Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Người dân VN 'bớt lạc quan về tương lai'

Người dân VN 'bớt lạc quan về tương lai'
So với báo cáo 2011, tỉ lệ lạc quan của người dân Việt Nam giảm đi. Một khảo sát mới tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ lạc quan của người dân về tương lai giảm đi so với vài năm trước. Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và Ngân hàng Thế giới vừa công bố Báo cáo “Việt Nam chuyển đổi - Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam”.

Khảo sát gọi tắt là CAMS 2014 có sự tham gia của 1600 cá nhân thuộc 10 nhóm đối tượng đến từ các cơ quan nhà nước, chính phủ, UBND và sở ngành các tỉnh, cơ quan Quốc hội, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp dân doanh, cơ quan báo chí.



Giảm lạc quan

Mặc dù tất cả đều lạc quan về tương lai, nhưng tỉ lệ lại giảm đi so với khảo sát CAMS 2011.

Mức độ lạc quan về tương lai trong khảo sát CAMS 2014 là 63% trong khi kết quả CAMS 2011 là 67%.

Một số nhóm có tỷ lệ lạc quan giảm, bao gồm đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (-30%), cơ quan Đảng ở Trung ương (-12%) và cơ quan Chính phủ và các bộ ngành (-12%).

Trong khảo sát, duy nhất một nhóm lạc quan về tương lai hơn so với 2011 là UBND và các sở ngành cấp tỉnh (75%, so với 71% năm 2011).
Trong chỉ dấu cho thấy kinh tế Việt Nam đang phục hồi, 41% người trả lời đồng ý với nhận định “tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay tốt hơn so với 5 năm trước”, và có 23% không đồng ý với nhận định này.

Nhưng chỉ có 19% người trả lời hài lòng với tình hình hiện tại của nền kinh tế. Cần ghi nhận rằng so với 2011, tỷ lệ người trả lời CAMS 2014 hài lòng với tình hình kinh tế hiện tại tăng nhẹ, (2%).
Nhóm Các cơ quan Quốc hội có mức độ hài lòng với nền kinh tế hiện nay cao nhất (27%), tiếp đến là Nhóm UBND và sở, ngành cấp tỉnh, thành phố (26%) và Nhóm Doanh nghiệp dân doanh trong nước (23%).

Ba nhóm có tỷ lệ hài lòng với nền kinh tế hiện nay thấp nhất là từ các cơ quan báo chí (4%), Tổ chức nghiên cứu, giảng dạy (4%) và đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (6%).

Có tới 70% người trả lời cho rằng nguyên nhân bất ổn kinh tế 5 năm qua là vì mô hình kinh tế thị trường là tốt, nhưng do việc triển khai sai lệch của cán bộ gây nên.

Gần một nửa (47%) đánh giá khoảng cách phân hóa giàu nghèo trong 10 năm qua (2005-2014) là lớn/rất lớn.

Ba nhóm có tỷ lệ cao nhất cho biết khoảng cách này là lớn/rất lớn là cơ quan báo chí (72%), Các cơ quan Đảng ở Trung ương (66%) và nhóm Đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (61%).

Khảo sát tiến hành năm 2014, kết thúc vào tháng Chín tại Hà Nội, TP.HCM và Nghệ An.

Các tác giả báo cáo nhận định: “Người dân nhìn thấy một nền kinh tế thị trường chưa hình thành đầy đủ, vận hành song song với một nền kinh tế nhà nước còn ảnh hưởng rất lớn, và tình trạng ‘lưỡng thể’ này khiến cho tốc độ chuyển đổi sang kinh tế thị trường cũng như tốc độ chuyển từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân ở Việt Nam trong mấy năm gần đây chậm hẳn lại.”

Họ cũng chỉ ra rằng mặc dù quá nửa số người tham gia điều tra vẫn có niềm tin ở tương lai của con em, song tỷ lệ niềm tin trong CAMS 2014 đã giảm so với CAMS 2011.

http://www.bbc.com/vietnamese/business/2015/07/150725_khao_sat_cams_vietnam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét