Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Châu Âu tự sa vào bẫy "chủ nghĩa tự do mới"

Châu Âu tự sa vào bẫy "chủ nghĩa tự do mới"

(Tamnhin.net) - Một bài báo chỉ trích chính sách kinh tế của Liên minh Châu Âu đối phó với cuộc khủng hoảng nợ đã trở thành một tuyên ngôn được hưởng ứng rộng rãi trên toàn thế giới.

Bài báo có tựa đề "Tuyên ngôn của các nhà kinh tế kinh hoàng", lần đầu tiên được đăng tải hồi mùa hè năm ngoái, là tác phẩm của bốn nhà kinh tế Pháp - trong đó có André Orléan, một chuyên gia hàng đầu Châu Âu về khủng hoảng tài chính.

Các đồng tác giả khác là Philippe Askenazy của  Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, Thomas Coutrot thành viên Hội đồng khoa học của Nhóm ATTAC và Henri Sterdyniak thuộc Tổ chức Quan sát các chu kỳ kinh tế Pháp.


Trong tuyên ngôn nói trên, nhà kinh tế Orléan nói rằng các chính sách kinh tế của Châu Âu dựa trên 10 cơ sở lý thuyết không chính xác và thay vì giải quyết cuộc khủng hoảng nợ có chủ quyền, các chính sách này chỉ làm gia tăng ảnh hưởng đầu cơ tài chính và làm cho cuộc khủng hoảng trở nên sâu sắc hơn.


Châu Âu “trên thực tế đã bị sa vào bẫy thể chế của chính mình”. Các nước Châu Âu phải vay mượn của chính các tổ chức tư nhân mà họ đã bỏ tiền giải cứu bốn năm trước đây. Các tổ chức này đã “kiếm được tiền mặt giá rẻ từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu” và kết quả là “các thị trường giữ chìa khóa đối với việc cung cấp kinh phí cho các nhà nước”. Trong bối cảnh này, việc các nước Châu Âu thiếu đoàn kết đang làm phát sinh nạn đầu cơ, nhất là khi các cơ quan xếp hạng tín dụng reo rắc tâm trạng ngờ vực.

Trả lời phỏng vấn của IPS, nhà kinh tế Orléan nói các cơ quan xếp hạng tín dụng và thị trường thường xuyên phạm sai lầm tệ hại trong việc định giá và dự toán các giao dịch. Ông nói: “Thị trường tài chính đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Trước năm 2007, thị trường và các cơ quan xếp hạng tín dụng đã đánh giá cao mức độ tín nhiệm của tất cả các nước Châu Âu, trong đó Hy Lạp cũng được đề cao như  Đức. Bây giờ, họ quay ngoắt 180 độ và đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về Italy và Pháp”.


Nhà kinh tế Orléan gọi là lãi suất mà Italy phải trả cho trái phiếu chính phủ là “lãi suất trên trời” và giá cả trong thị trường tài chính được xác định bằng “tâm lý bầy đàn” bắt chước lẫn nhau. Ông nói: “Các nhà đầu tư ‘bầy đàn’ quan sát xem người khác làm gì và chạy theo đuôi đám đông các nhà đầu tư khác. Dự báo của thị trường tài chính là những lời tiên tri vị kỷ. Chỉ vì nghi ngờ về khả năng thanh toán của Italy, thị trường đã lãi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt và làm gia tăng những khó khăn cho đất nước này trong việc thanh toán nợ nần”.

Theo nhà kinh tế Orléan, những đặc điểm này của thị trường tài chính và hành vi bắt chước của nó hiện mạnh hơn bao giờ hết, thông qua việc sử dụng rộng rãi chương trình máy tính để đánh giá giá và rủi ro giao dịch tài chính trong tương lai.


Mặc dù “Tuyên ngôn của các nhà kinh tế kinh hoàng” nhằm mục đích tạo cơ sở tranh luận giữa các nhà kinh tế về chính sách kinh tế Châu Âu, nó đã nhanh chóng trở thành một tuyên ngôn cho hàng ngàn người không chỉ ở châu Âu, mà còn khắp các lục địa và các quốc giatừ Australia đến Brazil.


Trong bài báo, Orléan và các đồng tác giả phàn nàn rằng "mô hình tự do kiểu mới vẫn còn là mô hình  duy nhất được công nhận là hợp pháp, bất chấp thất bại rõ ràng của nó."


Dựa trên giả định về thị trường vốn hiệu quả, mô hình này chủ trương giảm chi tiêu chính phủ, tư nhân hóa các dịch vụ công, làm cho thị trường lao động linh hoạt, tự do hóa thương mại, dịch vụ tài chính và thị trường vốn và tăng cường cạnh tranh mọi lúc, mọi nơi.


Giáo sư kinh tế Wolfram Elsner của  Đại học Bremen (Đức) trong một cuộc phỏng vấn với IPS cũng đã lên án "đồng lõa của các chính phủ Châu Âu với các ngân hàng và các quỹ đầu tư đầu cơ”.  Ông nói: “Trước đây, người nộp thuế đã phải bỏ tiền giải cứu sự điên rồ của các ngân hàng. Bây giờ, người nộp thuế lại đang phải gánh chịu những cắt giảm chi tiêu chính phủ”.


Tương tự , giáo sư Colin Crouch - chuyên về quản trị và quản lý công tại Trường kinh doanh Warwick của Anh -  nói rằng sự thất bại của các nền tảng lý thuyết dùng cho các thị trường tài chính quốc tế sau cuộc khủng hoảng năm 2007 đã không dẫn đến "cái chết của nghĩa tự do mới", mà thậm chí còn làm cho “chủ nghĩa tự do mới” ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến các chính sách kinh tế và xã hội.


Theo giáo sư Colin Crouch - tác giả của cuốn sách “ Điều kỳ lạ là chủ nghĩa tự do mới không chết” được công bố vào cuối mùa hè qua, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay đã chứng tỏ sự điên rồ của các giả định tự do mới. Nhưng thay vì sửa chữa các chính sách dựa trên giả định sai lầm đó, các chính phủ Châu Âu lại tăng cường các nền tảng “chủ nghĩa tự do mới” trong các chính sách của họ. Giáo sư Crouch nêu bật nghịch lý: “Trong khi cuộc khủng hoảng có liên quan đến các ngân hàng và hành vi của chúng, các biện pháp giải quyết khủng hoảng ở nhiều nước lại gói gọn trong việc cắt giảm phúc lợi và chi tiêu công”.

Minh Bích (theo IPS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét