Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Phạm Ngọc Tiến: Niềm tin đánh mất (Truyện ngắn chủ nhật)

Phạm Ngọc Tiến:
Niềm tin đánh mất
(Truyện ngắn chủ nhật)

Thói đời con người ta thiếu thứ gì hay nhắc nhiều đến thứ ấy. Bây giờ niềm tin có lẽ là thứ thiếu nhất. Chưa bao giờ con người nghi kỵ nhau, chẳng tin đã đành còn soi mói suy xét rình rập nhau nữa. Buồn. Có một câu chuyện xảy cách đây nhiều năm nhưng vẫn luôn ám ảnh tôi. Một câu chuyện về niềm tin.

Hôm ấy chúng tôi có một chuyến công tác đi qua đèo Ngang. Mọi người ngắm cảnh bàn tán rôm rả về con đèo huyền tích này. Trên xe hôm đó có một vị thiếu tướng lừng danh dạo chiến tranh. Ông đã nghỉ hưu.

Đèo Ngang (Ảnh trên mạng)

Tất nhiên ông tham gia chuyện trò một cách hào hứng. Một vài kỷ niệm về đèo Ngang được ông nhắc lại. Đến đỉnh đèo, có lẽ mây phủ, non cao khiến vị thiếu tướng già cảm kích trước vẻ hùng vĩ của thiên nhiên và cả phần nào những hồi ức chợt đến nên yêu cầu xe dừng. Đoàn công tác tỏa xuống. Đám đàn ông nghiện ngập tranh thủ hút thuốc. Chợt có mấy đứa trẻ ùa đến. Trên tay chúng là một vài thứ quà vặt như phong kẹo cao su, mấy quả trứng, bao thuốc lẻ…
Những cảnh như thế này xưa nay không còn là điều lạ ở những nơi công cộng nhất là nơi đô hội hay danh lam thắng cảnh. Có điều khác là ở đỉnh đèo Ngang hôm ấy rất lạnh. Mặc đủ ấm nhưng chúng tôi vẫn phải suýt soa. Rét đến tê mũi đờ da và nói phả thành bụm khói trắng đặc. Những đứa trẻ bán rong kia chỉ chừng trên dưới chục tuổi. Chúng ăn mặc phong phanh và đi chân trần. Đang ngắm đèo mây vị tướng chợt nhìn khững xuống chân trần của mấy đứa trẻ. Ông khe khẽ thở dài rồi vẫy đứa bé gái đứng gần nhất. Nó bán trứng luộc. Có nhõn 3 quả trứng vịt vỏ xám xịt xanh lét. Thấy thế mấy người trong đoàn cũng hưởng ứng gọi đám trẻ mua đồ cho chúng. Riêng vị tướng ông hỏi han đứa trẻ bán trứng rất lâu. Nhưng có lẽ vì trời rét hay lý do gì đó, đứa trẻ không hào hứng bắt chuyện. Nó đối thoại một cách e dè và cụt lủn. Vị tướng móc túi lấy một tờ bạc mệnh giá lớn hơn nhiều so với giá trị của 3 quả trứng đưa cho nó. Ông nhận 3 quả trứng được đứa trẻ gói vào trong một túi nilon nhỏ, vuốt tóc nó rồi lặng lẽ trở lại xe. Xe đổ đèo xuống địa phận Hà Tĩnh. Mọi người tiếp tục bàn tán nhưng chủ đề đã chuyển sang những đứa trẻ. Có người phàn nàn ta thán thương xót những đứa trẻ nghèo khốn khó. Người khác chỉ trích bao nhiêu năm sau hòa bình sao vẫn để tình trạng như vừa thấy tồn tại ở những nơi lẽ ra không được phép để chúng xuất hiện. Riêng vị thiếu tướng già không còn vẻ hào hứng, ông trầm mặc như đeo đuổi suy nghĩ gì đó. Nói thêm đoàn công tác có nhà văn, nhà báo và một vài quan chức. Vị thiếu tướng là khách mời đi thăm lại vùng chiến trường cũ đang chuẩn bị được đầu tư một dự án lớn.

Tối đó một bữa tiệc được tổ chức long trọng ngay tại khách sạn. Tất nhiên vị tướng là nhân vật trung tâm. Địa phương đã rất vui mừng được đón ông. Sau màn giao đãi mọi người nâng cốc và những gì diễn ra như tất cả những bữa tiệc tương tự. Đám chúng tôi chí chát cụng ly uống. Chợt tôi để ý đến vị tướng. Ông có vẻ như bồn chồn chờ đợi điều gì đó. Tôi mang ly đến chào ông. Đúng lúc đó thì thắc mắc của tôi được giải đáp. Cô nhân viên phục vụ mang đến chiếc đĩa trong đựng 3 quả trứng đã được luộc lại cho nóng. Ông cười lấp lánh mắt, bảo tôi có muốn tham dự món ăn ngoài thực đơn này không. Tôi không thể từ chối bèn nhón lấy một quả. Quả trứng thứ nhất vừa được ông đập ra thì ngay lập tức nó xộc ra một mùi vô cùng khó chịu. Trứng thối. Quả thứ hai cũng vậy. Ông thiếu tướng già hơi ngơ ngác, lấy lại quả trứng trong tay tôi định đập tiếp. Một cán bộ trong đoàn ngồi cạnh có nhiệm vụ chăm sóc ông bèn chặn tay vị thiếu tướng lại. Cán bộ này bảo thủ trưởng đừng đập ra nữa. Trứng này không ăn được đâu. Bọn trẻ đó nó lừa thủ trưởng rồi. Ông ngớ người khi nghe người kia nói thế. Không nói gì, vị thiếu tướng đặt quả trứng còn lại xuống đĩa. Cô nhân viên phục vụ vội bưng đi ngay mấy quả trứng thối. Cuộc vui tiếp tục. Chẳng ai để ý đến chi tiết mấy quả trứng thối nữa dù nó là thủ phạm khiến bầu không khí bữa tiệc bị đầu độc giây lát. Từ lúc đó tôi thấy khuôn mặt vị tướng già quắt hẳn lại. Ông rất buồn. Hầu như ông chỉ ngồi lấy lệ, không thấy đụng đũa bất cứ món gì dù đó toàn là sơn hào hải vị. Ông cũng cáo lỗi đứng dậy sớm.

Kết thúc bữa tiệc tôi bắt gặp ông đứng trầm mặc ở hành lang. Thấy tôi ông hỏi, chú nhà văn, chú thấy sao về mấy quả trứng thối đó? Chú có nghĩ mấy đứa trẻ bán dạo đó lừa đảo hay không? Tôi dùng dằng chưa kịp trả lời vì muốn lựa lời để nói ông đừng bận tâm vì mấy chuyện nhỏ nhặt đó. Nhưng câu nói của ông tiếp theo khiến tôi giật mình. Lừa đảo à, mấy đứa trẻ nghèo khó đó sao có thể lừa đảo. Chúng, cha mẹ chúng quá nghèo khổ chỉ có thể mua được mấy quả trứng mang luộc bán cho khách thập phương kiếm chút tiền lãi. Nhưng lòng trắc ẩn của người đời quá ít khiến cho trứng ế không bán được, càng không dám ăn lẹm vào vốn, lưu cữu qua ngày nên hiển nhiên nó phải thối. Cái nghèo khiến cho mấy quả trứng ấy tiếp tục được mang bán. Đừng nghĩ ác độc thế về con người chú ạ. Nhất là chú đã tận mắt nhìn thấy những đứa trẻ. Và chú làm nghề văn. Hãy nhìn đúng về con người. Hãy nhân hậu.

Chuyện đã xảy ra hàng chục năm trời. Bài học về nhìn người tôi nhận được từ vị tướng già hôm ấy luôn đeo đuổi song hành cùng tôi. Hãy nhìn nhân hậu về con người. Tôi đã tin như niềm tin nơi ông. Nhưng niềm tin đó bây giờ lại trở thành nỗi ám ảnh trong tôi. Vị tướng già không còn nữa, ông đã thành ra người thiên cổ từ vài năm trước. Nếu còn sống, tôi chắc rằng ông sẽ còn phải buồn hơn gấp nhiều lần bởi cuộc sống bây giờ liệu đặt niềm tin nơi con người như ông có còn thực tế. Niềm tin đã mất mát rất nhiều trước thực trạng cuộc sống hôm nay. Cách nhìn của ông có thể vẫn còn nhưng không phải là tất cả. Dù gì tôi vẫn gắng để cố được như niềm tin của ông vào con người. Cố trong nỗi niềm bất lực với sự chạnh nghĩ thế hệ của ông thật hạnh phúc./.

Hà Nội 14/10/2012

PNT

  1. Đọc thấy nhớ những lần qua đèo Ngang. Cảm thông với vị tướng và những đứa trẻ nghèo. Nhưng em nghĩ có thể bọn trẻ cũng biết trứng có thể bị hỏng đấy vì chúng biết trứng cũ, để lâu thì sẽ bị thối hoặc đã bị luộc đi luộc lại nhiều lần. Tuy nhiên, trong từng tình huống cụ thể thì chúng cũng có thể không biết trứng đã bị hỏng hay chưa nên vẫn bán. Nếu người mua bóc vỏ ăn ngay thấy trứng hỏng thì chúng có thể đổi cho quả khác hoặc trả lại tiền.
    Chúng ta sinh ra tính bản thiện, ai cũng muốn có cái nhìn nhân hậu về con người, tin ở nhau… Mà đã tin nhau thì chỉ nói thật với nhau. Nhưng càng lớn càng thấy chỉ có thể nói thật với người thân thiết thôi, còn ra xã hội, với cách tổ chức xã hội từ nhiều thập kỷ gần đây, nói thật lại không phù hợp vì mấy ai nói thật đâu. Có người nói xã hội ta là xã hội lừa; người nọ nói dối người kia, tức là lừa nhau. Thật thà thẳng thắn thì thua thiệt – Cứ như vậy thì còn gì niềm tin nữa. Bị lừa quá nhiều nên bản thân mỗi người cũng sinh ra cơ chế tự vệ: Cũng phải tìm cách lừa người khác. Trong mọi giao tiếp, sẵn sàng nói dối trong bất cứ chuyện gì, miễn là đạt được mục tiêu tối thượng là bảo vệ lợi ích cá nhân mình, gia đình mình. Do đó xã hội ta còn được được gọi là xã hội lộn ngược mà.
    Các vị tướng quyền hành trong tay, thành tích đầy mình, sống trong hào quang, được bao cấp, cấp trên cũng ngại không muốn đụng vào, nên dám nói thật hơn và do đó còn niềm tin hơn dân thường. Những ông này nếu phải trở lại cuộc sống mưu sinh như dân thường thì chắc rồi cũng mất hết niềm tin thôi. Hiện nay, niềm tin hầu như chẳng còn, chỉ còn niềm hy vọng nhỏ nhoi về tương lai tươi sáng sẽ chợt đến vào một sáng nào đó như trường hợp Mianma ấy.
    • Bọn trẻ có thể biết. Bố mẹ chúng biết trứng để lâu tất hỏng. Biết mà vẫn làm mới là cái biết bất hạnh.
      Lại Trần Mai được học hành đầy đủ, sớm thành đạt, có cương vị, có nền tảng gia đình, kinh tế tạm đủ, được tiếp cận với nền văn minh, sớm nhận biết được những điều đang xảy ra, sẽ bước đến nên có những nhận định khá sắc sảo về niềm tin thời hiện đại này. Bạn nói đúng về vị tướng. Thế nên ông mới thuộc thế hệ, mình cho là hạnh phúc. Hạnh phúc bởi thế hệ ông không được chứng kiến hoặc không có điều kiện chứng kiến những bi kịch thời đại mà chúng ta đang phải gánh chịu.
  2. Hay quá lão a.. Đúng, vấn đề là cách nghĩ của mỗi người trước cùng một vấn đề
  3. Em được hân hạnh trò chuyện nhiều lần với một nhà triết học, nhà khoa học VN đáng kính là GS Hồ Ngọc Đại, người sáng lập công nghệ giáo dục VN cách đây 35 năm, và từng ấy năm vẫn tiếp tục nghiên cứu, thực nghiệm, viết sách về công trình tâm huyết cả đời của mình. Sách ông viết về công nghệ giáo dục chắc phải chất dầy gần sải tay. Ông muốn dùng công nghệ giáo dục như một cách thức để đổi mới triệt để nền giáo dục này, và ông đã gặp thất bại đến mức mà năm 2009, trong lễ trao giải của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh về giáo dục cho ông, ông đã phát biểu “công nghệ giáo dục đã bị bóp mũi cho chết”. Nhưng trong nhiều lần trò chuyện với ông, em chưa thấy ông buồn bao giờ. Ánh mắt ông bao giờ cũng lấp lánh vui, nụ cười bao giờ cũng sảng khoái, rộn rã. Một lần nói chuyện về sự thành đạt, ông nói rằng người thành đạt là người có trí tuệ, điều đó là đương nhiên, nhưng trí tuệ cũng như cỗ máy, nếu không có xăng thì nằm ỳ ra, vô ích, niềm tin chính là xăng để chạy cỗ máy ấy. Người thành đạt chính là người tự tạo được nguồn xăng ấy cho mình. Cho nên, người trí tuệ thì nhiều, người thành đạt thì ít, vì có được trí tuệ dễ hơn có được và giữ được niềm tin. Em ngẫm ra thấy đúng vì bản thân mình cũng ngày ngày phải giữ cương niềm tin của mình, tránh để nó lăn tòm xuống vực. GS Đại cũng trò chuyện rằng, nếu không hiểu được sự vận động của xã hội thì ta sẽ buồn một cách vô ích, rằng xã hội nào cũng phải trải qua sự khủng hoảng niềm tin như xã hội VN hiện nay, riêng về giáo dục nhất định sẽ có ngày công nghệ giáo dục quay trở lại và phát triển mạnh mẽ hơn (ông nói câu này với Nguyễn Thiện Nhân trước khi ông Nhân xóa sổ công nghệ giáo dục vào năm 2008). Và ông Đại đã đúng, cách đây khoảng 3 tuần, nhà nước đã thành lập lại Trung tâm Công nghệ giáo dục để thúc đẩy đổi mới giáo dục toàn diện và triệt để, họ lại mời ông già Hồ Ngọc Đại trên 70 ra gánh vác cơ quan khoa học – công nghệ này. Không biết lần này, niềm tin của ông có bị thử thách nữa không. Nhưng nếu có thì chắc cũng chả lay động được ông già gân này.
    Mấy chữ em chia sẻ với nhà văn về một nhân vật mà niềm tin của ông vào sự vận động đi lên của xã hội luôn làm em cảm động.
    • Tôi cũng cho rằng vẫn còn những người như giáo sư Hồ Ngọc Đại. Ông cũng như vị tướng già kia. Nhưng niềm tin khác với niềm hy vọng. Ai cũng hy vọng cuộc sống này tốt hơn sẽ tốt hẳn và mọi giông bão sẽ qua. Nhưng để có được niềm tin ấy cần phải thực tế. Mỗi người sẽ tự làm trong khả năng của mình. Cầu cho ông già gân sẽ không phải thất vọng.
      • Ko phải “nhà nước” thành lập TT Công nghệ GD đâu anh HH.Phong ạ. Có một số vấn đề xung quanh đó chứ không “thẳng” thế đâu anh ạ.
        Cá nhân em, lần đầu gặp và làm việc với GS HNĐ đã mất thiện cảm, vì cách xử sự đời thường chứ không phải vì chuyên môn của GS, nhưng nó mạnh đến nỗi không muốn phải làm việc cùng lần nào nữa, khổ thế chứ !
        • Cá nhân em thì cho rằng tư tưởng CNGD của GS đưa ra không phù hợp thời điểm. Lúc ấy một chương trình một bộ SGK, mà tư tưởng của GS lúc ấy không thể áp dụng đại trà trong toàn quốc được vì nhiều lí do, trong đó có cả lí do về hạ tầng cơ sở, hơn nữa GS cũng mới chỉ làm được 1 môn (mà lại ở lớp thấp). Một chương trình nhiều bộ SGK thì vấn đề lại khác.
  4. Bọn trẻ đấy, nhà chúng nó quá nghèo anh ạ, thôi thì mình cảm thông, nhưng buồn…
  5. Trẻ em hư vì người lớn,dân sai vì chính quyền không đúng ví như vụ Đoàn Văn Vươn ấy chỉ mong sao mọi điều không tốt đẹp đó sẽ được chấm dứt
  6. Mini chủ nhật thật hay và ngẫm anh ạ. Người ta lớn lên và vấp phải những không chân thành, mỗi lần như thế niềm tin lại bị mẻ đi, thu lại.
    Đấy cũng là vì sao ai cũng mơ được trở về thời nhỏ, mắt và đầu trong veo.
    Và vì sao mà cứ thích chơi với trẻ con, nhìn vào mắt chúng.
    Em thích vị tướng già trong câu chuyện của anh. Hãy nhìn theo cách nhân hậu, mở lòng, sống được như thế mình sẽ không phải áy náy đã làm tổn thương người khác bởi những phán xét nhầm.
    Cảm ơn anh vì câu chuyện.
    • Mỗi người mỗi ý thích và cách sống riêng. Sự phán xét cũng vậy, sự đúng sai còn tùy thuộc vào nhận biết của từng người. Đồng ý hãy nhân hậu.
  7. Bác khen làm em ngượng quá. Người đã đến mức chỉ còn thích đọc (toithichdoc) thì chẳng có ích gì cho xã hội, vì cái xã hội cần là hành động, là sản phẩm, dù từ lao động chân tay hay trí óc. Nhìn lại cuộc đời, em càng thấy mình chẳng làm được gì có ích cả trong khi công nhân, nông dân chẳng được học hành gì nhiều mà lại làm ra được bao thứ hữu ích đảm bảo cuộc sống cho cả xã hội; thật xấu hổ với họ quá, nhưng xấu hổ cũng chẳng thay đổi được gì, tốt nhất là kính trọng họ và im lặng mà đọc, đừng khoe khoang bằng cấp hay chức tước làm gì.
    Vị tướng trong chuyện của bác hạnh phúc vì cả đời được sống trong ảo tưởng, giống như lão đầy tớ cày xong luống cầy thì “há mồm khoan khoái, lão ngồi mơ nước Nga” (Tố Hữu), nhưng lão ấy cũng chỉ mơ được một giai đoạn thôi; mấy chục năm nay lão ấy chẳng còn tý niềm tin nào nữa để mà mơ với mộng: Ruộng đất mất cả; tài nguyên nước, rừng, biển và cả dưới lòng đất đều cạn kiệt; ô nhiễm khắp nơi, văn hóa suy đồi, tệ nạn tràn lan…
    Trong khi vị tướng ra đi thanh thản vì có niềm tin chắc chắn là con cháu mình sống ở thủ đô sẽ được nhà nước chăm lo thì chắc lão đầy tớ cũng chẳng còn đến niềm hy vọng nhỏ nhoi cho tương lai của các thế hệ con cháu nữa vì chúng còn đất đâu mà cầy cấy, mà xây nhà để ở; chắc sẽ lại cuộc sống ly hương mà kiếm sống…
    Thôi thì chúc lão hãy cố giữ được niềm hy vọng dù đang rất mong manh về 1 tương lai tươi sáng nào đó sẽ chợt đến với con cháu lão như trường hợp Mianma ấy, để lúc về với trời đất, về với nguyên quán cũng được thanh thản như vị tướng kia.
    • Có thế nào nói thế ấy chứ khen khiếc gì đâu. Cái sự thanh thản nó cũng vô cùng lắm LTM à. Thanh thản vì “biết” và cả thanh thản vì ngược lại nữa. Khó.
      •  
      •  
          • Đã biết rồi thì khó mà giữ được thanh thản lắm. Giống y như bác vậy: “Có một câu chuyện xảy cách đây nhiều năm nhưng vẫn luôn ám ảnh tôi. Một câu chuyện về niềm tin.”. Đấy mới là chuyện một đứa trẻ bán trứng…
            Còn chuyện cả một đất nước, một dân tộc có 4000 năm lịch sử đang đi đến chỗ tự diệt vong vì đang diễn ra một giai đoạn chưa từng có trong lịch sử: Tự mình tàn phá khủng khiếp tài nguyên, môi trường sống của chính mình; tự mình hủy diệt niềm tin và hy vọng của chính mình. Cứ đà này thì trong vòng chục năm nữa sẽ lại diễn ra một cuộc di dân lớn ra nước ngoài để sinh tồn thôi.
            Nói về niềm tin, em lại nhớ ngày mới ra trường, nhờ có vài kiến thức chuyên sâu đặc biệt nên được gọi vào làm việc ngay chỗ có các quan to dù bố mẹ chẳng có vị thế gì trong XH, thậm chí lý lịch ông bà còn có nhiều vấn đề rất nặng ( http://toithichdoc.blogspot.ch/2012/04/oc-bai-duoi-ay-cua-gs-nguyen-inh-chu-ma.html ). Hôm đầu tiên đi làm, vẫn đinh ninh là vào làm ở Viện Toán nơi xin gửi đơn xin việc, sau vài hôm làm mới biết hóa ra là bị gọi vào làm cho một cơ quan khác, nhưng bộ phận em làm cũng do giáo sư Hoàng Tụy làm giám đốc. Trong cuộc họp đầu tiên được dự, được nghe 1 bác cực to tâm sự bác mới đi Quảng Ninh về, thấy dân ta nghèo, thương lắm. Em rất cảm động. Nhưng rồi dần dần thấy bác kể thương dân quá nhiều mà mặt thì cứ thanh thản như không nên em mới nghĩ ra, hóa ra chỉ là bài thuộc lòng bác nói theo thói quen, giống y như các ông tuyên huấn, chứ trong đầu bác chẳng quan tâm dân nghèo là thế nào, khi người ta không có cái ăn trong cả tuần, cả tháng thì người ta có tâm trạng gì…
            Sau này thường xuyên phải nghe các bác mới thấy chỉ lần đầu là hay, còn những lần sau thì ngủ gật vì các bác toàn lặp lại những cái đã nói lần trước. Vì nói quá nhiều, đi đâu cũng vẫn bài đấy, nên quá thuộc, có thể nói cả ngày không hết (y như Fidel bắt mọi người đến nghe diễn thuyết). Đến hội nghị hàng năm của toàn ngành người ta, họp có 1 buổi thì bác diễn thuyết chỉ đạo mất cả tiếng, chẳng có gì mới, chẳng ai muốn nghe nhưng chẳng ai dám cắt lời; hết cả giờ họp của họ. Cứ thế nên niềm tin mất dần…
            Trong thư viện ảo của em, thỉnh thoảng em vẫn viết chuyện riêng của mình trước 1 bài cần lưu, ví dụ về học toán: http://toithichdoc.blogspot.ch/2012/01/tien-si-toan-gia-ung-hoc-toan-thi-tot.html
            Giờ thì gần già, sức và thần đều giảm, và nhất là chai mặt, chai đầu rồi nên em rất thanh thản, rảnh là dạo chơi, thư giãn, chứ không nghĩ nữa. Chỉ tiếc cho cái thư viện sách ở nhà, chưa đến giai đoạn tặng và cũng chưa biết tặng ai cho có hiệu quả.
            Chúc bác và bạn đọc có 1 tuần mới vui, thanh thảnh, nhưng hiệu quả.
            • Mình rất thích những ý nghĩ mới mẻ của LTM, nó có nền tảng và thuyết phục. Đồng ý.
              Nhưng có cái bác gì to to nói thương dân ấy phải chữa lại cái mặt bác không thể dùng từ Thanh thản được mà đúng phải là Vô cảm. Đã đọc bài trong đường dẫn của LTM.
      • Đọc xong em mới chợt nhớ ra em mới qua đèo ngang được một lần duy nhất, cách đây chưa lâu. Đoàn cũng dừng lại để ngang đèo để chụp ảnh, nhưng không còn gặp cảnh như anh Tiến viết. Tuy nhiên hoàn cảnh tương tự thì em cũng đã gặp, nhiều lúc em thấy thật giả Lẫn lộn khó phân biệt quá rất mong bác có nhiều câu truyện để suy ngẫm để tìm lại cái gì….thiêu thiếu
        • Xem ra cái thiêu thiếu này cực khó đây. Khekhe….
      •  
        Đã biết rồi thì khó mà giữ được thanh thản lắm. Giống y như bác vậy: “Có một câu chuyện xảy cách đây nhiều năm nhưng vẫn luôn ám ảnh tôi. Một câu chuyện về niềm tin.”. Đấy mới là chuyện một đứa trẻ bán trứng…
        Còn chuyện cả một đất nước, một dân tộc có 4000 năm lịch sử đang đi đến chỗ tự diệt vong vì đang diễn ra một giai đoạn chưa từng có trong lịch sử: Tự mình tàn phá khủng khiếp tài nguyên, môi trường sống của chính mình; tự mình hủy diệt niềm tin và hy vọng của chính mình. Cứ đà này thì trong vòng chục năm nữa sẽ lại diễn ra một cuộc di dân lớn ra nước ngoài để sinh tồn thôi.
        Nói về niềm tin, em lại nhớ ngày mới ra trường, nhờ có vài kiến thức chuyên sâu đặc biệt nên được gọi vào làm việc ngay chỗ có các quan to dù bố mẹ chẳng có vị thế gì trong XH, thậm chí lý lịch ông bà còn có nhiều vấn đề rất nặng ( http://toithichdoc.blogspot.ch/2012/04/oc-bai-duoi-ay-cua-gs-nguyen-inh-chu-ma.html ). Hôm đầu tiên đi làm, vẫn đinh ninh là vào làm ở Viện Toán nơi xin gửi đơn xin việc, sau vài hôm làm mới biết hóa ra là bị gọi vào làm cho một cơ quan khác, nhưng bộ phận em làm cũng do giáo sư Hoàng Tụy làm giám đốc. Trong cuộc họp đầu tiên được dự, được nghe 1 bác cực to tâm sự bác mới đi Quảng Ninh về, thấy dân ta nghèo, thương lắm. Em rất cảm động. Nhưng rồi dần dần thấy bác kể thương dân quá nhiều mà mặt thì cứ thanh thản như không nên em mới nghĩ ra, hóa ra chỉ là bài thuộc lòng bác nói theo thói quen, giống y như các ông tuyên huấn, chứ trong đầu bác chẳng quan tâm dân nghèo là thế nào, khi người ta không có cái ăn trong cả tuần, cả tháng thì người ta có tâm trạng gì…
        Sau này thường xuyên phải nghe các bác mới thấy chỉ lần đầu là hay, còn những lần sau thì ngủ gật vì các bác toàn lặp lại những cái đã nói lần trước. Vì nói quá nhiều, đi đâu cũng vẫn bài đấy, nên quá thuộc, có thể nói cả ngày không hết (y như Fidel bắt mọi người đến nghe diễn thuyết). Đến hội nghị hàng năm của toàn ngành người ta, họp có 1 buổi thì bác diễn thuyết chỉ đạo mất cả tiếng, chẳng có gì mới, chẳng ai muốn nghe nhưng chẳng ai dám cắt lời; hết cả giờ họp của họ. Cứ thế nên niềm tin mất dần…
        Trong thư viện ảo của em, thỉnh thoảng em vẫn viết chuyện riêng của mình trước 1 bài cần lưu, ví dụ về học toán: http://toithichdoc.blogspot.ch/2012/01/tien-si-toan-gia-ung-hoc-toan-thi-tot.html
        Giờ thì gần già, sức và thần đều giảm, và nhất là chai mặt, chai đầu rồi nên em rất thanh thản, rảnh là dạo chơi, thư giãn, chứ không nghĩ nữa. Chỉ tiếc cho cái thư viện sách ở nhà, chưa đến giai đoạn tặng và cũng chưa biết tặng ai cho có hiệu quả.
        Chúc bác và bạn đọc có 1 tuần mới vui, thanh thảnh, nhưng hiệu quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét