những người này trong từng năm, chắc chắn không có ai có số phiếu thấp. Vậy nên căn cứ vào những lá phiếu để đánh giá cán bộ phải rất thận trọng. Những lá phiếu đó chỉ thực sự công bằng khi đơn vị, tổ chức Đảng đó là những đơn vị “tử tế”.
Người ta không thể dễ dàng làm đơn từ chức bởi lẽ chức vụ còn kèm theo rất nhiều quyền lợi mà những quyền lợi đó có khi còn cao hơn đồng lương rất nhiều, ví dụ như được mua nhà với giá ưu đãi, được cấp ôtô, lại có lái xe riêng... Đó là chưa kể những bổng lộc khác mà chức vụ đem lại.
Một vấn đề nữa không thể không tính đến, ấy là việc quy trách nhiệm cá nhân ở nước ta rất khó. Chúng ta đang thực hiện quản lý cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, việc gì cũng do cấp ủy Đảng quyết và đảng viên có trách nhiệm thực hiện theo nghị quyết. Vậy nếu nghị quyết sai thì sao? Rồi bản thân người phụ trách, nhiều khi chỉ có hư danh mà không có thực quyền. Một người đứng đầu đơn vị không thể tự mình chọn cán bộ, hoặc đề bạt, cất nhắc cán bộ chủ chốt theo ý mình. Vì thế, nếu xảy ra việc gì đó mà “bắt” người đứng đầu phải từ chức thì quả thật là không hợp lý.
Mong muốn người không làm được việc nên từ chức, nhưng lại phải nghĩ đến nếu từ chức thì sẽ ra sao. Danh dự, uy tín bị tổn thương đã đành, nhưng những cống hiến bao nhiêu năm trước đó được đánh giá như thế nào? Bản thân người cán bộ có thể đã làm tốt nhiệm vụ trong giai đoạn trước đó, nhưng đến giai đoạn hiện nay thì chưa chắc đã làm tốt. Mà nếu quy lỗi thì cũng chưa chắc người đó đã có lỗi gì cả.
Cho nên, muốn để cán bộ sẵn sàng từ chức, cần phải có cơ chế để khi người cán bộ từ chức, họ không bị thiệt thòi quá mức. Và đặc biệt là không để cho danh dự của họ bị tổn hại. Chính vì thế, mọi thông tin cần phải được minh bạch và được đánh giá công tâm.
Chúng ta cứ nói nhiều về văn hóa từ chức, nhưng nếu như không xây dựng được “cơ chế từ chức” thì dù có nói thế, nói nữa cũng chẳng có mấy người dám từ chức. Và cũng không thể ép buộc người ta từ chức khi bản thân người lãnh đạo không có thực quyền, thực lực, đồng thời trong công tác điều hành đã gặp quá nhiều lực cản từ đâu đó mà bản thân họ như con cá mắc lưới, vùng vẫy nhưng không thoát ra được.
Trả lời một tờ báo điện tử, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã nói rất chính xác về chuyện từ chức ở Việt Nam: “Từ chức ở Việt Nam là điều hết sức nặng nề. Nặng nề cho anh, cho vợ con, gia đình, bà con thân tộc, trong khi ở phương Tây, Nhật Bản là chuyện bình thường. Ở Việt Nam, nếu từ chức, một bộ trưởng muốn xin việc ở đâu không dễ. Nghỉ hưu xin việc còn dễ, từ chức lại rất khó, bởi bối cảnh xã hội vẫn “bịt cửa” của người ta. Việc khuyến khích từ chức cũng rất ít vì có chức thì có quyền, có quyền thì có lợi… Nếu xã hội rộng mở nhiều hơn, đánh giá của xã hội đừng khắt khe, quy chụp thì chuyện từ chức dễ hơn. Chức tước chỉ là một sự dấn thân, không phải là thành tựu gì đó vĩ đại cả… Từ chức cũng liên quan mô hình quản trị quốc gia, bởi vì tôi chỉ có ý kiến về việc này việc kia, bây giờ tôi chịu trách nhiệm tất cả có công bằng? Nếu tôi tự quyết thì tôi tự chịu trách nhiệm, còn tôi phải xin phép tôi mới làm, bây giờ một mình chịu trách nhiệm thì không công bằng. Báo chí cũng thế thôi, từ chức có ai nhảy vào khen không, hay là hắt hủi, làm người ta mất hết danh dự?”.
Và “Anh thấy anh từ chức để nhận trách nhiệm, từ chức vì lương tâm cắn rứt, từ chức vì thấy lẽ ra làm được tốt hơn, đó là chuyện của đạo đức, không phải chuyện của pháp luật.
Mình lạm dụng pháp luật tương đối nhiều, để cửa cho đạo đức rất ít, đây là vấn đề rất lớn của vận hành thể chế. Bất cứ một thể chế nào đều chỉ có thể vận hành trên một nền tảng đạo đức tương ứng, không có nền tảng đạo đức thì không vận hành được”.
Những ý kiến của ông Nguyễn Sĩ Dũng rất hay. Đúng là nếu không có nền tảng đạo đức thì thể chế vận hành sẽ khó khăn - trong đó có việc từ chức. Nhưng cũng lại có vấn đề mà không thể không tính đến ấy là: Người từ chức sẽ làm gì ở giai đoạn “hậu từ chức”?
Nếu giải đáp được câu hỏi này một cách thỏa đáng, thì chắc chắn chuyện từ chức không phải là quá khó khăn! Và điều đầu tiên có thể làm được ngay mà không tốn đến ngân sách một xu, ấy là: Phải biết tôn trọng và bao dung đối với người dám từ chức.
Như Thổ
(PetroTimes)
http://petrotimes.vn/news/vn/dam-luan-doi-thoai/lam-the-nao-de-tu-chuc-de-dang.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét