Lòng tốt của người lạ 
.
Nguyễn Hùng BBC Tiếng Việt 
Hai em bé giữa cảnh đổ nát ở Tacloban, Philippines
Hơn 10 triệu người Philippines bị ảnh hưởng bởi bão Hải Yến 
Tin siêu bão đổ bộ vào Philippines làm cả vạn người chết cuối tuần trước đã gây sốc và thúc giục nhiều chính phủ và người dân của nhiều nước chung tay cứu giúp.
Mặc dù con số 10.000 người chết được đưa ra lúc đầu không hoàn toàn chính xác, nhưng ngay cả con số hơn 2.000 người được xác nhận đã thiệt mạng cũng là quá lớn.
Vì vậy nhiều nước đã có những phản ứng tức thì để trợ giúp.
Trong bài 'Sự tử tế của người lạ' hôm thứ Năm, báo Metro của Anh liệt kê các khoản đóng góp tính tới ngày 14/11.
Anh đứng đầu với hơn 24 triệu đô la, theo sau là Hoa Kỳ với hơn 20 triệu, Ủy hội châu Âu gần 11 triệu, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất và Nhật Bản hơn 10 triệu, Úc hơn 9 triệu và Hàn Quốc gần 5 triệu.
Vào thời điểm đó Trung Quốc mới cam kết hơn 200.000 đô la dù sau này đã tăng con số này lên 1,6 triệu đô la.
Nhưng các nước khác cũng đã tăng viện trợ của họ trong đó Anh đã tăng gấp đôi viện trợ từ mức 24 triệu đô la lên 80 triệu trong khi người dân Anh cũng đóng góp 53 triệu đô la.
Anh và Hoa Kỳ cũng gửi tàu chiến, tàu bệnh viện, máy bay quân sự tới tham gia cứu trợ.
Phản ứng khác nhau
Khoản trợ giúp 100.000 đô la cho Philippines mà Trung Quốc lúc đầu công bố đã gây nhiều bức xúc.Người ta đã so sánh con số này với khoản cứu trợ 450.000 đô la mà Philippines giúp Trung Quốc trong đợt động đất Tứ Xuyên hồi năm 2008.
Một trang blog nói con số 100.000 đô la mà Bắc Kinh tuyên bố ban đầu chỉ bằng nửa giá chiếc giường đắt nhất được rao bán ở Bắc Kinh.
Ngay cả với khoản trợ giúp đã tăng lên gấp nhiều lần, Trung Quốc vẫn đứng sau rất nhiều nước về mặt cứu trợ cho hơn 10 triệu người Philippines đang bị ảnh hưởng.
Điều này gây ngạc nhiên khi Trung Quốc nay đã là nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới và đang được xem là cạnh tranh với Hoa Kỳ để nhận lấy vai trò lãnh đạo thế giới trong tương lai.
Một số thủ đô khác trên thế giới đã có phản ứng nhanh và có vẻ hợp lý hơn so với Bắc Kinh.
Cũng không loại trừ khả năng các nhà lãnh đạo thế giới khác theo dõi tin tức sát hơn, hiểu được ý nghĩa của hành động nhân đạo đối với hình ảnh của đất nước và đã quen với việc trợ giúp nhân đạo.
Tinh thần dân tộc
Nhưng người ta cũng nói một trong những lý do khiến Bắc Kinh không nhiệt tình như một số nước khác là họ có tranh chấp biển đảo với Philippines.
Trong năm ngoái hai nước đã đưa tàu chiến tới khu vực quanh đảo mà tiếng Việt gọi là Bãi Cỏ Mây khi căng thẳng leo thang.
.
 Cảnh tàn phá ở Tacloban
Người ta cho rằng Trung Quốc để tranh chấp lãnh hải ảnh hưởng tới cứu trợ 

Philippines cũng đã kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế để giải quyết tranh chấp lãnh hải.
Mặc dù vậy, chính báo chí Trung Quốc cũng chỉ trích giới lãnh đạo để căng thẳng trong quan hệ ảnh hưởng tới việc cứu giúp nạn nhân của thảm họa thiên nhiên.
Cách hành xử của nước mà đôi khi báo chí Việt Nam gọi là "nước lạ" đã ảnh hưởng tới uy tín quốc tế của họ.
Nó cũng cho thấy không phải khi nào cách hành xử theo "tinh thần dân tộc" của chính quyền cũng được người dân ủng hộ.
Người ta cũng từng nhận định cốt lõi của tinh thần dân tộc là "sự thù ghét những người khác" trong khi lòng yêu nước lại hàm chứa sự "yêu thương những người xung quanh mình".
Dựa vào cách suy nghĩ này thì những nước có tinh thần dân tộc cao có nhiều khả năng sẽ khó vượt qua sự thù hận để cứu giúp đồng loại gặp thiên tai và ngược lại.