Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Thế kỷ 1 loài người sống thế nào ?

Nhìn về cuộc sống thế kỷ... 1 của loài người
(Dân trí) - Thế kỷ thứ nhất sau công nguyên là một thời kỳ lịch sử đã quá xa xôi với chúng ta hôm nay, tuy vậy, thời ấy không hề giống như cách chúng ta từng nghĩ và lầm tưởng.
Rome là thành phố lớn nhất thế giới
Với dân số 800.000 - 1 triệu dân, Rome là thành phố lớn nhất, 
quyền lực nhất thế giới ở thời kỳ này.

Dân số thế giới vào khoảng 231 triệu người


Dân số thế giới khi đó chỉ gần bằng dân số Indonesia hiện nay. Ở thời kỳ này, đa số các cộng đồng dân cư sống tập trung xung quanh những con sông lớn với quan niệm “nhất cận thị, nhị cận giang” - sống gần sông được cho là có nhiều thuận lợi.

Những con sông nổi tiếng nhất khi đó bao gồm sông Hằng (chảy qua Ấn Độ và Bangladesh), sông Tích Giang (chảy qua Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq), sông Trường Giang (Trung Quốc), sông Nin (chảy qua Ethiopia, Sudan, Ai Cập, Uganda, Congo, Kenya, Tanzania, Rwanda, Burundi, Nam Sudan), sông Po (chảy qua Ý, Thụy Sĩ, Pháp).

Phụ nữ có rất ít quyền trong lĩnh vực chính trị và kinh tế


Phụ nữ ở thời kỳ này hầu như không hề biết đến sự độc lập kinh tế. Ở những thế kỷ đầu tiên này, thái độ “trọng nam khinh nữ” thể hiện rất rõ nét. Khi một phụ nữ đi làm thuê, lương của cô ấy sẽ được chuyển đến tay cha, anh trai hoặc chồng. Ngoài ra, phụ nữ cũng không có quyền bỏ chồng, trong khi đó, đàn ông lại có quyền ruồng rẫy vợ, lấy thêm vợ hoặc thậm chí trả vợ về cho nhà đẻ.

Dân số Trung Quốc ước đạt 57.671.400 người


Được coi là một trong những quốc gia lâu đời nhất thế giới, triều đại nhà Hán ở Trung Quốc rất quan tâm việc kê khai nhân khẩu để duy trì tốt việc thu thuế và gọi nhập ngũ. Ngay từ những thế kỷ đầu tiên này, Trung Quốc đã luôn chiếm một tỉ lệ lớn trong tổng dân số thế giới.

Chiếc “máy bán hàng tự động” đầu tiên bán nước thánh


Các máy bán hàng tự động thô sơ đầu tiên đã được phát minh ra từ thế kỷ thứ nhất tại thành phố Alexandria của Ai Cập. Những chiếc máy này bán nước thánh. Khi một đồng xu được bỏ vào khe đút tiền, nó sẽ làm một chiếc nút bần bật ra khỏi chai và nước thánh sẽ tự động chảy ra.

Con người bắt đầu có sách


Trước đây, con người dùng da động vật để viết nhưng bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất, người ta đã nghĩ ra cách buộc những thẻ tre, thẻ gỗ lại với nhau để tạo thành những cuốn “sách tre”.

Đàn ông thường tới nhà tắm công cộng để giải trí


Nhà tắm công cộng từng là một nét văn hóa đặc biệt của người La Mã. Sau khi kết thúc một ngày làm việc, đàn ông ở mọi lứa tuổi, mọi thứ bậc trong xã hội đều đổ về các nhà tắm công cộng. Họ chuyện trò, giải trí, bàn luận… Nhà tắm công cộng thời đó thực sự là một tụ điểm văn hóa, trong đó có cả phòng chơi thể thao, phòng tập thể dục, phòng ăn.

Võ sĩ giác đấu nổi tiếng như những ngôi sao điện ảnh


Dù các cuộc chiến của võ sĩ giác đấu bạo lực, đẫm máu nhưng đây được coi là trò giải trí yêu thích nhất của người dân La Mã. Đa số võ sĩ giác đấu đều là tội phạm, nô lệ, tù nhân chiến tranh nhưng nếu những con người này chiến đấu giỏi và liên tục giành chiến thắng, họ sẽ trở nên nổi tiếng và nhận được nhiều tiền thưởng của giới thượng lưu.

Đua xe ngựa là môn thể thao phổ biến nhất


Giống như các cuộc chiến sinh tử của võ sĩ giác đấu, đua xe ngựa cũng là một môn thể thao nguy hiểm, thường dẫn tới cái chết của những người đua xe hoặc ngựa kéo khi xe ngựa bị lật nhào. Tuy vậy, tính chất khốc liệt của môn thể thao này càng khiến nó trở nên phổ biến và được yêu thích. Mỗi khi trường đua xe ngựa Circus Maximus - trường đua cổ nhất thành Rome - tổ chức thi đấu, khoảng 200.000 người sẽ đổ tới xem.

Thời này đã xuất hiện những kẻ khủng bố


Những kẻ khủng bố đầu tiên được biết tới trong lịch sử chính là những kẻ “đâm trộm” hoặc “đâm thuê chém mướn”. Ở thời kỳ này, tại các thành phố La Mã có một nhóm những người Do Thái bất đắc chí, âm thầm chống lại sự thống trị của các vị vua La Mã. Nhóm người này thường sử dụng những con dao găm, lén đâm chức sắc La Mã trên phố rồi hòa vào đám đông lẩn trốn. Người ta có hẳn một từ để gọi nhóm người này, đó là “Sicarri” - “kẻ cầm dao”.

Áo dài thắt ngang lưng rất phổ biến


Đa số đàn ông và phụ nữ La Mã cổ đại đều mặc áo dài thắt ngang lưng, chiều dài và thiết kế của những chiếc áo thể hiện đẳng cấp xã hội của người mặc. Giới thượng lưu mặc áo dài và có những dải sọc, nô lệ và người lao động mặc áo ngắn trên đầu gối để có thể di chuyển dễ dàng.

Bích Ngọc, Theo BI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét