Máy bay Lào biệt tăm dưới lòng sông Mekong
Lực lượng cứu hộ đã tìm được 30 thi thể nạn nhân trong vụ máy bay Lào lao xuống sông, nhưng chưa thể xác định thân máy bay nằm ở vị trí nào giữa dòng nước đục ngầu.
Lực lượng cứu hộ chuyển một thi thể nạn nhân từ thuyền lên bờ. Ảnh: AP
"Chúng tôi đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, cứu hộ, do hiện trường tai nạn nằm trên sông Mekong với dòng chảy xiết. Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm phần xác chính của máy bay", Sommad Pholsena, Bộ trưởng Giao thông và Vấn đề Công cộng Lào, nói. Hiện chưa rõ máy bay bị vỡ đôi hay tan ra thành những mảnh nhỏ."Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân. Lào sẽ cố gắng hết sức để tìm kiếm các thi thể", ông nói thêm. Bộ trưởng đã lái xe 700 km từ thủ đô Vientiane về Pakse ngay sau khi nghe tin máy bay gặp tai nạn.
Pholsena cho biết giới chức cam kết bồi thường thích đáng cho các nạn nhân. Hãng hàng không quốc gia Lao Airlines đang làm việc với công ty bảo hiểm để thanh toán các khoản bồi thường.
Cũng theo ông Pholsena, chiếc phi cơ ATR 72-600, được mua từ Pháp, đã bay được 758 giờ kể từ khi được đưa vào sử dụng hồi tháng 3 năm nay.
"Một nhóm thuộc nhà sản xuất máy bay Pháp đã đến Lào để tham gia tìm kiếm hộp đen. Chúng tôi cũng mời các chuyên gia từ Thái Lan, Australia và Pháp hỗ trợ xác định DNA", ông nói.
Theo giám đốc cơ quan Hàng không Dân dụng Lào Yakao Lopangkao, hiện lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của 30 trong số 49 người thiệt mạng. Tất cả đều được chuyển đến chùa Chond De ở Pakse. 20 thi thể trong số này đã xác định được danh tính.
Một nạn nhân ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đã được gia đình nhận diện thông qua trang sức và quần áo. Thi thể của hai chị em 3 tuổi và 17 tháng tuổi người Australia thuộc gia đình Rhodes cũng đã được tìm thấy.
Thi thể 4 nạn nhân gốc Việt đã vớt được là Lê Huề, Lê Thị Trinh, Đào Thị Liễu và Đặng Thị Hiệp. Riêng nạn nhân Vương Thị Ngân chưa tìm thấy xác.
Chiếc phi cơ của Lao Airlines cất cánh từ Vientiane lúc 14h45 ngày 16/10 (giờ địa phương) và dự kiến đến thành phố phía nam Paske, tỉnh Champasak, hơn một giờ sau đó. Tuy nhiên, đến 16h, máy bay đã lao xuống sông Mekong khi chỉ còn cách sân bay quốc tế Pakse 2 km. Thời tiết xấu được cho là nguyên nhân gây ra tai nạn.
Phi công Campuchia Young San là người đã có 30 năm kinh nghiệm bay, làm việc cho hãng Lao Airlines gần ba năm nay. Ông từng là phi công của hãng Royal Air Cambodge của Campuchia, sau khi được huấn luyện tại Nga và Pháp.
Anh Ngọc
Chân dung tiếp viên gốc Việt tử nạn máy bay Lào
Xinh đẹp, học giỏi, Đặng Thị Hiệp, nữ tiếp viên gốc Việt trên chuyến bay gặp nạn của Lao Airlines, là niềm tự hào của gia đình và cộng đồng người Việt ở địa phương.
Nữ tiếp viên gốc Việt Đặng Thị Hiệp, tên tiếng Lào là Nakesone Phonath. Ảnh: FB
|
Hiệp làm tiếp viên cho hãng hàng không Lao Airlines ba năm nay. Cô có mặt trên chiếc phi cơ xấu số chở 49 người rơi xuống sông Mekong chiều ngày 16/10. Tất cả mọi người trên máy bay thiệt mạng.
Ông Cao Đình Hạnh, Chủ tịch Hội người Việt ở tỉnh Champasak, cho hay Đặng Thị Hiệp, 26 tuổi, tên tiếng Lào là Nakesone Phonath, thường trú tại xóm Tân An, bản Bunnodom, Pakse. Gia đình cô đã định cư ở Lào từ nhiều thế hệ.
Hiệp không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn là tấm gương cho thế hệ trẻ tại Tân An. Học hết cấp hai ở Pakse, Hiệp được gia đình cho đi học tại thủ đô Vientiane.
Tốt nghiệp khoa Kinh tế, trường đại học quốc gia Lào, Hiệp đã giấu gia đình thi tuyển phi công. Biết chuyện, gia đình Hiệp không đồng ý cho cô con gái út học phi công, nhưng chiều con theo nghề tiếp viên hàng không.
Cô gái xinh xắn này cũng được cho là từng giành ngôi Á hậu trong một cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia năm 2009.
Theo bạn bè của Hiệp, lẽ ra cô không có mặt trên chuyến bay định mệnh, nhưng vì một đồng nghiệp bị ốm đột xuất nên Hiệp đi làm thay.
10h30 sáng qua, lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể của Hiệp bị dòng nước đẩy trôi cách nơi xảy ra tai nạn gần 15 km. Gia đình quyết định đưa con gái về tổ chức tang lễ theo phong tục người Việt.
Lễ an táng Hiệp sẽ diễn ra vào 14h chiều mai, tại nghĩa trang Việt kiều ở Pakse.
Bàn thờ Đặng Thị Hiệp tại nhà. Ảnh: Thái Tâm
|
Hiện ở Pakse có khoảng 5.000 người gốc Việt sinh sống, chủ yếu làm nghề buôn bán, trong đó có gia đình ông Lê Huề, 74 tuổi, cũng là một trong những nạn nhân chuyến bay xấu số VQ301.
Vợ, con gái và một người bạn của ông Huề đều là những người gốc Việt thiệt mạng trong máy bay nói trên.
Trong số 5 người gốc Việt, chỉ còn một người là bà Vương Thị Ngân (vợ ông Huề) chưa tìm được thi thể.
Trong thông cáo hôm qua, ông Saleum Tayarath, phó chủ tịch Lao Airlines, cho hay một nhóm chuyên gia của hãng đang phối hợp với các nhà chức trách, các điều tra viên từ hãng sản xuất máy bay và các nhóm cứu hộ để tìm kiếm các nạn nhân và xác máy bay. Hiện lực lượng cứu hộ đã vớt được 30 thi thể, trong đó 14 thi thể đã xác định được danh tính.
Chính quyền địa phương huy động mọi lực lượng, cũng như động viên người dân dùng mọi phương tiện có thể để hỗ trợ các nhà chức trách. Chính quyền tuyên bố sẽ thưởng nóng 2 triệu kíp (gần 6 triệu đồng Việt Nam) cho những ai tìm thấy thi thể nạn nhân.
Anh Ngọc - Thái Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét