Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

“Phản pháo” đại gia Huỳnh Uy Dũng

“Phản pháo” đại gia Huỳnh Uy Dũng
UBND tỉnh Bình Dương cho rằng ông Huỳnh Uy Dũng đã tự ý phân lô bán nền một khu đất rộng 61,5 ha thuộc KCN Sóng Thần 3 do đại gia này làm chủ đầu tư
Sáng 24-10, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cùng đại diện một số sở, ngành đã gặp gỡ báo chí để thông tin về vụ ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam (TP Thủ Dầu Một), tố cáo ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Võ Văn Lượng (đứng), Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định:
“UBND tỉnh không phê duyệt quy hoạch 1/500 của chủ đầu tư vì không có thẩm quyền…”
“Con đường tất yếu dẫn đến phá sản”
Ông Dũng được xem là “cha đẻ” của mô hình KCN trên cả nước. Những năm 1990 -1993, ông Dũng xin được thực hiện thí điểm xây dựng KCN Bình Đường, tiếp theo là KCN Sóng Thần 1 - hai KCN đầu tiên ở nước ta.
Theo tố cáo của ông Dũng, năm 2004, UBND tỉnh Bình Dương nợ Bộ Tài chính hơn 1.000 tỉ đồng. Trước sự kêu gọi của Bình Dương, ông huy động nhiều nguồn vốn và thế chấp tất cả tài sản cho ngân hàng để vay tiền đưa cho tỉnh và nhận lại 553 ha đất trong Khu Liên hợp Công nghiệp dịch vụ và đô thị Bình Dương.

Theo quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000 của KCN Sóng Thần 3, KCN có 319,7 ha dành cho xây dựng nhà máy, xí nghiệp và 71,3 ha làm khu hành chính - dịch vụ - kho bãi cùng khu ở (61,5 ha). Phần còn lại là đất xây dựng công trình kỹ thuật, đường giao thông và cây xanh.

Cũng theo đơn tố cáo thì năm 2009, sau khi đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện dự án KCN Sóng Thần 3, ông Lê Thanh Cung (lúc này là phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh) ký văn bản có nội dung: “Trong quá trình lập và chờ cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của khu hành chính - đất ở, không cho phép chuyển nhượng khu đất ở 61,5 ha dưới bất cứ hình thức nào”.

Trước yêu cầu của ông Cung, ông Dũng đã trình quy hoạch 1/500 nhưng 4 năm trôi qua mà quy hoạch vẫn bị ngâm. Theo ông Dũng, lý do chờ quy hoạch chỉ là hình thức, bản chất là không cho doanh nghiệp chuyển nhượng quyền sử dụng đất và xây dựng khu chức năng bởi ông Cung hiểu rõ không chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì doanh nghiệp không thể trả nợ ngân hàng và không xây dựng khu chức năng thì không thể cho thuê đất trong KCN. “Đây là con đường tất yếu dẫn đến phá sản” - đơn tố cáo của ông Dũng nêu.

Phá vỡ quy hoạch chung

Ông Võ Văn Lượng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, cho biết quy hoạch 1/500 mà công ty của ông Dũng đề xuất không được phê duyệt vì không thuộc thẩm quyền của tỉnh. Tỉnh đã họp bàn và thấy quy hoạch này là không cần thiết vì phá vỡ quy hoạch cũ và quy hoạch chung nên không đề xuất lên cấp trung ương xem xét.

Về việc quy hoạch 1/500 phá quy hoạch 1/2.000 phê duyệt năm 2006 như thế nào, theo Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, quy hoạch mới mà ông Dũng đề xuất cho thấy đã tách KCN Sóng Thần 3 ra thành 2 dự án: Khu đô thị Đại Nam và KCN Sóng Thần 3.

Theo đại diện Sở Xây dựng, việc “đẻ” ra khu đô thị Đại Nam là cách ông Dũng hợp thức hóa việc phân lô bán nền. Cụ thể hơn, theo quy hoạch 1/2.000 đã phê duyệt thì 61,5 ha này là đất dành để xây nhà lưu trú cho công nhân, chuyên gia, nhân viên KCN. Tuy nhiên, theo ông Lê Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đúng vào thời gian đất đai “nóng” (năm 2007-2008), ông Dũng đã phân lô bán nền trên diện tích này.

Theo ông Lượng, việc phân lô bán nền nói trên đã được công an tỉnh điều tra và Sở Xây dựng cùng các ngành chức năng cũng đã tìm hiểu. Báo cáo kết quả kiểm tra dự án KCN Sóng Thần 3 của Sở Xây dựng vào tháng 10-2009 cho biết Công ty Đại Nam đã thỏa thuận góp vốn với 700 nhân viên tương ứng với 2.630 lô đất, thu được 414,364 tỉ đồng (diện tích đất ở đưa vào góp vốn là 32,356 ha). Thực chất của việc góp vốn là chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo từng lô, trái với chỉ đạo của tỉnh.

Về việc tại sao tỉnh Bình Dương và Sở Xây dựng không trả lời bằng văn bản để chủ đầu tư chờ đợi mỏi mòn, ông Cường cho biết sở vừa rà soát lại tất cả văn bản lưu nhưng không thấy văn bản nào trả lời Công ty Đại Nam về việc không chấp thuận đề xuất quy hoạch 1/500. “Nếu không thông báo, trả lời cho công ty bằng văn bản mà cũng không thông báo bằng các hình thức khác thì có phần thiếu sót” - ông Cường nói.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều cùng ngày, ông Lê Thanh Cung khẳng định: “KCN Sóng Thần đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch 1/2.000 rồi nên quy hoạch 1/500 là không cần thiết”. Trong khi đó, ông Dũng vẫn khẳng định: “Tất cả hệ thống quy hoạch 1/500 không phá vỡ cái gì của quy hoạch 1/2.000 hết, đều có diện tích 61 ha. Đất này đã được cấp sổ đỏ rồi. Sổ đỏ vị trí nào giờ nằm ngay vị trí đó, không có gì thay đổi hết”.
Diễn biến sự việc
Tháng 3-2006, Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu Liên hợp Công nghiệp dịch vụ và đô thị Bình Dương (trong đó có KCN Sóng Thần 3). Tháng 6-2006, UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000 đối với KCN Sóng Thần 3. Từ năm 2007 đến 2008, chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 phân lô bán nền trong phần đất ở 61,5 ha thuộc KCN này.
Đến tháng 10-2009, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ký văn bản nghiêm cấm việc chuyển nhượng, đồng thời yêu cầu lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của khu đất 61,5 ha. Từ tháng 10-2009 đến năm 2012, chủ đầu tư xin tách KCN Sóng Thần 3 thành khu đô thị Đại Nam và KCN Sóng Thần kèm quy hoạch 1/500.

NHƯ PHÚ


  • Phan Hà Khoa
    35Thích  
    24/10/2013 22:48
    "Không có bữa trưa nào miễn phí" cái giá cho sự thỏa hiệp ...... thỏa hiệp là vậy tại thời điểm này sẽ là thế này, và thời điểm khác sẽ là như thế đó... thỏa hiệp thì làm gì có cơ sở vững chắc, thỏa hiệp không dựa trên lòng tin và thỏa hiệp khi mà nhóm lợi ích có toan tính thì tiền sẽ chỉ là phương tiện cần nhưng chưa chắc đủ. Ông Uy Dũng đã thất thế khi "Vận" may đã mất dần...lúc này vận quyết định nhiều chứ chữ tài là thứ yếu.
  • Sa Tang
    114Thích  
    24/10/2013 22:55
    Nghèo không đấu với giàu. Giàu không nên đấu với Quan. Kết quả đã hiểu.
  • Trần Sơn
    73Thích  
    24/10/2013 23:30
    Trở thành đại gia nhờ đất và cơ chế thì nhận lại rắc rối cũng từ những thứ đó. Luật Nhân - Quả đúng cho mọi đối tượng.
  • huy phong
    3Thích  
    25/10/2013 00:52
    Đề nghị báo Người Lao Động xoáy vào các chi tiết: 1) ông Dũng nói khu 61ha đã được cấp sổ đỏ. Có đúng thế không? Ai cấp? Nếu đúng thế, thì tại sao ông không được bán đất trong khu này? 2) Vì sao trong văn bản cấm chuyển nhượng (năm 2009) ông Lê Thanh Cung yêu cầu trình quy hoạch 1/500 nhưng không trả lời ông Dũng trong 4 năm qua, và bây giờ khi ông bị tố cáo thì tỉnh đưa ra đến 3 câu trả lời: "không thuộc thẩm quyền tỉnh" (nhưng tỉnh quyết định không trình trung ương xem xét), "không cần thiết" , "1/500 phá vỡ quy hoạch".
  • Hoang huy
    10Thích  
    25/10/2013 05:27
    “Nếu không thông báo, trả lời cho công ty bằng văn bản mà cũng không thông báo bằng các hình thức khác thì có phần thiếu sót”. Ông Cường nói sao mà nghe nhẹ nhàng và đơn giản qua vậy?
  • Lan
    6Thích  
    25/10/2013 06:12
    @ Sa Tang: Thật, giả khôn lường. Đừng vội kết luận.
  • Phạm Nguyên Khang
    3Thích  
    25/10/2013 07:02
    Hãy chờ xem tiếp theo sau là gì!
  • daotham
    8Thích  
    25/10/2013 08:12
     Dự án khu đô thị chưa được cấp phép đã bán cho nhân viên, khách hàng. Vậy khách hàng góp vốn với ông thì yên tâm rồi đến nhà đại gia mà lấy iền về.
  • Thanh
    5Thích  
    25/10/2013 08:34
    Ăn may nhờ chính sách thành đại gia nhưng bây giờ thì sắp hết thời rồi. Sau này còn nhiều đại gia nhờ cơ chế chết nữa nè
  • kyky
    16Thích  
    25/10/2013 08:40
    99,99% đại gia Việt Nam là liên quan đến đất, toàn giàu lên là do phân lô bán nền, từ đất ruộng giá vài chục triệu một công chuyển sang vài triệu một mét vuông thì quả là siêu lợi nhuận
  • Xuân Thời
    10Thích  
    25/10/2013 08:47
    Đất đai, rừng núi là tài sản của Quốc Gia có luật quy định hẳn hoi...ấy thế mà các địa phương cứ đễ cho các Đại Gia thao túng rồi thưa kiện nhau.
  • lebinh
    7Thích  
    25/10/2013 09:00
    Cho rằng DN sai nhưng vẫn ngâm đó, không trả lời bằng văn bản có ý định gì? Chỉ là thiếu sót thôi sao
  • hamilton
    4Thích  
    25/10/2013 09:05
    "Kẻ nào chơi kiếm cúng sẽ đứt tay vì kiếm"
  • tính
    7Thích  
    25/10/2013 09:10
    Sở không có công văn nào trả lời là một thiếu sót. Nhận thiếu sót sao nghe nhẹ quá. Nhẹ như là "mới về 3 năm chưa nắm rõ vấn đề này" (giám đốc và phó giám đốc sở trả lời trên số đăng trước) vậy. Đại gia và quan chức đấu nhau như vậy, thử hỏi là dân thường thì sao?
  • Quang
    5Thích  
    25/10/2013 09:28
    “Nếu không thông báo, trả lời cho công ty bằng văn bản mà cũng không thông báo bằng các hình thức khác thì có phần thiếu sót”. Trả lời theo kiểu huề cả làng.
  • Hải Sùi
    1Thích  
    25/10/2013 09:41
    Dù ở bất kỳ nơi nào cũng phải tuân thủ luật pháp của Nhà nước ban hành, đừng vì cậy quan hệ với bên trên mà coi thường chính quyền địa phương.
  • mèo đen
    3Thích  
    25/10/2013 09:53
    Đại gia Huỳnh Uy Dũng sai rồi. Miệng nói làm khu công nghiệp nhưng chia đất xây nhà ở .
  • nhân dân
    6Thích  
    25/10/2013 10:02
    Các bác cứ thấy người giàu thì ý kiến, ghen ghét rồi phán luật nhân quả là thế nào, không giàu được như người ta thì gen tức hay sao, ở đây có bác nào dám nói là mình chưa từng đi tới KDL Đại Nam của ông Dũng chưa mà giờ gen tức, không biết rõ sự việc thì đừng nên phán như đúng rồi, vậy chứ tôi hỏi các bác nếu như là ông Dũng đúng thì UB tỉnh có dám nhận sai không? hay vẫn đá trách nhiệm,nếu thấy không đúng thẩm quyền hay bản quy hoạch sai thì sao không trả lời lại cho DN biết mà ngâm đến mấy năm như vậy, đến khi bị kiện thì đổ đủ thứ lỗi cho DN, tôi chưa bao giờ thấy có cơ quan nhà nước nào làm sai mà dám nhận lỗi hết, chỉ biết họp báo rồi đá trách nhiệm thôi.Cứ để Thanh tra CP vào cuộc rồi hãy nói.
  • tí toét
    3Thích  
    25/10/2013 10:31
    Giàu nhờ "cơ chế", thì bây giờ phải chịu mất vì cơ chế đó. Thôi coi như "của Thiên trả Địa", than gì ông ơi!
  • Nuyễn NHư Mộng
    6Thích  
    25/10/2013 10:55
    Tỉnh Bình Dương làm như vậy là đúng, không vì lợi ích của giới tài phiệt mà ký bừa ký đại, nhập nhằng khu công nghiệp và đất phân lô để bán.  Hoan hô Bình Dương đã dám đấu tranh chống lại lợi ích khủng của một nhóm đại gia. Làm giàu trên đất đai của người dân không dễ trôi, của Seda sẽ lại phải trả cho seda thôi. Tuy nhiên Tỉnh Bình Dương cũng phải rút kinh nghiệm về điều hành, quản lý và thủ tục hành chính không nên câu dầm, ngâm cứu để hành doanh nghiệp.
  • Bạn đọc
    4Thích  
    25/10/2013 11:20
    Đất khu công nghiệp nhưng lại phân lô bán nền rồi lại đề nghị tỉnh phải điều chỉnh theo yêu cầu của mình. Tỉnh Bình Dương cũng hiểu thế lực của ông nên mới nấn ná đến giờ này, còn bây giờ thì đã phơi bày, xử lý ra sao thì còn phải đợi. Nói chung lất đất của dân đền bù dưới hình thức này, sau đó lại phân lô bán nền là chuyện thường ngày ở huyện thôi. Tội người dân, nhất là nông dân...
  • KHU CÔNG NGHIỆP KHÔNG THỂ LÀ KHU DÂN CƯ VÀ NGƯỢC LẠI !
    3Thích  
    25/10/2013 12:53
    Ai cũng hiểu " Đã Quy hoạch là khu Công nghiệp thì không thể có khu Dân cư lồng ở trong đó, đó là bất luận" chắc ông Dũng đã 'Nhầm" nên mới ra nông nỗi này . Ở đời Đại gia giầu có do Quý nhân phò trợ, gặp thời, may mắn không qua quy luật chọn lọc và đào thải thì gặp nạn là bình thường thôi mà.
  • Hại Điện
    1Thích  
    25/10/2013 13:29
    Những năm 2007-2008 đất đai đang sốt. Đại gia nghĩ kế phân lô bán nền trên đất quy hoạch KCN thu được hơn 400 tỉ mặc dù lãnh đạo tỉnh đã có ý kiến cấm bán nền (bút phê). Năm 2009, để hợp lý hóa hơn 2000 nền đất đã bán, đại gia xin tách 2000 nền đất ra khỏi KCN nhưng lãnh đạo tỉnh không đồng ý (họp và có nghị quyết hẳn hoi). Năm 2013 đại gia túng tiền bèn nghĩ kế hiểm "kiện để hợp lý hóa" số nền đất trên chứ lấy tiền đâu trả lại 2000 nền đất kia. Cái hiểm của đại gia là "chuyển cái sai của mình thành cái sai của lãnh đạo"....Ai mua đất rồi mà không có sổ đỏ cứ đến đòi lãnh đạo nhé, tiền đại gia tiêu rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét