Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

(1) Kinh tế Việt Nam 2012-2013: Cơ hội xoay chuyển tình thế?

Cơ hội xoay chuyển tình thế?*

Nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế Việt Nam

Cho dù tại thời điểm hiện nay, nếu đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam theo cách tiếp cận ngắn hạn, có thể nhận thấy sự cải thiện tích cực (theo hướng “quý sau tốt hơn quý trước”) ở một số khía cạnh quan trọng, thì nhìn tổng thể cả năm, không thể phủ nhận rằng kết quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2012 kém sút rõ rệt so với năm 2011 (và so với cả những năm trước đó).

Đầu năm nay, tại cuộc tranh luận về thực trạng và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2012, diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Mùa Xuân do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức (tháng 3/2012), có hai luồng ý kiến khác nhau được nêu. Một luồng ý kiến cho rằng tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012 sẽ rất khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn cả năm 2011 và những năm trước đó. Một luồng ý kiến khác cho rằng với việc triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ (từ tháng 2/2011), với tư tưởng chính là thắt chặt tiền tệ, tình hình kinh tế năm 2012 sẽ được cải thiện rõ rệt theo cả hai hướng: lạm phát được khống chế và kiểm soát, tăng trưởng sẽ phục hồi và đi dần vào thế ổn định.

Trong bối cảnh phức tạp của cả kinh tế thế giới và Việt Nam lúc đó, sự khác biệt của các ý kiến trong cuộc tranh luận, đến mức ngược nhau, không chỉ ở khía cạnh dự báo mà cả trong việc nhận diện tình hình, đánh giá thực trạng, là điều bình thường. Nó phản ánh tính chất khó khăn, phức tạp và khó dự báo của tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012.

Diễn biến kinh tế đất nước kể từ cuộc tranh luận đó đến nay, với ¾ chặng đường của năm 2012 đã đi qua, xác nhận rằng tình hình quả thật là khó khăn và phức tạp, lại theo xu hướng tăng lên, thậm chí đến mức đáng quan ngại, hơn là theo hướng được giải tỏa bớt. Cho dù tại thời điểm hiện nay, nếu đánh giá tình hình theo cách tiếp cận ngắn hạn (tính theo quý hay ngắn hơn – theo tháng), có thể nhận thấy sự cải thiện tích cực (theo hướng “quý sau tốt hơn quý trước”) ở một số khía cạnh quan trọng thì nhìn tổng thể cả năm, không thể phủ nhận rằng kết quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2012 kém sút rõ rệt so với năm 2011 (và so với cả những năm trước đó). Sự kém sút thành tích không chỉ biểu hiện ở các con số định lượng – như tốc độ tăng trưởng GDP giảm, số lượng doanh nghiệp đóng cửa và tỷ lệ hàng tồn kho cao. Quan trọng hơn, sự yếu kém còn thể hiện đặc biệt rõ nét ở xu hướng gia tăng số lượng các biến cố - sự cố bất thường, là những tín hiệu chỉ báo mức độ rủi ro hệ thống tăng lên, các loại tin đồn có tác động gây rối dư luận, làm suy giảm mạnh lòng tin thị trường vốn đã bị suy yếu đáng kể sau mấy năm nền kinh tế gặp khó khăn.

Việc nhấn mạnh sự phù hợp của một luồng ý kiến đánh giá và dự báo được nêu tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân tháng 3 cũng như ở nhiều chỗ khác, với diễn biến thực tế của nền kinh tế nhằm khẳng định một điều: những gì đã và đang xẩy ra trong nền kinh tế, nhất là trong các xu hướng lớn và vấn đề nền tảng, cũng như triển vọng cơ bản của kinh tế Việt Nam năm 2012, về nguyên tắc, đều đã được chỉ ra, đều đã được dự báo. Những dự báo đó, tuy có thể không chính xác đến từng chi tiết – đến các con số sau “dấu phẩy” của các chỉ tiêu kinh tế hay đến tên tuổi, ngày giờ xẩy ra sự kiện -, song nhìn chung đã chỉ ra đúng các xu hướng lớn, các vấn đề cơ bản mà nền kinh tế đang đối mặt, sẽ tiếp tục đối mặt, triển vọng giải quyết chúng và các kết quả chính – có ý nghĩa căn bản, chiến lược – mà nền kinh tế có thể đạt. Chỉ tiếc là những dự báo, dự tính như vậy ít khi được coi là cơ sở đáng tin cậy, cần được sử dụng trong việc xác lập các mục tiêu kế hoạch.

Nói như vậy có nghĩa là những vấn đề được đưa ra thảo luận hiện nay, hôm nay, tại diễn đàn này, nhìn chung đều không mới. Có mới chăng thì chủ yếu cũng chỉ là mới (đúng hơn, chỉ là khác) ở cấp độ gay gắt hay dịu đi của tình thế chứ không phải là mới về chất hay mới về xu hướng lớn (tình thế đã xoay chuyển hay đảo ngược).

Nhưng mặt khác, dễ nhận thấy rằng trong khuôn khổ của sự “không mới” đó, trong nỗ lực vượt thoát tình thế khó khăn mà nền kinh tế đang lâm vào, dường như những khác biệt đặc trưng, mang tính chất lượng của cách tiếp cận đánh giá tình hình, triển vọng kinh tế năm 2012 và các giải pháp tháo gỡ so với các năm trước vẫn chưa được chú ý đúng mức, chưa được đặt đúng tầm.

Cách đánh giá tình hình vẫn chủ yếu theo tinh thần là “nền kinh tế đang gặp một số khó khăn” mà chưa mổ xẻ, chưa thấy hết và định vị đúng mức độ gay gắt của những nguy cơ mang tính cơ cấu và hệ thống (nguy cơ khủng hoảng) đang đe doạ nền kinh tế.

Việc xác định triển vọng vẫn bị trói buộc nhiều, một là vào mức rất cụ thể của các chỉ tiêu định lượng, vốn ít thể hiện sự thay đổi chất lượng, hiệu quả phát triển và đáng ra chỉ nên được dùng như là gợi ý định hướng hơn là ràng buộc pháp lệnh1; hai là vào cách ứng xử ngắn hạn truyền thống, tức là tìm kiếm các giải pháp phản ứng nhanh và mang nặng tính hành chính. Cách tiếp cận cơ bản, hệ thống, mang tính chiến lược, nhắm tới mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu, tuy có được đề cập, song trên thực tế ít được vận dụng và triển khai.

Trong khi đó, thực tiễn lại trông đợi rất nhiều ở chính việc nhận diện đúng sự khác biệt của năm 2012 với các năm trước, để trên cơ sở đó, có cách tiếp cận mới đến các giải pháp, vượt qua lối mòn tư duy và hành động của các năm trước (vốn từng làm cho bất ổn và lạm phát cứ “khứ hồi hàng năm”, nhờ đó, có thể tạo ra bước ngoặt làm xoay chuyển tình thế.

Thực tế những năm qua cho thấy chính sự khác biệt này mới là điểm cần tập trung phân tích, mổ xẻ, làm rõ, thay vì nỗ lực một cách thiên lệch vào việc thảo luận, cân nhắc định lượng, đắn đo sự sai biệt định lượng nhỏ nhoi, kiểu như năm nay GDP tăng trưởng 5,3% hay 5,6% thì phù hợp hơn. Nếu không tạo ra sự khác biệt như vậy trong cách tiếp cận, sẽ khó có sự thay đổi tích cực căn bản nào trong các định hướng chính sách và giải pháp. Và khi đó, nền kinh tế lại “vui vẻ” chấp nhận sự “khứ hồi” của tình trạng lạm phát cao, bất ổn sâu sắc, hiệu quả và năng lực cạnh tranh tụt giảm mạnh, như đã từng như vậy.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét