Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Điển tích "mọc sừng" và "cắm sừng" từ đâu mà có?

Điển tích "mọc sừng" và "cắm sừng" từ đâu mà có?
Rất nhiều người dân Việt Nam dùng từ “mọc sừng” hay “cắm sừng” để chỉ người chồng/vợ bị người bạn đời của mình phản bội, ngoại tình. Thế nhưng từ “mọc sừng” bắt nguồn từ đâu và nguyên nghĩa là gì không phải ai cũng biết.

Ảnh minh họa.
Xuất hiện từ thời Pháp thuộc
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội cho rằng, từ “mọc sừng” xuất hiện ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc, được dịch từ tiếng Pháp là Cocu. Đối với Người Pháp, khi chế giễu người đàn ông “mọc sừng” (bị cắm sừng) người ta thường dùng từ “Cocu hay Coucou”. Theo truyền thuyết Âu châu từ xa xưa, chữ “cocu hay cocou” xuất phát từ tiếng Pháp, chỉ con chim coucou, một giống chim không biết làm tổ, chuyên đi đẻ nhờ vào tổ chim khác. Chuyện con coucou đi đẻ ở một ổ khác được người ta hiểu theo cách giống như một người đàn ông bị vợ phản bội, đi quan hệ với một người đàn ông khác. Nghĩa là không phải người ta đến cướp vợ/chồng mà đó là hành động tự nguyện.

GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam cho rằng, có những câu nói cửa miệng hàng ngày nhưng rất ít người để ý và biết nguồn gốc nó xuất phát từ đâu. Từ “mọc sừng” cũng là một loại như vậy, có rất nhiều cách lý giải khác nhau về nguồn gốc của từ này, tuy nhiên cách lý giải nào là đúng nhất thì không ai chứng minh được. Có những tài liệu phân tích cũng có lý rằng ngày xưa trong thần thoại Hy Lạp, các vị thần được tái hiện đều có sừng trên đầu, như một biểu trưng của sức mạnh.

Theo các luận cứ đó, ý nghĩa xấu xa của câu “bị cắm sừng” khởi đầu liên quan tới hoàng đế Andromic I Comin xứ Vizantin, nắm quyền trong một thời gian ngắn từ năm 1183 - 1185. Chỉ trong 2 năm trị vì, Andromic đã cai trị dân chúng bằng những biện pháp tàn khốc, trả thù một cách man rợ những người chống đối cũ và rất có biệt tài chinh phục phụ nữ một cách dâm loạn. Nhà vua tống chồng các cô nhân tình vào ngục để dễ bề thỏa chí dục vọng, còn trước cửa nhà họ, cho đặt đầu hươu nai, hoặc thủ cấp động vật có sừng khác mà ông kiếm được trong những dịp đi săn. Từ đó xuất hiện câu “Để người ta cắm sừng lên đầu mình” đồng nghĩa với những nỗi bất hạnh mà các ông chồng kia phải gánh chịu. Tới năm 1185, thất trận, vua bị nhục hình nhổ răng, nhổ tóc, móc lòi một bên mắt, chặt đứt một cánh tay và chết ngày 11/9/1185. 

Nhiều giả thuyết khác nhau

Trong văn học, người Hy Lạp, La Mã cổ đại cũng dùng từ “mọc sừng” để chỉ những gã chồng khờ, có vợ ngoại tình mà không biết. Nhà văn Nicétas viết tiểu sử hoàng tử Andronicus có đoạn: “Ngài treo nhiều cặp sừng thú mà ngài săn được trên các cây cột trong nhà để giễu cợt những vị anh hùng bị mọc sừng”. Sách cũng kể rằng: “Cặp sừng đặc biệt đó giống như sừng dê, một con vật được coi là dâm dật nhất trong tất cả các loài thú”. Truyền thuyết cổ Ai Cập cũng kể chuyện về vị thần cai quản thượng giới là Jupiter đã biến ra con bò có sừng để trăng hoa với người đẹp Europe, khiến hoàng hậu thời đó là Pasiphac hạ sinh cho vua Minos một hoàng tử có sừng. Tất cả những truyền thuyết trên, những sự tranh cãi về sự ra đời của chiếc sừng, thật ra, cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Trong thế giới của các thần trên đỉnh Olympia, cho tới thế giới trần gian, cặp sừng đã có và sẵn sàng cắm lên trán bất kỳ ai lơ đễnh. Vị hoàng đế được cắm nhiều sừng nhất là Claude, nhà vua thứ ba trong dòng Ceasar ở La Mã. Trong lúc ngài xông pha trận mạc, chinh phục xứ Gaule, vợ của ngài là hoàng hậu Messali hạ sinh được một đứa con trai. Khi trở về, biết chuyện, ông cũng đã xử tử vợ, nhưng cặp sừng trên trán thì vẫn bị chế giễu, không sao nhổ đi được. 

Sau đó, vua Claude tục huyền với nàng Agrippine, một thiếu phụ chuyên cắm sừng chồng, bà này có đứa con riêng là Néron, bà đã đầu độc vua Claude và đưa Néron lên ngôi thành một bạo chúa. Ngay đại anh hùng Pháp quốc, như Napoleon, khi chiến chinh xa cũng bị hoàng hậu Josephine liên tiếp cho mọc sừng trên đầu nhưng ông vẫn tha thứ.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, tất cả các giả thuyết đó được đưa ra đều có cơ sở. Còn nguồn gốc từ “mọc sừng” ở Việt Nam chắc chắn là do người Pháp du nhập vào mà có, chứ không xuất phát từ bất cứ một điển tích nào trong nước.

Bị “cắm sừng” là ngu?


Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, ở Việt Nam, việc một người đã có gia đình rồi mà ngoại tình là “tội tày trời”, đáng “gọt gáy bôi vôi” thả trôi trên sông nước. Người đàn ông mà bị “cắm sừng” thì bị coi là một người yếu kém, “ngu” vì bị vợ lừa bỏ đi theo trai mà không biết. Những con có sừng như con bò, con trâu, vốn được coi là những con vật ngu ngốc, “ngu như bò”. Dân gian ta cũng vốn ví những người có trí tuệ kém giống như con vật có sừng là trâu, bò. Vì thế, khi nói đến việc đàn ông bị cắm sừng, tức là những người đàn ông trí tuệ kém. Đây là quan niệm dù có những thay đổi nhưng có lẽ xuất phát từ đó mà từ “mọc sừng” được mặc nhiên công nhận gắn cho những người có chồng/vợ ngoại tình. Bản thân những câu chuyện đưa ra lý giải cho từ này cũng chưa có gì chắc chắn là thật, có thể chỉ là hư cấu nhưng ít nhiều đó là những cách lý giải làm thỏa mãn trí tò mò muốn biết của con người.

TS Ngô Đức Thịnh cho biết, giống như chúng ta vẫn nói “sư tử Hà Đông”, rõ ràng địa danh Hà Đông trong câu nói đó là ở Trung Quốc chứ không phải Hà Đông ở Việt Nam, nhưng người ta quen miệng dùng nên nó thành phổ quát. Từ “mọc sừng” có lẽ cũng như vậy, tại sao lại là sừng chứ không phải là bộ phận nào khác? Có lẽ cách lý giải gần gũi với văn hóa người Việt nhất là những con vật được ví như ngu nhất thường có sừng, nên người đàn ông có vợ ngoại tình bị so sánh như con vật có sừng ngu ngốc đó. Mãi sau này, từ “cắm sừng” mới sử dụng cho cả đàn bà. Rất khó để truy nguyên nguồn gốc cặn kẽ, thực sự của từ đó, tùy theo quan niệm của mỗi người, mỗi vùng mà tin vào cách lý giải nào gần gũi với mình nhất. Phong Lâm

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, ngày nay, rất nhiều quan niệm xã hội thay đổi, định kiến về những việc như ngoại tình, có con ngoài giá thú... cũng đã khác dù xã hội lên án, không ủng hộ. Việc người ta sử dụng từ “mọc sừng” khi nói về một người chồng/vợ bị phản bội đa phần là câu cửa miệng, chứ cái hàm nghĩa mắng là ngu dốt, tầm nhìn hạn hẹp, năng lực yếu kém... gần như rất hiếm gặp.

http://vietbao.vn/The-gioi/Dien-tich-moc-sung-va-cam-sung-tu-dau-ma-co/150530831/162/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét