Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

(1) Chính sách tiền tệ, lãi suất và tỷ giá trong chuyển đổi kinh tế

Bài viết của tôi năm 2000. Mục tiêu của lưu lại những bài này là để nhớ lại cách phân tích, xử lý các hiện tượng kinh tế nảy sinh trong quá trình tăng trưởng. 

Chính sách tiền tệ, lãi suất và tỷ giá trong chuyển đổi kinh tế
Chính sách tiền tệ là một trong những công cụ quan trọng bậc nhất để điều chỉnh kinh tế ngắn hạn; do đó, để xây dựng mô hình kinh tế lượng theo quý và trên cơ sở đó phân tích, dự báo kinh tế quý, nhất thiết phải phân tích và mô hình hoá vai trò, tác dụng của chính sách tiền tệ đối với quá trình phát triển kinh tế.
Trong giai đoạn đầu chuyển đổi kinh tế, việc triển khai chính sách tiền tệ chặt theo tiếp cận của lý thuyết trọng tiền đã đem lại những kết quả mong đợi: Kết thúc lạm phát nguồn gốc tiền tệ, hệ thống kinh tế trở nên trong sạch và khoẻ mạnh, dự báo chính xác hơn và quyết định hợp lý hơn, và cuối cùng phục hồi được sản xuất, tăng việc làm với lạm phát ổn định khoảng 13% từ 1992 đên 1995. Chính trên cơ sở những thành tích này mà Ngân hàng trung ương đã quyết định tiếp tục chính sách tiền tệ chặt cho giai đoạn 1996-2000 để giữ vững ổn định kinh tế. 
Tuy nhiên, chính trong giai đoạn sau này, nhiều mất cân bằng cơ cấu đã xuất hiên có nguồn gốc từ những mất cân bằng ngày càng tăng trong lĩnh vực cung và cầu tiền tệ phục vụ cho nhu cầu tích luỹ, đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Chúng xuất phát từ một chính sách tiền tệ không phù hợp với nhu cầu của giai đoạn phát triển kinh tế mới và đã mang lại nhiều hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế.
Thật đáng tự hào khi nhìn lại chặng đường 15 năm đổi mới chính sách tiền tệ vừa qua (1986-2000) vì nó đã góp phần hết sức to lớn vào quá trình ổn định kinh tế vĩ mô nước ta. Đặc biệt, việc áp dụng chính sách tiền tệ chặt trong những năm 1989-1998 đã là nhân tố quyết định làm giảm tỷ lệ lạm phát. Hơn nữa, việc chuyển sang chính sách tiền tệ lỏng hơn trong những năm 1999-2000 đã mang lai một số kết quả tích cực, làm tăng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, việc nới lỏng chính sách tiền tệ còn yếu, nhiều công cụ kiểm soát tiền tệ còn chặt, do đó đã không mang lại hiệu quả như mong đợi ; ngược lại, nó đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế và phát triển tài chính, những mục tiêu tối quan trọng của phát triển dài hạn. Bài viết này, trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài mô hình hoá kinh tế ngắn hạn (quý), sẽ phân tích những tiến triển chính của chính sách tiền tệ trong thời kỳ đổi mới và chỉ ra sự cần thiết của việc chuyển sang áp dụng một chính sách tiền tệ mềm dẻo hơn, lấy tăng trưởng kinh tế làm mục tiêu ưu tiên, trong giai đoạn hiện nay.


I- TIẾN TRIỂN CỦA CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ TRONG 15 NĂM ĐỔI MỚI

1. Vai trò của Ngân hàng nhà nước và chính sách tiền tệ trong những năm đầu đổi mới (1986-1988)

Dưới thời kế hoạch hoá tập trung trước năm 1988, trong cơ chế ngân hàng một cấp chỉ có ngân hàng nhà nước, mục tiêu của chính sách tiền tệ không rõ ràng, nhìn chung thường nhấn mạnh vào thoả mãn nhu cầu tài chính cho hoạt động ngân sách của chính phủ thông qua cơ chế thu chi và phát hành tiền. Ngoài ra, ngân hàng đóng vai trò trung gian để nhận, giao tiền và phân phối lại thu nhập của các tổ chức cộng cộng theo sự chỉ đạo của chính phủ. Khi có thâm hụt ngân sách hoặc thiếu tiền trong lưu thông, ngân hàng gần như tự động phát hành tiền để thoả mãn nhu cầu. Ngân hàng nhà nước phục vụ rất ít cho hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế tập thể, thậm chí ngay đối với khu vực kinh tế quốc doanh, ngân hàng cũng không tập trung vào phục vụ nhu cầu tín dụng mà chỉ cấp tín dụng khi được phép của chính phủ.

Về chức năng tài chính cho ngân sách, ngân hàng nhà nước có hai nhiệm vụ chính. Thứ nhất, ngân hàng nhà nước cấp tiền cho các hoạt động ngân sách của chính phủ và bộ máy lãnh đạo đất nước. Do phụ thuộc hoàn toàn vào các quyết định của Bộ tài chính và chính phủ trung ương, Ngân hàng nhà nước không kế hoạch hoá được tổng lượng tiền sẽ phát ra trong năm kế hoạch. Thứ hai, Ngân hàng nhà nước sử dụng quỹ tích luỹ do Bộ Tài chính chuyển qua để tài trợ cho các dự án đầu tư mà kế hoạch nhà nước đã thông qua từ trước. Mặc dù về nguyên tắc, trước khi cấp tiền cho các doanh nghiệp nhà nước, Ngân hàng nhà nước có quyền kiểm tra xem các doanh nghiệp đó có thực hiện tốt nghĩa vụ ngân sách (đóng thuế và thu quốc doanh) và các quy chế tài chính khác không, song trên thực tế, để các doanh nghiệp không bị ngừng trệ sản xuất, Ngân hàng nhà nước thường cho họ vay dưới dạng tín dụng ngân hàng, lãi suất thấp và không có kế hoạch hoá từ trước.

Về chức năng tín dụng, Ngân hàng nhà nước cho vay theo năm nguyên tắc: Kế hoạch hoá, đặc thù theo loại hình sản xuất, có đảm bảo bằng hiện vật, phải được thanh toán và thời hạn thanh toán được xác định khi cho vay. Đây là những nguyên tắc tín dụng đúng, song trên thực tế, ngân hàng thường không tuân thủ các nguyên tắc này vì thường xuyên bị buộc phải cho các doanh nghiệp thua lỗ vay, tối thiểu cũng để đảm bảo trả lương cho người lao động. Mặt khác, mỗi khi một doanh nghiệp được phép mở rộng qui mô sản xuất thì nó cũng ngay lập tức có quyền vay tín dụng và ngân hàng có trách nhiệm phải cung cấp. Do đặc điểm của thời bao cấp, số doanh nghiệp được thành lập ngày càng tăng dẫn đến cung tín dụng ngày càng nhiều. Hậu quả là cung tiền tệ ngày càng lớn. Đa số các khoản cho vay của ngân hàng là tín dụng ngắn hạn.

Do thường xuyên bị động thực hiện hai chức năng trên trong điều kiện bản thân không có mục tiêu hoạt động rõ ràng, Ngân hàng nhà nước đã cung cấp tín dụng và tiền tệ rộng rãi cho nền kinh tế quốc dân. Tăng trưởng tiền tệ quá nhanh so với tăng trưởng kinh tế đã dẫn tới thừa tiền trong lưu thông và lạm phát cao thời kỳ trước cải cách 1989.
Trong thời gian này, có sự khác nhau rất lớn giữa chính sách tiền tệ của Việt nam và Trung quốc, dẫn tới tỷ lệ lạm phát ở hai nước rất khác nhau. Mặc dù cả hai chính phủ đều coi chính sách tiền tệ là chính sách phát hành tiền và tiền séc không gây ra lạm phát, nên phát hành rộng rãi tiền séc, phía Việt nam đã không chú ý những giới hạn tối đa của cung tiền mặt và thu hút tiền gửi ngân hàng để kiểm soát lạm phát, ngược lại, phía Trung quốc đã duy trì mức tăng trưởng tiền mặt và tiền gửi tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng hàng hoá tiêu dùng. Kế hoạch cung ứng tiền mặt của Trung quốc được xây dựng theo lý thuyết số lượng tiền tệ: Giả thiết rằng giá hàng tiêu dùng P và vòng quay tiền tệ V không đổi, khối lượng hàng hoá bán lẻ Q được xác định từ kế hoạch sản xuất. Khi đó tổng cung tiền tệ được xác định theo công thức: M=P*Q/V. Cách tiếp cận của Trung quốc khi đó coi giá ảnh hưởng đến cung tiền tệ chứ không phải ngược lại. Trong khu vực sản xuất, Trung quốc chỉ cung cấp một lượng tiền tệ và tín dụng vừa đủ cho nhu cầu giao dịch tương ứng với kế hoạch sản xuất. Theo nguyên tắc cung ứng tiền tệ nêu trên, tăng trưởng cung tiền tệ Trung quốc thấp nên tỷ lệ lạm phát cũng thấp. Mặt khác, quá trình tự do hoá giá cả của Trung quốc chậm hơn của Việt nam.
Khi chuyển sang kinh tế thị trường năm 1986, có nhiều nhân tố xuất hiện làm giảm dần tính bị động của chính sách tiền tệ ở nước ta, trong đó ba nhân tố chính là:
- Nới lỏng dần giá cả và các lĩnh vực khác của nền kinh tế cũng như sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân thời kỳ 1980-1985 đã đặt ra nhu cầu tiền tệ hoá nền kinh tế ngày càng cao, bắt buộc ngân hàng phải gia tăng cung ứng tiền tệ.

- Sau một giai đoạn tăng trưởng cao chủ yếu nhờ vào phát triển sản xuất nông nghiệp, từ năm 1985, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế GDP giảm nhanh, thất nghiệp gia tăng, trong khi nhu cầu tiêu dùng tiếp tục tăng. Những mất cân đối cung cầu này đã gây sức ép đòi chính phủ phải từ bỏ chính sách ổn định, trở lại chính sách tăng trưởng để tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm. Hậu quả là chính sách tiền tệ cũng phải tự điều chỉnh theo chiến lược phát triển chung của đất nước. Chính sách tiền tệ được nới lỏng thêm làm cung tiền tệ tăng nhanh hơn.
- Quá trình tự do hoá kinh tế tuy làm tăng trình độ tiền tệ hoá nền kinh tế nhưng lại làm giảm khả năng thu hút tiền vào hệ thống ngân hàng và tăng thâm hụt ngân sách như nhiều phân tích đã chỉ ra. Do vậy, để tài chính cho các hoạt động kinh tế, ngân hàng trung ương, một mặt phải tiếp tục mục tiêu cũ là phục vụ chi tiêu ngân sách của chính phủ, mặt khác, phải mở rộng chức năng cung cấp tín dụng ưu đãi, rẻ tiền cho các doanh nghiệp nhà nước đang gặp khó khăn vì chính phủ giảm trợ cấp trực tiếp từ ngân sách. Tín dụng ngân hàng càng ngày càng trở thành nguồn tài chính chính cho chi tiêu ngân sách chính phủ trong khi ngân hàng nhà nước không còn khả năng thu hồi tiền từ lưu thông về nữa. Kết quả là ngân hàng lại phải phát hành thêm tiền mới vào lưu thông. Khoản tiền bổ xung ngày càng lớn này trong bối cảnh giảm rất nhanh tính đè nén của hệ thống tài chính ngân hàng, là nguồn gốc trực tiếp của gia tăng nhanh tỷ lệ lạm phát.
Diễn đạt theo ngôn ngữ các lý thuyết kinh tế, có thể nói rằng trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường (1986-88), mục tiêu chính của chính sách tiền tệ là cổ vũ tăng trưởng kinh tế và chống thất nghiệp. Các công cụ chính là mở rộng cung ứng tiền tệ, tín dụng và lãi suất tín dụng ưu đãi cho từng loại doanh nghiệp. Kết quả của chính sách tiền tệ lỏng là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tăng lên. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ quá lỏng cũng đã gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế. Một mặt, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đã diễn ra quá chậm chạp do chính sách tuyển chọn tín dụng tồi trong khi chính sách lãi suất phân biệt đối xử lại làm giảm hiệu quả kinh tế chung của toàn nền kinh tế. Mặt khác, tỷ lệ lạm phát tăng lên rất nhanh và trở thành siêu lạm phát. Hậu quả là toàn nền kinh tế và xã hội việt nam rơi vào tình trạng không ổn định. Thêm nhiều mất cân đối cơ cấu xuất hiện. Chính vì vậy, từ năm 1989, chính phủ đã phải áp dụng chính sách kinh tế mới mà mục tiêu chủ yếu là giảm lạm phát và ổn định kinh tế. Với tư cách là một cơ quan chính phủ về kiểm soát tiền tệ, rõ ràng Ngân hàng nhà nước phải tập trung vào mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền quốc gia.
2. Cơ sở của chính sách tiền tệ áp dụng từ năm 1989: Thuyết trọng tiền

Từ khoảng cuối năm 1988, các nhà quản lý kinh tế và hoạch định chính sách ở Việt nam đă đi đến kết luận chung rằng lạm phát ở Việt nam có nguyên nhân tiền tệ và để chống lạm phát, cần phải kiểm soát chặt tốc độ gia tăng cung ứng tiền tệ. Theo lô gíc tự nhiên và khuyến nghị của các chuyên gia Quỹ tiền tệ quốc tế, các nhà quản lý kinh tế việt nam đã đi theo tiếp cận chống lạm phát của lý thuyết tân cổ điển hay cụ thể hơn, của lý thuyết trọng tiền.
Theo Milton Friedman, F. Hayek và các nhà kinh tế trọng tiền hàng đầu khác, lạm phát chắc chắn là một hiện tượng tiền tệ và có nguồn gốc từ các chính sách tiền tệ chủ động của từng chính phủ. Nếu như lạm phát xảy ra thì đó là lỗi của các chính phủ, mà sai lầm nằm ở chỗ cung ứng tiền tệ quá mức. Trong trường hợp Việt nam, sơ đồ giải thích nguyên nhân lạm phát thập kỷ 80 theo thuyết trọng tiền như sau: 

Tập trung quá mức cho sản xuất kế hoạch hoá và tăng thâm hụt ngân sách Þ Chủ động tăng cung ứng tiền tệ Þ Lạm phát có nguồn gốc tiền tệ Þ Rối loạn trong nền kinh tế Þ Các quyết định và dự đoán sai Þ Đầu tư sai, hiệu quả kém Þ Giảm dần tỷ lệ tăng trưởng sản xuất, tăng thất nghiệp kèm theo lạm phát Þ Trì trệ kinh tế và siêu lạm phát.

Cơ sở của lý thuyết trọng tiền là quan điểm cho rằng lạm phát luôn luôn là hiện tượng tiền tệ, và nguyên nhân trực tiếp của lạm phát ở mọi nơi, mọi lúc bao giờ cũng là việc tăng quá nhanh của khối lượng tiền tệ so với trình độ sản xuất. Quan hệ nhân quả giữa tiền tệ và lạm phát bao giờ cũng đi từ tăng trưởng tiền tệ dẫn đến tăng giá. Nếu giả thiết tốc độ lưu thông tiền tệ (v} không đổi, tỷ lệ lạm phát (p} sẽ được xác định bằng chênh lệch giữa tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ danh nghĩa (m) và tỷ lệ tăng trưởng sản xuất (g}, tức p = m - g. Nếu tỷ lệ tăng trưởng sản xuất quá nhỏ so với tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ, toàn bộ tăng trưởng tiền tệ sẽ được chuyển thành tăng giá, tức p = m. Khi đó, lạm phát sẽ là một hiện tượng hoàn toàn tiền tệ.

Thuyết trọng tiền còn chỉ ra dây chuyền chuyển từ lạm phát tiền tệ sang lạm phát cơ cấu như sau:

Lạm phát tiền tệ Þ Tăng giá tư liệu sản xuất Þ Tăng đầu tư cao hơn tăng tiết kiệm Þ Thay đổi cơ cấu và bùng nổ sản xuất công nghiệp Þ Mâu thuẫn với cơ cấu tiêu dùng Þ Tăng giá hàng tiêu dùng Þ Phải áp dụng chính sách tài chính tiền tệ chặt Þ Trở lại cơ cấu hợp lý kèm theo giảm đầu tư Þ Giảm sản xuất và tăng thất nghiệp.

Theo các nhà trọng tiền, trong thời kỳ lạm phát, nhất là lạm phát cao, cần phải dành ưu tiên tuyệt đối cho chống lạm phát. Đây cũng là quan điểm chính thống của tổ chức tài chính quốc tế IMF. Các nhà trọng tiền đã khuyến nghị một chính sách tiền tệ chính thống gồm hai điểm then chốt:

- Tập trung vào ổn định tiền tệ,
- Sử dụng chính sách tiền tệ chặt ổn định.

a- Tập trung vào ổn định tiền tệ

Tập trung vào ổn định tiền tệ có nghĩa là mục tiêu trung tâm của chính sách kinh tế là giảm phát và ổn định mức giá. Thậm chí, các nhà lãnh đạo phải phải coi ổn định giá cả là mục tiêu duy nhất của chính sách kinh tế nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng vì một đồng tiền mạnh và ổn định là đòi hỏi cơ bản của một nền kinh tế thị trường có cạnh tranh. Trong thời kỳ lạm phát, người ta không nên và không thể theo đuổi một chính sách kinh tế nhằm vào tăng trưởng cao và đủ việc làm. Tuy nhiên điều này cũng không có nghĩa là có một mâu thuẫn giữa tăng trưởng và giảm phát ở tầm dài hạn.

Theo quan điểm trọng tiền, đúng là có một đường cong Philips ở tầm ngắn hạn, tức là tồn tại mối quan hệ ngược giữa thất nghiệp và lạm phát. Tăng trưởng càng cao, thất nghiệp càng giảm thì lạm phát càng tăng, và ngược lại. Tuy nhiên, ở tầm dài hạn, do tác động của nhiều nhân tố, nhất là khả năng dự báo lạm phát ngày càng tốt của các người làm thuê, công đoàn và giới chủ, đường cong Philips trở thành đường thẳng đứng, tức là không còn tồn tại mối quan hệ giữa thất nghiệp và lạm phát. Do lập luận trên, các nhà trọng tiền cho rằng chọn giảm phát như là mục tiêu duy nhất của hệ thống chính sách kinh tế không có nghĩa là hy sinh các mục tiêu kinh tế dài hạn khác.

b- Sử dụng chính sách tiền tệ chặt ổn định.

Theo thuyết trọng tiền, điểm cơ bản thứ hai của chính sách kinh tế trong giai đoạn lạm phát cao là áp dụng một chính sách tiền tệ chặt và ổn định. Theo các nhà trọng tiền, trong điều kiện lạm phát cao, tăng cầu theo các khuyến nghị của trường phái Keynes sẽ chắc chắn dẫn tới khủng hoảng[1]. M. Friedman còn chỉ ra nhiều hậu quả tồi tệ cụ thể của chính sách kích cầu đối với phá huỷ cơ cấu kinh tế và lãng phí các nguồn lực sẵn có do chủ động tạo ra cầu giả tạo.
Để chống lạm phát tiền tệ và ổn định giá cả, M. Friedman cho rằng phải tập trung nỗ lực vào chính sách tiền tệ. Ông cho rằng chính sách tiền tệ có thể được sử dụng vào ba mục đích: Động viên tăng trưởng, chống thất nghiệp và ổn định giá[2], nhưng "kinh nghiệm chứ không phải lý thuyết đã chứng tỏ rằng hai mục tiêu đầu là không hợp lý; chính sách tiền tệ không phải là một công cụ tốt để nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng hoặc việc làm; vì vậy ngày nay người ta thường thống nhất cho rằng mục tiêu của chính sách tiền tệ phải là ổn định giá". 

Nhưng chính sách tiền tệ phải hoạt động như thế nào ? Các nhà kinh tế trọng tiền cho rằng chính sách tiền tệ phải dựa trên kiểm soát chặt các chỉ tiêu tiền tệ gộp mà trọng tâm là hạn chế tỷ lệ tăng trưởng cung tiền tệ, có nghĩa là càn theo đuổi một chính sách tiền tệ chặt. Hơn nữa, các nhà trọng tiền còn đòi hỏi phải ổn định chính sách tiền tệ, nghĩa là giảm dần qua nhiều năm tốc độ tăng cung ứng tiền tệ để đi đến ổn định giá đúng theo nguyên tắc của lý thuyết dự đoán lạm phát thích nghi. Trong thực tiễn quản lý kinh tế, chính phủ cần giảm dần và đều đặn tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ cho đến mức hợp lý, mà mức này cần thông báo trước cho các tác nhân kinh tế để họ có cùng dự báo lạm phát với chính phủ và có thời gian điều chỉnh lại các hợp đồng kinh tế theo tỷ lệ lạm phát mới. Khi lạm phát đã ổn định, cần theo đuổi một chính sách tăng trưởng tiền tệ đều đặn.

Sau khi đã chọn lựa được mục tiêu tăng trưởng tiền tệ, cần phải lựa chọn các công cụ phù hợp của chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu trên. Theo các nhà kinh tế trọng tiền, kiểm tra dự trữ ngân hàng quan trọng hơn nhiều so với kiểm tra lãi suất, vốn là trọng tâm của học thuyết Keynes, vì dự trữ ngân hàng gắn chặt với cung tiền tệ và bị ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức bởi những thay đổi trong chính sách tiền tệ. Vì vậy, theo các nhà kinh tế trọng tiền, chính sách tiền tệ chặt chỉ xảy ra khi tỷ lệ tăng trưởng dự trữ ngân hàng giảm dần trong thời kỳ còn lạm phát.
Điểm yếu nhất của chính sách tiền tệ chặt là kìm hãm sản xuất. Chính những người chủ trương học thuyết trọng tiền cũng thừa nhận rằng một chính sách tiền tệ như vậy sẽ dẫn tới trì trệ kinh tế. Milton Friedman đã chỉ ra dây truyền quan hệ nhân quả này như sau:

Chính sách sách tiền tệ chống lạm phát gốc tiền tệ Þ Giảm tăng trưởng chi ngân sách và tiêu dùng Þ Giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Þ Lạm phát giảm hoặc ổn định lạm phát Þ Các dự đoán sai: Lạm phát dự đoán cao hơn lạm phát thực tế Þ Tăng trưởng tiền lương và thu nhập thực tế cao hơn tăng năng suất lao động Þ Tăng chi phí sản xuất Þ Giảm sản xuất, tăng thất nghiệp kèm lạm phát trở lại Þ Trì trệ kinh tế kèm lạm phát.

3. Chính sách tiền tệ chặt chống lạm phát áp dụng từ năm 1989

Các số liệu thống kê không nêu ở đây đã chỉ rõ ràng rằng lạm phát ở Việt nam trong thập kỷ 80 có nguồn gốc tiền tệ, điều này càng rõ trong thời kỳ lạm phát cao. Kiểm tra quan hệ nhân quả theo phương pháp Granger cũng xác nhận kết luận này. Như vậy, lạm phát ở Việt nam xuất phát từ chính sách tiền tệ quá lỏng. Lạm phát cao đã dẫn đến rối loạn trong cơ chế sản xuất và gây ra khủng hoảng cơ cấu, nó cũng làm tăng nhanh những sai lầm trong dự báo kinh tế, nhất là dự báo cầu và tỷ lệ lạm phát tương lai, kéo theo giảm đầu tư dài hạn và giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Diễn biến kinh tế Việt nam thập kỷ 80 hoàn toàn khớp với lập luận của thuyết trọng tiền.

Dựa trên những phân tích trên và theo những gợi ý của chuyên gia Quỹ tiền tệ quốc tế, từ tháng 3 năm 1989, chính phủ việt nam đã áp dụng một chính sách tiền tệ chặt chính thống của lý thuyết trọng tiền với một mục tiêu duy nhất: ổn định giá cả, qua đó ổn định kinh tế. Chính sách này dựa trên hai trục chính: Thoạt tiên kiểm soát chặt cân bằng tiền tệ và từ 1992 kết hợp với ổn định tỷ giá. Ba biện pháp quan trọng nhất được triển khai trong thời kỳ này là kiểm soát tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ, tăng lãi suất lên rất cao và hạn chế tín dụng. Quá trình triển khai chính sách tiền tệ chặt đã diễn ra như sau:

a- Công cụ cơ bản đầu tiên được áp dụng là chính sách lãi suất thực dương và cao. Lãi suất hàng tháng đối với tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn và 3 tháng đột ngột được nâng lên 9% và 12% trong khi tỷ lệ lạm phát tháng 2 chỉ 5,4%. Trong cả năm 1989, lãi suất thực luôn luôn dương và được duy trì ở mức rất cao. Do vậy, một khối lượng tiền tệ rất lớn đã quay trở lại hệ thống ngân hàng, làm giảm bất ngờ khối lượng tiền trong lưu thông và giảm nhanh tỷ lệ lạm phát ngoài mọi dự kiến.
Tuy nhiên, chính sách lãi suất cao trong bối cảnh tự do hoá tài chính lúc đó đã nhanh chóng dẫn đến những đầu cơ tiền tệ qui mô lớn, hậu quả là bùng nổ khung hoảng tiền tệ và tín dụng năm 1990. Về lý thuyết, Mc. Kinnon đã chứng minh rất xuất sắc rằng tự do hoá lãi suất trong điều kiện thâm hụt ngân sách liên tục cao kèm lạm phát và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế trầm trọng hơn, đặc biệt, nó còn làm tăng nhanh khoảng cách giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động, kéo theo khủng hoảng trong thị trường tiền tệ. Diễn biến kinh tế Việt nam trong giai đoạn tự do hoá lãi suất 1989-90 đã hoàn toàn giống như dự báo của Mc. Kinnon. Thất bại của chính sách lãi suất cao cũng vạch ra một trong những điểm yếu cơ bản của chính sách tiền tệ lúc đó: Lạm dụng công cụ của chính sách tiền tệ Keynes trong lạm phát tiền tệ.
Vì hiệu quả của chính sách lãi suất cao giảm rõ rệt trong khi tác hại của nó ngày càng cao, nên nó được thay thế bằng công cụ thứ hai: Kiểm soát chặt chẽ cung tiền tệ M2. Tỷ lệ tăng trưởng cung tiền tệ M2 năm 1990 chỉ còn 53,1% so với 188,8% năm 1989. Cũng trong các năm 1989-90, nhiều chính sách khác nhằm giảm mạnh đầu tư và tiêu dùng khu vực nhà nước, tư nhân được thi hành, làm giảm áp lực lạm phát. 

b- Từ năm 1990-91, chính sách tiền tệ Việt nam dựa hoàn toàn vào học thuyết trọng tiền. Ngân hàng trung ương chấp nhận lãi suất thực âm, chỉ tập trung vào kiểm soát cung tiền tệ. Hậu quả là tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ giảm tiếp từ 53,1% năm 1990 xuống còn 33,7% năm 1992, 27,2% năm 1993 và 34,4% năm 1995. Ngược lại, lãi suất thực tụt xuống dưới 0, âm trong hầu hết các tháng của hai năm 1990-91 và trong nhiều tháng của những năm tiếp theo. Phương thức kiểm soát cung tiền tệ lúc đó dựa vào 2 điểm chính:

+ Xác định khối lượng tiền tệ cần bổ xung hàng năm, theo nguyên tắc đồng thời thoả mãn đủ nhu cầu phương tiện thanh toán của nền kinh tế và kìm hãm lạm phát dưới một tỷ lệ mong muốn. Tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ được xác định theo công thức sau:
m = p* + g - v

trong đó hai chỉ tiêu tỷ lệ tăng trưởng kinh tế g và tỷ lệ lạm phát dự kiến p* đã được quốc hội quyết định, Ngân hàng trung ương phải dự báo tốc độ thay đổi vòng quay tiền tệ v để tính toán ra m và thực hiện quá trình phát hành tiền vào lưu thông. Tỷ lệ tăng trưởng cung tiền tệ xác định theo công thức trên là giới hạn trên mà Ngân hàng trung ưoưng phải tuân theo. Nếu nâng cao được chất lượng điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng trung ương có thể không sử dụng hết hạn ngạch nêu trên.

+ Khối lượng tiền tệ tăng thêm này sẽ được sử dụng vào ba mục đích: Tăng tổng tín dụng cho nền kinh tế, cho ngân sách nhà nước vay và mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng trung ương.

Phần tiền tệ dành cho mục tiêu mua ngoại tệ phụ thuộc vào biến động hàng quý của cán cân thanh toán quốc tế. Mục tiêu của Ngân hàng trung ương là thu hút tối đa nguồn ngoại tệ sẵn có trên thị trường vào tay nhà nước để đảm bảo nhu cầu thanh toán quốc tế và can thiệp vào thị trường ngoại hối khi cần. Nhưng vì Việt nam theo đuổi chính sách tỷ giá cố định kèm phá giá định kỳ nên trong mỗi thời kỳ ổn định tỷ giá, việc mua bán ngoại tệ là bị động. Mục đích thứ hai là để thực hiện điều 29 của Pháp lệnh Ngân hàng nhà nước năm 1990 và được nêu laị trong Luật ngân sách năm 1996, theo đó Nhà nước có quyền vay Ngân hàng trung ương. Tuy nhiên nghị quyết của Ban chấp hành trung ương khoá 7, kỳ họp thứ hai, đã khuyến nghị chính phủ không nên sử dụng phát hành tiền tệ để bù đắp thâm hụt ngân sách, do đó Ngân hàng trung ương ít khi sử dụng tiền tệ cho mục đích này. Cuối cùng, về mục đích tín dụng, Ngân hàng trung ương căn cứ vào tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát dự kiến để tính toán tổng tín dụng cần thiết cho nền kinh tế và tổng lượng tiền cần cấp cho các ngân hàng thương mại cung như qui định hạn ngạch tín dụng cho từng loại ngân hàng thương mại.
c- Bước cuối cùng là xác định phương thức sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ, bao gồm hạn ngạch tín dụng, các tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ lãi suất chiết khấu và tái chiết khấu, tỷ giá, và nội dung phát triển các thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Từ năm 1992, chính sách tiền tệ chặt được tăng cường bằng chính sách lãi suất trần và lãi suất sàn. Nhìn toàn cảnh, có thể khảng định việc sử dụng các công cụ trên dựa chủ yếu trên học thuyết trọng tiền: Chỉ nhấn mạnh vào kiểm soát cung tiền tệ, nhất là mỗi khi có những biến động bất ngờ của giá cả, ngân hàng trung ương không tìm hiểu nguyên nhân sâu xa mà chỉ vội vàng điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt thêm cung ứng tiền.

Việc triển khai chính sách tiền tệ chặt theo tiếp cận của lý thuyết trọng tiền đã đem lại những kết quả mong đợi: Kết thúc lạm phát nguồn gốc tiền tệ, hệ thống kinh tế trở nên trong sạch và khoẻ mạnh, dự báo chính xác hơn và quyết định hợp lý hơn, và cuối cùng phục hồi được sản xuất, tăng việc làm với lạm phát ổn định khoảng 13% từ 1992 đên 1995. Chính trên cơ sở những thành tích này mà Ngân hàng trung ương đã quyết định tiếp tục chính sách tiền tệ chặt cho giai đoạn 1996-2000 để giữ vững ổn định kinh tế.

[1] Trường phái Keynes cho rằng thất nghiệp và suy thoái kinh tế là do cầu không đủ nên phải tìm cách kích cầu

[2] Các nhà kinh tế hiện đại thường bổ sung thêm mục tiêu cân bằng cán cân thanh toán quốc tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét