Người Hà Tĩnh
Sao các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước không về
Hà Tĩnh mà nghe dân chửi? - LS Trần Đình Triển
Tưởng Năng Tiến – Thể theo lời yêu thượng dẫn, hôm 23 tháng 2 năm 2019, T.T. và nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà Nước đã tụ tập về Nghệ An. Trong buổi họp mặt này, ông Nguyễn Xuân Phúc đã lên diễn đàn đọc đôi câu khiến cử tọa (toàn mặc veston và đeo cravate) đều thấy nức lòng:
Cầm vàng có thể vàng rơi
Lấy con trai Nghệ Tĩnh cả đời ấm no
Nghe xong tôi nhớ ngay ông Võ Kim Cự, Bí Thư Tỉnh Ủy Hà Tĩnh, người đã cấp phép và cho công ty Formosa nhận nhiều ưu đãi “kịch trần” tại địa phương này – theo như tin loan của báo Đất Việt: “Được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% (doanh nghiệp trong nước là 22%), miễn thuế thu nhập trong bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; miễn thuế tài nguyên…”
Tổng cộng là hơn mười ngàn tỷ đồng tiền hoàn thuế. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phỏng tính: “Hơn 10.000 tỷ đồng nếu tính vào thời giá cuối năm 2014, đầu năm 2015 thì nó tương đương với 500 triệu USD.”
Chỉ cần 1 % tiền lại quả thôi cũng đủ cho cả gia đình bên vợ của ông Bí Thư Tỉnh Ủy sống nhiều đời ấm no, chứ không chỉ một. Cùng thế hệ với ông Võ Kim Cự, Nghệ Tĩnh còn có nhiều nhân vật cũng “xuất sắc” không kém, hoặc hơn. Theo thông tin trang Nghệ Tĩnh TV, đọc được vào hôm 24 tháng 10 năm 2016, các thành viên chính phủ nhiệm kỳ mới đều là con em Hà Tĩnh:
- Thống Đốc Ngân Hàng Lê Minh Hưng quê tại huyện Hương Sơn.
- Bộ Trưởng Tài Nguyên & Môi Trường Trần Hồng Hà người Can Lộc.
- Bộ Trưởng Kế Hoạch Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng huyện Lộc Hà.
- Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến sinh ra ở huyện Cẩm Xuyên.
Ông Trần Hồng Hà cùng bà Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn làm cho dư luận, trong lẫn ngoài nước, sôi sục đều đều. Hai ông Lê Minh Hưng và Nguyễn Chí Dũng cũng thế, cũng thường xuyên được thiên hạ nhắc đến với rất nhiều lời lẽ không lấy gì làm nhã nhặn.
Trang Nghệ Tĩnh TV cũng cho biết thêm: “Không chỉ vinh quang bởi các Bộ trưởng, tư lệnh ngành mà Hà Tĩnh còn được biết đến là tỉnh có nhiều ủy viên Trung ương nhất trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, với số lượng 16 người.”
Giới tinh hoa của Hà Tĩnh, rõ ràng, hơi đông. Số người dân lưu lạc của tỉnh này cũng thế, cũng đông hơn rất nhiều nơi khác. Ở ngoại ô Vọng Các, trong khu Yung Chalearn, có một cái quán (không biết tên gì) mà cả ba cô giúp việc đều là người Hà Tĩnh nên tôi gọi là “Quán Ba O.” Chúng tôi hay đến đây vì gần chỗ trọ, vì giá cả vừa phải, và vì được “cố vấn” về những món nhậu (ngon rẻ) cùng với thái độ thân thiện của những o đồng hương rất hiền ngoan và vô cùng chân chất.
Cứ nhìn thấy Ba O Hà Tĩnh, cùng nụ cười rất tươi tuy hơi bẽn lẽn là tôi lại nhớ đến bốn câu thơ của Hồ Dzếnh:
Cô gái Việt Nam ơi
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi
Quán mở cửa từ 11 giờ sáng đến tận khuya. Nhiều đêm không làm việc được, tà tà ra quán uống vài chai, chúng tôi vẫn thấy “Ba O Hà Tĩnh” đang tất bật với những công việc chả nhẹ nhàng gì: lau dọn, rửa chén, chạy bàn... Hỏi thăm mới biết là dù làm việc đủ bẩy ngày một tuần, mỗi ngày trên 12 tiếng, hàng tháng cả ba chỉ được trả số tiền vô cùng khiêm tốn (200 Mỹ Kim) chỉ bằng nửa số lương tối thiểu – theo qui định hiện thời của Bộ Lao Động Thái.
Ảnh: RFA
Điều an ủi là chủ quán cho ở trọ không phải trả tiền nhà, và chuyện ăn uống tại chỗ – tất nhiên – cũng hoàn toàn miễn phí. Nhờ vậy, tiền công của cả ba o đều gửi hết về quê để nuôi mấy đứa em và bố mẹ già. Ở Hà Tĩnh, theo lời của họ: “Biết làm chi cho ra tiền được!”Trên con đường lưu lạc, không ít kẻ đã bỏ thân nơi đất lạ xứ người. Hai nạn nhân mới nhất có tên là Phạm Thị Trà My và Nguyễn Đình Lượng, đều là người cùng quê (Can Lộc) với Bộ Trưởng Trần Hồng Hà. “Thi thể của họ tìm được trong chiếc container có 31 đàn ông và 8 phụ nữ được phát hiện chết ngạt và chết cóng trong xe tải ở Essex, cách thủ đô London 30km về phía đông vào thứ tư tuần này” – theo thông tin của blogger Nguyễn Hữu Vinh, đọc được trên RFA, vào hôm 10/25/19.
Một cư dân Hà Tĩnh khác, hiện cũng đang sống đời lưu lạc – blogger Paul Trần Minh Nhật – cho biết thêm:
“Tôi đã từng đi qua thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh. Tôi từng vào một số khu vực của tỉnh Hà Tĩnh sau đợt thảm họa Formosa. Tôi có thể hiểu lý do vì sao họ phải ra đi. Đa phần phải đi để kiếm kế mưu sinh, để tiếp tục cuộc sống. Họ phải đi với một cái giá rất đắt cả về kinh tế và cả việc bất chấp tính mạng. Vì không đi thì cả cuộc đời họ sẽ phải chìm trong đau khổ của nghèo nàn. Ai sẽ cứu họ đây? Cả vùng đất sỏi đá Miền Trung xưa nay ‘chó ăn đá, gà ăn sỏi’. Đã nghèo lại còn mắc eo với thảm họa môi trường cá chết do Formosa gây ra. Nhưng chúng - bọn quan chức đã làm gì để người dân bớt khổ? không, chúng chẳng làm gì cả. Không công ăn việc làm, không tiền, không giáo dục - không tương lai... Họ phải đi!”
Dường như có tỉ lệ thuận giữa con số tinh hoa đông đảo (Bộ Trưởng, Tư Lệnh Ngành, Ủy Viên Trung Ương Đảng) của xứ Hà Tĩnh với đám dân tha phương cầu thực từ địa phương này. Thảo nào mà dịch giả Phạm Nguyên Trường đã rất cẩn thận với hạn từ “tinh hoa” khi chuyển ngữ:
Nghĩa của từ ELITE: the richest, most powerful, best-educated, or best-trained group in a society cho nên nếu luôn luôn dịch là TINH HOA thì e rằng không đúng. Ví dụ, người nước ngoài khi nói về giới viết lách ở VN có thể sẽ coi Đoàn Hương, Hữu Thỉnh, Hồng Thanh Quang, Tạ Bích Loan... là nhóm elite trong văn giới, hay Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng là nhóm elite trong chính trị..., nhưng nếu mình dịch lại thì mình chỉ viết "thuộc giới ăn trên ngồi trốc" mà thôi.
Dịch thuật như thế e hơi thiếu phần “thanh lịch” nhưng thực khó mà gọi đám người hiện đang cầm quyền ở Việt Nam (nói chung) và những vị Ủy Viên Trung Ương Đảng của Hà Tĩnh (nói riêng) bằng một hạn từ tử tế nào khác được.
Tưởng Năng Tiến
(Blog Tưởng Năng Tiến)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét