Bốn chữ 'không' tồi tệ trong giao thông ở Việt Nam
TỔNG HỢP (NV) - Giao thông ở Việt Nam ngày càng tồi tệ không chỉ do nhà cầm quyền tham nhũng, yếu kém, mà còn do văn hóa giao thông “4 không” mất căn bản của người dân: không sợ; không nhường; không xếp hàng và không biết ngại. Còn với nhà cầm quyền thì sao? Cũng là chuyện về 4 chữ “không”: không khoa học; không nhất quán; không nghiêm và không đàng hoàng.
Phân luồng như thế này không kẹt xe mới là chuyện lạ. (Hình: Tuổi Trẻ)
Với tinh thần “Tưởng nhớ người đi - vì người ở lại,” ngày 9 tháng 11, hàng ngàn người đến dự đại lễ cầu siêu tưởng niệm những người chết bởi tai nạn giao thông được tổ chức tại Sài Gòn. Đây là đại lễ bày tỏ niềm thương xót những người không may thiệt mạng, đồng thời chia sẻ đau thương, mất mát với những gia đình nạn nhân.Chuyện giao thông ở các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay càng nói càng bàn càng rối càng không hiểu nổi.
Gạt bỏ những thứ chung chung, cứ nói đến giao thông là nói đến văn hóa giao thông. Mà văn hóa giao thông cụ thể là gỉ?
Với người dân, chuyện về văn hóa giao thông là 4 chữ “không”: không sợ; không nhường; không xếp hàng và không biết ngại.
“Không sợ” là vấn đề nhận thức. Không sợ nên chạy xe bạt mạng, lạng lách, băng qua đầu xe, quay đầu đột ngột, sang đường bất chợt, uống rượu lái xe...
“Không nhường” là vấn đề thái độ ứng xử. Đường của chung, mạnh ai nấy cứ lấn tới, thấy chỗ nào trống cũng cố dí đầu xe vào dù chỉ để hơn nửa bánh xe, rồi đè đầu xe người khác mà chạy, bất kể lịch sự, bất chấp văn minh.
Không nhường kết hợp với cái “không sợ,” thế là sẵn sàng dí đầu xe gắn máy của mình vào ngay trước đầu xe hơi.
“Không xếp hàng” là vấn đề về hành vi. Việc này diễn ra từ nhà ra phố nên người Việt khi ra đường sẵn sàng tìm cách lấn làn, chèn đầu xe người khác khi chờ đèn đỏ đã trở nên phổ biến. Xe sau chèn xe trước, kiểu cài thế răng lược ở các nút giao thông và rồi kẹt xe. Đường hẹp cũng kẹt mà đường rộng cũng thông.
“Không biết ngại” là vấn đề đạo đức. Trời mưa cứ lao xe vào vũng nước với tốc độ cao, nước bẩn văng tung tóe, ai trúng ráng chịu. Chèn đầu xe lấn làn gây kẹt cho cả đám người, ai nhắc thì quay ra sửng cồ, to tiếng. Đường là của thiên hạ, nên cứ thế mà tạt nước, mà vứt rác... Hành vi sai đã đáng phê, biểu hiện đạo đức còn đáng trách hơn nhiều.
Còn với nhà cầm quyền thì sao? Cũng là chuyện về 4 chữ “không”: không khoa học; không nhất quán; không nghiêm và không đàng hoàng.
“Không khoa học” thì đã rõ, chỉ cần xem cách bố trí đèn giao thông ở Việt Nam cũng đủ biết. Đèn xanh, hai dòng xe ngược chiều cùng xông tới, các làn xe rẽ trái, rẽ phải, đi thẳng cùng nhận lệnh xung phong. Xe nọ đè đầu xe kia, cài qua cài lại đến hết lượt đèn chỉ đi được vài chiếc.
Trong tình cảnh đó, người tham gia giao thông sẵn sàng chơi trò liều mạng không sợ hoặc láu cá bằng mọi cách để qua được nút đèn nhanh nhất. Thế là đè đầu xe người khác để vượt đèn, rồi thì người này chạy xe đàng hoàng nhưng bị kẻ chạy xe ít đàng hoàng hơn chửi...
“Không nhất quán” lại càng rõ. Mỗi chuyện đèn đỏ quẹo phải mà chỗ được phép, chỗ không; lúc được phép lúc không; giờ cao điểm được giờ bình thường thì không. Vậy nên dân tình đi xe quen chơi trò hên xui, còn lực lượng làm nhiệm vụ thì tùy cơ hội thuận tiện mà thổi còi “làm luật.”
“Không nghiêm” là vì muốn nghiêm cũng không nghiêm nổi. Lúc cao điểm là lúc cần người dân tuân thủ luật lệ nhất, thì lại là lúc gần như người dân được phép lấn làn xe, rướn đèn, chạy ngược chiều...vì cảnh sát giao thông kẹt nhiệm vụ điều khiển, không thể phạt nổi. Thậm chí, có trường hợp người đi đường còn chủ động chỉ cho người chạy xe đi trái luật.
“Không đàng hoàng” là chuyện đạo đức của những người thực thi công vụ. Núp và canh bắt những lỗi sơ suất không đáng của người đi đường để làm luật, trong khi những lỗi nghiêm trọng thì lại hầu như không bắt được. (Tr.N)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=198084&zoneid=2#.VGSDzyLF9QE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét