Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

(1) Công nghiệp Việt Nam: Tăng trưởng và Suy thoái

Bài viết của tôi năm 2000. Tôi có một bản rất dài đăng trên tạp chí Nghiên cứu kinh tế năm 2000 và bằng một bài bằng tiếng Anh đăng trên tạp chí Nghiên cứu Việt Nam. Dưới đây là bản tóm tắt:
Công nghiệp Việt Nam: Tăng trưởng và Suy thoái
Sự nghiệp 15 năm cải cách kinh tế và chuyển đổi từ cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường dưới sự quản lý của nhà nước (1986-2000) đã đánh dấu những thành tựu rất khích lệ của nền kinh tế Việt nam nói chung và của khu vực sản xuất công nghiệp nói riêng. Trong chặng đường đó, sau giai đoạn khó khăn 1986-90, công nghiệp đã phát triển rất nhanh trong những năm 1991-95. Mặc dù tốc độ tăng trưởng công nghiệp đã liên tục giảm sút từ năm 1996 đến năm 1999, nhưng vẫn còn ở mức độ khá, và trong năm 2000 đã từng bước trở lại mức độ cao. Bài viết này sẽ tổng kết lại những tiến triển chính của sản xuất công nghiệp Việt nam trong chặng đường đổi mới vừa qua đồng thời vạch ra một số thách thức cần giải quyết khi bước vào thế kỷ 21.
A- TIẾN TRIỂN CHUNG CỦA SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
1) Tăng trưởng sản xuất công nghiệp:

Sau những khó khăn trong giai đoạn 1989-90 do tác động đồng thời của nhiều nhân tố trong đó đáng kể nhất là hậu quả kéo dài của khủng hoảng lạm phát, phá giá 1985-88 và cắt giảm viện trợ của khối Liên xô cũ, từ năm 1991 đến 1995, công nghiệp Việt nam đã thực sự đi vào quỹ đạo phát triển kinh tế thị trường và đạt được những tỷ lệ tăng trưởng ngày càng cao và ổn định. Nếu như tỷ lệ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp là âm: -3,3% năm 1989 và chỉ đạt 3,15% năm 1990 thì năm 1991 đã là 10,4% và năm 1995 đạt 14,5%.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 13,4%/ năm thời kỳ 1991-1995, trong đó công nghiệp quốc doanh tăng 15,3%, khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh tăng 10,0%/ năm và khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 24,2%/ năm. Có thể nói, những năm 1991-95 là thời kỳ công nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất kể từ trước đến nay (trong thời kỳ 1976-80, công nghiệp chỉ tăng 0,6%/ năm, thời kỳ 1981-85: 9,5%, thời kỳ 1986-90: 6,1%, và thời kỳ 1996-2000 12,6%).
Hai đặc trưng lớn nhất của công nghiệp trong thời kỳ 1986-1995 là: 1/ Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng của khu vực công nghiệp quốc doanh cao hơn tỷ lệ tăng trưởng của khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh nhưng nếu loại bỏ thành phần kinh tế tập thể khỏi công nghiệp ngoài quốc doanh, chỉ tính công nghiệp tư nhân, cá thể và hỗn hợp thì thấy khu vực này đã phát triển cực kỳ nhanh ngay từ năm 1987 (tỷ lệ tăng trưởng bình quân 19%/năm so với 11,5% của công nghiệp quốc doanh); 2/ Tỷ lệ tăng trưởng của toàn bộ khu vực công nghiệp nội địa không có vốn nước ngoài chỉ bằng khoảng một nửa tỷ lệ tăng trưởng của khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng sản xuất công nghiệp nước ta ngay từ giai đoạn 1990-95.
Nếu như trong thời kỳ 1990-95 sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng lên rõ rệt thì từ năm 1996, tỷ lệ tăng trưởng công nghiệp đã chững lại và đi vào giai đoạn giảm sút. Tỷ lệ tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong bốn năm 1996-99 vẫn đạt mức khá là 13,1%/ năm, nhưng giảm dần, trong đó công nghiệp quốc doanh chỉ đạt 10,2%/ năm, công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 9,1%/ năm và khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,0%/ năm. Riêng năm 2000, tỷ lệ tăng trưởng sản xuất công nghiệp đã tăng trở lại 15,5%. So với thời kỳ 1991-95, khoảng cách tăng trưởng giữa công nghiệp quốc doanh và công nghiệp ngoài quốc doanh đã được thu hẹp. Khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vần tăng trưởng rất nhanh và ổn định, tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với phát triển công nghiệp nước ta.
Trong giai đoạn khó khăn (1996-99), sản xuất công nghiệp có ba đặc điểm đáng chú ý. Thứ nhất, việc giảm tỷ lệ tăng trưởng đã diễn ra trong tất cả các khu vực công nghiệp (quốc doanh, ngoài quốc doanh, quốc doanh trung ương, quốc doanh địa phương, tập thể, tư nhân và cá thể), chỉ trừ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Thứ hai, một phần của tỷ lệ tăng trưởng công nghiệp kể trên có nguồn gốc từ những sản phẩm không tiêu thụ được, nhất là các sản phẩm do khu vực công nghiệp nhà nước sản xuất ra. Do vậy, tỷ lệ tăng trưởng thực chất của công nghiệp còn nhỏ hơn những con số nêu trên. Thứ ba, tỷ lệ tăng trưởng của công nghiệp khai thác (13,24%) cao hơn tỷ lệ tăng trưởng của công nghiệp chế biến (12,34%) dẫn tới một quá trình dịch chuyển cơ cấu công nghiệp kém hiệu quả, dựa quá nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Trước những diễn biến ngày càng xấu đi của công nghiệp và toàn nền kinh tế, từ giữa năm 1999, chính phủ Việt nam đã triển khai nhiều biện pháp mới để kích thích sản xuất và đầu tư, trong đó nổi bật nhất là áp dụng Luật doanh nghiệp tư 1/1/2000. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp năm 2000 đã được cải thiện rõ rệt so với năm 1999.

2) Thay đổi cơ cấu kinh tế
Quá trình phát triển công nghiệp nêu trên đã tạo ra những thay đổi đáng kể về mặt cơ cấu kinh tế và thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá đất nước. Tỷ trọng công nghiệp (kể cả xây dựng) trong GDP sau khi giảm sút từ 28,9% năm 1986 xuống 22,7% năm 1990 đã tăng trở lại 28,8% năm 1995 và lên đến 35,6% năm 2000. Ngược lại, tỷ trọng nông nghiệp tăng từ 38,0% năm 1986 lên tới 46,3% năm 1988, rồi giảm liên tục trong thời kỳ từ năm 1989 đến nay, và chỉ còn 24,1% năm 2000. Trong thời kỳ 1986-95, thay đổi tỷ trọng khu vực dịch vụ ngược chiều khu vực nông nghiệp, chỉ từ năm 1996, tỷ trọng hai khu vực này mới cùng chung xu hướng giảm nhẹ. Như vậy, đã có một quá trình công nghiệp hoá và kèm theo đó là phát triển dịch vụ trong thập kỷ 90.
Trong bản thân khu vực công nghiệp, cũng có những thay đổi cơ cấu đáng kể. Như sau này chúng ta sẽ lý giải, tự do hoá kinh tế và những đợt phá giá liên tục trong những năm 1988-91 đã mở ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhờ vậy, trước năm 1992, các ngành này đã phát triển nhanh nhất. Tỷ trọng các ngành công nghiệp điện và điện tử, chế biến lương thực thực phẩm, dệt, sản phẩm từ da và giả da, luyện kim màu và một số loại hàng tiêu dùng, hàng phục vụ nông nghiệp đã tăng lên. Ngược lại, các ngành công nghiệp nặng, nhất là luyện kim đen, cơ khí sản xuất máy móc thiết bị và các sản phẩm khác bằng kim loại, vật liệu xây dựng, giấy, sành sứ thuỷ tinh, có tỷ trọng giảm nhanh[1].
Tình hình đã đảo ngược trong giai đoạn sau 1992 do hậu quả của chính sách ồ ạt nhập khẩu vốn nước ngoài và đánh giá cao tỷ giá thực. Từ năm 1992-93, các ngành công nghiệp nặng sử dụng nhiều vốn, ít lao động kể trên đã nhanh chóng phục hồi và phát triển rất nhanh, trong khi tỷ trọng các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động đã nhanh chóng giảm đi.

3) Đầu tư cho công nghiệp
Đầu tư đã đóng vai trò quan trọng đến quá trình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nêu trên. Những thay đổi về chính sách và cơ chế đầu tư từ năm 1986 đến nay đã tạo ra được môi trường kinh doanh ngày càng lành mạnh hơn cho sản xuất công nghiệp và từng bước đưa công nghiệp chuyển sang hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, nhờ đó, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã được khuyến khích bỏ vốn ra đầu tư vào công nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế và các chính sách áp dụng trong công nghiệp còn chưa hoàn toàn hợp lý, thiếu đồng bộ và không được tính toán ở tầm dài hạn nên đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân chính tạo ra những chuyển dịch cơ cấu kém hiệu quả, dẫn tới tỷ lệ tăng trưởng công nghiệp giảm sút dần như nêu ở trên.
Trong thời kỳ 1991-95, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 20,8 tỷ USD, trong đó riêng đầu tư cho công nghiệp chiếm 38,4%. Trong thời kỳ 1996-2000, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 36 tỷ USD, trong đó riêng đầu tư cho công nghiệp chiếm 43,8%. Tỷ lệ tăng trưởng đầu tư công nghiệp lên đến 41,1%/ năm thời kỳ 1991-95 là mức cực kỳ cao, điều đó cũng có nghĩa là nền tảng của phát triển công nghiệp là tăng cường vốn đầu tư chứ không phải là hiệu quả, và nếu tỷ lệ tăng trưởng đầu tư cho công nghiệp không tăng, thậm chí giảm đi, thì tỷ lệ tăng trưởng sản xuất công nghiệp sẽ phải giảm. Thực tế, trong thời kỳ 1996-2000, tỷ lệ tăng trưởng đầu tư cho công nghiệp tụt xuống còn khoảng 14,5%/ năm, đã làm cho tăng trưởng công nghiệp giảm xuống.
Tiến triển của cơ cấu đầu tư đi liền với thay đổi cơ cấu sản xuất công nghiệp. Tỷ trọng vốn đầu tư cho công nghiệp nặng đã tăng từ 70% năm 1986 lên 76,9% năm 1988 cùng với sự đi lên của sản xuất công nghiệp trong thời gian này. Trong các năm 1989-91, đầu tư cho công nghiệp nặng giảm nhanh, chỉ còn 67,4% năm 1991, trong khi tỷ trọng vốn đầu tư cho công nghiệp nhẹ tăng lên. Hậu quả là các ngành công nghiệp nặng suy thoái trong khi công nghiệp nhẹ phát triển. Từ năm 1992, vốn lại chuyển hướng vào công nghiệp nặng, chỉ khoảng 25-30% được dành cho công nghiệp nhẹ, dẫn tới đảo ngược tình hình tăng trưởng của hai khu vực này.

4) Xuất khẩu của ngành công nghiệp
Xuất khẩu của công nghiệp đã tăng lên rất nhanh trong thời kỳ đổi mới. Tổng giá trị xuất khẩu công nghiệp đã tăng từ 299 triệu USD năm 1985 lên 1253 triệu USD năm 1990, 2928 triệu USD năm 1995 và khoảng 9700 triệu USD năm 2000. Nếu loại trừ vai trò của xuất khẩu dầu khí thì thấy xu hướng chung là tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu công nghiệp ngày càng cao. Mặt khác, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp trong tổng giá trị xuất khẩu cũng tăng lên nhanh. Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nưóc ngoài, chủ yếu là công nghiệp, đang ngày càng trở nên cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế nước ta.
Tuy nhiên, khi không tính đến xuất khẩu dầu thô, có hai giai đoạn trong đó tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu công nghiệp giảm. Giai đoạn 1 xảy ra vào năm 1991 khi sản xuất công nghiệp giảm sút trong bối cảnh phá giá cao, mất thị trường Đông Âu và tự do hoá kinh tế rộng rãi lúc đó, và giai đoạn 2 là các năm 1998-99, khi tỷ lệ tăng trưởng công nghiệp giảm đồng thời với nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực Đông á. Kết quả là tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp trong tổng giá trị xuất khẩu đã giảm sút trong hai giai đoạn này.
Trước năm 1989, khi dầu mỏ còn chưa tham gia xuất khẩu, đại bộ phận hàng công nghiệp xuất khẩu là sản phẩm công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp. Trong các năm 1990-93, xuất khẩu công nghiệp nặng đã tăng vọt nhờ vai trò của dầu thô, trong khi xuất khẩu hàng công nghiệp nhẹ giảm sút nhanh vì mất thị trường truyền thống ở Đông Âu. Vì vậy tỷ trọng xuất khẩu công nghiệp nặng tăng vọt từ 49,2% năm 1990 lên 65,8% năm 1993, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nhẹ tụt từ 50,8% năm 1990 xuống 34,2% năm 1993. Từ năm 1994 đến nay, tình hình lại hoàn toàn đảo ngược. Tỷ trọng xuất khẩu công nghiệp nhẹ tăng vọt, lên tới 61,6% trong khi tỷ trọng xuất khẩu công nghiệp nặng giảm xuống còn 38,4%. Rõ ràng cơ cấu xuất khẩu công nghiệp đã biến động cực kỳ mạnh trong 15 năm qua.
Những năm gần đây là giai đoạn đặc biệt khó khăn đối với xuất khẩu công nghiệp Việt nam. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt nam (trong đó 70% là khu vực châu á) đều bị thu hẹp do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế khu vực trong khi việc thâm nhập vào các thị trường mới còn hết sức khó khăn. Hàng công nghiệp xuất khẩu của Việt nam còn chủ yếu là nguyên liệu thô hoặc sơ chế, có giá trị gia tăng thấp và phụ thuộc rất lớn vào giá cả trên thị trường quốc tế. Công nghiệp chế biến chưa có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế do số lượng hạn chế, chất lượng sản phẩm kém và giá thành cao.
Trong 10 mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất của nền kinh tế, công nghiệp liên tục chiếm tỷ trọng lớn với 5 loại sản phẩm: Hàng dệt may (xuất năm 2000 là 1,9 tỷ USD), dầu thô (3,5 tỷ), giầy dép (1,5 tỷ), hàng điện tử (0,75 tỷ) và than đá (0,11 tỷ). Năm mặt hàng còn lại là gạo, thuỷ sản, cà phê, cao su và hạt điều. 5 mặt hàng công nghiệp kể trên chiếm 73,9% tổng giá trị 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất năm 2000, hay 56,2% tổng giá trị xuất khẩu toàn nền kinh tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét