Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

“MA CHIẾN HỮU” XUYÊN TẠC, CHỐNG VIỆT NAM


VŨ XUÂN TỬU


Tìm mãi mà không có sách in tiểu thuyết Ma chiến hữu, của Mạc Ngôn, đành phải đọc qua trang mạng. Không phải cái sự coi thường trang mạng, mà e ngại nhất là không biết tác phẩm có bị thêm ra bớt vào gì không? Đấy là nói câu đề phòng khi trích dẫn, chứ việc này, tôi phải có lời cám ơn trang mạng Kinh đô truyện.

Tôi đọc tác phẩm này, qua “kinhdotruyen.com/tac-gia-mac-ngon/truyen-ma-chien-huu.html”, nhưng không thấy ghi tên dịch giả, gồm 18 chương, trang cuối ghi: “Cao Mật – Bắc Kinh – Thạch Gia Trang. Tháng 5-1992”

Nội dung tiểu thuyết, kể về câu chuyện của 5 chàng lính trẻ, từ một làng quê đầu quân vào những năm 70 của thế kỷ 20. Họ đi xuống biên giới phía nam, chống quân xâm lược ở Vân Nam, vào tháng 2/1979. Vân Nam là tỉnh biên giới phía nam của Trung Quốc; đông giáp Hà Tuyên (nay là Hà Giang), tây giáp Lai Châu, của Việt Nam. Họ là con em nông dân chăm chỉ, bình dị, nhưng ra trận lại rất dũng cảm, cao thượng. Nhân vật chính là Tiền Anh Hào- ma chiến hữu, một người rất giỏi giang, quả cảm, có thể làm tới sư trưởng, nhưng bị hy sinh trận đầu, vì đạn pháo Việt Nam bắn sang.
Thời kỳ đó, nhà cầm quyền Trung Quốc vừa ăn cướp, vừa la làng. Chúng xua quân xâm lược Việt Nam, nhưng lại vu cáo Việt Nam xâm lược, để “dạy cho một bài học”. Và trong tiểu thuyết này, Mạc Ngôn viết: “Các anh em! Vì an ninh tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân, thề quét sạch bọn xâm lược! ” (chương 12). Và đây nữa: “Trong cái chớp mắt khi Tiền Anh Hào bị đạn pháo bắn trúng, máu thịt bay lên trời, một cảm giác cực kỳ đáng sợ thoáng hiện trong đầu óc tôi: Máu thịt và quần áo của Tiền Anh Hào văng tứ tung trong núi rừng hoang vắng ở phương nam xa xôi chính là lông vũ và máu thịt của con nhạn tại bờ sông ở quê nhà. Đương nhiên cảm giác này chỉ thoáng qua rất nhanh, ngay lập tức biến mất. Cậu ta chết, tôi như bị muôn ngàn mũi tên xuyên thấu vào tim mình. Cái chết của thằng bạn chí cốt đã khiến tôi phẫn nộ, tôi căm thù cái kẻ đã bắn chết bạn tôi”. (chương 14). Cái chi tiết về địa danh: “núi rừng hoang vắng phương nam xa xôi”, là tác giả ngụ ý tên Tiền Anh Hào này, bị pháo Việt Nam bắn chết trên đất Trung Quốc đấy.

Khi hai nước bình thường hóa quan hệ, thì các hồn ma binh sỹ phản đối. Đây là cảnh lãnh đạo đơn vị “ma chiến hữu” ở nghĩa trang Vân Nam, giải thích cho binh sỹ ma: “Các đồng chí! Hôm nay toàn sư đoàn ta tập hợp là để quán triệt những chỉ thị của cấp trên. Trong thời gian gần đây chung quanh vấn đề mở cửa biên giới, nhân dân hai nước nối lại tình hữu nghị truyền thống, có một số người cảm thấy trong lòng có chút uất ức, có người còn bình luận không mấy tốt về vấn đề này, nào là “máu của chúng ta đổ một cách vô ích”, nào là “hy sinh của chúng ta chẳng có chút giá trị gì”… Các đồng chí! Những suy nghĩ này vô cùng nguy hiểm. Các đồng chí! Chúng ta là quân nhân, thiên chức của chúng ta là phục tùng mệnh lệnh, cấp trên bảo chúng ta đánh tới đâu, chúng ta phải xông lên tới đó. Tình hình thế giới không ngừng thay đổi quan hệ giữa các nước với nhau cũng không ngừng thay đổi. Ngày ấy, chúng ta và họ dùng súng đạn để nói chuyện với nhau, qua đó mà mới có được hòa bình hôm nay. Nhân dân không có oán thù gì với nhau, chiến tranh và hòa bình đều là biểu hiện của tình hình chính trị. Chúng ta hy sinh là vinh quang, quá khứ của chúng ta là vinh quang, lúc này cũng vinh quang, tương lai cũng vẫn cứ vinh quang. Bất kỳ một sự hoài nghi nào về sự vinh quang của chúng ta đều là sai lầm, những sai lầm cực kỳ nghiêm trọng! “ (chương 16). Như vậy, tác giả cho rằng, họ chiến đấu tự vệ, chứ không phải xâm lược! Có thể thấy rõ tâm tư binh sỹ ma, qua tâm trạng: “Máu của chúng ta đổ một cách vô ích”, “Hy sinh của chúng ta chẳng có chút giá trị gì”, “Ngày ấy, chúng ta và họ dùng súng đạn để nói chuyện với nhau, qua đó mà mới có được hòa bình hôm nay”…

Có hai chi tiết đáng lưu ý, khi hồn ma của Tiền Anh Hào lén đơn vị qua biên giới chơi, đều bị thủ trưởng ma nhắc nhở, không được vi phạm kỷ luật (chương 17, 18). Có thể hiểu ý, lúc sống họ chấp hành nghiêm chỉnh, không xâm phạm biên giới Việt Nam.

Trong tác phẩm, không có từ nào nói trực tiếp đến Việt Nam, nhưng qua cách thể hiện gián tiếp, như: biên giới phía nam (TQ), giáp tỉnh Vân Nam, hoặc đất nước bên kia biên giới phía nam… thì đó chính là Việt Nam.

Tại sao tác giả không nói trực tiếp, mà dùng cách gián tiếp này? Phải chăng, đó là cách lập lờ đánh lận con đen, hoặc chính tác giả cũng biết cuộc chiến xâm lược Việt Nam là phi nghĩa, nên nói thác đi, cho vừa ý cấp trên?

Tôi không bàn về giá trị nghệ thuật của Ma chiến hữu, mà bằng cách thống kê các chi tiết để lên án, đây là một tác phẩm có dụng ý xấu, cố ý xuyên tạc tình hình thực tế, chống Việt Nam, của nhà văn Mạc Ngôn.

Bối cảnh tác giả đề cập, bắt đầu từ năm 1992 và bằng những hoài niệm trở ngược hơn chục năm về trước. Năm 1979, Trung Quốc xua quân xâm lược 6 tỉnh biên giới Việt Nam. Và năm 1992, tức là sau Hội nghị Thành Đô vài năm, nhằm bình thường hóa qua hệ hai nước. Nghe câu ai đó nói, nắm tay với Trung Quốc để cùng bảo vệ chủ nghĩa xã hội, chợt nhớ câu Quan Vân Trường, thời Tam Quốc, từng nói: “Hàng Hán chứ không hàng Tào”.

Ma chiến hữu là một tác phẩm đáng lên án như vậy, tại sao Việt Nam lại cho dịch và phát hành rộng rãi. Trong khi đó, những tác phẩm trong nước thì quản lý tới mức hà khắc. Theo tôi được biết, hàng năm, Trung Quốc vẫn tổ chức kỷ niệm rầm rộ cuộc chiến kia, nhưng phía Việt Nam lặng ngắt. Nếu bắt buộc phải đề cập, thì phải nói chệch đi là cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc! Thậm chí, biểu tình phản đối Trung Quốc trắng trợn xâm phạm biển đảo, cũng bị coi là phản động và đàn áp. Có điều gì đã xảy ra ở Thành Đô khiến Việt Nam sợ hãi làm vậy, hay cũng bị “ma chiến hữu” bắt mất hồn?

Tp. Tuyên Quang, 16/10/2012

VXT

http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2012/10/17/ma-chien-huu-xuyen-tac-chong-viet-nam/

------------


THƯ NGUYỄN KHOA ĐIỀM VỀ “MA CHIẾN HỮU” CỦA MẠC NGÔN
Posted on 18.10.2012 by nguyentrongtao


Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (trái) và NTT, 2005

NTT: Một số trí thức Trung Quốc nói Mặc Ngôn “đứng về phía chính quyền”, và tiểu thuyết “Ma chiến hữu” của ông ta đã chứng minh điều đó, khi coi chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979 là VN xâm lược (!). Điều này cũng khiến nhiều người Việt không mấy hài lòng khi Mạc Ngôn được trao giải Nobel. Các tin tức đưa về giải Nobel này cũng không thấy nêu rõ tên tác phẩm nào của Mạc Ngôn được giải. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có gửi cho tôi một bức thư bày tỏ nỗi băn khoăn của ông về câu chuyện này. Xin giới thiệu cùng bạn.

Hà nội, ngày 18. 10. 2012

Thân gửi anh Nguyễn Trọng Tạo,

>> “MA CHIẾN HỮU” XUYÊN TẠC, CHỐNG VIỆT NAM

>> TRÒ CHUYỆN VỚI THƯỢNG QUAN KIM ĐỒNG CỦA MẠC NGÔN

Tôi xin viết một cái comment nhân một số bài viết đăng trên báo chí Việt Nam ca ngợi và bênh vực Mạc Ngôn được trao giải Nô-ben mới đây. Trước hết, tôi bày tỏ đồng tình với Vũ Xuân Tửu có bài đăng trên mạng của anh, lên án quyển sách “Ma chiến hữu” của Mạc Ngôn đã xuyên tạc sự thật về chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979.

Thú thật, khi được tin Mạc Ngôn được Nô-ben tôi không muốn nói gì cả. Tôi cho là việc người khác, không dễ bình luận. Thế giới tưởng là phẳng mà chẳng phẳng tí nào. Lấy việc Biển Đông gần đây mà xét thì những lo âu, đau xót của dân ta lớn đến thế nào.

Bây giờ Ủy ban giải thưởng Nô-ben trao giải cho Mạc Ngôn là một sự xác nhận văn tài của ông, tôi cũng thấy Mạc Ngôn có tài thực, nhưng một tác giả “Ma chiến hữu” được tôn vinh trước thế giới, có phải là nỗi đau của nhà văn Việt Nam hiện nay không ? Bởi vì trong quyển sách này Mạc Ngôn đã thực hiện trung thành một định hướng chiến lược tuyên truyền của Cục chính trị Quân giải phóng Trung quốc là “Việt nam là kẻ xâm lược Trung quốc”. Trước đã thế, bây giờ cũng thế. Với giải Nô-ben này phải chăng định hướng chiến lược tuyên truyền hết sức sai trái đó có thêm sức nặng?

Tuy nhiên lo lắng đó cũng chỉ là việc nhỏ. Cái đáng lo là tại sao một số nhà văn chúng ta quên xương máu của chiến sĩ, đồng bào nhanh thế? Liệu sắp tới đây tình hình sẽ ra sao?

NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét