Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

'Hàng xách tay' và hàng Việt Nam

'Hàng xách tay' và hàng Việt Nam
Mấy năm trước, đến hội nghị tổng kết một năm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chứng kiến một số vị xúng xính váy áo, comple và xách túi toàn hàng hiệu nước ngoài, nếu không cưỡi Toyota, Mercedes... thì họ cũng đi xe máy gắn nhãn hiệu ngoại quốc, tôi lại băn khoăn tự hỏi: “Không biết mấy vị thực sự ưu tiên sử dụng bao nhiêu phần trăm hàng Việt Nam?!”.
Điều tôi băn khoăn kéo dài đến tận bây giờ, nhất là khi xem chừng khái niệm “hàng xách tay” đang giữ vị trí ưu thắng trong cuộc sống hằng ngày của rất nhiều người. Vì thi thoảng thấy có anh chị tự hào khoe chai rượu, laptop, đồng hồ là hàng xách tay, rồi nức nở khen dùng khác hẳn, tôi mò vào internet xem thế nào. Hóa ra hàng xách tay là thế giới hàng hóa mênh mông, đa dạng, sinh động, phong phú. 

Ở đó không chỉ có rượu, laptop, máy ảnh, đồng hồ, amplifier, loa, điện thoại,… mà tràn ngập vô số nước hoa, mỹ phẩm cao cấp, mặt nạ dưỡng da, thực phẩm chức năng, sữa Meji, Abbott, Mead Johnson, sâm nhung, thuốc tây đủ loại, bỉm trẻ em, sản phẩm đắt tiền của các hãng Gucci, Docle & Gabbana, Cavalli, cafe trắng, hoa quả, sữa rửa mặt, đồ lót của các hãng Victoria Secret, La Perla, Triumph, Aubade, Eres, Sunfly, Zuen, kem chống lão hóa, máy rửa mặt, bánh mì hoa cúc, kem đánh răng, bàn chải đánh răng… và tất cả đều được quảng cáo mang về từ Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thailand, Singapore,… Thiết nghĩ, xã hội có nhu cầu mới có hàng xách tay, nhưng vì đó không phải là hàng hóa nhập khẩu chính ngạch nên hải quan, thuế vụ có lẽ cũng chẳng thu được đồng nào. Và liệu mỗi mặt hàng đó có giá cả phải chăng, khi mà giá bán là do người “xách tay” đưa ra?

Ăn nên làm ra, cuộc sống đã khấm khá hơn và cả hệ lụy từ tâm lý “không chịu thua anh, kém em” mà giờ đây số ôtô trên cả nước lên tới con số hàng triệu. Được biết 6 tháng đầu năm 2016 thị trường cả nước đã tiêu thụ 24.421 xe, giảm 6% so với tháng 5 nhưng tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng lượng xe bán ra trong 6 tháng đầu năm lên 135.863 chiếc, tăng 31% so với 6 tháng đầu năm 2015. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu trong nửa đầu năm 2016 khoảng 49.000 xe tổng giá trị lên đến 1,184 tỉ USD. Mà thương hiệu xe thì vô cùng phong phú, từ Toyota, Ford đến BMW, Audi, Porsche, Renault, Jaguar, Land Rover,… trong đó những mẫu xe có giá từ vài tỷ VNĐ đến hàng chục tỷ VNĐ như C63S AMG Edition, G500 Edition 35, LX570, Mercedes Maybach S600,… 

Thôi thì túi tiền rủng rỉnh, sắm ôtô là việc bình thường, vả lại đó là hàng hóa nước Nam ta chưa có khả năng sản xuất, nên phải nhập khẩu cũng là đặng chẳng đừng. Nhưng lại có điều gì đó là không bình thường, khi trong các loại hàng nhập khẩu lại thấy có bông tắm, mút tắm, chổi tắm, khăn tắm, đèn sưởi, tăm tre, đũa tre, chiếu trúc, chiếu tăm, bông ngoáy tai, rau, củ, quả, đồ hộp, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, trứng gà, muối, đường,… Đó là các mặt hàng Việt Nam rất thoải mái nguyên liệu, đã sản xuất và sử dụng hàng trăm năm nay, trong đó có thứ vốn là truyền thống, vậy tại sao lại phải nhập khẩu?

Thiết nghĩ, các con số trên đây có ý nghĩa tham vấn rất quan trọng, vì từ đó chúng ta có thêm điều kiện nhìn vào thực trạng vấn đề tiêu dùng ở Việt Nam. Và nhìn vào thực trạng ấy, dù kiêu hãnh về sự tăng trưởng kinh tế thì cũng không thể không e ngại về nghịch lý ngày càng gia tăng giữa tăng trưởng và tiêu dùng, về sự thiếu điều chỉnh và có lẽ cả sự vô phương hướng trong hành vi tiêu dùng của một bộ phận xã hội. Nghịch lý đó đang hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta. Với một bên là thu nhập bình quân tính theo đầu người có con số hàng nghìn USD, nhà cao cửa rộng san sát trong phố xá và dọc các tuyến đường mới mở; lễ hội rộn ràng với đủ màu xanh đỏ tím vàng, các khu du lịch thi nhau khai trương; tỷ phú mua máy bay, sắm xe “xịn”; hàng triệu người Việt Nam du lịch nước ngoài; khánh thành resort và khách sạn năm sao; rồi các chung cư cao ngất ngưởng và trong các quán cafe wifi có người “cắm rễ” từ sáng đến tối; biển hiệu shop thời trang có “cô mannequin” giống tây nhiều hơn giống ta. Rồi nhan nhản trên nhiều trang báo là hình ảnh thiếu nữ mặc “thiếu vải” vắt vẻo khoe dáng bên Bentley, Mercedes - Benz, Porsche Turbo,... 

Đó là những con số, hiện tượng có thể làm nức lòng người lạc quan, nhưng đối lập ở chiều hướng khác, là con số, tin tức về tham nhũng, về cướp, giết, hiếp và lừa đảo, về làm ăn gian trá và hàng giả, về hành vi bạo lực ngày càng có nguy cơ gia tăng và dã man, về sự vô cảm trước cái ác, về lâm tặc, tai nạn giao thông, về trí thức ăn cắp tri thức, về người nông dân tìm ra thành phố với hy vọng đổi đời ở “chợ lao động”,...

Mấy chục năm trước, văn hóa ẩm thực thuần Việt vẫn còn hiện diện trong mâm cúng gia tiên, còn ngày nay, nhiều khi đã khác, các loại hàng ngoại đã kiêu hãnh có mặt trên bàn thờ tiên tổ với thịt hun khói, jambon, xúc xích,... bên các chai XO, John Black, Rémy Martin. Nếu như “xài hàng hiệu” đã trở thành kiểu lối tiêu dùng của một bộ phận xã hội thì hình như nhậu nhẹt cũng lại nhận được sự hưởng ứng của số đông. Trên khắp đất nước, hầu như tới đâu cũng gặp những restaurant, quán nhậu và “bãi bia”; mà đến đó, không cần sự hỗ trợ của từ điển, vẫn có thể hiểu thế nào là khái niệm “vỡ chợ” vì sự nhồm nhoàm, dung tục, ồn ào... đã áp đảo lối ăn uống nhẹ nhàng, lịch sự. 

Nếu trong phòng VIP của các nhà hàng, có thực khách cố gắng chứng tỏ đẳng cấp ăn chơi qua các món ăn được chế biến từ thịt thú rừng quý hiếm nằm trong Sách đỏ, cố gắng thể hiện sự sành điệu qua việc săm soi hoặc nhấp môi khề khà đánh giá chất lượng mấy chai rượu ngoại giá từ vài triệu VNĐ đến hàng chục triệu VNĐ; thì trong tiếng quạt vù vù, dưới những chiếc ô xanh đỏ, bên các nồi lẩu được chế biến theo các cung cách lạ lẫm là những gương mặt đỏ bự, là tiếng “zô, zô...” như muốn thi nhau hét càng to càng tốt. Rồi vô khối ngôn từ tục tằn được tung ra như là thứ ngôn ngữ “tiền văn hóa” đang được ưa chuộng. Tức là ở các quán nhậu và “bãi bia” đang mọc lên như nấm, đối với nhiều người thì đôi khi, sự lịch lãm đã trở thành một sáo ngữ hơn là một giá trị thực hành.

Nếu như coi việc sử dụng ngoại tệ để nhập một số mặt hàng “không được Nhà nước khuyến khích nhập” là một căn nguyên của tình trạng xa xỉ trong tiêu dùng, thì việc một bộ phận người lớn thả sức vung tay mua sắm hàng hiệu, chơi bời, nhậu nhẹt cũng là một căn nguyên trực tiếp ảnh hưởng tới hành vi tiêu dùng của xã hội nói chung. Dẫu đồng tiền chi tiêu cho hành vi đó là đồng tiền “sạch” và người ta có quyền chi tiêu thì trước cộng đồng, sự chi tiêu ấy lại không chỉ có ý nghĩa cá nhân. Nó tác động tới tâm lý tiêu dùng của người khác, và nếu không được điều chỉnh sẽ dễ đẩy tới tình trạng tiêu dùng tiêu cực, lãng phí, bừa bãi, bất chấp hệ lụy là hiện tượng bắt chước, đua đòi, bất chấp cả sự phản cảm so với số đông. Bên cạnh đó, dù thiện chí cũng khó có thể bỏ qua vai trò của truyền thông đối với tiêu dùng xã hội. 

Hàng chục năm nay, trên các phương tiện truyền thông nhan nhản tin ảnh quảng cáo hàng hóa cao cấp có nguồn gốc nước ngoài, thường gắn liền với các tiêu chí đại loại như “hàng đầu”, “bán chạy nhất”, “thế giới ưa chuộng”. Và lối sống tiêu thụ được quảng bá một cách thản nhiên qua mấy pha quảng cáo giật gân nhắm vào sự tò mò và thị hiếu tiêu dùng của công chúng. Đó là hình ảnh phóng xe bạt tử, đua nhau lao như tên bắn bất chấp luật giao thông chỉ để giành nhau một chai nước ngọt,... với mấy lời quảng cáo sáo rỗng nhưng có khả năng tác động đến sự nhẹ dạ và thói chuộng lạ của con người, tỷ như: “người đàn ông đích thực”, “cả thế giới trong ngôi nhà của bạn”... Cùng với đó là một số bộ phim Việt Nam mà bối cảnh hầu như chỉ có nhà cao cửa rộng với các loại đồ đạc đắt tiền, tiện nghi hiện đại, đèn đuốc sáng choang, trai thanh tóc phết “keo” dựng đứng, gái lịch váy áo xúng xính và luôn cố tỏ ra sành điệu, rồi lái ôtô “xịn”, nhấm nháp rượu Tây...

Từ bối cảnh của hành vi thỏa mãn nhu cầu đang diễn biến phức tạp từ đô thị tới nông thôn, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam sẽ chỉ có ý nghĩa nếu các mục tiêu của Cuộc vận động đạt tới, hướng hành vi tiêu dùng của mọi người Việt Nam tới sự đúng mực, lành mạnh. Để có sự đúng mực, lành mạnh ấy, trong rất nhiều việc phải làm, chúng ta cần hết sức quan tâm tới vai trò của văn hóa. Một tài liệu nghiên cứu khẳng định vai trò của văn hóa với hành vi của người tiêu dùng gồm: văn hóa biến nhu cầu tự nhiên của người tiêu dùng thành mong muốn; văn hóa ấn định giá trị, sự cảm thụ, sự ưa thích của mỗi người tiêu dùng; văn hóa ấn định cách cư xử của người tiêu dùng để được xã hội chấp nhận,... 

Khi văn hóa đã trở thành yếu tố cấu thành nhận thức thể hiện qua hành vi của người tiêu dùng sẽ đưa tới lòng tự trọng, có thể làm con người xấu hổ khi hành vi tiêu dùng xa xỉ của mình có thể làm tổn thương người khác. Tuy nhiên, dẫu văn hóa có vai trò quan trọng như thế nào thì vào lúc nhu cầu tiêu dùng của xã hội đã tăng lên và mở rộng rất nhiều thì cần phải sớm tính đến chất lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu. Điều này đã và đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, vì phải thừa nhận đến hiện tại, hầu như chúng ta chưa có hàng hóa đích thực Việt Nam vừa chất lượng, vừa giá hợp lý, đủ sức thuyết phục, hấp dẫn số người tiêu dùng. Chưa nói rằng phải chăng vì lợi nhuận, mà người ta vô tình (cố tình) “giết” sản xuất trong nước bằng cách nhập khẩu những mặt hàng Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất? Và khi tình trạng như vậy còn tiếp diễn, có lẽ cũng nên cân nhắc trước khi trách cứ ai đó đã và đang chuộng hàng ngoại, vì xã hội đâu có đáp ứng được nhu cầu của họ!

VietBao.vn (Theo Đại đoàn kết >>>)
http://vietbao.vn/Kinh-te/Hang-xach-tay-va-hang-Viet-Nam/2147696228/88/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét