Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Chủ đầu tư 14 nhà VSCC “thách” 500 triệu

Chủ đầu tư 14 nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội “thách đấu”
Trong khi rất nhiều công ty báo giá nhà vệ sinh công cộng cố định bằng thép không gỉ chỉ vài chục cho đến vài trăm triệu loại 2 buồng hoặc 4 buồng, thì Giám đốc Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội – đơn vị được giao thực hiện dự án - lại tuyên bố: tặng ngay 500 triệu cho ai làm được nhà vệ sinh này với mức giá 300 triệu.
1 tỷ làm được 10 nhà vệ sinh 2 buồng
Theo anh Trung Kiên- Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần đầu tư và phát triển cộng đồng xanh (trụ sở tại Mỹ Đình – Hà Nội), thì giá nhà vệ sinh công cộng cao cấp nhất hiện nay chỉ rơi vào khoảng gần 100 triệu đồng/căn, loại 2 buồng.

“Đây là loại cao cấp nhất mà chúng tôi chuyên thi công cho các đối tác nước ngoài. Loại nhà vệ sinh này ngoài thiết bị xí ngồi bệt ra còn bao gồm cả hệ thống tắm nóng lạnh, vòi hoa sen. Còn với nhà vệ sinh công cộng bằng thép không gỉ, chỉ bao gồm bệt không thì cao nhất cũng chỉ rơi vào khoảng 20 triệu/1 buồng, đã bao gồm thuế VAT và chất lượng cực tốt” – anh Kiên cho biết.

Cũng theo anh Kiên, mức giá này đã bao gồm chi phí vận chuyển, láp rắp, còn chi phí làm đường ống nước, kéo điện… thì công ty anh thi công với mức giá 200.000 đồng/1m.

Như vậy, với mức giá mà nhân viên của công ty này đưa ra, thì 1 tỷ đồng sẽ lắp đặt được 10 nhà vệ sinh cao cấp bằng thép không gỉ loại 2 buồng hoặc 5 nhà vệ sinh cao cấp bằng thép không gỉ loại 4 buồng, có cả hệ thống nóng lạnh và vòi sen, nếu cộng thêm chi phí kéo đường ống nước, xả chất thải, kéo điện… thì cũng chỉ cần thêm 800 triệu cho cả gói này.

Trong khi đó, các nhà vệ sinh này đều được lắp đặt tại những khu vực đông dân cư như: Văn Cao, Quần Ngựa, Ngọc Hà, công viên Cầu Giấy; phố Tôn Thất Thuyết, phố Duy Tân, phố Doãn Kế Thiện, phố Lê Trọng Tấn, ven sông Tô Lịch (đầu ngách 35/163 phố Khương Hạ), khu vực Hồ Điều hòa Đền Lừ, khu vực vườn hoa Ngọc Lâm, khu bến xe bus xóm Hậu (xã Uy Nỗ), khu vực Chợ Trung tâm huyện Đông Anh và khu vực Chợ đầu mối Bắc Thăng Long.


Còn theo anh Quyết, nhân viên Công ty TNHH môi trường công cộng Hà Nội (trụ sở Đan Phượng – Hà Nội), thì loại nhà vệ sinh công cộng thép không gỉ cao cấp nhất hiện nay cũng chỉ rơi vào khoảng 500 triệu đồng loại 4 buồng.

Ngày 31.10, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã ký quyết định cho phép Ban quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép, trong đó có 10 nhà vệ sinh 2 buồng và 4 nhà vệ sinh loại 4 buồng.
Tổng mức đầu tư cho 14 nhà vệ sinh này dự kiến 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, trong đó công tác chuẩn bị đầu tư khoảng 350 triệu đồng, được thực hiện ngay trong cuối năm nay. Dự kiến đến năm 2014 sẽ hoàn thành. 

“Công ty tôi không sản xuất loại nhà vệ sinh này, tuy nhiên theo như thực tế thị trường thì loại nhà vệ sinh bằng thép không gì, tức là bằng innox đắt nhất cũng chỉ rơi vào 500 triệu đồng/căn loại 4 buồng. Đây là loại có diện tích khá rộng và trang bị đầy đủ các trang thiết bị như bệt, tắm hoa sen, hệ thống xả và cả bình nước phía bên trên.

Còn với loại bình thường, 2 buồng chỉ khoảng trên 100 triệu. Loại rẻ hơn nữa như công ty tôi đang sản xuất là bằng nhựa chỉ vài chục triệu đồng/căn 2 buồng” – anh Quyết nói.

Biếu 500 triệu cho ai làm được với mức giá 300 triệu.

Trao đổi với Một Thế Giới, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội cho biết, không thể nào có nhà vệ sinh công cộng bằng thép không gỉ mức giá vài chục hay 200 triệu đến 300 triệu được.

“Nếu mà có như thế tôi xin biếu luôn 500 triệu. Không thể nào có mức giá này” – ông Cường khẳng định

Theo ông Cường, việc đầu tư xây dựng 14 nhà vệ sinh này không hề đơn giản chút nào.

“Đầu tiên là phải xác định địa điểm. Sau khi có địa điểm rồi thì sẽ tiến hành khảo sát xem nơi đó có đông dân cư, đông khách vãng lai không? sau đó mới bắt đầu lên phương án mặt bằng.

Nếu nơi đó là địa điểm chưa có nguồn điện, nguồn nước thì như thế nào? Thì chúng ta lại phải làm nguồn điện, nguồn nước cấp cho dự án đó. Nếu nó ngắn thì ít tiền, mà nó dài thì phải nhiều tiền.

Còn phải có bể chứa nước. Muốn có bể thì phải xây móng, và khi xây bể thì phải là loại bể tốt, hai ba ngăn, phải có ngăn chứa, ngăn lọc rồi mới thải ra cống được, nếu không sẽ ô nhiễm môi trường. Thế cho nên phải có điểm đấu nguồn điện, nguồn nước, cống thoát nước… và cũng phải thoả thuận với các cơ quan chức năng để họ cấp cho. Khi họ cấp thì chẳng lẽ không mất tiền?” – ông Cường giải thích.

Sau khi có bể, có chỗ trữ thì mới đặt được nhà vệ sinh bằng thép vào. Khi đó lại phải mời các nhà sản xuất nhà vệ sinh đưa ra các thông số kỹ thuật, đối chiếu với tiêu chuẩn xem có đáp ứng được không, sau đó mới lựa chọn.

“Lựa chọn xong thì tiếp tục thuê công ty dịch vụ thẩm định giá của Sở Tài chính, Bộ Tài chính xem có sát với thị trường không hay là bịa? hay là chênh lệch nhiều quá lại thất thoát của Nhà nước. Khi có được giá thẩm định thì chủ đầu tư lại phải tiếp tục đấu thầu theo đúng luật đấu thầu, chứ không phải cứ thế là làm.

Có tất cả những cái đó mới trình lại các sở, ngành thẩm định. Khi được thành phố phê duyệt thì mới có thể làm. Chứ không phải cứ như ở nhà, phiên phiến mà làm là không được.Và cũng không phải cứ cầm đồng vốn của dân rồi làm bậy được. Tham nhũng để đi tù à?” – ông Cường cho biết.

Theo ông Cường, khoản chi phí đắt nhất trong công trình nhà vệ sinh là vỏ và thiết bị vệ sinh, chiếm khoảng 60 – 70% chi phí dự toán. Tuy nhiên, là nhà vệ sinh nhưng cũng phải có phòng cho người ngồi quản lý, lo việc dọn dẹp nhà vệ sinh.

“Nhà vệ sinh này cũng giống những nhà vệ sinh mà các nơi khác đã làm như Đà Nẵng hay TP.HCM. Tuy nhiên nhiều người không hiểu nên cứ nghĩ là đắt. Thử hỏi nhà vệ sinh mà không có điện hay nước thì có chịu được không?” – ông Cường bức xúc.

Duyên Duyên. Ảnh minh họa

1 nhận xét: