Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

(1) Bút Tre và trường phái thơ bình dân miền Bắc

Bút Tre và trường phái thơ bình dân miền Bắc
Hoan hô đồng chí Bút Tre
Thơ phú ngang phè mà lại hóa hay
Phải chăng trường phái thơ ngây
Làm cho ai cũng mê say thích nghè [nghe]
Bút Tre Đặng Văn Đăng (1911-1987)
Miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa có nhà thơ Bút Tre, ông tên thật là Đặng Văn Đăng (1911–1987). Không giống với các thi sĩ nổi tiếng của chế độ như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Hoàng Cầm, Xuân Diệu… Bút Tre là người làm thơ theo kiểu dân gian của người miền Bắc thời kháng chiến và hậu kháng chiến.


Phong cách thơ của Bút Tre vừa độc đáo, vừa sáng tạo, vừa dung tục nhưng lại giàu sức lan tỏa trong dân gian. Cũng vì thế, Bút Tre đã trở thành một trường phái thơ dân gian rất thịnh hành ở miền Bắc và cho đến sau này cũng được nhiều người ở miền Nam biết đến.

Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng (còn có tên gọi là Đặng Văn Quang) quê xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ông đỗ tú tài triết học dưới thời Pháp thuộc, viết báo dưới bút danh Lục Y Lang (Chàng áo xanh) và sau này, khi tham gia kháng chiến, được kết nạp vào đảng Lao động Việt Nam năm 1946.

Trước năm 1945, Đặng Văn Đăng làm nghề dạy học và viết báo. Ông đã từng có truyện dài và được đăng nhiều kỳ trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy và báo Đông Pháp. Ông rất giỏi Anh văn, Pháp văn, am hiểu triết học, chính trị, văn hóa, nghệ thuật và văn thơ. Điều rất ít người biết là ông có một tập Nhật ký thơ gồm 398 bài thơ đường luật rất nghiêm chỉnh.

Sau năm 1954, ông làm công tác ngoại giao trong chính phủ Hà Nội với chức danh Bí thư thứ hai tại sứ quán Việt Nam ở Rumani. Năm 1956, ông là thư ký của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm. Sau đó, ông về làm Trưởng ty (tương đương với chức Giám đốc sở ngày nay) Văn hoá Phú Thọ từ năm 1962 đến 1968.

Trong thời gian làm Trưởng Ty Văn Hoá tỉnh Phú Thọ, ông là người đề xướng nghiên cứu nhiều vấn đề lớn về văn hoá của đất nước, chẳng hạn như nghiên cứu Văn hoá Hùng Vương. Ông chính là người đã có công ghi lại (theo kiểu thơ) để lưu truyền câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Giếng lúc về thăm Đền Hùng (ngày 19/9/1954): “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Trong thời gian giữ chức trưởng ty văn hóa Phú Thọ, ông Đăng cho in tập Thơ Bút Tre, chủ yếu để lưu hành nội bộ trong ty và tặng thân hữu. Hầu hết thơ trong tập này là nhũng bài hoặc ca ngợi lãnh đạo, hoặc hô hào, cổ động cho các kế hoạch của đảng và nhà nước. Điều đáng nói là tuy mang danh trưởng ty văn hóa nhưng thơ của ông quá bình dân, nhiều bài ngô nghê đến độ buồn cười:

Bây giờ đang đứng trưởng ty
Bút Tre thơ phú tôi thì có sau
Cuối cùng xin nhắc một câu
Văn hóa cơ sở là đầu chúng ta


Người ta nhớ đến Bút Tre vì thơ ông gần với thể loại ca dao với cách gieo vần bất ngờ và lối dùng chữ đặc biệt. Một số nhà phê bình văn học lại cho rằng thơ Bút Tre không hẳn là ‘thơ’ hiểu theo nghĩa thông thường. ‘Thơ’ của ông mang dáng dấp những câu ‘vè’ khiến cho lớp người bình dân mỗi khi đọc lên thấy sảng khoái, ý nhị và dung tục. Có người lại miệt thị thơ của Bút Tre và coi đó là loại ‘thơ con cóc’, không thể nào so sánh được với trường phái ‘văn chương bác học’. Dưới đây là bức tranh làng quê qua ngòi bút phác họa của Bút Tre:

Làng ta có cái núi voi
Đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi
Voi cũng hăng say đua sản xuất
Đầu thì trồng sắn, đít trồng khoai


Với ngôn ngữ đặc thù của miền Bắc trong thời kỳ “đi lên xã hội chủ nghĩa”, Bút Tre đã vẽ một bức tranh ‘tăng gia sản xuất’ lồng trong những khẩu hiệu chính trị. Đọc những câu dưới đây người ta không thể không mỉm cười:

Bà con toàn thể xã ta
Ðồng tâm phấn khởi giồng cà dái dê
Dái dê to mập dài ghê
Năm sau ta cứ dái dê ta trồng

Và đây là một buổi học tập chính trị với cách dùng từ ‘sửa dấu, ép vần’ một cách tài tình nhưng cũng pha lẫn chút mỉa mai, dung tục:


Hôm qua học tập chính tri [chính trị]
Cán bộ ngồi ỳ, chẳng chịu phát biêu [phát biểu]
Cơm ăn chẳng được bao nhiêu
Đảng ủy lại bắt phát biêu cả buồi [phát biểu cả buổi]

Hoặc tả cảnh quê hương Phú Thọ của ông với đầy đủ đồi chè, đồi cọ… có đàn bò giống nhập từ Cu Ba lang thang gậm cỏ:


Quê Hương thi sĩ Phú Thò [Phú Thọ]
Chè xanh, cọ biếc, mập to trái chuồi [chuối]
Lòng còn nhớ mãi cái buồi [buổi]
Đầu làm phân bắc, chăn nuồi đàn bo [chăn nuôi đàn bò]
Cu Ba lông mượt giống to
Cách màng văn hoá đất tô lại càng...


Bút Tre sống dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa nên thơ ông là tấm gương phản chiếu cuộc sống hàng ngày với những sinh hoạt của một xã hội mà đối với người miền Nam hoàn toàn xa lạ. 

Bốn câu thơ dưới đây mang chút mỉa mai:

Thi đua ta quyết thi đua
Thi đua ta quyết tiến lên hàng đầu
Hàng đầu rồi biết đi đâu
Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi


hoặc một chút bỡn cợt:

Hội trường yên ắng ngủ say
Thuyết trình vừa dứt… vỗ tay ra về

Khẩu hiệu ‘Hoan hô…’ cũng là một đề tài thường được nhắc đến trong thơ Bút Tre. Những bài thơ ‘hoan hô’ trong tập Thơ Bút Tre nếu không ngô nghê về cú pháp thì cũng nghèo nàn về ý tứ và lắm khi sai cả niêm luật. Tuy thế, đó là văn chương bình dân.


Chẳng hạn như sự kiện nhà phi hành vũ trụ Phạm Tuân (sinh năm 1947) tại Thái Bình trở thành người châu Á đầu tiên bay vào không gian năm 1980 trong chương trình Intercosmos của Liên Xô, đã được ‘nhiệt liệt hoan hô’ tại miền Bắc. Phạm Tuân cũng là một trong số ít người nước ngoài được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Bút Tre góp tiếng hoan hô bằng những lời thơ chất phác:

Hoan hô đồng chí Phạm Tuân
Bay vào vũ trụ một tuần về ngay


‘Nhà phi hành vũ trụ’ Phạm Tuân

Trước đó, Liên Xô có con chó Laika là sinh vật đầu tiên được đưa lên vũ trụ và cũng là động vật đầu tiên hy sinh trên quỹ đạo năm 1957. Laika qua đời vài giờ sau khi tàu vũ trụ rời bệ phóng, cái chết được dự đoán là do tình trạng căng thẳng và nhiệt độ tăng cao. Bút Tre cũng có thơ ca tụng chó khi nghe tin qua radio:

Hôm nay đài nói vui thay
Người ở dưới đất, chó bay lên trời

Đến khi Yuri Alekseievich Gagarin (1934–1968) là người đầu tiên trên thế giới thực hiện chuyến bay vào vũ trụ ngày 12/4/1961 trên tàu vũ trụ Phương Đông. Bằng kỹ thuật ‘sửa dấu, ép vần’, Gagarin biến thành Ga Ga Rỉn nên mới có câu:


Liên xô rất đỗi tự hào
Anh Ga Ga Rỉn bay vào vũ tru [vũ trụ]

Bóng đá cũng đi vào thơ của Bút Tre. Gheorghe Hagi là một cầu thủ bóng đá Romania, người nước xã hội chủ nghĩa anh em, nổi tiếng với kỹ thuật cá nhân điêu luyện và những cú sút xa rất chính xác:


Hoan hô đồng chí Hagi
Cách ba mươi mét mà ghi được bàn


Loại thơ ‘Hoan hô…’ còn rất nhiều, từ đồng chí lái tàu Trần Đăng Ấn chạy nhanh như… rùa: 

Hoan hô! đồng chí Trần Đăng
Ấn cho tàu chạy băng băng như rùa.


đến những người cao tuổi tham gia chiến dịch ‘trồng cây nhớ Bác’:

Hoan hô các cụ trồng cây
Mười cây chết chín một cây gật gù.
Chúng mày có mắt như mù
Mười cây chết cả gật gù ở đâu?

Theo lịch sử quân đội nhân dân, “… Anh La Văn Cầu (sinh năm 1932) là một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1952. Anh là người dân tộc Tày, quê tỉnh Cao Bằng. Trong Trận Đông Khê (Chiến dịch biên giới năm 1950), khi đang chỉ huy tổ bộc phá hàng rào để đơn vị tiến công đồn, anh bị thương gẫy nát cánh tay và đã nhờ đồng đội chặt đứt để khỏi vướng, dùng tay trái ôm bọc phá đánh mở đường, tạo thời cơ cho đơn vị đánh chiếm đồn địch”:


Hoan hô anh La Văn Cầu
Cánh tay bị đứt nhưng đầu vẫn nguyên

hoặc:

Hoan hô anh Nguyễn Đình Dề
Trước là Thổ Phỉ nay về với ta
Hoan hô anh Nguyễn Văn Ba
Trước là thổ phỉ nay ta đã về. (nay ra hàng mình)

Hầu như bài thơ nào của Bút Tre cũng nghèo nàn về ý, ngô nghê về từ… nhưng đó lại là sự thật, một sự thật pha trộn ý mỉa mai, có vẻ như… cay cú. Trong những bài này, có những câu đã khiến người đọc phải phì cười, chẳng hạn như bài tâng bốc lãnh đạo khi vị này đến thăm Phú Thọ:


Bàn tay Người vẩy muôn dòng mắt theo
Bên đường Người nhẩy cây reo…


Rồi đến những câu ca ngợi Tướng Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương Hà Nội vào đầu thập niên 60:

Anh đi đồng ruộng lắng nghe
Lúa mừng phân bắc, khoai che mảnh vườn

Hai câu trên là của Bút Tre nhưng hai câu dưới đây chắc chắn không do Bút Tre chấp bút nhưng được sáng tác theo ‘trường phái’ của ông:


Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh
Về đây (Anh về) phân bắc, phân xanh đầy nhà


Đến khi đặt bút tung hô tướng Võ Nguyên Giáp, Bút Tre muốn nói “Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thắng trận Điện Biên trở về”. Tuy nhiên, sự bó buộc của luật thơ lục bát khiến ông phải cắt tên ông Giáp, đặt vào hai câu riêng rẽ. Người đọc không khỏi liên tưởng đến một lời châm chọc xách mé:

Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về


Nhà nghiên cứu văn học Ngô Quang Nam viết rằng “… Duy nhất có anh Giáp của chúng ta có được hai từ rất đắt, nó quí giá như tấm huân chương của Văn hóa dân gian trao cho Đại Tướng vậy”.


“Bút Tre, thơ và giai thoại” của Ngô Quang Nam

Thật là hết chỗ nói! Người làm văn hóa nghĩ sao khi một nhà thơ có chữ nghĩa như Bút Tre, nổi máu tếu, cắt tên Võ Nguyên Giáp ra làm hai, nửa trên câu lục, nửa dúi xuống câu bát mà lại được khen nức nở như thế? Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã trải qua những năm tháng thất sủng. Ông có thời gian đặc trách kế hoạch hạn chế sinh đẻ. Thơ dân gian Bút Tre ghi lại:

Hoan Hô Đại Tướng Võ Nguyên,
Giáp ta triệt sản chị em ... quần hồng

Chị em nô nức đặt vòng hoa trên mộ liệt sĩ để tỏ lòng biết ơn đến khi được diễn tả bằng một câu lục bát với kỹ thuật ‘cố ý ngắt từ’ đã trở thành một câu cổ súy cho việc ‘đặt vòng’ qua chương trình kế hoạch hóa gia đình:


Chị em nô nức đặt vòng
Hoa mồ liệt sĩ tỏ lòng biết ơn


Cũng với lối xuống dòng ngang xương một cách cố tình, người đọc không khỏi bật cười với cảnh chơi cầu lông:

Chị em mặc váy đánh cầu
Lông bay phơ phất trên đầu các anh

Phong cách ‘cắt tên, xuống dòng’ xuất hiện khá nhiều trong thơ Bút Tre và cả trong trường phái Bút Tre sau này.


Anh đi công tác Pơ - Lây-
Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra? [Pleiku]
Còn em, em vẫn ở nhà
Cửa mình em mở người ra kẻ vào


Niêm luật lục bát không cho phép một câu dài quá 8 chữ nên tác giả thay vì viết ‘cửa nhà mình’ đành phải rút gọn thành cửa mình… Cũng vì lý do đó, ta lại gặp ‘cửa mình’ trong hai câu:

Chị em du kích tài thay
Bắn tàu bay Mỹ rơi ngay cửa… mình
Tuy nhiên, có điều người làm thơ Bút Tre cần ghi nhớ:

Làm thơ nên tránh vần ồn
Kẻo không lại đụng cái … chị em

(xem phần 2)

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10 – Thời xuống lỗ)
http://dinhvankhai.blogspot.ch/2014/11/but-tre-va-truong-phai-tho-binh-dan.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét