Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

"Từ khi có chính quyền, cán bộ xa dân nhiều quá"

Ông Vũ Mão: Từ khi có chính quyền đến nay, cán bộ xa dân nhiều quá
“Tôi cho rằng những việc làm của Bí thư Hà Nội và TPHCM là biểu hiện tốt và cần thiết. Đó cũng phần nào nói lên việc cán bộ lãnh đạo ngày hôm nay đã trở về gần với dân…”, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trao đổi với Infonet.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc
 hội trao đổi với phóng viên Infonet. (Ảnh: Xuân Tùng)
- Thưa ông, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, sau khi nhậm chức Bí thư TPHCM, ông Đinh La Thăng đã chụp ảnh selfie với người dân tại đường hoa Nguyễn Huệ. Sau đó ít ngày, tân Bí thư Hà Nội và Chủ tịch Hà Nội đã xắn quần, lội ruộng cấy lúa cùng người dân. Quan điểm của ông về những việc làm trên thế nào?

Ông Vũ Mão: Tôi cho rằng những việc làm như vậy là tốt và cần thiết. Đó cũng phần nào nói lên việc cán bộ lãnh đạo ngày hôm nay đã trở về gần với dân. Đây là điều đáng mừng vì cán bộ lãnh đạo ngày hôm nay đang học tập và trở về dần với phong cách của cán bộ cách mạng ngày xưa.
Trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến có thể nói cán bộ hoạt động rất sát cơ sở, kể cả lãnh đạo cấp cao: Tổng Bí thư, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng… đi vào trong dân, dân nuôi, gắn với dân để có cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Vì vậy, tôi nghĩ cái đó là rất cần thiết và thể hiện cán bộ lãnh đạo ngày hôm nay bước đầu đang có hướng học tập lớp người đi trước, phát huy những phẩm chất cần thiết của người lãnh đạo chân chính.
Tuy nhiên đây chỉ là việc làm ban đầu, biểu hiện đầu tiên. Điều đó là tốt,  chúng ta trân trọng. Các đồng chí ấy đã ghi được dấu ấn những ngày đầu xuân. Nhân dân cảm thấy dễ chịu, hài lòng. Nhưng điều quan trọng hơn là người lãnh đạo phải có tư duy theo tinh thần đổi mới, cần phải có cái nhìn tổng thể, mang tính chiến lược. Vì ở 2 thành phố lớn – thành phố đầu tàu của đất nước rất cần những việc làm đi tiên phong trong đổi mới tư duy, trong hành động, trong kinh tế, trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Qua các hành động trên, tôi cảm thấy vui một chút, hài lòng một chút và cũng là tín hiệu đáng mừng nhưng “hãy chờ đấy” để xem xét và đòi hỏi thực chất của những việc làm tiếp theo, kiên quyết không “đánh trống bỏ dùi”. Nghĩa là cần phát huy một cách đầy đủ hơn và sâu sắc hơn.
- Ông vừa cho rằng cần phải phát huy đầy đủ và sâu sắc hơn. Cụ thể, cần phải phát huy như thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Mão: Như tôi đã nói, đó là biểu hiện bên ngoài, ban đầu của những người mới nhận nhiệm vụ. Nó góp phần thay đổi hình ảnh của người lãnh đạo ở 2 thành phố này so với giai đoạn trước.
Thực ra ở giai đoạn trước cũng có rất nhiều những hình ảnh của lãnh đạo thành phố như ở Thủ đô Hà Nội có các đồng chí tiêu biểu trước đây Bí thư Thành uỷ Lê Văn Lương, Chủ tịch UBND TP bác sỹ Trần Duy Hưng; ở TPHCM có đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt.
Thực ra so với trước đây điều này không có gì mới và các đồng chí lãnh đạo đã  làm rất nhiều rồi, nhưng ngày hôm nay lâu quá rồi mới có biểu hiện như vậy thì đó là dấu ấn tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải thể hiện được các vấn đề có chiều sâu, thể hiện một tư tưởng lớn, tư duy có tầm chiến lược mà lại thiết thực. Phải đổi mới cả về nội dung lãnh đạo, phương thức lãnh đạo ở 2 thành phố lớn này
- Ông có thể nói cụ thể hơn về những vấn đề này?
Ông Vũ Mão: Cần bắt tay triển khai một số việc như sau:
Một là, cần có Chương trình hành động để thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đương nhiên phải gắn với việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng thành phố. 
Hai là, cần nghiên cứu, tổng kết một cách khách quan những việc đã làm được và chưa làm được của các thế hệ lãnh đạo trước đây để xem cái gì hay thì phát huy, cái gì còn yếu kém thì khắc phục. Cần khắc phục một tâm lý thường có của người lãnh đạo mới là ít coi trọng những việc đã làm được của người đi trước. Theo tôi, từ khi thành lập Đảng đến nay, các thế hệ đi trước có rất nhiều cái hay để cho chúng ta học tập.
Ba là, cần quan tâm nghiên cứu bổ sung quy hoạch tổng thể của 2 thành phố.
Không dám phủ nhận tài năng của các nhà lãnh đạo, nhưng phải công nhận một thực tế là trong một thời gian dài, chúng ta còn mang nặng tư duy của những người sản xuất nhỏ vào việc chỉ đạo quy hoạch. Hậu quả là quy hoạch chắp vá, chồng chéo dẫn đến lãng phí, kém hiệu quả.
Muốn kiểm tra mức độ chính xác của nhận xét này thì hãy lắng nghe ý kiến của người dân, nhất là đội ngũ trí thức để nghe sự đánh giá của họ.
Tôi nhớ lại, cách đây hơn 20 năm, khi duyệt quy hoạch của thành phố Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã không chấp nhận đề nghị của thành phố là dân số sau 20 năm sẽ là 8 triệu người mà chỉ chấp nhận 5 triệu người. Thực tế hiện nay dân số thành phố Hồ Chí Minh đã gần 8 triệu người. Đó có phải là tầm nhìn của lãnh đạo?
Còn Hà Nội ư! Năm 1954, khi về tiếp quản Thủ đô thì Hà Nội rất nhỏ bé, sau đó cứ phát triển lên một cách tự phát. Khu Kim Liên, Ngã Tư Sở, Giảng Võ, Ngọc Hà... là vậy. Hiện nay, toàn bộ đường sá, cấp thoát nước, vấn đề môi trường... đang ở trong tình trạng bất cập.
Nói như vậy để thấy, những việc làm đầu xuân của Bí thư 2 thành phố lớn của đất nước là rất đáng trân trọng nhưng chỉ là việc làm đầu tiên, mang tính tượng trưng rất cần thiết và phản ánh nỗ lực, tư duy mới của người lãnh đạo. Tuy nhiên, đòi hỏi cao hơn của người lãnh đạo là phải có tầm tư duy chiến lược, phải có nội dung thiết thực để tạo bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới.
Vậy ông nói sao về cách làm hình ảnh của hai tân Bí thư Hà Nội và TPHCM vừa qua?
Ông Vũ Mão: Tôi nghĩ cuộc sống rất phong phú và đa dạng, mỗi hình ảnh có một cái hay riêng. Hình ảnh của anh Đinh La Thăng có cái hay ở chỗ rất dân dã, gần gũi với người dân. Gần gũi với người dân thì sẽ nghe được ý kiến thật của người dân. Đấy là điều tốt.
Tôi rất hiểu anh Đinh La Thăng, một người đi lên từ cơ sở, từ phong trào. Một con người gần gũi, biết lắng nghe và cũng rất quyết đoán.
Còn hình ảnh của anh Hoàng Trung Hải, anh Nguyễn Đức Chung về với bà con, cấy lúa với bà con là hình ảnh đẹp. Bản thân các anh trước đây cũng xuất thân trong các gia đình nông dân. Điểm xuất phát từ đó, rồi các anh cũng sẽ trở về vị trí của một người dân, hoặc nói theo dân dã là chúng ta đề trở về làm “phó thường dân”. Do vậy, mình làm được cái gì cho dân thì cố gắng làm. Còn vừa qua biểu hiện quan cách nhiều quá. Cái này là điều không tốt. Bác Hồ vẫn dạy, chúng ta phải là công bộc của dân, đầy tớ của dân.
Thực ra, từ khi chúng ta có chính quyền đến nay, cán bộ xa dân nhiều quá cho nên bây giờ phải trở về với dân, làm được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
Ông vừa cho rằng, hiện có rất nhiều cán bộ quan cách, xa dân, vậy phải làm thế nào để nhân rộng những việc “gần dân” như trên đã nêu?
Ông Vũ Mão: Theo tôi trước hết bản thân cán bộ phải ý thức được việc làm của mình. Trước hết là họ phải tự hiểu điều đó để rèn luyện, cố gắng gần dân nhiều hơn. Việc làm ấy là để giúp cho hiểu dân hơn và đề ra được các chủ trương chính sách xuất phát từ nguyện vọng của dân.
Cùng với ý thức của mỗi người thì công tác quản lý là rất quan trọng. Công tác quản lý, sự chỉ đạo của cấp trên lâu nay thường đơn giản, đa số là chỉ đạo bằng mệnh lệnh, thậm chí bằng miệng.
Theo tôi, bây giờ chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền thì công tác quản lý của người lãnh đạo theo tôi phải luật hóa, phải quy chuẩn hóa.
Ví dụ như việc làm của lãnh đạo Hà Nội vừa qua là tự phát, còn muốn xây dựng thành nề nếp trong mọi công việc thì phải có những quy định rõ ràng.
Thưa ông, có thể thấy, hiện nay một số quan chức đã quan tâm hơn đến việc làm hình ảnh;  tuy nhiên, cách làm hình ảnh thường gắn với những sự kiện được tổ chức hoành tráng dẫn đến việc nhiều người nghi ngờ quan chức đang diễn. Vậy theo ông phải làm thế nào cho việc này trở lên thực chất?
Ông Vũ Mão: Mỗi người có thể có một cách nhìn, một cách bình luận. Nhưng đây là ngày Tết, xuống thăm bà con mà làm được như vậy thì cũng là một biểu hiện hay. Người ta có thể hiểu, đây là cách PR hình ảnh nhưng PR như thế là tốt chứ sao! Nhân dân khen mà, vì nếu xấu thì bị phê phán ngay.
Tất nhiên đấy mới là một góc cạnh, chưa toàn diện, chưa đầy đủ thì phải hoàn thiện thêm nội dung đó. Như tôi đã nói muốn vậy thì phải biến thành quy chuẩn, quy tắc trong ứng xử, trong quan hệ làm việc.
Đây là việc làm nhỏ, từ đó chúng ta nghĩ đến cái lớn hơn theo những quy chuẩn nhất định. Chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh thì phải tổng kết lại, nâng dần lên thì mới đạt được một xã hội như thế chứ hiện nay thì chưa ổn.
Theo tôi qua cái này chúng ta phải mở rộng hơn lên, phải coi trọng như là một nếp sống văn hóa. Đã là nếp sống văn hóa thì phải xây dựng thành văn bản pháp luật.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Xuân Tùng (thực hiện
http://infonet.vn/ong-vu-mao-tu-khi-co-chinh-quyen-den-nay-can-bo-xa-dan-nhieu-qua-post191313.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét