Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

CÁC CƯỜNG QUỐC ĐUA NHAU GIÀNH GIẬT CHÂU PHI

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Tư, ngày 3/7/2013, TTXVN (Niu Yoóc, 30/6)Tạp chí “Al-Afrikya” (Châu Phi) vừa có bài viết nhận định rằng các cường quốc trên thế giới đều đang tìm cách đổ sức người và sức của vào châu Phi để sở hữu được nhiều nhất nguồn tài nguyên thiên nhiên rất đa dạng của châu lục này, trong bối cảnh nguồn tài nguyên ấy đang cạn kiệt trên phạm vi toàn cầu. Nội dung bài viết như sau:
Từ khi nhiều nước châu Phi giành được độc lập, nơi đây đã phải trải qua tình trạng bất ổn triền miên, các cuộc xung đột khu vực và nội chiến, do các đường biên giới thừa hưởng từ thời thực dân không phù hợp với sự chia rẽ sắc tộc của châu lục này. Cùng với nó, các cuộc chiến tranh của phương Tây ở châu Phi cũng đang gia tăng. Năm 2008, Mỹ đã lập ra Bộ chỉ huy châu Phi (AFRICOM), một trung tâm chỉ huy duy nhất đối với toàn bộ các hoạt động quân sự ở châu Phi. Từ đó đến nay, có Cốt Đivoa, Libi, Mali… rơi vào cảnh chiến tranh, đấy là chưa kể đến Xômali và Cônggô cũng diễn ra các cuộc chiến tranh ác liệt, máu đổ thành sông. 
Từ những năm 1970 chủ nghĩa tư bản rơi vào khủng hoảng, và phản ứng của các nhà lãnh đạo thế giới của chủ nghĩa tư bản trong nhũng năm 1980 là thực hiện một chính sách tự do quá khích và một cuộc tấn công gay gắt về tư tưởng chống chủ nghĩa Cộng sản. 
Ở châu Phi, châu Á và khu vực Mỹ Latinh, chính sách này đã được thể hiện trong các chương trình nổi tiếng thích ứng về cơ cấu đã làm suy yếu mạnh mẽ các nước và đã quét sạch tất cả những gì còn lại của cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội. Trong thế giới tư bản, tất cả các qui tắc đã bị hủy bỏ theo cách triệt để nhất và pháp chế về việc làm, an ninh xã hội và các quyền công đoàn cũng bị xem xét lại. 
Năm 1990, khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Liên Xô, bầu không khí hoan hỉ đã bao trùm phương Tây khi người ta đã nói đến sự kết thúc của lịch sử và thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa tư bản. Nhưng đến giữa những năm 1990, sự hoan hỉ này đã phần nào giảm bớt và chủ nghĩa tư bản rơi vào tình trạng khủng hoảng phải đi tìm kiếm một hình ảnh mới về kẻ thù. Nhằm mục đích này, thuyết “cuộc xung đột giữa các nền văn minh” của Samuel Huntington, tỏ ra là có ích. Và khi đó, đạo Hồi bị coi là kẻ thù.

Về mặt chiến lược, có những cuốn sách rất được chú ý của một người Mỹ gốc Ba Lan, Zbigniew Brzezinski, với nhan đề: “Sự bá quyền của Mỹ và những đòi hỏi cấp bách mang tính chiến lược của Mỹ” và “Nước Mỹ và phần còn lại của thế giới”. Đối với Brzezinski, Mỹ phải dựa vào sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) và các nước lớn ở Đông Âu như Ba Lan và Ucraina để có thể kiểm soát toàn bộ châu Âu và châu Á, vùng đất rộng lớn nhất trên thế giới. Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của Bill Clinton, đã xuất hiện dự án PNAC (dự án cho một thế kỷ mới của Mỹ), qua đó các nhà tân bảo thủ Mỹ chủ trương cải cách dự án Đại Trung Đông và đó là chính sách của Tổng thống Mỹ tiếp theo, George Bush (Con). Hậu quả là thập niên đầu tiên của thế kỷ này đã bao trùm bầu không khí bất an trên toàn thế giới bởi cuộc chiến tranh ở Irắc và Ápganixtan.

Giờ đây người ta chỉ có thể nhận thấy rằng Mỹ đã thua trong cuộc chiến tranh Irắc. Sau 10 năm chiếm đóng của Mỹ, sự kiểm soát chính trị đất nước này nằm trong tay một chính phủ nghe lời nước láng giềng là Iran, kẻ thù của Mỹ, hơn là các ông chủ Mỹ của mình. Nếu bằng sự chiếm đóng Irắc, ý đồ của Mỹ là kiểm soát sản lượng dầu lửa trên phạm vi toàn thế giới, thì đây cũng là một thất bại: một lượng lớn dầu lửa của Irắc hiện đang được đổ vào Trung Quốc. Giá “vàng đen” cao cũng làm giàu cho các nước sản xuất dầu lửa, những nước không có quan hệ tốt với Mỹ, đó là Angiêri, Vênêxuêla, Libi và Nga, và vì thế các nước này sẽ có lượng dự trữ tiền tệ lớn, làm gia tăng khả năng ngày càng độc lập với Mỹ. Đối với Nga, trong những năm 1990, Mỹ đã ủng hộ những người Hồi giáo cấp tiến ở Chesnia nhằm mục đích làm suy yếu nước Nga càng nhiều càng tốt. Trong một cuộc chiến đẫm máu, thủ đô Grozny của Chesnia đã bị phá hủy hoàn toàn và người ta vẫn không quên tấn thảm kịch con tin ở trường học Beslan. Nhưng Nga vẫn đứng vững và dưới thời Putin, Nga lại trở thành một nước tự chủ và độc lập hoàn toàn với một sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Và với Trung Quốc, Mỹ cũng đã nhầm to. Ý đồ của Mỹ là thực hiện thị trường tự do để cuối cùng làm sụp đổ hệ thống Nhà nước xã hội chủ nghĩa giống như trường hợp đã diễn ra ở Liên Xô. Nhưng điều đó đã không diễn ra và nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển. Hết năm này sang năm khác, Trung Quốc đã vượt qua các nước lớn tư bản chủ nghĩa và hiện nay trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, và là cường quốc thương mại lớn nhất. Nếu tiến trình này vẫn tiếp tục thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa Trung Quốc cũng sẽ vượt lên trên Mỹ. Theo chân Trung Quốc, người ta thấy nhiều nước lớn thuộc thế giới thứ ba như Ấn Độ và Braxin, vài nước lớn ở châu Phi như Nam Phi, Ănggôla và Nigiêria cũng đang trỗi dậy. Các nước lớn đang trỗi dậy (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) tạo thành khối mà người ta gọi là BRICS. Chừng nào sự tiến triển này vẫn diễn ra thì phương Tây, sẽ vẫn còn lo ngại. Hồi tháng 11/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thực hiện một chuyến công du châu Á và ông đã tuyên bố rằng Mỹ đã và vẫn là một “cường quốc hòa bình”, và châu Á từ nay là ưu tiên số một của Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài của ông Obama sau khi ông tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ hai không phải đến châu Âu hay khu vực Mỹ Latinh, mà là đến Mianma, một nước rất có ý nghĩa trong chính sách bao vây Trung Quốc của Mỹ.

Tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của châu Phi

Chính trong khuôn khổ chính trị mới này mà AFRICOM đã được thành lập vào năm 2008. Đây là một cuộc cải cách chiến lược quan trọng về các trung tâm chỉ huy tối cao của quân đội Mỹ. AFRICOM chỉ đạo tất cả các chiến dịch của quân đội Mỹ tại châu Phi dưới một sự chỉ huy duy nhất (mà sở chỉ huy nằm ở Stuttgart-Đức) trong khi trước đây các chiến dịch này phụ thuộc vào 3 bộ chỉ huy khác nhau. Cuộc cải cách này phản ánh tầm quan trọng chiến lược lớn của châu Phi trong chính sách đối đầu của Mỹ với Trung Quốc. Những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ khiến cho các nguồn nguyên liệu ngày càng trở nên cần thiết đối với ngành công nghiệp của các nước tư bản và cả đối với Trung Quốc lẫn các nền kinh tế mới nổi khác. Châu Phi có trữ lượng lớn còn chưa được khai thác về dầu lửa, khí đốt và các kim loại quý hiếm khác. Người ta cho rằng nguyên liệu và khoáng sản của châu Phi chiếm 40% trên thế giới khiến cho châu lục này có một tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với các cường quốc thế giới. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc và của các nền kinh tế mới nổi khác đòi hỏi một lượng rất lớn nguyên liệu. Ngoài ra, các nước BRICS cũng có nhu cầu xuất khẩu rất lớn và đối với họ châu Phi là một thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu đầy hứa hẹn. Nếu Mỹ muốn làm chậm lại sự đi lên của Trung Quốc (chính sách ngăn chặn), thì châu Phi là một yếu tố chủ chốt trợ giúp cho chính sách này trong thập niên tới. Nhưng trớ trêu thay, trong khi Mỹ chưa kịp hành động gì, thì từ vài năm nay Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại chính của châu Phi. May mà Mỹ vẫn còn được xếp sau đó, và cả hai nước này đã vượt qua các cường quốc thực dân cũ của châu Phi là Pháp và Anh.

Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nhận định việc giành được quyền kiểm soát châu Phi trở nên cấp bách đối với Mỹ và điều này không thể thực hiện được chỉ bằng sự cạnh tranh với các chủ thể kinh tế trong thị trường tự do, mà phải cả về quân sự. Vì vậy theo họ, vai trò của quân đội Mỹ và các nước đồng minh ở châu Âu phải mang tính quyết định từ năm 2011 trong các cuộc chiến tranh ở Cốt Đivoa, Libi và hiện nay ở Mali. Điều khiến người ta ngạc nhiên ở đây là Mỹ lẽ ra có thể hành động một cách kín đáo hơn trước sự theo dõi bên ngoài bang AFRICOM và mạng lưới lớn về chính trị và ngoại giao của mình, Mỹ lại bất chấp tất cả nắm hết mọi cái vào tay mình. Theo nhận định của các nhà phân tích chính trị, sự can thiệp trực tiếp này của quân đội các nước thành viên NATO trong các cuộc chiến tranh châu Phi, với vai trò chủ chốt của AFRICOM, sẽ còn tăng thêm trong những năm tới. Ngoài ra, AFRICOM cũng sẽ dính líu vào nhiều chương trình cộng tác lớn về quân sự với các quân đội châu Phi dưới hình thức đào tạo hoặc tập trận chung. Mục đích là cắm chân vào nội bộ các quân đội này và dùng họ để gây ra các cuộc chiến tranh ở châu Phi, nhưng tất nhiên là vẫn phải tuân theo những lợi ích của Mỹ. Oasinhtơn đã áp dụng chiến lược này từ nhiều năm nay tại hai nước rất quan trọng về mặt địa chiến lược, là Xômali và Cộng hòa dân chủ Cônggô, trong khi Mỹ dùng quân đội các nước Êtiôpi, Uganda và Ruanđa để đảm nhận trách nhiệm tại chỗ, phục vụ lợi ích của Mỹ. Hiện nay, Mỹ đang tăng tốc trong việc thực hiện chiến lược này ở châu Phi. Băng chứng là năm 2012, một lữ đoàn của quân đội Mỹ đã nhận sứ mệnh tiến hành các hoạt động tại không dưới 35 nước châu Phi, và đây là một con số kỷ lục. Mưu toan chinh phục châu Phi về quân sự để giành quyền kiểm soát ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác được Mỹ thực hiện dưới cái cớ tiến hành cuộc đấu tranh chống khủng bố.

Mới đây, hội nghị cấp cao lần thứ 5 của nhóm BRICS đã được tổ chức tại Nam Phi dưới nhan đề “Nhóm BRICS và châu Phi: Một quan hệ đối tác vì sự phát triển, hòa nhập và công nghiệp hóa”. Các nước thuộc nhóm này đều mong muốn tăng cường sự có mặt về kinh tế của mình ở châu Phi. Nếu Trung Quốc đã vượt qua được Mỹ và các nước châu Âu để trở thành đối tác thương mại chính của châu Phi (kim ngạch hai chiều đạt gần 200 tỷ USD trong năm 2012), thì thương mại của Braxin với châu Phi cũng tăng 6 lần trong 10 năm qua. Các công ty xây dựng và khai thác mỏ của Braxin hiện đang đổ xô vào châu Phi. Tuy nhiên, những tham vọng của nhóm BRICS lại xung đột với các cường quốc phương Tây là những quốc gia đã từng thống trị châu Phi. Trung Quốc đã có một bài học đau đớn với cuộc can thiệp của Mỹ-châu Âu để lật đổ Chế độ Libi hồi năm 2011. Trung Quốc bị mất hàng tỷ USD đầu tư vào đó và đã phải rút hàng nghìn kiều dân về nước. Từ đầu năm nay, được Mỹ ủng hộ, Pháp đã tăng cường can thiệp quân sự vào Mali. Dưới thời George w. Bush và hiện này là Obama, Mỹ đều hướng tới việc sử dụng các phương tiện quân sự để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Phi, và AFRICOM được thiết lập vào năm 2008 cũng là nhằm mục tiêu này. Ngoài ra, mục tiêu của AFRICOM cũng là nhằm bảo vệ việc tiếp cận dầu lửa và các nguồn tài nguyên chiến lược khác mà châu Phi rất dồi dào, và bảo đảm rằng không một bên liên quan nào, như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản hoặc Nga, có được độc quyền khai thác các tài nguyên này ở châu Phi.

Trung Quốc ve vãn châu Phi

Mới đây, tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm châu Phi, trước tiên là Tandania, sau đó là Nam Phi, nơi ông đã tham dự hội nghị cấp cao các nước BRICS, và cuối cùng là Công hòa Cônggô. Trong suốt chuyến thăm này, ông Tập Cận Bình đã ra sức ve vãn các chính phủ của châu lục này trong bối cảnh các cường quốc ngày càng ùa tới châu Phi hòng kiểm soát các nguồn tài nguyên đa dạng và các thị trường đầy tiềm năng của châu Phi. Ông Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Trung Quốc coi châu Phi là một đối tác “bình đẳng”, khác với các cựu cường quốc thực dân phương Tây. Việc chọn Tandania làm bến đỗ đầu tiên, nơi ông đọc một bài diễn văn về châu Phi, không phải là ngẫu nhiên. Con đường sắt Tandania- Dămbia, được xây dựng trong những năm 1970, là một trong những dự án lớn đầu tiên về cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở châu Phi. Ông Tập Cận Bình đã đọc một bài diễn văn về mối quan hệ Trung Quốc-châu Phi tại một phòng hội nghị được xây dựng bằng vốn của Trung Quốc ở Dar es Salaam, thành phố lớn nhất của Tandania. Ông Tập Cận Bình đã tuyên bố: “Với sự tăng trưởng kinh tế như trước đây, Trung Quốc sẽ cung cấp viện trợ cần thiết cho châu Phi mà không có những ràng buộc về chính trị”. Chủ tịch Trung Quốc dành một gói tín dụng 20 tỷ USD cho các nước châu Phi trong giai đoạn 2013-2015, và hứa hẹn Trung Quốc “sẽ giúp các nước châu Phi biến nguồn tài nguyên thiên nhiên thành sức mạnh phát triển và thực hiện một sự phát triển độc lập bền vững và lâu dài”, ông Tập Cận Bình đã hứa rằng Trung Quốc không bao giờ đối xử với các nước châu Phi như những nước ở thế thấp hơn ngay cả khi Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn và được hưởng qui chế quốc tế cao hơn.

Chuyến đi của ông Tập Cận Bình được coi là để chống lại những chỉ trích của một số phe phái trong tầng lớp lãnh đạo châu Phi nói rằng Trung Quốc thực hiện “chủ nghĩa thực dân mới”. Trước chuyến thăm này, Thống đốc ngân hàng trung ương Nigiêria, Lamido Sanusi, đã viết trên tờ Financial Times xuất bản ở Luân Đôn: “Trung Quốc lấy của chúng ta nguyên liệu và bán cho chúng ta các sản phẩm chế biến. Đây cũng là nguyên tắc của chủ nghĩa thực dân”. Phản ứng lại những lời chỉ trích này, Lư Sa Dã, Vụ trưởng vụ châu Phi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đáp lại trên truyền hình: “Các nước phương Tây đã làm được gì cho châu Phi trong suốt 50 năm qua từ khi các nước châu Phi giành được độc lập? Không có gì cả! Chính phương Tây, chứ không phải Trung Quốc, chỉ quan tâm đến nguồn tài nguyên của châu Phi”. Theo vị quan chức này, thực sự Trung Quốc không phải là một cường quốc đế quốc, và toàn bộ vốn đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi, mặc dù tăng nhanh chóng, vẫn thấp so với các cường quốc đế quốc phương Tây, là những nước đã bóc lột châu Phi trong nhiều thế kỷ qua.

Tất nhiên, các nhà đầu tư của Trung Quốc không được coi là những ân nhân ở châu Phi. Các khoản cho vay và viện trợ của Trung Quốc ở châu Phi chủ yếu là các dự án về cơ sở hạ tầng và khai thác các nguồn tài nguyên, như các mỏ và đường sá, đổi lấy việc cung cấp nguyên liệu, vì Trung Quốc cần bảo đảm cho mình sự phát triển kinh tế bàng các nguyên liệu này. Tại Tandania, ông Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký nhiều thỏa thuận, trong đó có một dự án cảng ở Bagamoyo, cách Dar es Salaam 75 km về phía Bắc, trị giá 10 tỷ USD, sẽ do công ty Merchant Group của Trung Quốc xây dựng. Cảng này sẽ nối liền một đặc khu công nghiệp, mục tiêu của các thỏa thuận khác mà Trung Quốc đang nhắm tới, để biến khu vực này thành một đầu mối thương mại, nối châu Á với vùng Đông Phi. Ngoài ra, khi hoàn tất, dự án này cũng còn được tính toán để tiếp nhận các tàu biển của hải quân Trung Quốc hoạt động ở Ấn Độ Dương. Những năm qua, một trữ lượng lớn khí đốt đã được phát hiện ở ngoài khơi bờ biển Tandania và Môdămbích và Trung Quốc đã cấp tốc tài trợ cho việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt dài 532 km, trị giá 1,2 tỷ USD, vận chuyển lượng khí đốt mới được phát hiện ở miền Nam Tandania tới cảng Dar es Salaam. Việc tiếp cận nguồn năng lượng này cũng là động cơ của chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình tới Cộng hòa Cônggô, hiện cung cấp 2% lượng dầu mỏ cho nhu cầu của Trung Quốc và còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Do lượng mua và vốn đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực tài nguyên của châu Phi là rất lớn, nên giới lãnh đạo một số nước châu Phi hoặc đang hướng hẳn tới Trung Quốc, hoặc tìm cách sử dụng ảnh hưởng của Trung Quốc làm đối trọng với những lợi ích của phương Tây. Bằng chứng là cách đây chưa lâu, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã ca ngợi “sự phát triển của Trung Quốc”, coi đó là mô hình và “nguồn cảm hứng” đối với Nam Phi, và ông cũng không quên cảnh báo các công ty phương Tây rằng họ phải thay đổi tư duy “thực dân” khi đầu tư vào châu Phi. Hiện nay, tuy Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Nam Phi, nhưng châu Âu vẫn là nguồn thương mại và đầu tư lớn. Tổng thống Nam Phi đã tuyên bố với tờ Financial Times: “Trung Quốc đang làm những công việc đó một cách đặc biệt và chúng tôi cho rằng chúng tôi có thể thấy ở chúng những lợi ích nhưng chúng tôi vẫn rất, rất thận trọng”.

Tất nhiên, các nước châu Âu không thể ngồi yên nhìn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi. Mới đây, hội nghị các nhà tài trợ, được EU tổ chức ở Brúcxen (Bỉ) vào ngày 13/5, tập hợp 108 nước và một số định chế tài chính quốc tế. Hội nghị này hứa hẹn một khoản tiền 3,25 tỷ euro viện trợ cho Mali từ năm 2013 đến 2014 để tái thiết cựu thuộc địa này của Pháp. Danh sách các nhà tài trợ cho thấy ý muốn của các cường quốc đang tranh chấp nhau giành ảnh hưởng ở châu Phi, nhất là tại khu vực Sahel, nơi có trữ lượng lớn về dầu khí, vàng và các kim loại quí khác. Và cũng vì nguồn tài nguyên của châu lục này, EU đã hứa viện trợ 520 triệu euro cho sự ổn định của Mali, trong khi riêng Pháp hứa viện trợ 280 triệu euro, Mỹ là 367 triệu USD, Anh và Đan Mạch mỗi nước hứa 150 triệu euro, Đức 100 triệu euro, Ngân hàng thế giới 250 triệu euro, Ngân hàng phát triển Hồi giáo 130 triệu euro và Trung Quốc cũng sẵn sàng bỏ ra 50 triệu euro, bởi vì ai cũng hiểu lộ trình ổn định hóa Mali là vô cùng cần thiết và quan trọng để họ khai thác nguồn tài nguyên vô cùng giàu có của châu Phi./.


Posted by basamnews on July 5th, 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét