Sôi động mùa chuột đồng
Hầu hết người dân chốn thôn quê đều biết chuột đồng không hôi hám như chuột nhà, mà ngược lại chúng ở hang sạch, ăn sạch nên thịt rất ngon, nhiều dinh dưỡng, dù luộc hay khìa đều là món khoái khẩu của dân nhậu.
Đào hang bắt chuột đồng
Hồi trẻ con, chúng tôi có thú đi săn chuột đồng. Những buổi săn chuột đầy háo hức, náo nhiệt, tạo ấn tượng khó phai mờ luôn thúc giục tôi trở về với kỷ niệm tuổi thơ đầy hình ảnh tươi vui, ngọt ngào chốn làng quê.Chuột đồng sinh sống quanh năm nơi ruộng rẫy, chúng đào hang ở bờ ruộng làm nơi trú ẩn, sinh sôi, phát triển họ hàng nhà chuột. Đặc biệt đàn chuột đông đúc lên vào mùa lúa chín cuối năm. Lúc đó chuột béo núc ních, lông bóng mượt, thịt rất thơm ngon vì chúng ăn lúa phủ phê, khẩu phần còn được dặm thêm các loại ốc, cua đồng, mầm cây non…
Lúa chín báo hiệu mùa săn chuột đồng của trẻ con thôn quê bắt đầu nhộn nhịp. Chúng tôi chuẩn bị cuốc, chĩa, gậy và ít ra đứa nào cũng có một chú chó ta tên mực, vện, cò, vàng… được tập luyện thành thục cho việc săn chuột rất công phu.
Thường khởi đầu thời điểm đi săn là săn chuột trên bờ ruộng. Toán thợ săn cắt cử hai thợ đào có sức khỏe dẻo dai để thay phiên nhau đào hang chuột. Hang ổ nhà chuột đầy dưới chân bờ ruộng, nhiều ngõ ngách liên thông nhau, có khi dẫn tới một ổ… rắn hổ và chuyện đào hang chuột nhưng quay ra đập rắn hổ là chuyện bình thường vì đi săn chuột mà không gặp rắn mới lạ.
Nhưng vui nhất, sinh động nhất là săn chuột đồng dưới kênh nước đang lớn. Toán thợ săn đi hàng dọc hai bên bờ kênh, đập vào lùm bụi ô rô, cóc kèn, dừa nước cho lũ chuột trú ẩn trong đấy sợ hãi phóng xuống kênh, lập tức những cây chĩa 1 mũi, 3 mũi phát huy tác dụng phóng vèo vèo, con nào không trúng chĩa thì bị chó phóng theo ngoạm cổ tha lên bờ. Bọn chuột cũng rất tinh ranh, phóng xuống kênh là chúng lặn luôn, rất sâu nhưng vẫn bị lộ vì sủi tăm dài dài trên mặt nước nên chúng tôi bám theo chờ chúng nổi đầu lên là phóng chĩa. Đôi khi lũ trẻ không phóng chĩa mà chơi trò “mèo vờn chuột” phóng luôn xuống kênh bơi theo tăm của chúng, chờ chuột đuối hơi vừa ngóc đầu lên chúng tôi lập tức tóm đuôi quay mòng mòng một lúc chuột ta mệt phờ, nằm quay lơ cán cuốc.
Chuột được người lớn chế biến thành nhiều món, nào là chuột khìa nước dừa, nướng mọi, và món chủ lực là chuột hon sau khi làm sạch, tẩm ướp gia vị, đặc biệt khử mùi thịt chuột bằng lá nị hay còn gọi là lá cà ri tươi hái sau vườn nhà là bảo đảm nấu nướng lên, mùi thơm bay bốc trời lan sang khắp xóm.
Bây giờ, chuột đồng sạch không còn nhiều như xưa nữa. Vì hiếm nên nó trở thành món đặc sản của các quán ăn, nhà hàng thành phố. Nhưng tôi vẫn nhớ nhất hương vị món thịt chuột quê nhà do chính mình săn bắt được và cùng nhau chế biến kiểu dân dã, bởi không chỉ ngon vì thịt chuột đồng chính cống mà còn vì thấm đẫm hương vị tuổi thơ.
Mùa hội chuột đồng ở miền Tây bắt đầu khoảng tháng 5 và kéo dài đến hết tháng 6. Thời điểm này chuột mập, thịt thơm ngon hơn bất cứ lúc nào khác trong năm.
Quái! Sao cái thịt này nó mềm thế nhỉ, mà lại ngọt, mà lại thơm một cách rùng rợn, mê ly thế nhỉ!” Vũ Bằng - Món lạ miền Nam
Chợ chuột Phù Dật
Chuột có quanh năm, nhưng cao điểm thường từ sau vụ lúa đông xuân. Đây cũng là thời điểm ăn nên làm ra của những gia đình chuyên làm nghề săn chuột. Hiện nay, người ta bắt chuột bằng nhiều cách khác nhau, phổ biến nhất là bẫy rập, có nơi giăng lưới, đắp ụ hoặc bắt bằng cách chất chà, dậm cù, đuổi lọp… Một hình thức bắt chuột hấp dẫn khác là đào hang. Chỉ cần vài người, mang theo đồ nghề cùng với con chó săn, mỗi ngày cũng có thể bắt vài chục kí chuột, đặc biệt là chuột cống nhum.
Có thể nói điểm thu mua chuột sôi động nhất miền Tây hiện nay là chợ chuột Phù Dật (ấp Bình Chiến, xã Bình Long, H.Châu Phú, An Giang). Nơi đây có trên 15 cơ sở mổ chuột và hơn 200 gia đình chuyên sống bằng nghề săn bắt, kinh doanh mua bán chuột. Mỗi ngày, các cơ sở này tiêu thụ từ 5 - 7 tấn chuột sống và chuột sơ chế.
Từ sáng cho đến xế chiều, lúc nào ghe xuồng, xe tải, xe 2 bánh cũng tấp nập lên xuống hàng. Sáng sớm, nhiều rọng chuột từ vùng sâu, vùng xa được chuyển đến giao cho các vựa. Sau khi lên hàng, các chủ vựa bắt đầu phân loại, giao trực tiếp cho thương lái chuyển đi nơi khác. Số còn lại làm thịt tại chỗ. Những người làm công đã chuẩn bị sẵn sàng dao thớt và đồ nghề để bắt tay vào việc. Cứ 1 người chặt đầu chuột thì 3 người lột da và 3 người mổ bụng. Chuột làm xong, đóng thùng, ướp lạnh đem giao cho khách hàng.
Xã Bình Long cũng là nơi có nhiều người chuyên bẫy chuột. Nhiều gia đình đã khá lên nhờ nghề này. Bình quân một người có 200 rập, 1 ngày đêm có thể thu nhập trên 300.000 đồng. Còn người làm công mỗi ngày cũng kiếm từ 100.000 - 150.000 đồng.
Ngoài chợ chuột Phù Dật, miền Tây còn có nhiều điểm thu mua chuột không kém phần nhộn nhịp như ở 2 huyện Tam Nông, Tháp Mười (Đồng Tháp), Cửa khẩu Khánh Bình (H.An Phú, An Giang). Anh Nguyễn Văn Phụng, một chủ vựa chuột tại thị trấn Long Bình (H.An Phú) cho biết khi thịt chuột trong nước hút hàng, anh thu gom cả chuột cơm và chuột cống nhum từ Campuchia chuyển sang.
Chở chuột đi giao cho bạn hàng
Thịt mềm mà lại ngọt…
Người miền Tây gọi thịt chuột là “nai đồng quê ” vì nó thơm ngon không thua gì thịt nai. Những người sành ăn thường đánh giá cao các món ăn từ chuột. Trong cuốn Nam bộ xưa và nay của nhà văn Sơn Nam có đoạn viết: “Chuột rô ti ăn với xoài chua đầu mùa băm nhỏ, vị chua sẽ đánh tan mùi hôi chuột”. Hay trong cuốn Món lạ miền Nam, nhà văn Vũ Bằng cũng đã ca ngợi thịt chuột hết lời: “Ôi chao, đến cái thịt chuột thì huyền diệu lắm: nhậu thịt chuột rồi, đến lúc ăn cơm lại dùng toàn những món chuột luôn, vậy mà chẳng thấy ngán một ly ông cụ, trái lại vẫn cứ ngon ơ, ăn muốn... chết cơm mà miệng vẫn cứ muốn còn ăn nữa. Mê không để đâu cho hết là món chuột bằm nhỏ xào rau mò om cặp với bánh tráng nướng và món chuột xào bầu ăn vừa mát vừa thơm, từa tựa như cơm trộn với trứng cáy mà lại ăn thêm với mấy ngọn rau sắng chùa Hương vậy”.
Làm thịt chuột tại một cơ sở ở xã Bình Long
Chính vì vậy mà trên thực đơn của các quán nhậu miền Tây thường không thiếu những món độc đáo chế biến từ thịt chuột như: chuột quay lu, chuột xào rau răm, chuột nướng muối ớt, chuột khìa… Giá thịt chuột làm sẵn hiện ở mức 70.000 - 90.000 đồng/kg, chuột cống nhum giá lại càng cao. Tại nhiều chợ ở miền Tây, người ta bày những lồng chuột ra bán giống như cá hay gà, vịt vậy.
Thiên Lộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét