(PetroTimes) – Là một vị tướng tài ba, tên tuổi vang danh khắp trong và ngoài nước nhưng cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại bị… bỏ quên trong chương trình sách giáo khoa lịch sử ở tất cả các cấp học, dù chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu vẫn luôn được nhắc đến!
SGK lịch sử đã "bỏ quên" vị Đại tướng tài ba thay đổi vận mệnh dân tộc
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, để lại sự xúc động mạnh mẽ đối với hàng triệu đồng bào. Với dân tộc, ông không chỉ là một vị tướng tài mà còn là một tấm gương về lòng yêu nước, sự giản dị và đức hi sinh. Ông chính là những bài học lịch sử gần gũi và sinh động nhất. Đối với tất cả người dân Việt Nam, Đại tướng đã được tôn lên hàng Thánh nhân!
Nhìn dòng người lặng lẽ nối tiếp nhau, chờ đợi hàng giờ đồng hồ và bàn tay chắp lại đầy thành kính để cúi mình trước di ảnh Đại tướng, nhìn những người già, người trẻ, những người không quen biết nhau … đều rơi nước mắt đưa tiễn Người… Chỉ chừng ấy thôi đã đủ khẳng định Đại tướng Võ Nguyên Giáp là con người vĩ đại đến nhường nào.
Thế mà, nhân vật lịch sử rất đặc biệt này lại không hề có mặt trong các sách giáo khoa (SGK) phổ thông. Cuộc kháng chiến chống Pháp, với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, rồi tới kháng chiến chống Mỹ kết thúc bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đều hiện diện trong SGK. Nhưng tên tuổi, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh quân đội đã có những đóng góp quan trọng trong các chuỗi sự kiện lịch sử ấy, lại hoàn toàn vắng bóng!
Cụ thể, trong SGK Lịch sử lớp 9, phần sử Việt Nam có 21 bài, trong đó có bài: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (1953-1954) ở trang 119, có nêu diễn biến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng không một dòng nào nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tương tự, trong SGK Lịch sử lớp 12, bài 20 với cũng nội dung trên, dù nêu chi tiết hơn về diễn biến trận đánh Điện Biên Phủ cũng không một lần nhắc tên nhân vật lịch sử Võ Nguyên Giáp.
Thậm chí, ở cấp tiểu học, phần sử trong sách Lịch sử và Địa lý 5, từ bài 1 đến bài 6 là những bài học về nhân vật lịch sử như: Trương Định, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu… nhưng cái tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng hoàn toàn vắng bóng?
Có thể khẳng định đây là thiếu sót lớn của đội ngũ soạn và thẩm định SGK của Bộ GD-ĐT và tạo ra “lỗ hổng” nghiêm trọng trong chương trình kiến thức phổ thông. “Lỗ hổng” ấy, xuất phát từ nhiều nguyên nhân lịch sử, cho thấy một lối biên soạn SGK có nhiều khiếm khuyết, xa rời thực tế, vô trách nhiệm
Cho dù có biện hộ rằng những người tham gia công tác soạn và thẩm định chương trình sách giáo khoa lịch sử “thiếu hiểu biết” về lịch sử, “quên” việc tôn vinh một nhân vật vĩ đại, toàn đức toàn tài của lịch sử Việt Nam như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thế nhưng, nếu họ “thiếu hiểu biết”, thì nhẽ ra những vị giáo sư đầu ngành “đầu râu tóc bạc” phải sửa sai, hoặc chí ít các vị lãnh đạo của Bộ cũng phải nhìn ra "lỗ hỏng" đấy. Nhưng tiếc thay, họ lại có “tư duy” giống hệt nhau, cũng chỉ là những người có chữ, chứ không hề có tầm nhìn văn hóa, không chịu khó tư duy!
Thiết nghĩ, qua những thiếu sót mang tính phản lịch sử này, Bộ GD-ĐT cần phải xem lại “chất lượng” đội ngũ soạn và thẩm định SGK của mình. Chúng ta cần lắm những con người có đức, có tâm khi đưa kiến thức lịch sử đến với giới trẻ, để tình trạng “biết sử Tàu nhiều hơn sử Việt” không còn, để giới trẻ Việt Nam thêm hiểu, thêm thấm thía sự đấu tranh, hi sinh của cha anh đi trước và để những con người làm nên lịch sử không bị lãng quên… Và nếu có ai đó vẫn cứ thản nhiên trước sự thiếu sót này thì cũng chỉ là một loại… phản động mà thôi.
Phó GS Lê Mậu Hãn: Việc SGK lịch sử cấp phổ thông không nhắc đến chiến công và cuộc đời sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tổng tư lệnh tài ba xuất chúng của Quân đội nhân dân Việt Nam, người làm nên lịch sử, thay đổi vận mệnh lịch sử dân tộc là một sai lầm rất lớn. Có lẽ các nhà làm sử, viết sử ở ta quen với việc viết về quá khứ mà bỏ quên mất những con người ở thì hiện tại. Ngoài đại tướng ra, sách sử cũng đã bỏ quên một vài vị tướng tài đáng được nêu danh nữa. Cá nhân tôi cho rằng, nên và cần sửa sai ngay lập tức. Chúng ta cần đưa những thông tin về tài thao lược của đại tướng cũng như lòng yêu nước, sự giản dị và đức hi sinh của ông để mọi thế hệ học sinh đều được học. Sách giáo khao sẽ được đổi mới vào năm 2015, đây là cơ hội tốt để các nhà viết sách lịch sử có thể sửa chữa sai lầm…
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ: Quả là thiếu sót lớn và cần bổ sung trong thời gian sớm nhất. Chúng ta cần đưa những thông tin về tài thao lược của đại tướng cũng như lòng yêu nước, sự giản dị và đức hi sinh của ông để mọi thế hệ học sinh đều được học. Đó là tấm gương lớn mà thế hệ trẻ Việt Nam cần học và làm theo.
Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Đinh Xuân Lâm: Việc này thể hiện sự thiếu tôn trọng lịch sử. Bởi đứng về mặt khoa học lịch sử thì nhiệm vụ và mục tiêu cần làm là nêu đúng, nêu đủ những nhân vật lịch sử quan trọng, có tầm ảnh hưởng to lớn, những người có công lao và sự đóng góp to lớn vào vận mệnh lịch sử. SGK càng cần phải có trách nhiệm làm rõ sự kiện lịch sử, khôi phục tái hiện sự kiện lịch sử một cách chân thực nhất, không được nói sai, bóp méo sự kiện. Mục tiêu dạy lịch sử cũng là nhắc lại những tấm gương lớn, có ảnh hưởng lớn tới vận mệnh lịch sử, từ đó giáo dục thế sau cần phải sống và làm việc ở hiện tại sao cho xứng với xương máu của những người đã ngã xuống, làm nên lịch sử dân tộc.
Cô Nguyễn Thị Hồng Thanh – giáo viên Sử trường chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương: Trong SGK không nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng hầu hết nhưng giáo viên dạy Sử trong các bài giảng về những chiến công lẫy lừng của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó tiêu biểu là chiến thắng Điện Biên Phủ - chấn động địa cầu đều nhắc đến Đại tướng. Cuộc đời, sự nghiệp cũng như tài thao lược của Đại tướng đều được các cô đưa vào bài giảng truyền dạy tới các em học sinh.
|
Nhóm PV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét